Cánh đồng Cà Mau, vựa cá mắm thiên nhiên của Trời dành cho dân Việt

Con sông lớn Mỹ Công (Mékong) từ Tây Tạng chạy suốt trên bốn ngàn cây số bề dài, như con rồng chín khúc (Cửu Long giang), xuyên qua Tây Tạng, Trung Hoa, Lào quốc, Cam-bu-chia và Việt Nam. Khi nhập vào đất Nam, nó chia làm hai nhánh con sông Tiền và con sông Hậu, và đèo thêm hai cái “túi thật lớn” chứa giữ nước dư ối là vùng Tháp Mười về sông Tiền và vùng Cà Mau về sông Hậu. Nhờ hai túi nầy đủ sức chứa nước thặng dư vào mùa nước đổ mà Miền Nam khỏi nạn lụt như Miền Bắc đã bị con sông Nhĩ Hà làm khổ mỗi năm. Nghĩ trời sanh cũng ngộ: sanh ra sông dữ thì có đất hiền, bù qua chế lại. Trên Miền Bắc, đê bọc sông và khi đê vỡ thì cả vùng ngập lụt chết chóc. Trái lại ở Cam-bu-chia nhờ có Biển Hồ (Tonlé sap), mỗi năm chứa nước từ cao nguyên chảy xuống, bao nhiêu cũng rút về đây rồi sẽ chảy đi nữa. Biển Hồ là cái túi “lộc trời” dành sẵn: cá tôm lúc nhúc kẹo lền, nuôi đủ một dân tộc. Sở dĩ ngày xưa Đế Thiên Đế Thích được xây dựng là nhờ người Cao Miên cổ đã biết lựa vị trí gần hồ cá tôm Tonlé sap.

(Ảnh: Fanpage Thú Chơi Sách)

Nhớ lại câu hát xưa:

“Nam Vang đi dễ, khó về,
Đàn ông có vợ, đàn bà có con”.

Câu nầy có đến hai nghĩa: nghĩa thứ nhứt, vì xứ dễ làm ăn, cá tôm rẻ mạt cho nên đàn ông lấy vợ, đàn bà lấy chồng rồi ở luôn trên ấy. Nghĩa thứ hai là ngụ ý đàn ông trai tráng đất Việt lên Nam Vang xứ Thổ, thường đi làm cá mắm trên Biển Hồ cực nhọc vô ngần và bởi lấy vợ tại chỗ, sanh phương lập nghiệp dính gốc dính rễ luôn trên ấy. (Trừ phi ngày nay chiến chinh chánh trị không cho phép, chớ trước kia cách nay vài chục năm Sài Gòn và Nam Vang có xe đò chạy liền liền hằng bữa, người dân có một giấy thông hành tùy thân là lên xuống thong thả, không đợi phép tắc gì).

Người dân Việt ở Nam Vang thuở ấy vẫn được kính trọng và chiếm nhiều địa vị quan trọng trong chánh phủ cũng như trong nhiều ngành kỹ nghệ, trừ có ngành thương mại là luôn luôn vẫn ở trong tay người Trung Hoa nắm giữ.

Còn nói gì đàn bà con gái Việt, làm gì nước da cũng trắng và vóc giạt cũng thanh hơn gái Thổ, cho nên đừng lên đất Nam Vang thì thôi, chớ bước chân lên rồi là khó có đường về, dầu tệ cũng được chấm ngay, rồi sanh con đẻ cháu, chằng chịt dây tình, làm sao nói ra mà về đất Nam lại nữa?

Mặc dầu vấn đề chánh trị ngày nay chia cách chớ trong xã hội bình dân, người Miên và người Việt không quá chia cách như nhiều người lầm tưởng. Sự đồng hóa và sự giống nhau rất gần, nhứt là ở đất Hậu Giang, kể từ Châu Đốc xuống tận mũi Cà Mau, người Miên, người Việt vẫn sống chung đụng với nhau từ nhiều đời và ít khi có xảy ra chuyện rắc rối. Người Miên có tánh hay mắc cỡ và ít nói, cho nên biết tánh họ rồi thì người Việt ở chung với họ lâu năm cũng tập tánh ít nói và bắt chước sụt sè như họ cho dễ làm ăn dễ thù tạc vãng lai. Duy khi nào có tửu nhập tâm, có vài ngụm ba xi đế “khai khẩu”, thì khi ấy mặc tình cho đôi bên “phá thạch”, cười nói như bắp rang, và hết sụt sè. Nghĩ cũng ngộ cái câu liên lạc làm cho hai dân tộc càng thêm khắng khít nhau lại là tiếng chửi thề qua lại, thế mà không giận. Và có lẽ vì ít nói nhưng giỏi thực hành, nên thốt ra tiếng nào là có kết quả tiếng đó. Cho nên đừng lấy làm lạ sao giống Việt lai Miên và Miên lai Việt ngày nay quá đông đảo như vậy.

