Văn Hóa

3 loại quà không nên nhận

Trong cuộc sống, chỉ qua một món quà nhỏ hay thái độ, lời nói, chúng ta đều có thể cảm nhận được tấm lòng của người khác đối với mình. Người xưa có câu: “Thiên lí tống nga mao, vật khinh tình ý trọng”, từ ngàn dặm tặng lông thiên nga, lễ vật tuy nhẹ nhưng tình nghĩa sâu nặng. Tặng quà vốn là muốn biểu đạt thành ý chúc phúc cho người nhận. Nhưng thuận theo sự phát triển của xã hội, việc tặng quà ngày càng trở nên phức tạp hơn. Việc biếu tặng quà trở thành cách để lấy lòng người khác hay thể hiện sự hào phóng của bản thân, thậm chí là có nhiều mục đích khác. Bởi vậy chúng ta cũng cần hiểu rằng có một số món quà nhất thiết cần nên có, có một số món quà có thể nhận và cũng có một số món quà thì không nên nhận.

(Ảnh minh họa: CandyRetriever, Shutterstock)

Không nhận quà quá mức quý giá

Xưa nay, việc giao thiệp giữa người với người thông thường là có qua có lại, rất ít người làm được “quân tử chi giao, đạm nhạt như nước”, chỉ người có tấm lòng cao thượng khi kết giao mới có thể không màng sang hèn, không quan tâm được mất. Bởi vậy, nếu món quà quá mức quý giá, thì thường không phải là quà mà là “trọng trách”.

Khổng Tử nói: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, người quân tử coi trọng của cải nhưng không thể tùy tiện nhận của cải khi chưa biết được nguồn gốc và mục đích của nó. Của cải và địa vị là thứ mà mọi người mong muốn có được, nhưng nếu như không hợp với đạo nghĩa, thì người quân tử sẽ không nhận. Bần cùng và thấp hèn là thứ mà mọi người chê ghét, nhưng nếu không phải là dùng cách có Đạo mà thoát khỏi nó, thì người quân tử cũng sẽ không làm.

Cổ nhân có câu: “Vô công bất thụ lộc”, nhận quà quá mức quý giá là chiếm lợi của người khác, có tổn hại cho đức hạnh của bản thân mình. Vật phẩm quý giá rất dễ khiến con người khởi tham niệm, từ đó khiến đạo đức tổn hại mà làm ra những chuyện không nên làm. Cho nên khi được tặng quà quá mức quý giá, chúng ta phải biết từ chối một cách khéo léo và cương quyết.

Không nhận quà không lành mạnh

Những loại quà tặng nào không lành mạnh? Nghĩa là khi nhận quà sẽ khiến chúng ta mắc phải những thói quen xấu, thậm chí mất đi phẩm giá, vượt quá ranh giới.

Nhận quà không lành mạnh sẽ tổn hại thân tâm. Bởi vì đây không phải quà mà chính là thứ ăn mòn nhân cách, vì vậy nhất định phải cự tuyệt bằng một ý chí kiên định.

Trong “Sử Ký”, Tư Mã Thiên có chép chuyện Trụ Vương nhận được đôi đũa ngà voi, vô cùng thích thú. Cơ Tử thấy vậy đã than rằng:

“Đũa ngà voi chắc chắn không thể phối với đồ gốm, mà phải phối với bát làm bằng sừng tê giác, chén mài từ ngọc trắng. Có chén ngọc rồi, bên trong chắc chắn không thể đựng canh rau dại và cơm nấu bằng gạo thô, mà phải đựng sơn hào hải vị mới tương xứng.

Ăn sơn hào hải vị rồi thì sẽ không muốn mặc áo quần thô, cũng không muốn ở nhà đơn sơ, mà phải mặc quần áo gấm vóc, ngồi xe xa hoa, ở nhà cao phòng rộng. Nếu cứ như vậy thì phẩm vật của thương nhân trong nước sẽ không thể thỏa mãn dục vọng của vua, mà còn phải đi thu gom mọi vật trân quý của các nước phương xa. Từ đôi đũa ngà voi, ta thấy được kết quả của tương lai sau này. Thật không thể không lo lắng vì nhà vua được.”

