“Điêu khắc là nghệ thuật của sự nuối tiếc.
Bạn muốn tác phẩm làm ra hoàn mỹ vô khuyết
[nhưng trong điêu khắc thì hầu như không thể].
Bức tượng Đức Phật ấy là tâm huyết của tôi trong một khoảng thời gian rất dài.
Trước đây tôi tạc tượng khá nhanh.
Nhưng lần này thì khác…”
Giáo sư Trương Côn Luân
Tác phẩm điêu khắc Đức Phật
Trương Côn Luân, 2002
Giáo sư Trương Côn Luân (Zhang Kunlun) từng là một trong những nhà điêu khắc thành danh nhất tại Trung Quốc, tác giả của một số tượng đài lớn nhất thời bấy giờ. Ông được trao tặng rất nhiều giải thưởng nghệ thuật, và từng là Viện trưởng Viện Điêu khắc và Nghiên cứu Điêu khắc thuộc Viện Nghệ thuật Sơn Đông.
Tuy nhiên khi ở vào thời kỳ hoàng kim của sự nghiệp, Trương Côn Luân đã trở thành nạn nhân của cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Mọi sự ưu đãi và kính trọng của quan chức đối với ông vụt biến mất khi ông tiếp tục kiên trì giữ vững đức tin của mình. Ông bị tù giam 4 lần, bị đánh đập, bị tra tấn, bị lừa dối và lợi dụng.
Sau tất cả những biến cố thăng trầm ấy, Trương Côn Luân vẫn giữ trọn tình yêu với nghệ thuật. Ông sáng lập một trong những triển lãm nghệ thuật đáng chú ý nhất thế giới trong 20 năm trở lại đây: triển lãm “Nghệ thuật của Chân-Thiện-Nhẫn”.
Chỉ mới được thành lập vào năm 2004, đến nay “Nghệ thuật của Chân-Thiện-Nhẫn” đã xuất hiện hơn 1.000 lần tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, từ New York tới Paris, từ Toronto tới Milan. Nó không chỉ thể hiện ra vẻ đẹp của nghệ thuật hội họa và điêu khắc cổ điển, mà còn phơi bày một trong những tội ác nhân quyền nghiêm trọng nhất của thời đại chúng ta: cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Nhà điêu khắc và giảng viên Học viện Nghệ sĩ Mới (New Masters Academy), bà Johanna Schwaiger, kể lại ấn tượng của mình về giáo sư Trương Côn Luân:
“Cuộc gặp gỡ với giáo sư Trương Côn Luân là một cột mốc quan trọng trong hành trình nghệ thuật của tôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên trước tài năng bậc thầy và sự kiên nhẫn khắc kỷ mà ông dành cho công việc của mình. Nhưng ấn tượng lớn nhất mà ông ấy để lại trong tôi là sự vị tha và vui vẻ của ông sau tất cả những gì ông phải trải qua khi bị giam giữ ở Trung Quốc. Tinh thần của ông không hề suy sụp, mà hoàn toàn ngược lại. Sứ mệnh của ông rất rõ ràng, nghệ thuật của ông không bao giờ thiên về tính cá nhân, mà luôn là tôn vinh sự thật và cái đẹp bằng tất cả những gì tốt đẹp nhất. Một ngày ông phải làm việc trong vài dự án, mỗi dự án đều đòi hỏi kỹ nghệ cao, nhưng có một tác phẩm điêu khắc luôn khiến ông dồn thêm tinh lực, đó là tác phẩm điêu khắc Đức Phật.”
“Năm 1985, tôi dựng một bức tượng cao 15 mét tại mỏ Hưng Long. Năm 1986, tôi dựng một bức tượng cao 30 mét về triều đại nhà Đường. Đó là bức tượng cao nhất ở Trung Quốc vào thời điểm ấy. Tôi đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng lại không cảm thấy hài lòng. Dù có bao nhiêu tiền và nổi tiếng đến đâu… thì những thứ này cũng chỉ tồn tại trong vài thập kỷ. Tôi thấy cuộc sống của mình thiếu ý nghĩa.”