Nghĩ cho hai giống dân, một đàng chịu nhiều văn hóa Ấn, ấy là người đàng Thổ, và một đàng hấp thụ nhiều văn hóa Tàu, ấy là người Việt, thế mà hai giống nầy hạp nhau đáo để và rất thích nhau vì xét ra vẫn có nhiều tiểu tật và nhiều đức tánh như nhau. Có thể nói không có dân nào có máu mê cờ bạc và mê rượu trà hơn người Miên và người Việt Miền Nam.

Họ nghèo sát giường sát chiếu, có khi gia tài chỉ còn một cái nóp (1) làm sự nghiệp duy nhứt, ban đêm trải ra, chun vào đó mà ngủ vừa tránh muỗi đốt muỗi thiêu, vừa được ấm áp khỏi tốn chăn mền bề bộn, và mất tiền. Ban ngày cuốn lại quảy lên vai với ba mớ áo quần không đáng mấy đồng tiền, thân làm “con gặt” nổi trôi, đến mùa lúa chín, từ Tân Anh Vũng Gù, từ Vĩnh Long, Ba Càng, quảy nóp thả bộ xuống gặt mướn và cắt lúa chín cho các chủ điền lớn miệt Hậu Giang, Sốc Trăng, Bạc Liêu. Thế là trong đoàn làm gì cũng có một vài anh tài tử, vai quảy nóp, tay xách lưỡi hái, còn tay kia ôm trum trum một con gà nòi đá độ. Đó là con vật cưng nhứt trong đoàn, vừa là anh quân canh trung tín đánh thức giấc buổi rạng đông, vừa là lá cờ đại diện của nhóm dân nghèo, đến xứ lạ cáp và đá với gà Miên. Thua thì đồng thua tiền, hùn góp chút ít mua vui, còn nói gì thắng thì hỷ hạ hả hê cả đám. Có khi họ đem ống tiêu ống sáo theo, và khi ấy mặc sức xuy tiêu và đờn ca hát hò.

Người Miên cũng có con gặt của họ và cây lưỡi hái Miên vẫn có vẻ mỹ thuật và làm công phu hơn cây lưỡi hái của ta nhiều. Cây lưỡi hái Việt là một cháng hai có hai nhánh, thường là của cây ổi hay cây duối, cắt cưa rồi tra lưỡi thép bén là xong. Đó là khí cụ của nhà nông ta dùng mà cắt lúa gọn gàng từ nhiều đời lưu truyền lại. Cây lưỡi hái của người Miên vẫn khéo hơn nhiều. Họ lựa cho được một nhánh ổi già vừa tay cầm, phải có hình cong chữ “S”, họ cưa đúng cỡ, đem về cạo gọt tron bén, thui lửa rơm cho cây mau lên nước và cây mau có màu đen láng bóng, nơi hai đầu nhọn họ lại khắc sâu hình ốc sên cho thêm vẻ mỹ thuật, xong xuôi rồi mới tra lưỡi thép, có khi họ lại bịt bạc nơi khúc giữa chỗ cầm tay, và cây lưỡi hái ấy họ truyền tử lưu tôn nhiều đời trân trọng như một gia bảo. Đến mùa thì lấy xuống dùng, mãn mùa thì vắt vách thoa dầu dừa để gần bếp có khói xông cho khỏi mối mọt ăn.

Con gà nòi Miên cũng khác về tánh tình và khả năng. Gà Việt lanh lẹ chém dữ nhưng dở chịu đòn. Gà Miên tuy chậm chạp ít chém nhưng đá đòn chắc nịch, thêm giỏi tài chịu đựng, không bao giờ bỏ chạy bậy, và có nhiều độ khi đá đến nước khuya, con gà chém dữ bị đánh đau thấm đòn rồi bỏ chạy êm, trong khi ấy con gà lẽ đáng thua nhờ gan lỳ giỏi đứng chịu đòn, thét rồi con gà kia ít gan lỳ hơn bỗng vụt bỏ chạy và con gà đáng thua lại được cuộc, “phản độ” là vậy.

