Thuốc Remdesivir của công ty dược phẩm Gilead (Mỹ) có công dụng phòng ngừa và điều trị virus corona, nhưng do chưa chiêu mộ đủ số người đủ điều kiện tham gia thử nghiệm nên hoạt động thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc tiến triển chậm hơn dự kiến.
Theo VOA (Tiếng nói nước Mỹ), Gilead đang hợp tác với Trung Quốc để sử dụng thuốc Remdesivir trong thử nghiệm lâm sàng đối với bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ do virus corona chủng mới (COVID-19). Công ty Gilead cung cấp cho Trung Quốc thuốc Remdesivir dùng cho “500 bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng”. Công ty cho biết, nhóm bệnh nhân đầu tiên đã tham gia thử nghiệm vào ngày 6/2 với mục tiêu xác định tính an toàn và hiệu quả của thuốc Remdesivir trong điều trị virus corona chủng mới.
Một người đàn ông người Mỹ 35 tuổi đã bị nhiễm ‘viêm phổi Vũ Hán’ trong vòng một ngày sau khi được tiêm thuốc Remdesivir của công ty Gilead thì các triệu chứng bệnh đã được cải thiện mà không có tác dụng phụ nổi bật nào.
Trong một thông tin do Tạp chí Khoa học (Science) của Anh đưa tin hôm 27/1 đã đề cập đến khả năng đầy hứa hẹn của Remdesivir trong chống lại virus corona chủng mới.
Một báo cáo nghiên cứu gần đây do Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (National Institute of Allergy and Infectious Disease) thuộc Viện Y tế Quốc gia (National Institute of Health) của Mỹ, phối hợp cùng công ty Gilead và một số tổ chức nghiên cứu chuyên ngành khác ở Mỹ đã chỉ ra, thuốc Remdesivir có hiệu quả đáng kể trong điều trị Hội chứng hô hấp Trung Đông do virus corona (MERS Virus corona), có nhiều điểm tương đồng với COVID-19, đặc biệt hiệu quả của thuốc không chỉ trong điều trị bệnh nhân nhiễm virus mà còn trong phòng ngừa từ khi chưa bị nhiễm.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, hôm 6/2 Bệnh viện Kim Ngân Đàm (Jinyintan) ở Vũ Hán đã khởi động dự án “Nghiên cứu Remdesivir điều trị nhiễm COVID-19”.
Có nguồn tin dẫn ý kiến công ty Gilead cho biết hoạt động thử nghiệm lâm sàng được điều phối bởi Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản (China-Japan Friendship Hospital). Bệnh nhân được chia thành hai nhóm, một nhóm nghiêm trọng, nghĩa là bệnh nhân phải dùng hỗ trợ thở oxy; nhóm còn lại là những bệnh nhân nhẹ hơn không phải hỗ trợ thở oxy. Người bệnh được tiêm thuốc vào tĩnh mạch trong khoảng thời gian 10 ngày.
Hôm 6/2, giáo sư Tào Bân (Cao Bin) là phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản, cũng là chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp, đã đăng ký thử nghiệm lâm sàng này trong Cơ sở Dữ liệu Y tế Quốc gia Mỹ, theo thông tin đăng ký của ông thì vào ngày đầu tiên trị liệu, bệnh nhân đã được tiêm 200mg Remdesivir, trong 9 ngày tiếp theo mỗi ngày tiêm 100mg.
Để đảm bảo tính khách quan và chính xác của thử nghiệm, trong thời gian thử nghiệm lâm sàng thì không ai trong số những người tham gia vào hoạt động thử nghiệm (bệnh nhân, nhân viên y tế, người nghiên cứu phân tích, người kiểm nghiệm kết quả cuối cùng) biết bệnh nhân nào được tiêm thuốc Remdesivir.
Theo thông tin, dự kiến sẽ công bố “kết quả sơ bộ” vào đầu tháng Tư và “kết quả cuối cùng” vào đầu tháng Năm.
Tuy nhiên, có nguồn tin dẫn từ Tạp chí Phố Wall (WSJ) cho biết, tiến độ thử nghiệm lâm sàng đối với loại thuốc mới này ở Trung Quốc đã chậm hơn dự kiến vì không đủ người bệnh hợp quy chuẩn tham gia.
Ban đầu thử nghiệm lâm sàng dự định tuyển 761 bệnh nhân bị nhiễm virus, bao gồm 308 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và trung bình, và 452 bệnh nhân bị nhiễm nặng.
Nhưng trong buổi họp báo hôm 15/2, ông Chủ nhiệm Trung tâm Sinh vật của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc là Trương Tân Dân (Zhang Xinmin) cho biết, 11 cơ sở y tế ở Vũ Hán đã tuyển dụng tổng cộng 168 bệnh nhân nặng, 17 bệnh nhân nhẹ và trung bình, tổng số chưa đến 200 người.
Theo tiêu chí lựa chọn tuyển người tham gia, bệnh nhân nặng là bệnh nhân đã qua 12 ngày kể từ khi phát bệnh và trong 30 ngày không được điều trị gì, còn bệnh nhân nhẹ đến trung bình là bệnh nhân còn trong vòng 8 ngày kể từ khi phát bệnh. Tất cả ứng viên được tham gia phải cho kết quả xét nghiệm axit nucleic dương tính, chứng minh là người mang mầm bệnh COVID-19.
Tạp chí Phố Wall phân tích có hai lý do không đủ số lượng bệnh nhân thử nghiệm: (1) Hầu hết các ứng viên đã bị loại khỏi tiêu chí lựa chọn, bởi vì nhiều bệnh nhân Vũ Hán đã từng dùng thuốc khi điều trị tại nhà, trong đó có thuốc được truyền thông nhà nước Trung Quốc khuyên dùng; có những bệnh nhân trong khi chờ nhập viện đã tự uống theo đơn thuốc tham khảo trên mạng internet; (2) Có nhóm bệnh nhân có triệu chứng rõ ràng nhưng lại có kết quả xét nghiệm “âm tính” do khiếm khuyết xét nghiệm trong phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, hoặc họ không được kiểm nghiệm axit nucleic nên không thể được xem là bệnh nhân đã được xác nhận qua kiểm nghiệm.
Thông tin dẫn lời một phát ngôn viên của Gilead cho biết, hai nghiên cứu về các trường hợp nặng và nhẹ bắt đầu cách nhau khoảng một tuần, được phía bộ phận chuyên môn Trung Quốc thực hiện chứ không phải công ty Gilead. Vì vậy những thắc mắc về nghiên cứu này, tốt nhất để nhà nghiên cứu của Trung Quốc giải đáp.
Tuyết Mai
Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…