Năm 1989, ông Trương Côn Luân chuyển đến thành phố Montreal và giảng dạy tại Đại học McGill danh tiếng, cái nôi đào tạo ra những người đoạt giải Nobel, các chính trị gia, các nghệ sĩ đoạt giải Oscar, và những nhà vô địch Olympic của Canada. Từ đó mãi cho đến năm 1996, ông mới quay trở lại Trung Quốc để chăm sóc mẹ vợ.
“Khi tôi trở về Trung Quốc, vừa xuống máy bay, tôi đã thấy Pháp Luân Công đang được truyền bá rất nhanh. Trên hầu hết mọi bãi cỏ, mọi mét vuông, họ đang yên bình tập các bài thiền định của Pháp Luân Công… thật tuyệt vời.” Ông Trương nhanh chóng tiếp xúc với Pháp Luân Công, tìm ra ý nghĩa nhân sinh và quyết định trở thành một người tu luyện.
Nhưng sự vui mừng không kéo dài lâu. Năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu một chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công. Hàng triệu người đã mất việc làm, nhiều người bị bỏ tù, tra tấn và thậm chí bị giết.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng tất cả các cơ quan ban ngành, báo chí, đài phát thanh và đài truyền hình của nhà nước, thậm chí huy động cả quân đội và cảnh sát. Toàn bộ đất nước chìm trong khủng bố. Đó là một cuộc truy quét quy mô lớn.”
“Vào thời điểm đó, tôi muốn làm một bức tượng Đức Phật cao 75 mét. Nhưng vì tôi tu luyện Pháp Luân Công, tôi bị đưa vào danh sách đen và luôn nằm trong trạng thái nguy hiểm. Tôi cũng trở thành một nạn nhân của cuộc đàn áp và bị giam giữ.”
Trong khi cuộc đàn áp diễn ra, ông Trương vẫn dũng cảm viết một lá thư cho chính phủ, nói rằng Pháp Luân Công có lợi cho xã hội. Tháng 7 năm 2000, ông bị cảnh sát bắt giam, bị tra tấn bằng dùi cui điện.
Tác phẩm điêu khắc của ông Trương Côn Luân
mô tả bản thân khi phải chịu đựng một hình thức tra tấn
phổ biến trong cuộc đàn áp ở Trung Quốc.
Trương Côn Luân nhớ lại: “Bạn có thể ngửi thấy mùi da cháy khét”. Chân và tay của ông bị bỏng nặng, chân trái bị thương nặng đến nỗi ông đi lại khó khăn trong 3 tháng. Vào tháng 12, ông bị chuyển đến trại lao động Vương Thôn và trải qua quá trình tẩy não, tra tấn tâm lý thậm chí tồi tệ hơn nữa.
“Mục đích của họ là không để cho chúng tôi tỉnh táo để suy nghĩ dù chỉ 1 giây. Tôi bị một nhóm lính canh giám sát 24 giờ một ngày. Sau các cuộc tẩy não, lừa dối, ép buộc và tấn công tâm lý, tôi gần như suy sụp. Sự tra tấn tinh thần như vậy thậm chí còn tồi tệ hơn tra tấn thể xác. Họ chuyển tôi đến trại lao động cưỡng bức Vương Thôn. Tôi đã chuẩn bị tinh thần rằng mình có thể chết ở đó, Vương Thôn là nơi khét tiếng vì bức hại người tập Pháp Luân Công đến chết. Tôi không nghĩ là mình có thể sống sót.”
“Trước sự ngạc nhiên của tôi, họ đã sử dụng một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Một phó chính ủy nói, ‘Chúng ta có một giáo viên mỹ thuật ở đây. Ông có thể dạy vẽ tranh được không?’ Tôi nói, ‘Tôi không quan tâm.’ Sau đó, anh ta ép tôi ngồi đó. Anh ta mang bút lông, mực và giấy đến bảo tôi vẽ, tôi dùng bút lông vẽ hai nét, anh ta ghi hình lại. Họ chiếu hình này ra công chúng để lừa dối mọi người. Điều này khiến tôi đau đớn nhất. Sự ảnh hưởng về mặt tinh thần của sự kiện ấy vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay.”
