Trung Quốc: 2,1 tỷ lượt di chuyển trong dịp Tết, nhiều lần từ chối vắc-xin Mỹ

Nỗi lo sợ bao trùm thế giới khi làn sóng Xuân vận (di chuyển trong dịp tết) của người Trung Quốc (từ ngày 7/1 – 15/2) có thể kích hoạt làn sóng lây lan mới của dịch bệnh. Dù vậy, phía Trung Quốc đã nhiều lần từ chối đề xuất viện trợ vắc-xin của Mỹ.

Sân bay Tứ Xuyên Trung Quốc. (Nguồn: B.Zhou/ Shutterstock)

Tết Âm lịch năm 2023 rơi vào ngày 22/1. Nhiều người lo ngại rằng lượng người di chuyển lớn trong dịp tết này sẽ khiến cơn sóng thần dịch bệnh chưa từng có gần đây ở Trung Quốc trở nên dữ dội hơn, đặc biệt ở các vùng nông thôn với điều kiện y tế hạn chế.

Ông Từ Thành Quang (Xu Chengguang), Thứ trưởng Bộ Giao thông của Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 6/1 rằng lưu lượng hành khách trong dịp tết năm nay sẽ đạt 2,095 tỷ lượt người, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ông nói rằng mùa du lịch tết năm nay trùng với cao điểm của dịch bệnh nên thách thức rất lớn. Cơ quan chức năng kêu gọi người già, phụ nữ mang thai, trẻ em và các nhóm mắc bệnh mãn tính khác “đi lại lành mạnh và hợp lý” để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Washington nhiều lần đề nghị giúp đỡ, Bắc Kinh kiên trì chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin

Một số quan chức Mỹ nói với Bloomberg, Mỹ đã nhiều lần truyền đạt tới Trung Quốc rằng họ sẵn sàng cung cấp vắc-xin mRNA và các hỗ trợ khác thông qua các kênh tư nhân, thậm chí còn đề xuất một phương thức cung cấp vắc-xin gián tiếp nhằm giảm bớt sự nhạy cảm chính trị của Trung Quốc trong việc chấp nhận viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, các quan chức ĐCSTQ lấy lý do chính phủ đã kiểm soát được tình hình và đã từ chối ‘cành ô liu’ từ Mỹ.

Theo báo cáo, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink và Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Laura Rosenberger, trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ, đồng thời đề xuất kiến nghị với phía Trung Quốc thông qua các quan chức và trung gian y tế cộng đồng.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ gần đây, rằng Trung Quốc đang thúc đẩy tiến hành các mũi tiêm chủng tăng cường một cách có trật tự, các loại thuốc và thuốc thử xét nghiệm nhìn chung có thể đáp ứng nhu cầu. Trong một cuộc họp báo hôm 5/1, ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, đã phản bác tuyên bố rằng vắc-xin Trung Quốc không hiệu quả.

Cho đến nay, chưa có loại vắc-xin COVID-19 nào do Trung Quốc sản xuất được cập nhật để nhắm mục tiêu vào chủng Omicron đột biến, cộng đồng y tế quốc tế cũng cho rằng vắc-xin bất hoạt của Trung Quốc kém hiệu quả hơn nhiều so với vắc xin mRNA do các nước phát triển như Mỹ nghiên cứu sản xuất.

Ngoài Mỹ, Trung Quốc cũng từ chối lời đề nghị cung cấp vắc-xin của Đức và Đài Loan. Sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn bày tỏ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết trong bài phát biểu năm mới, ông Vương Tất Thắng (Wang Bisheng), chỉ huy Trung tâm chỉ huy dịch bệnh của Đài Loan, cho biết vào ngày 5/1 rằng gần đây, phía Đài Loan một lần nữa đã bày tỏ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ vắc-xin và thuốc cho Trung Quốc, nhưng không nhận được hồi đáp.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Jude Blanchette, chủ tịch Viện nghiên cứu Trung Quốc Freeman tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đã chỉ trích ĐCSTQ nhấn mạnh vào cái gọi là “ưu việt chế độ”, “Ngay cả khi đối mặt với sự bùng nổ các ca nhiễm mới, Bắc Kinh vẫn nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin, quyết định này chắc chắn sẽ dẫn đến những cái chết không cần thiết.” 

Mỹ tăng cường kiểm tra sân bay nội địa

Bắt đầu từ ngày 5/1, Mỹ yêu cầu du khách đến Mỹ từ Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao phải qua bước xét nghiệm virus corona mới trong vòng 2 ngày trước khi khởi hành và xuất trình giấy chứng nhận âm tính trước khi lên máy bay.

Ngoài ra, CDC Mỹ cũng tăng cường xét nghiệm tự nguyện cho hành khách tại các sân bay nội địa do thông tin liên quan từ Trung Quốc là không đầy đủ và minh bạch. Bà Katelyn Jetelina, nhà tư vấn và nhà dịch tễ học của CDC Mỹ, nói với hãng tin AP rằng: “Chúng tôi không thể kiểm soát những gì đang xảy ra ở nơi khác. Những gì chúng tôi có thể kiểm soát là những gì đang xảy ra ở Mỹ.”