Cuối cùng, điều lo lắng của Cơ Tử đã trở thành hiện thực. Dục vọng của Trụ Vương quả nhiên càng ngày càng lớn. Ông xây Lộc Đài, lấy rượu làm ao, treo thịt làm rừng, ham mê nhục dục, thu thập đồ trân quý của khắp nơi, khiến cho người dân oán thán. Sau khi Trụ Vương bại trận, ông đã tự thiêu mình trong ngọn lửa cháy rừng rực tại Lộc Đài.

Không nhận quà có được do quyền thế

Biếu quà, hối lộ là hành vi đã có từ thời cổ xưa. Nhưng trong lịch sử có rất nhiều bậc quan lại, tướng lĩnh nhận thức rõ ràng được sự nguy hại của hành vi này mà cự tuyệt, không nhận. Sở dĩ họ có thể làm được như vậy là bởi vì có tầm nhìn xa trông rộng và thấu hiểu đạo lý cũng như lẽ “được, mất” nơi thế gian. Các vị quan thanh liêm xưa nay đều không muốn nhận quà biếu.

Trong sử Việt có một giai thoại về Tể tướng Nguyễn Văn Giai thời Lê Trung Hưng như vậy.

Khi Nguyễn Văn Giai đang giữ chức Tể tướng kiêm Đô ngự sử thì ở Kinh Bắc xảy ra vụ trọng án, bị can là con một nhà giầu và có thế lực, theo tội danh phải xử tử; người nhà bị can bèn biện 100 nén vàng, mâm xôi cái thủ đội đến nhà nhờ ái thiếp của ông xin hộ. Bà biết tính chồng, trả lại vàng, chỉ nhận chỗ xôi thịt.

Khi ấy có lễ Tế giao, Nguyễn Văn Giai phải trai giới túc trực tại đàn mấy ngày liền, về tới phủ bụng đói thấy xôi thịt bày sẵn, nhất là cái thủ lợn là thức ông thích, liền ngồi ăn ngay. Nửa chừng lửng dạ sinh nghi mới hỏi sao biết trước ông về mà bày mâm. Người ái thiếp thụp lạy kể hết sự tình.

Nguyễn Văn Giai cau mặt buông đũa thở dài: “Ta đã trót ăn của đút rồi, còn biết nói sao? Cũng may án này có mấy chỗ có thể khoan giảm nếu không phép nước sẽ điên đảo chỉ vì quan tham ăn!” Và cũng từ đó ông bỏ hẳn cái thú ăn thịt thủ chấm mắm ngấu; còn như hai bữa hàng ngày thấy mâm có món nào lạ ông cũng tra xét thật kỹ rồi mới cầm đũa.

*

Người xưa nói: “Lễ thượng vãng lai”, có thể hiểu đơn giản là lễ tiết phải từ hai phía. Ở thời điểm thích hợp thì việc tặng quà cho nhau là phép lịch sự và là cách để duy trì mối quan hệ. Nhưng món quà quý hay không không phải phụ thuộc vào giá, chỉ cần thật tâm là đủ. Việc qua lại với nhau không phải phụ thuộc vào việc tặng quà mà là ở sự chân thành. 

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video:

An Hòa

Published by
An Hòa

Recent Posts

Hưng Yên: Khởi tố chủ cơ sở dùng hóa chất tăng trưởng sản xuất giá đỗ

Từ tháng 10/2024 đến tháng 12/2024, Nguyễn Văn Đạt đã sản xuất và bán ra…

5 giờ ago

Chàng trai Bắc Giang và hành trình xây dựng thương hiệu mật ong hoa vải

Thương hiệu mật ong hoa vải “San vlog” của anh cũng đã được khá nhiều…

6 giờ ago

Lần đầu trong năm 2025, giá xăng giảm nhưng không đáng kể

Từ 15h ngày 23/1, giá xăng RON 95 giảm 80 đồng xuống 21.140 đồng/lít.

7 giờ ago

Gieo mầm nốt nhạc đầu Xuân – Trò chuyện với nghệ sĩ piano Phương Thảo

Vị khách mời đầu xuân năm nay, Nghệ sĩ piano Phương Thảo - Giảng viên…

8 giờ ago

Hà Nội: Chợ ngày cận Tết giảm sập giá vẫn ế hàng

Chợ Tết dù giá giảm mạnh nhưng vẫn vắng người mua. Người thì chờ thưởng,…

8 giờ ago

Chân tu là gì?

Theo giáo lý của Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) thì tu luyện là…

8 giờ ago