Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ khai mạc vào mùa thu năm nay, giới quan sát đang đặc biệt quan tâm những biến động trong hoạt động cải cách quân đội và cải cách thể chế giám sát. Nhiều dự đoán về tiền đồ các quan to liên quan đã được đưa ra, trong đó bao gồm: Vương Kỳ Sơn, Hoàng Kỳ Phàm, và Cổ Đình An.
Ngày 12/1 vừa qua, tờ Bowenpress đưa tin, theo thông báo số 1 của Quân ủy Trung ương Trung Quốc năm 2017, hiện đã có 47 tướng lĩnh cấp cao từ Trung tướng trở lên đã bị cho thôi chức; trong số này có 18 người đang làm nhiệm vụ, đáng chú ý là trong danh sách có tên của ông Cổ Đình An, người từng là Thư ký chính của ông Giang Trạch Dân. Trong những năm qua, nhiều tin xấu về ông Cổ Đình An đã được truyền ra.
Tờ Viêm Hoàng Xuân Thu kỳ 1/2015 từng bóng gió điểm danh ông Cổ Đình An có liên quan đến vụ án tham ô của cựu Phó Tư lệnh Hải quân Vương Thủ Nghiệp. Tờ báo ám chỉ ông Nghiệp thăng quan nhờ vào chỗ dựa đồng hương Hà Nam là ông Cổ Đình An (khi đó đang là Chủ nhiệm Văn phòng Quân ủy Trung ương). Đây cũng là thời điểm thanh trừng hai ông Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.
Cho dù sau đó bài viết trên Viêm Hoàng Xuân Thu đã bị gỡ bỏ, nhưng những thông tin xấu về ông Cổ Đình An liên tục được truyền ra vì quan to này có thời gian dài làm Thư ký chính của ông Giang Trạch Dân và có quan hệ “mờ ám” với ông Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.
Tờ Tranh Minh của Hồng Kông số tháng 11/2016 đưa tin, trong thời gian từ giữa tháng Chín đến giữa tháng Mười, quân đội Trung Quốc đã 5 lần tổ chức hội nghị cấp cao với chủ đề dọn sạch tàn dư của ông Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu. Sau khi kết thúc đợt hội nghị đã có 5 quan to đang làm nhiệm vụ bị “ngã ngựa”, bao gồm: Phó Chủ nhiệm Ban Công tác Chính trị Cổ Đình An, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lý Kế Nại, Bộ trưởng Tổng cục Hậu cần Liêu Tích Long, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Bí thư Ban Kỷ luật Quân ủy Trương Thụ Điền, và Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng Vương Hỉ Bân.
Ngày 17/8/2016, Nhật báo Đông Phương (Hồng Kông) nhận định, “Cổ Đình An bị thanh trừng là một cột mốc chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc”, bài viết cũng dẫn thông tin Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân đội Trung Quốc đã hoàn thành báo cáo về ông Cổ Đình An và giao cho Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.
Thông tin về Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn cũng là tâm điểm phân tích của giới quan sát. Nhiều nhận định từng cho rằng ông Vương Kỳ Sơn sẽ được giữ lại trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 19.
Gần đây Trung Quốc đã thực hiện thí điểm cải cách Ủy ban Giám sát Quốc gia, theo đó ông Vương Kỳ Sơn trở thành người cầm lái trong kế hoạch cải cách này. Qua thông tin, Ủy ban Giám sát Quốc gia và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương phối hợp cùng nhau trong thực hiện nhiệm vụ, về mặt cấp bậc quyền lực ngang hàng với Chính phủ và lưỡng viện (Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Tối cao), có nhận định không loại trừ việc ông Vương Kỳ Sơn sẽ kiêm luôn Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách Quốc gia.
Ngày 31/10 năm ngoái, ông Đặng Mậu Sinh (Deng Maosheng) (thành viên Tổ khởi thảo văn kiện Hội nghị toàn thể TW6 ĐCSTQ và Tuần tra viên Ban Điều tra Nghiên cứu Văn phòng Trung ương Trung Quốc) đã phát biểu trong một buổi họp báo cho biết, Hội nghị toàn thể TW6 có thảo luận thực tế bố trí nhân sự, theo đó vấn đề nghỉ hưu của lãnh đạo trung ương sẽ xử lý linh hoạt theo tình hình thực tế; cái gọi là quy định “7 lên 8 xuống” chỉ là tin đồn, không đáng tin cậy.
Đối với vấn đề này, nhiều phân tích cho rằng phát biểu của ông Đặng Mậu Sinh nhằm trải thảm giữ lại ông Vương Kỳ Sơn.
Ngày 30/12/2016, ông Hoàng Kỳ Phàm đã từ chức Thị trưởng thành phố Trùng Khánh. Kể từ đó, cho tới Hội nghị lần thứ 5 khóa 4 của Chính hiệp thành phố Trùng Khánh mới thấy ông Hoàng Kỳ Phàm xuất hiện, ngồi hàng thứ hai trên bục chủ trì, hình ảnh gây chú ý về hướng đi của ông này.
Nhiều cơ quan truyền thông hải ngoại chỉ ra, ông Hoàng Kỳ Phàm sẽ nhậm chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Đại biểu Nhân dân toàn quốc.
Trong khoảng gần 2 năm qua đã xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến việc thăng chức của ông Hoàng Kỳ Phàm. Theo đó cho thấy, ông này có thể sẽ vào ban lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh. Nhưng đến nay, thông tin này dường như không chính xác.
Có nhận định, trong quan trường Trung Quốc, những quan to địa phương nào bị bố trí đưa vào “viện dưỡng lão chính trị” đại biểu nhân dân có nghĩa là đã hoàn toàn về hưu.
Nhà bình luận chính trị Trung Quốc Lâm Bảo Hoa cho rằng ông Hoàng Kỳ Phàm xuất thân ở Thượng Hải, có liên quan đến việc tham ô của gia đình ông Giang Trạch Dân, mà người đứng sau chính là ông Giang.
Ngày 2/1, Đài Á châu Tự do (VOA) đăng bài viết của tác giả Khương Duy Bình (Jiang Weiping) là người dày dạn trong giới truyền thông, theo đó tác giả nhận định ông Hoàng Kỳ Phàm tư cách không tốt, là kẻ hay xua nịnh. Trong thời gian ông Bạc Hy Lai nắm quyền ở Trùng Khánh và phát động phong trào “ca hồng đánh đen” (ca ngợi tổ quốc, lãnh đạo Đảng và chủ nghĩa xã hội…), ông Hoàng Kỳ Phàm là trợ thủ đắc lực của ông Bạc. Sau khi ông Bạc “ngã ngựa”, ông Hoàng Kỳ Phàm không những dựa vào ông Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trương Đức Giang (phái Giang) mà còn nắm giữ 4 bí mật lớn của Trùng Khánh trong việc đối đầu với Trung ương.
Mộc Vệ (T/H)
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…