Thời gian gần đây, cảnh tượng “mặc áo len cho cây” xuất hiện ở nhiều nơi tại Trung Quốc thu hút nhiều người dân và du khách đến chụp ảnh lưu niệm. Tuy nhiên, cư dân mạng người Hoa chỉ trích đây là “xu hướng xa xỉ, lãng phí và hành động vong quốc“.
Gần đây, trào lưu “mặc áo len cho cây” đã lan rộng khắp Trung Quốc chỉ trong thời gian ngắn. Hàng cây dọc một số tuyến trong thành phố được khoác lên mình những chiếc áo len sặc sỡ, thu hút người dân và du khách đến chụp ảnh.
Được biết, ban đầu một công viên ở Bắc Kinh đã mặc những chiếc áo len nhiều màu cho những hàng cây trong ngõ, nhằm mục đích bảo vệ cây cối vào mùa đông, tạo bầu không khí và làm phong phú thêm cảnh quan đường phố.
Sau đó, động thái này đã thu hút các thành phố khác làm theo. Ngay cả tỉnh Quảng Đông, nơi có khí hậu ấm áp, cũng mặc áo len cho cây trên đường phố. Giới chức nói rằng “điều này đã nâng cao đáng kể tính nhân văn và ấm áp của xã hội”, nhưng lại nhận được rất nhiều ‘gạch đá’ từ cư dân mạng.
Các chuyên gia cho biết, mặc áo cho cây cũng có nhược điểm là không có lợi cho việc hô hấp của chúng, đồng thời còn có thể khiến ký sinh trùng sinh sôi và gây hại cho cây. “Trước đây, chúng tôi từng nhìn thấy một cây cổ thụ được quấn biểu ngữ nhiều năm. Khi gỡ biểu ngữ ra, phát hiện có trứng côn trùng bên trong.”
Nhìn lại lịch sử, hiện tượng mặc áo cho cây lần đầu tiên xuất hiện vào thời nhà Tùy cách đây hơn 1.000 năm. Theo ghi chép trong “Tư Trị Thông Giám“, vào năm Dương Đế thứ 6 nhà Tuỳ (năm 610 sau Công nguyên), Dương Đế, người rất thích khoe khoang, đã tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi người dân ngoại tộc ở Lạc Dương.
Ông cũng ra lệnh rằng bất cứ thương nhân nước ngoài đi ngang qua một nhà hàng, quán ăn nào đó, chủ quán phải nhiệt tình thiết đãi mà không được lấy một xu nào.
Nếu họ nhất quyết đòi trả tiền, chủ quán phải thống nhất trả lời: “Trung Quốc vô cùng giàu có, văn minh và hiếu khách. Chúng tôi sẽ không tính một xu đối với bất kỳ thương nhân nước ngoài nào đến dùng bữa tại đây. Hoan nghênh quý vị thường xuyên đến dùng bữa.”
Dương Đế thịnh tình khoản đãi đến mức các thương nhân nước ngoài được mở rộng tầm mắt. Họ đều ca ngợi “Thiên triều thượng quốc” quả thực là một thiên đường tại nhân gian.
Tuy nhiên, một số thương nhân người Hồ nhìn thấy điều gì đó đáng nghi nên nói với các thương nhân người Hán rằng: “Trung Quốc quả thực thịnh vượng, nhưng trên đường đi chúng tôi cũng thấy nhiều người nghèo không có đủ quần áo che thân. Điều chúng tôi thắc mắc là, quý quốc dùng rất nhiều lụa quấn quanh gốc cây, mà sao không làm thành quần áo để giúp đỡ người nghèo?” Các thương nhân người Hán nghe xong đều xấu hổ không nói nên lời.
Ngày nay sau hàng ngàn năm, cảnh “cây quấn lụa” thời Dương Đế lại được tái hiện. Với tình hình suy thoái kinh tế hiện nay của Trung Quốc, nhiều người đã mất việc làm, bị cắt lương và phải chịu áp lực rất lớn trong cuộc sống.
Thậm chí nhiều người còn chọn cách tự tử vì tuyệt vọng. Trong bối cảnh đó, hành vi “mặc áo len cho cây” trở nên rất bất ổn.
Tuy nhiên, chính quyền nhiều nơi đã mặc những chiếc ‘áo len’ lộng lẫy cho cây bên đường, để tạo nên ‘cảnh thịnh vượng’. Cư dân mạng chỉ trích Đảng cộng sản Trung Quốc ‘lãng phí’ và ‘máu lạnh’.”
Động thái “mặc áo cho cây” nhanh chóng gây ra làn sóng chỉ trích. Cư dân mạng chỉ ra rằng vào ngày 8/12, một người đàn ông ở Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam, đã quấn mình trong túi nilon để chống lạnh, hoàn toàn trái ngược với cảnh tượng này.
Cư dân mạng phản hồi: “Con người sống còn không bằng một cái cây” và “Cởi bớt quần áo trên cây mà mặc để sống sót qua mùa đông.“
Nhiều cư dân mạng bày tỏ sự bất mãn: “Chút tiền này không thể dùng cho người dân được sao?”
“Thậm chí người dân ở một số vùng của Trung Quốc không dám mua thêm một chiếc áo len, vậy mà họ lại mặc cho cây.“
“Dựng cảnh tráng lệ giả tạo, sinh kế của người dân lại nhắm mắt làm ngơ.“
“Quay lại thời kỳ những gia đình giàu có sặc mùi rượu thịt, trong khi đường sá đầy người chết vì lạnh thấu xương.”
Nhiều người không đồng tình với cách làm này: “Tôi không đồng tình với loại hình nghệ thuật trình diễn này. Thứ nhất là lãng phí tài nguyên, thứ hai là cản trở sự phát triển tự nhiên của thực vật, thứ ba là gây ô nhiễm môi trường. Nghe thì có vẻ là để làm đẹp môi trường, nhưng thực chất chỉ là cái cớ để tiêu tiền trang trí thành phố, lấy thể diện nhưng lòng người lại không còn.”
Có người còn giễu cợt: “Khi còn nhỏ đọc chuyện cô bé bán diêm cứ tưởng rằng đó là chuyện sẽ xảy ra ở thế giới xa xôi đó. Ngày nay, nó lại tái hiện ngay trước mắt.”
Ngoài ra, có người còn thẳng thắn cho rằng: “Xa hoa lãng phí là hành vi vong quốc”.
Nhìn chung, hầu hết mọi người đều tin rằng với xu hướng chung hiện nay, điều kiện sống ở mọi tầng lớp xã hội đều eo hẹp, trong bối cảnh sa thải, cắt giảm lương và giảm mức tiêu dùng trên khắp đất nước, trò hề “mặc áo len cho cây” nên kết thúc.
Thái Tư Vân / Vision Times
Hôm nay, Anh quốc tuyên bố gói viện trợ mới về quân sự trị giá…
UBND TP. Hà Nội và tỉnh Thái Bình đã không xử lý dứt điểm nhiều…
Bé gái 2 tháng tuổi, người tộc H'Mông (tỉnh Yên Bái) nhập viện trong tình…
Các quan chức và nhà ngoại giao châu Âu cho biết các nước châu Âu…
Phi công của các hãng hàng không phải đối mặt với nhiều tình huống bất…
Một nhà hàng ở huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) bị phát hiện đang…