Người Miên và người Việt củi lụt làm ăn đã biết dư nhau những tiểu tật của mình nên càng gần nhau càng dễ tha thứ cho nhau và đã thầm lén đôi bên mua giống của nhau rồi gầy đúc lại giống mới. Gà Miên mái pha gà nòi trống Việt hoặc gà nòi Miên cáp với mái Việt sanh ra giống nòi lai mà đại diện trứ danh là gà nòi đất Cao Lãnh, vừa chém nhạy cựa, vừa giỏi chịu đòn. Tôi nếu không hư, thì đã không sa đà kết thúc đột ngột sánh người với thú và luận rằng xưa nay “nhơn vật đạo đồng”, và người Việt cũng như người Miên có lợi mà tương thân tương trợ nhau hơn là nghe lời đệ tam nhơn rồi cấu xé, chia rẽ nhau.

Tại Miền Nam còn sót nhiều câu hát:

“Ai đua Sông Trước thì đua,
Sông Sau có miếu thờ vua thì đừng”.

Đây là câu hát nhắc lại công lao vua Cao Hoàng Nguyễn Ánh đối với dân chúng miệt Hậu Giang.

Còn như câu:

“Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Gió nào độc bằng gió Nam Vang”.

(cũng hát: “Đất nào dốc bằng đất Nam Vang”)

“Ngọn gió thổi sang lạc vợ xa chồng,
Nằm đêm nghĩ lại nước mắt ròng ròng tuôn”.

Câu nầy hiểu theo địa dư thì đời đàng cựu tại Châu Đốc xưa có đèn và cờ “Thủ ngữ” làm lịnh, còn đất Cao Miên vẫn cao ráo và dốc hẳn hơn Miền Ba Thắc đồng bằng. Hiểu một cách khác thì là lối tỷ hứng ám chỉ một đôi vợ chồng nào đó vì sinh kế chia tay nhau, kẻ lên Cao Miên tìm sở làm rồi ở luôn trên đó lập gia đạo mới, khiến cho người đàn bà bị bỏ rơi than thân trách phận, nghe mà não nuột.

Trở lại đề tài “Vùng Cà Mau là vựa cá mắm thiên nhiên”, thì có lẽ xứ Hậu Giang quả đúng là đất lành. Mấy năm trước cá mắm không biết làm sao cho hết. Mùa nước đổ tôm càng xứ Sa Đéc nhiều cho đến đỗi lấy thùng thiếc đong mà bán và năm 1927-1928, lúc tôi còn làm việc ở đó tôi từng mua một đồng bạc đến bốn thùng thiếc tôm tươi, thứ thùng mười tám lít. Còn bắp trái trên cây bẻ xuống bán mỗi trăm là hai cắc bạc (0$20) thiệt là rẻ mạt. Muốn ăn tôm càng tươi nướng lửa lò, chỉ cần sắm đủ đồ gia vị và rượu ngon rồi đề huề cùng năm ba bạn tri âm xuống tam bản chống ra ruộng nước ngập mùa tháng tám tháng chín sẵn đêm thanh gió mát trăng nước đầy thuyền, mặc tình vừa ca hát vừa chống chèo lựa mấy chiếc xuồng câu giăng của mấy chị mười lăm mười sáu tuổi, trả năm ba xu cao lắm là một cắc một hào rồi trút hết cả giỏ tôm càng, tha hồ nhậu nhẹt.

Lò sẵn lửa sẵn vừa ấm vừa vui, tay nướng tôm tay nâng chén rượu, tôm chín bẻ đầu vứt bỏ cục đen đen còn lại gạch tôm chan một muỗng nước mắm ngon, kê miệng húp gạch vô tới đâu béo tới đó, thiệt là khoái khẩu, khoái tận mây xanh. Ăn xong đầu tôm, lấy một miếng bánh tráng (bánh đa), vói lấy con tôm lột vỏ bỏ đuôi kẹp mấy cọng rau thơm rồi chấm hết vào tô nước mắm, cười nói giòn tan, canh càng khuya trăng càng tỏ, rượu càng thêm hứng chí, quên hết sự đời. Thiệt rất khác với cảnh ngày nay, ban đêm không dám nói ra khỏi mùng mà còn sợ tai họa từ đâu bay đến. Tính coi năm 1928, ở Sa Đéc, bốn thùng thiếc tôm giá một đồng bạc, còn nay một con tôm ướp lạnh trả ba trăm bạc, không bán, nên ngày nay cái thú ăn tôm càng nướng chỉ còn trên giấy trắng, và trong trí nhớ.

