(Ảnh: Facebook Nguyễn Thị Bích Ngà)
Anh bác sỹ ghé thăm khám cho mẹ. Sau khi nghe tim, phổi, hỏi han một hồi, anh nắn nắn vai mẹ, ân cần. “Nay bác khỏe nhiều rồi đó. Vầy là được rồi, mừng rồi bác hén.”
Mẹ lắc đầu. “Chưa.”
Bác sỹ vỗ vai mẹ. “Bác khỏe như vầy là tốt lắm rồi. Con là bác sỹ, bác tin con đi! Con nhìn người bệnh con biết mà. Bác được như vầy là vui lắm rồi. Các chị chăm sóc bác quá tốt luôn. Thôi, yên tâm nha, không cần chích thuốc uống thuốc gì thêm ngoài thuốc đang uống đâu. Mình lớn tuổi rồi, có bệnh nền, té gãy xương mà nay phục hồi được vầy thì ổn lắm rồi. Tuổi này thỉnh thoảng có chút đau mỏi là bình thường. Khi nào đau nhức gì quá thì mới phải điều trị. Bác đừng đòi hơn. Mình không thể khỏe như hồi trẻ được mà cần bằng lòng với hiện trạng mình đang có hén. Vui vẻ. Bác được chăm sóc tốt lắm rồi.”
Mẹ xụ xụ mặt, không vui vì không được như ý, anh bác sỹ cười hề hề.
Đưa mẹ ra sân phơi nắng, mình hỏi. “Nãy bác sỹ nói mẹ khỏe nhiều rồi mà mẹ nói chưa, mẹ thấy chưa khỏe ở đâu?”
“Phải tự đi lại được loanh quanh trong nhà, tự đi ra nhà vệ sinh, tự tắm, không cần dìu đỡ, không cần có người bên cạnh coi chừng thì mới khỏe.”
Mình nín thinh.
Ai cũng muốn khỏe mạnh, tự chủ, tự lực. Đó không chỉ là mong muốn khỏe về thể chất mà còn là cảm giác có thể kiểm soát được cuộc sống. Mẹ không vui khi nghe bác sỹ khuyên hãy bằng lòng với hiện trạng, mẹ nghĩ bác sỹ phải tìm cách thực hiện, đáp ứng mong muốn khỏe hơn của mẹ chớ không phải chối từ, bác sỹ mà chối từ mong muốn của bệnh nhân như vậy là… dở ẹt. Mình cũng là một đứa dở ẹt trong mắt mẹ vì không thể đáp ứng mọi mong muốn của mẹ.
Mấy năm chăm sóc mẹ, mình thấy rất rõ mẹ, cũng giống phần lớn người khác, thường mong muốn một đàng nhưng hành động một nẻo nên rất khó đạt được điều bản thân mong muốn rồi đau khổ, dằn vặt, tự trách, trách ngoại cảnh, trách người, tự thúc ép và thúc đẩy người khác, cố gắng kiểm soát mọi việc mọi người để mong đạt được điều mong muốn, và cuối cùng vẫn đau khổ vì không đạt thành. Kể cả khi đạt được mong muốn thì ngay trong sự thỏa mãn đã có mầm thất vọng vì trong suy nghĩ đã xuất hiện ý mong muốn một điều khác, liên tu bất tận. Mỗi người đều có thể tự nhìn thấy, cảm nhận điều này trong suy nghĩ trong đầu và trong hành động hằng ngày của mình. Sự căng thẳng luôn ở đó, thường trực trong tâm lý, trong mọi tế bào.
Mong muốn khỏe hơn, tốt hơn, là một mong muốn khó thể chối từ bởi nó cho ta cảm giác thật chính đáng để hành động. Mọi nền văn minh, văn hóa, tôn giáo đều coi mong muốn này là động lực cho sự phát triển, tiến bộ và truyền dạy cho nhau hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Cách đây mấy năm, khi viết mãi không xong cuốn sách đã dự định từ lâu. Cứ được vài chương, vài trăm trang lại xóa bỏ, không hài lòng, cảm thấy vẫn còn thiếu một điều gì đó, dù một vài người bạn đọc qua đều bảo được rồi nên xuất bản. Sau mọi nỗ lực vẫn không thể bằng lòng, mình rơi vào trầm cảm. Sau mấy tháng chìm đắm trong dòng suy nghĩ, một khuya ngồi bó gối trên ban công ngó bầy chó tung tăng chơi đùa trên con phố vắng bặt bóng người vì giãn cách, mình bật khóc vì cảm giác “mình không đủ tốt”. Câu hỏi bật ra: Tại sao mình lại mong muốn mình tốt hơn? Tại sao bạn A bạn B mong muốn tốt hơn cho người khác, cho cộng đồng, cũng như mình, và các bạn luôn hành động vì mong muốn đó, cũng như mình hành động vì mong muốn tốt hơn cho bạn A, bạn B và cho cộng đồng nhưng bạn A, bạn B lại khó chịu với mình và từ chối, cho rằng đó là can thiệp vào quá trình học hỏi, cuộc sống của các bạn? Nếu mong muốn tốt hơn, mong muốn người khác tốt hơn là một mong muốn chính đáng, tốt đẹp, là động lực phát triển thì tại sao nó lại gây ra xung đột, chia rẽ, căng thẳng, phân ly?! Mình cảm thấy vô cùng mệt mỏi, không hạnh phúc được như một con chó.
Mình có hàm ý gì khi mình mong muốn mình tốt hơn, cũng như mong muốn tốt hơn cho người khác? Khi mong muốn tốt hơn nghĩa là mình đang cho rằng mình đang không đủ tốt. Khi mong muốn tốt hơn cho người khác là mình đang cho rằng họ chưa đủ tốt. Hàm ý còn thiếu thốn, còn chưa đủ, chưa toàn vẹn nên phải thay đổi, phải sửa chữa, phải bù đắp, phải thêm vào, phải bớt ra, phải… thì mới tốt.