Cho đến nay, 7 sân bay ở Newark, Los Angeles, San Francisco, Seattle, JFK ở New York, Dulles ở Washington, D.C. và Atlanta đã tham gia vào hệ thống cảnh báo sớm của CDC Mỹ để phát hiện các biến thể mới của virus. Hệ thống bắt đầu hoạt động hơn một năm trước khi biến thể Omicron bắt đầu xuất hiện tại Mỹ. Kể từ khi các ca nhiễm bệnh gia tăng ở Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, hệ thống này đã mở rộng để bao phủ khoảng 500 chuyến bay từ ít nhất 30 quốc gia, hơn một nửa trong số đó là từ Trung Quốc và các vùng lân cận.

CDC Mỹ cho rằng dự án có thể phát hiện các biến thể virus corona mới sớm nhất có thể. Dự án đã phát hiện các biến thể BA.2 và BA.3 của Omicron và báo cáo chúng cho cơ sở dữ liệu toàn cầu sớm hơn các dự án khác vài tuần. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng quy mô giám sát 7 sân bay trên là không đủ để phát hiện các chủng biến thể.

Ước tính rằng khoảng 10% hành khách sẽ thực hiện xét nghiệm tự nguyện và CDC sẽ thu thập mẫu của họ để xét nghiệm axit nucleic (PCR), trong đó các mẫu dương tính sẽ được giải trình tự gen và sẽ phân phát bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 tại nhà miễn phí cho tình nguyện viên.

Một số nhà nghiên cứu đang kêu gọi bước tiếp theo là mở rộng việc sử dụng một chiến lược phòng chống dịch bệnh bổ sung: Kiểm tra sàng lọc nước thải nhà vệ sinh máy bay đến các sân bay, để có thể nắm được thông tin trực tiếp về việc liệu các biến thể virus mới có xuất hiện hay không.

Một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái trên tạp chí Môi trường Quốc tế (Environment International) lập luận rằng xét nghiệm nước thải máy bay “có thể cung cấp một công cụ hiệu quả bổ sung”, để theo dõi virus xâm nhập vào một quốc gia. Gần đây, Canada cũng tuyên bố mở rộng dự án thí điểm kiểm tra nước thải, Bỉ cho biết sẽ kiểm tra nước thải từ các chuyến bay từ Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu cho rằng dịch bệnh hiện nay ở Trung Quốc là do biến thể BF.7 của Omicron, rất giỏi trốn tránh khả năng miễn dịch. Theo dữ liệu của CDC Mỹ, biến thể BF.7 chiếm khoảng 2% trong khi biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron chiếm hơn 40% các ca nhiễm ở Mỹ. Các nhà nghiên cứu đang chú ý đến việc liệu XBB có xuất hiện với số lượng lớn ở Trung Quốc hay không, và tác động toàn cầu của nó.

Đài Loan phát hiện du khách Trung Quốc mang 3 chủng đột biến, 8% du khách Trung Quốc đến Nhật Bản dương tính

Cho đến nay, ít nhất 14 quốc gia, bao gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Malaysia và Ấn Độ, đã bắt đầu nâng cấp các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi nhập cảnh.

Theo Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin, bắt đầu từ ngày 1/1, Đài Loan sẽ thực hiện xét nghiệm PCR nước bọt của hành khách trên 4 chuyến bay thẳng từ Trung Quốc trong vòng 1 tháng. Người phát ngôn Trung tâm chỉ huy dịch bệnh Đài Loan, ông Trang Nhân Tường cho biết việc giải trình tự gen của các trường hợp được xác nhận lây nhiễm trong ngày đầu tiên nhập cảnh đã hoàn tất và đã tìm thấy 3 chủng đột biến là BA.5.2, BF.7 và một phần nhỏ của BA.5.1.

Trung này thông báo, ngoài việc duy trì chính sách hiện tại không cho mở cửa đối với khách du lịch Trung Quốc đến Đài Loan, “Chuyên án Tăng cường kiểm dịch đối với hành khách đi máy bay Trung Quốc” sẽ được triển khai vào tháng 1, nhắm mục tiêu đến hành khách đi 4 chuyến bay trực tiếp từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô và Hạ Môn, cũng như Kim Mã – Tiểu Tam Thông, khi nhập cảnh vào Đài Loan, tại sân bay hoặc cảng phải kiểm tra PCR nước bọt để phát hiện chủng đột biến tại Trung Quốc.

Từ ngày 1/1 đến ngày 4/1, Đài Loan đã tiến hành 3.999 xét nghiệm PCR nước bọt, trong đó có 825 kết quả dương tính, chiếm khoảng 20%.

Ngày 6/1, Kyodo News dẫn lời Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 5/1, có 4.895 người đã được xét nghiệm và 408 người trong số đó có kết quả dương tính, chiếm khoảng 8%.

Từ ngày 30/12 năm ngoái, Nhật Bản đã triển khai xét nghiệm nhập cảnh đối với hành khách Trung Quốc, bao gồm cả những người có lịch sử đến Trung Quốc trong vòng 7 ngày, đồng thời tiến hành phân tích bộ gen của virus. Những người dương tính cần ở lại các cơ sở được chỉ định trong 7 ngày, và 5 ngày đối với những người không có triệu chứng.

Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 8/1 khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn, Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp như yêu cầu hành khách bay thẳng từ Trung Quốc phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.

Tiêu Nhiên

Published by
Tiêu Nhiên

Recent Posts

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…

6 phút ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

6 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

7 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

7 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

8 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

9 giờ ago