Theo con nước đổ, xuống nữa là tới Chợ Vãng (Vĩnh Long), có cá thu cá hồng con thì kho rục (như) con thì nấu mẳn ngon lành. Xuống thêm chút nữa và gặp mùa gió bấc lai rai có sa mù nhiều, ấy là mùa cá cháy của vùng Trà Ôn, Cầu kè chạy dài xuống Vàm Tấn (Đại Ngãi, Sốc Trăng) (2). Đây là con cá đặc biệt và ngon nhứt của xứ Hậu Giang, xưa không tiến vua được vì chài lên khỏi nước là cá đã chết không rộng không để dành được phút nào. Nhưng một con cá cháy tươi, mười cỗ cơm Tàu Chợ Lớn không đổi. Cá cháy xương rất nhiều, thêm xương có cháng hai rất dễ xóc vào miệng vào mồm, những kẻ láu táu là biết với nó. Duy thịt cá tươi thì ngon ngọt vô cùng, và không biết mua gặp cá bủn thì nuốt không vô. Cá cháy trống, ăn nướng nguyên con dầm nước mắm Hòn là ăn quên thôi, nếu có chút bơ thoa vào là ngon tuyệt. Cá cháy mái, đến mùa đẻ lên sanh trên sông Hậu khúc Trà Ôn, Đại Ngãi, bụng trứng óc nóc, khi vớt lên được, hoặc nấu cháo là ngon đáo để, hoặc kho một lửa với nước dừa, ăn với bún thì và không kịp đếm, hoặc ăn với cơm thì cơm bới quên thôi. Nhưng tôi xin dặn nhỏ, đừng vì lạ miệng mà ăn quá chén, nhứt là lựa trứng ăn nhiều, qua bữa sau ngồi đâu rịn đó, nhớ đem tã theo mà lót! Trứng cá cháy có rất nhiều dầu, nên béo ngon là phải. Tiếc thay từ ngày có binh lửa, cá nầy biến mất trên con sông Hậu, kẻ thì nói vì giờ thiết quân luật quá nghiêm, người chài lưới không ra đúng giờ nên không bắt được cá, kẻ khác, khoa học hơn, thì cho rằng khúc sông từ Đại Ngãi lên Trà Ôn bị tàu chạy xả dầu quá nhiều, nước bị ô nhiễm, cá cháy sống không được nên đã di cư nơi khác. Con cá cháy ở Vũng Tàu, một đôi khi cũng có bán, nhưng thịt cứng không ngọt, có lẽ vì cá nầy ở biển mặn, không bì con cá cháy ở Trà Ôn sống lâu ngày trong nước ngọt nên thịt có khác.

Xuống thêm nữa thì tới miệt Bạc Liêu, tôm lóng và tép bạc kẹo lền đầy sông, ăn tươi không hết phải phơi khô, còn vỏ tôm thì lấy làm phân bón trồng dưa hấu bán tết và trồng rau cải. Xứ Bạc Liêu có rất nhiều cá chốt và một thi sĩ vô danh nào đã để lại một câu hát độc địa:

“Bạc Liêu nước chảy lờ đờ,
Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu”.

Lấy cá chốt là loại ăn bẩn ăn do đem so với người Tiều, tức người Trung Hoa sanh trưởng ở huyện Triều Châu, thì ác miệng thật. Nếu tác giả câu nầy từng thấy gái Tàu gốc Tiều lai Miên, thì ắt không sáng tác câu hát ác độc kia.

Từ Bạc Liêu đi một đỗi gặp một cánh đồng thấp phì nhiêu vô cùng, nhưng đặc biệt là nước sông rạch đều một màu đen thâm gần như mực xạ. Tiếng Cao Miên gọi “srock tực khmau”, dịch “sốc nước đen”. Ông bà chúng ta Việt hóa thành Cà Mau, chớ không phải “Cà Mâu” như nhiều đồng bào thường viết và đọc.