Khi mong muốn tốt hơn nghĩa là mình đang so sánh, phán xét bản thân trong hiện tại với hình ảnh về bản thân trong quá khứ, với hình ảnh phiên bản bản thân mà mình muốn trở thành, với hình ảnh về một người tốt nào đó mà mình noi gương. Khi mình mong muốn tốt hơn cho người khác nghĩa là mình đang ngầm so sánh, phán xét họ với một hình mẫu nào đó mà mình muốn họ trở thành. Mình đã đau đớn cả đời vì cảm giác không được nhìn thấy, không được thấu hiểu, không được thừa nhận công nhận bởi ngay cả những người mình thương yêu. Sự thật là mình đâu có nhìn thấy, không thấu hiểu, không thừa nhận công nhận bản thân như đang là mà mải miết chạy theo một phiên bản tốt hơn. Mình không nhìn nhận, không công nhận, thừa nhận mọi người như họ đang là, mà mình đang muốn họ trở thành một phiên bản khác – hình ảnh mình dựng lên về họ để cho phù hợp với mình. Thật là khùng điên, hỗn loạn! Ai cũng mong muốn được nhìn thấy nhưng ai cũng tự giấu mình sau mọi mặt nạ và đau khổ vì không được nhìn thấy. Ai cũng muốn được chấp nhận như mình đang là nhưng ai cũng mong muốn bản thân và người khác tốt hơn. Mâu thuẫn chồng chất mâu thuẫn sinh ra xung đột, mất trật tự, rối loạn trong tinh thần dẫn đến rối loạn trong mọi mối quan hệ, xã hội nhân danh điều tốt đẹp, tình yêu thương!
Mình nhận ra điều mà mình cảm thấy thiếu khiến cho mình không thể hoàn thành cuốn sách là gì. Điều cốt lõi mà mình vẫn luôn tìm kiếm cả cuộc đời: tình yêu. Mình không thể yêu mình hay yêu bất cứ ai khi mình vẫn mang mong muốn tốt hơn, nghĩa là vẫn mong muốn và hành động dựa trên mong muốn mình hay người khác trở thành một phiên bản khác với mình hay họ đang là. Mình không yêu mình, không yêu người, mà chỉ yêu hình ảnh mà mình muốn trở thành, yêu hình ảnh của người khác. Chúng ta đều yêu thương có điều kiện bởi chúng ta yêu hình ảnh, phiên bản mà mình tưởng tượng ra chứ không yêu người hiện hữu sống động từng khoảnh khắc.
Khoác ba lô, đi, ở, đi, về, làm nhiều việc, tiếp xúc, chăm sóc, gần gũi nhiều người… mình có cơ hội quan sát, lắng nghe, cảm nhận mong muốn tốt hơn vận hành trong suy nghĩ của mình và của mọi người xung quanh. Khi thấy trọn vẹn được diễn biến của mong muốn, nguyên nhân và hậu quả, thì mình không còn thấy mong muốn tốt hơn trồi lên trong tâm trí.
Mình nín thinh khi mẹ mong muốn khỏe hơn theo ý mẹ muốn là bởi mình nhìn thấy cơ chế mong muốn tốt hơn đang vận hành trong tâm trí mẹ. Mình không khuyến khích nó, không chối bỏ nó, chỉ thấy biết ghi nhận nó đang vận hành trong mẹ. Lắng nghe. Thế thôi.
Trước đây mình đã từng cố gắng thực hiện mong muốn đó của mẹ và khi hành động thì chính mẹ là người luôn khó chịu, từ chối và căng thẳng nhiều hơn tạo ra rất nhiều xung đột. Không thể giải thích để một người đang mong muốn tốt hơn nhận ra đó là một cái bẫy của tâm trí khiến cho họ “tệ” hơn vì khi chưa tự trực tiếp quan sát diễn biến của mong muốn này trong suy nghĩ thì họ không thể hiểu nổi tại sao mong muốn tốt hơn lại trở thành tệ hơn. Không thể chấp nhận nghịch lý!
Chăm sóc cho người lớn tuổi, cho người thân, nhất là khi chăm sóc trẻ em, hay thiết thân nhất là chăm sóc bản thân, một người cần quan sát mong muốn này trong suy nghĩ. Nếu không, tất yếu luôn luôn xảy ra xung đột, mâu thuẫn, căng thẳng, gây hại, đau khổ cho mình và cho người.
Nếu chưa quan sát được, chưa muốn quan sát cũng không sao. Mâu thuẫn, xung đột cũng không sao. Bởi ngay cả những điều đó cũng chỉ là những điều kiện xuất hiện để một người trong hoàn cảnh đó tự trải nghiệm học hỏi, tự quan sát, tự nhìn thấy, tự nhận ra, theo cách của mỗi người. Sông có khúc, người có lúc. Chẳng việc gì phải xoắn.
Chúc vui vẻ người ơi!
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm:
Cuộc chiến giá cả giữa các nền tảng giao đồ ăn đang dần tái cấu…
Bà Mao Chenyue, Giám đốc điều hành kiêm lãnh đạo cấp cao của Wells Fargo…
Bắc Kinh và Moscow đột nhiên quyết định ký 'Nghị định thư của Hiệp ước…
Đời thứ 9 của họ Đặng có Thường Hiến Hầu Đặng Trần Thường, là khai…
Lúc Tây Sơn và Nguyễn Ánh tranh chấp nhau ở đất Gia Định vào những…
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DOD) sẽ bắt đầu sử dụng chatbot Grok đang gây…