Bức tranh kỳ lạ trên tấm giáp che ngực Lật Phương

Trong cổ sử Việt thì Đông Sơn là thời hậu kỳ đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt ở miền Bắc Việt Nam, có niên đại khoảng 2700 trCN (hoặc 2500 trCN) đến khoảng thế kỷ II-III sau CN (tiếp tục tồn tại ngay cả sau khi mất nước và bắt đầu thời Bắc thuộc). Thuở ấy người Việt đã chế tác ra vô vàn đồ đồng hết sức tinh xảo như trống, thạp, âu, rìu, lưỡi qua, mũi lao, mũi tên, dao găm, khóa thắt lưng… và trong đó có cả loại hiện vật mà ngày nay được gọi là Hộ tâm phiến hay Giáp che ngực. Tất nhiên trong tranh luận cũng có những ý kiến trái chiều, có ý tin là loại giáp này được dùng trong thực tế chiến trận, ý phản bác cho rằng nó ít công dụng thực tiễn nên chỉ dùng trong lễ nghi và trang trí mà thôi. Còn chúng tôi thì nhìn nó với con mắt nghệ thuật: nó thực sự đẹp bởi được trình bày rất xuất sắc bằng các hình trang trí tuyệt mỹ, đôi khi đạt tới đỉnh cao với nội dung có chủ đích rõ rệt. Đó là những bức tranh trang trí mà lại tả được những sinh hoạt cộng đồng thực tế của người Việt cổ. Nổi bật trong số đó là tấm giáp che ngực Lật Phương.

Tấm giáp che ngực Lật Phương được bày cùng các mũi lao, giáo, tên… trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Sơ bộ về những tấm giáp che ngực thời Đông Sơn

Cho dù đã mất mát quá nhiều sau hơn 2000 năm thăng trầm của dân tộc và quốc gia, những tấm giáp che ngực thời Đông Sơn mà ngày nay ta khai quật được vẫn còn khá nhiều, đủ để nghiên cứu và luận bàn về các khía cạnh kỹ thuật chế tác, phương thức sử dụng, nghệ thuật…

Gọi là Hộ tâm phiến hay Giáp che ngực bởi đó là những tấm đồng được đúc mỏng, hình vuông hoặc chữ nhật, 4 góc đều có lỗ hoặc quai cong để có thể xỏ dây đeo. Theo các nhà nghiên cứu thì những tấm này được người Việt cổ đeo trước ngực để đỡ được các mũi tên và giáo, giảm sát thương trong chiến trận. Cũng có ý kiến tỏ ra nghi ngờ về công dụng vì kích thước của chúng chưa đủ lớn, khả năng che phủ còn hạn hẹp. Tuy nhiên đa số chúng được trang trí rất đẹp mắt, rất điển hình cho nghệ thuật thời Đông Sơn.

Lai lịch tấm giáp che ngực Lật Phương

Theo sách Mộ thuyền Đông Sơn Việt Nam (tác giả Bùi Văn Liêm, NXB Từ điển Bách khoa, 2013) thì tấm giáp che ngực Lật Phương được phát hiện năm 1968, khi Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật một mộ thuyền đã mủn nát tại thôn Lật Phương, xã Minh Chính (nay là xã Khai Thái), huyện Phú Xuyên, Hà Sơn Bình (nay thuộc Hà Nội). Đây là khu đồng trũng cạnh sông Hồng. Bên trong quan tài hình thuyền ấy, người ta tìm được 1 rìu lưỡi xéo, 1 dao găm có cán, 2 vòng tay đá và “đặc biệt một tấm che ngực bằng đồng còn nguyên, rất đẹp”. Sau đó tấm che ngực được gọi tên theo nơi khai quật.

Theo tài liệu Lịch sử quân sự Việt Nam trên Internet do Uyên Nhi dẫn thì hiện ở nước ta tìm được 05 tấm giáp che ngực bằng đồng có hình chữ nhật, kích thước chung là 31,1cm x 13,3cm x 0,1cm.

Rất may tấm giáp này được trưng bày lâu năm trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vì là một hiện vật tiêu biểu (xem ảnh).