Như đã nói, sình sát bên thuyền, hai đứa đi sau đẩy một cái thúng thật lớn trong có nước lấp xấp chứa đầy cá, còn hai đứa đi trước thì chuyên việc bắt cá cho vào thúng. Mà chớ chi chúng nó bắt một cách khổ nhọc thì cũng đành, đàng nầy chúng nó làm như giả ngộ, bắt dễ ợt mà cá ở đâu để chúng bắt được quá nhiều. Nhiều thật nhiều chớ không chơi. Tính coi chúng nó lấy tay vét sơ dưới bãi một lỗ trũng tròn tròn như lòng chảo, vừa bằng một cái rổ trẹt trẹt, chúng bẻ sơ hai lá dừa nước che lúp xúp cho mát cái trũng, xong rồi một đứa lấy tay bốc một bốc cám rắc sơ sài nơi miệng trũng, – tôi viết chưa hết câu, – thế mà không biết cá ở đâu thoạt tuông vào “nghe một cái ồ”, cá đầy nhóc lỗ trũng và toàn cá ôi là cá, lúc nhúc nhảy soi sói, chúng nó chỉ còn xúc qua thúng rồi đẩy cái rổ tới trước, tiếp tục cái việc bắt cá dễ như trò chơi mà có ăn thiệt. Thiệt là quá sức tưởng tượng.

Tuy vậy, cái xứ cá đầy thúng nầy, nước vẫn đục và đen ngòm, truy ra vì đó là nước ứ đọng từ lâu năm trong những gốc mục của rừng dừa nước quanh năm chầy tháng lá dừa và bẹ dừa nước mục nát hết đi và tiết ra một chất mủ đen làm cho nước dưới chưn rừng dừa cũng đen theo, chảy lờ đờ quanh đi lộn lại, cũng hoàn chỗ cũ. Nước nầy xem lại chứa đựng rất nhiều sinh vật, đặc biệt nhứt là con ba khía, tức một loại cua còng nhỏ con, tới mùa nó leo lên cây không biết cơ man nào mà kể. Người thổ dân bắt ba khía cho muối vào làm ra thứ mắm để ăn quanh năm và dân nhà giàu Ba Thắc không nệ hà đãi khách sang bằng mắm ba khía khi nêm chanh ớt cho dịu, vì ba khía để dành lâu “ăn rất bắt cơm”. Ngoài ra trong nước còn chứa loại cá nước mặn và vô số tôm tép cua rùa, v.v…

Nước ấy tuy đen vì là nước trầm thủy, nhưng không độc. Người xứ Cà Mau vẫn dùng để ăn để uống và pha trà, duy người lạ đến đây thấy vẫn ngờ ngợ nhát uống. Coi vậy mà đó là nước mưa pha lá dừa nước, uống không sanh bịnh tật duy màu khó coi, không như nước nơi rừng khác thấy trong veo đẹp mắt mà uống độc bất ngờ. Cũng vùng Cà Mau có giống tràm mục lưu lai nhiều đời, lá rụng cây ngã giữ nước đọng lại rồi nát thành bùn, biến ra một chất “than đá non” “nê thán” (tourbe), xắn vuông vắn phơi cho khô, chụm rất tốt. Đó là một nguồn hoa lợi rất lớn về tương lai mà nước ta chưa khai thác vậy.

Vương Hồng Sển
(Chọn Lọc số 10 ngày 30-1-1966)
(Duyệt 2 VI 78)

Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

Xem thêm cùng tác giả:

Chú thích:

1) Nóp: Đệm may bít bồng, chừa một phía cho người ta chun vào mà ngủ cho khỏi muỗi cắn; cái mùng giả của bạn chèo ghe (Huỳnh Tịnh Của). Có lẽ nóp là tiếng Thổ ta mượn (sau tôi tra tự điển Miên Bernard, quả đúng. Kontil nôp là natte en jone cousue en forme de sac; les voyageurs s’en servent en guise de moustiquaire).

2) Vàm là cửa khẩu, miệng sông. Tiếng nầy mượn của người Miên, do tiếng Péam mà ra. Vàm Tấn là biến thể của danh từ Miên “Péam Senn”. Tôi định tiếng “vàm” có từ đời chúa Nguyễn, rất thông dụng trong Nam (Vàm Nao, Vàm Cống…).

Vương Hồng Sển

Published by
Vương Hồng Sển

Recent Posts

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

26 phút ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

57 phút ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

1 giờ ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

2 giờ ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

2 giờ ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

2 giờ ago