Cảnh quay này còn bị các quan chức cộng sản sử dụng để đối phó với những quan chức Canada đang gây áp lực lên chính quyền của Đảng để giải cứu ông Trương Côn Luân. Các quan chức Trung Quốc tuyên truyền rằng ông Trương đã từ bỏ Pháp Luân Công và bắt đầu làm việc với chính quyền.
Ông Trương họp báo sau khi được thả và trở về Canada năm 2001.
Tuy nhiên cuối cùng với sự giúp đỡ của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và chính phủ Canada, ông Trương đã được trả tự do vào ngày 10 tháng 1 năm 2001. Ông trở về Canada với một quyết tâm bảo vệ tự do tín ngưỡng hơn bao giờ hết.
“Một lượng lớn người tập Pháp Luân Công vẫn đang ở trong tù. Tôi phải thay mặt họ lên tiếng để ngăn chặn cuộc bức hại. Tôi không thể chỉ quan tâm đến hạnh phúc của bản thân. Nhưng tôi nên làm thế nào đây? Nghệ thuật là nghề của tôi. Tôi chỉ có thể làm điều gì đó thông qua nghệ thuật.”
“Tôi đã cân nhắc đến việc bắt đầu một triển lãm nghệ thuật. Tôi không thể kêu gọi những người tập tại Trung Quốc vì họ đang bị bức hại. Vậy nên tôi đã tìm kiếm các nghệ sĩ ở nước ngoài. Tôi đã gọi điện và gửi email. Tôi bắt đầu tìm kiếm họ ở khắp mọi nơi.”
“Vào thời điểm đó, chúng tôi đã tập hợp được 15 nghệ sĩ muốn cùng chung sức. Khi bắt đầu, chúng tôi không chắc chắn phải làm như thế nào. Vì tôi có kinh nghiệm về hội họa nên trong nhiều trường hợp, tôi dựng bố cục và những người khác vẽ.”
“Triển lãm đầu tiên diễn ra vào năm 2004, tại thủ đô Hoa Kỳ Washington D.C. Mục đích của tôi là để các chính phủ trên thế giới thức tỉnh về vấn đề này và kêu gọi công lý. Trong triển lãm, một số thành viên Quốc hội đã đến xem. Họ hầu hết đều rơi lệ. Họ nói rằng nên có nhiều người đến xem những bức tranh ấy hơn. Điều đó đã truyền cảm hứng cho chúng tôi. Vậy là chúng tôi bắt đầu triển lãm chúng trên khắp thế giới.”
Tác phẩm điêu khắc Bồ tát
Trương Côn Luân, 2008
Cùng với việc tham gia sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật và trưng bày chúng trên khắp thế giới, ông Trương Côn Luân vẫn tiếp tục ước mơ điêu khắc nên bức tượng Đức Phật hoàn mỹ nhất dù đã nhiều lần hoàn thành tác phẩm ấy.
“Điêu khắc là nghệ thuật của sự nuối tiếc. Bạn muốn tác phẩm làm ra hoàn mỹ vô khuyết [nhưng trong điêu khắc thì hầu như không thể]. Bức tượng Đức Phật ấy là tâm huyết của tôi trong một khoảng thời gian rất dài. Trước đây tôi tạc tượng khá nhanh. Nhưng lần này thì khác…”
Bà Johanna Schwaiger hồi tưởng, “Tôi nhớ mình đã rất sững sờ khi nhìn thấy tác phẩm điêu khắc lớn được chế tác một cách tinh xảo trong không gian làm việc của ông ấy. Hình tượng Đức Phật như tới từ một thế giới khác, tỏa ra lòng từ bi thuần khiết khiến tôi rơi lệ.”
Người sống sót sau thảm họa Diệt chủng Do Thái, nhà thần kinh học và tác giả người Áo, ông Victor Frankl đã viết rằng: “Thứ có thể tỏa sáng ắt phải nhẫn chịu sự thiêu đốt.” Những khổ đau mà ông Trương phải trải qua cùng lòng tận tụy với nghệ thuật đã rèn giũa nên một nghệ nhân, một ngọn hải đăng của niềm tin, sự bền bỉ, công lý và vẻ đẹp cho tất cả mọi người.
Dựa theo bài viết của nhà làm phim Masha Savitz
Đăng trên Tạp chí nghệ thuật Canvas
Bài: Minh Nhật
Thiết kế: Quang Minh
Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…