Trích đoạn bên trái của giáp che ngực Lật Phương.
Trích đoạn chính giữa của giáp che ngực Lật Phương.
Trích đoạn bên phải của giáp che ngực Lật Phương.

Nghệ thuật trang trí kỳ diệu trên tấm giáp che ngực Lật Phương

Đó là hệ thống hoa văn và hình tượng được trình bày toàn bằng nét kiểu Hình học hóa hay còn gọi là hình Kỷ hà. Đó là thủ pháp tiêu biểu của nghệ thuật trang trí đồ đồng thời Đông Sơn. Dù yêu cầu kỹ thuật của chất liệu đồng rất khắt khe nhưng với tay nghề tài khéo tột bậc, các nghệ nhân Đông Sơn vẫn có thể chuyển hóa hầu như mọi hình tượng thực tế thành hình trang trí phẳng mà chỉ dùng đường nét kết hợp với mảng bẹt, không tạo khối. Họ đã diễn tả bằng nét thành công các hình tượng người, động vật, thực vật, kiến trúc, dụng cụ lao động, v.v… Các nét này thêm hấp dẫn bởi nét nổi thấp trên mảng chìm nông hoặc ngược lại.

Bản đồ họa nét tổng thể của tấm giáp che ngực Lật Phương.

Tấm giáp che ngực Lật Phương được trang trí dàn kín bề mặt theo dạng bố cục chữ nhật, viền khung bằng 5 tầng đường diềm chạy theo 4 cạnh, ở giữa là một hàng người ngồi xếp dàn hàng ngang. Trước hết là 5 tầng diềm viền khung gồm có 2 tầng chấm tròn (1 sát viền ngoài, 1 trong cùng – sát hàng người ngồi), bên trong hàng chấm là 2 hàng hình tròn chấm tâm có vạch tiếp tuyến chéo (đây là kiểu hoa văn hình học trang trí điển hình thời Đông Sơn); giữa 2 hàng chấm và 2 hàng hình tròn có vạch tiếp tuyến là đường diềm có hình tượng loại động vật đuôi dài mà thời nay người ta tạm gọi là hình con cáo. Tất cả các con cáo đều có đôi, thậm chí ghép đôi rất khéo. Mỗi cạnh ngắn có 1 đôi cáo đang chập đuôi lên nhau, mỗi cạnh dài có 2 đôi cáo đang chập đuôi lên nhau mà thú vị là 2 con cáo chính giữa lại đang chụm đầu vào nhau với đôi tai chạm sát – dường như chúng đang lắng nghe tiếng thủ thỉ của nhau… Có nhà nghiên cứu bảo đó là biểu tượng phồn thực, thể hiện các cặp đôi cầu-ước sinh sản, điều tối quan trọng cư dân nông nghiệp nguyên thủy như Đông Sơn.

Trích đoạn bên trái bản đồ họa nét của tấm giáp che ngực Lật Phương.

Hấp dẫn nhất là phần trung tâm của tấm giáp che ngực: cả một hàng dài những người đang ngồi xếp hàng đối diện…

Trích đoạn chính giữa bản đồ họa nét của tấm giáp che ngực Lật Phương.

Họ đang làm gì vậy? Lễ nghi? Thể dục đồng diễn hay Kéo co?

Thoạt nhìn, ta cứ tưởng chính giữa tấm giáp là cả đàn chim đang giương cánh lên cao để chuẩn bị vẫy cùng một nhịp. Định thần nhìn kỹ mới thấy đó là hàng người đang ngồi, đội mũ cắm lông chim xòe cong vút lên cao. Họ ngồi theo dáng nhìn nghiêng một bên, thứ tự từ 1 đến 18 nhưng chia làm hai phía đối lập, vậy mỗi bên gồm đúng 9 người (một con số đáng chú ý!). Tất cả chỉ có một dáng, người nọ nhìn vào gáy và tay có vẻ như đặt lên vai người ngồi phía trước. Ở trung tâm tấm giáp, chính giữa hàng người đối diện từ hai bên là một dạng cột biểu tượng, trên cao có phần như đan bện thành hộp và cũng được cắm lông chim theo kiểu đối xứng.

