Cổ ngữ nói: “Một người có thể đi được bao xa, không phải được quyết định bởi đôi chân mà được quyết định bởi chí hướng”. Cổ nhân rất xem trọng việc lập chí hướng trong đời người, bởi vì không có chí hướng sẽ không có động lực tiến bước, cũng khó có được thành công trong cuộc đời. Tấm gương của cao tăng Đường Huyền Trang trong lịch sử là một ví dụ. Đường Huyền Trang có câu nói thế này: “Ninh khả tây hành nhất bộ tử, quyết bất đông thối bán bộ sinh”, ta thà tiến một bước về phía Tây mà chết, chứ quyết không lùi nửa bước về phía Đông để sống. Đây là câu nói thể hiện rõ chí hướng kiên định trong hoàn cảnh sinh tử. Đối với Huyền Trang, khi thốt lên được lời này, ông đã vượt ra khỏi cái chết và sự sống rồi.
Câu chuyện Đường Tăng đi lấy kinh trong Tây Du Ký có lẽ ai ai đều biết. Mà trong lịch sử quả thực cũng có một vị Đường Tăng như vậy. Chuyến hành trình của ông đi thỉnh kinh cũng đã trải qua trăm ngàn gian khổ, không hề dễ dàng.
Bản thân Huyền Trang khi còn nhỏ đã rất muốn xuất gia. Vào thời Tùy Đường việc xuất gia rất nghiêm khắc, danh sách người được chọn chỉ vài chục người, lại còn phải vượt qua kỳ thi. Huyền Trang mới mười mấy tuổi đã muốn xuất gia, ông không đủ điều kiện, nhưng vì rất thông tuệ nên được đặc cách tuyển chọn. Sau đó ông đi khắp các danh sơn cổ tự, phát hiện những kinh Phật hiện có tại vùng đất người Hán không thể giải đáp được nhiều vấn đề về nhân sinh, không thể khiến người tu hành giác ngộ triệt để. Thế nên ông đã có ý định đến Ấn Độ để tìm chân kinh. Nhưng lúc ấy người Trung Nguyên không được phép tự mình xuất ngoại, nên Đường Huyền Trang đã âm thầm ra đi.
Đường Huyền Trang đi về phía Tây, trải qua khổ cực, có lúc được người giúp đỡ, cuối cùng cưỡi ngựa tiến vào sa mạc. Ông mang theo một túi da đựng nước, nhưng mới đi được một đoạn đường thì túi da bị đổ, nước bên trong không còn. Đi tiếp về phía trước sẽ là sa mạc rộng lớn, đi đâu để tìm nước đây?
Đường Huyền Trang quay ngựa định trở về, bỗng nhớ lại mục đích của mình, thế là ông “thà tiến một bước về phía Tây mà chết, chứ quyết không lùi nửa bước về phía Đông để sống”. Huyền Trang cưỡi ngựa trong sa mạc nóng bức, khô cằn suốt năm ngày bốn đêm, lúc này ông đã ngất đi vì khát, ngựa cũng ngã gục. Đến sáng sớm hôm sau, một cơn gió mát thổi qua, ông tỉnh dậy thấy phía trước có một cái hồ. Đây chính là tưởng thưởng cho tín niệm kiên định của ông, là lòng tin xuất phát từ tín ngưỡng, là điều không thể giải thích bằng quan niệm thông thường.
Đến một con sông ở Ấn Độ, ông gặp phải một bọn cướp, chúng muốn giết một người để tế trời, thấy ông trắng trẻo, sạch sẽ, vừa hay hợp để tế trời. Dù sắp bị giết nhưng Huyền Trang vẫn không hề biến sắc, ông ngồi đó an hòa tĩnh tâm niệm kinh. Vào lúc bọn cướp chuẩn bị giết nhưng chưa kịp động thủ, sóng gió bỗng cuồn cuộn kéo đến, bọn cướp thấy thế liền hoảng sợ, quỳ gối cầu xin tha mạng. Hai câu chuyện kể trên đều là sự thật lịch sử.
Vậy mục tiêu của Đường Huyền Trang là gì? Khởi đầu của tiểu thuyết Tây Du Ký dù khá ly kỳ, nhưng cũng nói được lý do này. Vào giai đoạn Tùy – Đường chiến loạn liên miên, có câu chuyện về Ngụy Trưng mơ trảm Long vương Kinh Hà, Đường Thái Tông bị bắt xuống địa phủ đối chất với Long vương. Ở đó rất nhiều người đã cầu xin Đường Thái Tông siêu độ cho họ. Vì trong chiến tranh Tùy – Đường đã có rất nhiều người bị chết, có nhiều người chết oan nên cần siêu độ cho những oan hồn này, muốn siêu độ thì phải niệm chân kinh, đó là khởi nguồn của Tây Du Ký. Cũng tức là nói chuyến du hành thỉnh kinh này khởi đầu là vì mong muốn cứu độ chúng sinh.
Trong lịch sử, Đường Huyền Trang cũng có xuất phát điểm như thế. Ông thề phải lấy được chân kinh trở về, để con người được đắm mình trong Phật ân, ông xem việc này là sứ mệnh của mình. Chí hướng của Huyền Trang không phải vì bản thân mà đi lấy kinh, mà vì ông muốn hồng dương Phật Pháp, cứu độ bá tánh thiên hạ. Huyền Trang sở dĩ dám tiến vào sa mạc dù không có nước, không phải vì ông liều lĩnh, mà vì ông có chí hướng kiên định muốn lấy được chân kinh trở về. Đây là trách nhiệm và sứ mệnh của ông, vậy nên ông mới có thể dựng lập công đức vĩ đại, đó là tấm lòng từ bi của ông dành cho chúng sinh. Do vậy mới nói làm người thì việc lập chí là vô cùng quan trọng.
Theo “Giáo dục hạnh phúc: Chí hướng cao xa“
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Đồng Hân
Xem thêm:
Mời xem video:
Năm 2024, Chính phủ, NHNN siết chặt quản lý thị trường vàng khiến các kênh…
Những công nhân người Hoa đang làm việc tại một địa điểm xây dựng tại…
Trong số 17 bị cáo hầu tòa đại án Chuyến bay giải cứu giai đoạn…
Những cuộc đối thoại trong đời sống và công việc, những câu chuyện xung quanh…
Bà Nguyễn Thị L. (quê Tuyên Quang) bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo…
Để tránh bị phát hiện, nghi phạm đã đặt tên gọi của các hóa chất…