Nhìn kỹ hơn nữa ta sẽ thấy các nhân vật đang ngồi không hề đặt tay lên vai nhau. Có một đường thẳng tắp chạy ngang suốt qua vai họ. Nếu đó là gậy gỗ thì quả chiếc gậy này rất dài và quá thẳng… Thủ pháp vẽ nét kiểu hình học hóa đã được tối giản để trình bày tối ưu, lược bỏ hết các chi tiết rườm rà… khiến cho hậu thế ngày nay khó biết được chính xác hành động của 18 nhân vật này. Một lễ nghi nào đó được đồng diễn trong hội làng cổ xưa chăng? Chẳng ai biết rõ.

Tuy nhiên đường kẻ thẳng tưng nối qua vai tất cả các nhân vật khiến các nhà nghiên cứu bận tâm. Có người cho đó là sợi dây thừng trong trò chơi Kéo co. Lại có người phản bác bởi theo họ: khi kéo co ai mà ngồi được? Còn chúng tôi, căn cứ vào thủ pháp tạo hình bằng nét kỷ hà trên đồ đồng Đông Sơn thì nghệ nhân thời cổ đại này buộc phải tối giản, cách điệu đến mức tín hiệu hóa, chú trọng dàn cảnh kiểu trang trí thật đẹp, cân xứng trên mặt phẳng, có thể lược bỏ chứ không nhất thiết tôn trọng sự thật hoàn toàn. Do quy định của bố cục chữ nhật có 4 góc vuông mà nghệ nhân Đông Sơn xếp nhân vật ngồi duỗi chân để tạo dáng hợp với góc vuông sẽ hơn là đứng ngả người theo hướng chéo. Và chúng tôi cũng tán đồng rằng ở đây, trò chơi kéo co là khả dĩ nhất. Nhân đây người viết bài này cũng xin vẽ thêm một bức minh họa với ý giải trình hình tượng kéo co thời Đông Sơn.

MINH HỌA CẢNH KÉO CO THỜI ĐÔNG SƠN
Căn cứ vào tấm giáp che ngực Lật Phương, chúng tôi thử minh họa cảnh kéo co thời Đông Sơn.
Tất nhiên do cách diễn hình bằng nét và sự cách điệu tượng trưng, người xưa đã không “vẽ” hoàn toàn chính xác:
khi kéo co thì rất khó có thể ngồi kéo, người sau không thể đạp vào mông người trước và không thuận lắm khi kéo dây trên vai…
Chúng tôi thử vẽ hiện thực hóa cảnh này một cách tương đối…

Lễ nghi và dư âm của trò chơi kéo co còn vang vọng tới thời hiện đại

Ngày 2-12-2015, trò chơi Kéo co do Campuchia, Philipin, Hàn Quốc và Việt Nam đề nghị đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia. Kéo co là một trò chơi rất cổ, có tính tập thể, dễ phổ biến, chỉ cần sân bãi phẳng, tương đối rộng và một sợi dây thừng to, dài… Kéo co là một trò trong các lễ hội cổ truyền. Đáng chú ý theo cách chơi cổ thì đoạn giữa sợi dây thừng phải buộc vào một cột chính giữa – bên nào kéo được cột này về phía mình là thắng. Vậy thì chiếc cột đó cũng từng hiện diện chính giữa tấm giáp Lật Phương, chia 18 nhân vật thành hai phía đối lập. Đường ngang thẳng tưng qua vai họ sẽ hợp lý nhất nếu đó chính là sợi dây thừng to! Dù không dễ khẳng định trò chơi kéo co được thể hiện trên tấm giáp che ngực Lật Phương nhưng cho đến nay đó vẫn là phương án khả dĩ nhất. Nó phù hợp với cả nội dung, hình thức của trò chơi và thủ pháp tạo hình kỷ hà thời Đông Sơn.

Họa sĩ Đức Hòa

Xem thêm cùng tác giả:

Họa sĩ Đức Hòa

Published by
Họa sĩ Đức Hòa

Recent Posts

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…

12 phút ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

6 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

7 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

7 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

8 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

9 giờ ago