Người Việt có lẽ đã rất quen thuộc và tự hào với việc ba lần Đại Việt đánh bại quân Nguyên Mông, đội quân hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Tất nhiên, quân Mông Cổ không chỉ chịu thua trận ở Đại Việt mà còn thua người Nhật (1274 và 1281), và thua Ai Cập (trận Ain Jalut năm 1260), dù có những điều kiện khách quan trong những lần chiến bại đó. Nhưng có một cuộc chiến cũng gây ảnh hưởng lớn đến việc Đại Việt thắng quân Nguyên lần thứ hai, đó là cuộc cầm cự của Chiêm Thành trước vó ngựa Mông Cổ.
Đối với cuộc chiến chống lại quân Nguyên của Đại Việt thì cuộc cầm cự của Chiêm Thành trước quân Nguyên có ý nghĩa quan trọng, giúp biên giới phía Nam của Đại Việt được giữ vững, phá mất kế hoạch dùng Chiêm Thành làm bàn đạp đánh từ phía Nam lên của quân Nguyên.
Sau khi đánh bại nhà Tống, chiếm được Trung Hoa, năm 1282 quân Nguyên cho sứ giả đến báo cho Đại Việt biết sẽ đưa quân tiến đánh Chiêm Thành. Quân Nguyên yêu cầu mượn đường Đại Việt để đánh Chiêm. Nhà Trần biết rõ nếu cho mượn đường, quân Nguyên sẽ nhân cơ hội này chiếm ngay Đại Việt nên không đồng ý.
Trước đó Chiêm Thành cũng biết rõ mối nguy đến từ đội quân hiếu chiến muốn chinh phục cả thế giới, nên từ năm 1266 đến 1270, vua Indravarman V liên tiếp gửi 4 phái bộ sang Đại Việt để kết liên minh chống lại quân Mông Thát.
Khi quân Nguyên sai sứ sang đe dọa khuyên Chiêm Thành nên đầu hàng, vua Indravarman V đã già yếu nên không dám quyết định, nhưng thái tử Harijit thì kiên quyết đối đầu với quân Nguyên. Một cơ sở cho niềm tin ấy đó là sự liên minh rất chặt chẽ với Đại Việt của Chiêm Thành lúc bấy giờ. Quả nhiên sau này Đại Việt đã mang viện binh tới giúp Chiêm Thành khi họ bị quân Nguyên tấn công.
Thái tử Harijit đã củng cố các chiến lũy tường thành, lên tinh thần cho các tướng sĩ chuẩn bị bước vào cuộc chiến bảo vệ giang sơn.
Không thể mượn đường của Đại Việt, quân Nguyên quyết định đánh Chiêm Thành bằng đường thủy. Năm 1283, Toa Đô đưa 20 vạn quân đến Chiêm Thành, nhưng vì bị sóng to gió lớn gây thiệt hại, Toa Đô phải cho các chiến thuyền tạm neo ngoài đảo, khó khăn lắm mới vào được vùng Quy Nhơn, gần với kinh thành của vua Chiêm.
Thái tử Haritji đem quân chống giữ bờ biển. Quân Chiêm giao chiến với quân Nguyên suốt 6 tiếng đồng hồ rồi mới rút đi. Sau đó, quân Nguyên đưa quân đánh chiếm các nơi, còn thái tử Haritji thì tính kế để làm chậm bước tiến quân Nguyên, chuẩn bị thành trì chống giặc.
Một tướng của Chiêm Thành là Bảo Thoát Thốc Hoa vì kinh sợ trước sức mạnh của quân Nguyên nên xin được ra hàng, nhưng đây thực chất là kế trá hàng của Chiêm Thành. Bảo Thoát Thốc Hoa giả vờ bí mật cung cấp thông tin cho quân Nguyên. Ông ta nói với quân Nguyên rằng tình hình Chiêm Thành đang rối bời, quan quân nhiều người nghe uy danh của Nguyên triều đều muốn đầu hàng, vì thế nên muốn mượn áo mũ của quân Nguyên để chiêu dụ người Chiêm ra hàng.
Ngày 15/3/1283, Bảo Thoát Thốc Hoa dẫn theo một số quan lại cao cấp của Chiêm Thành đến trại Toa Đô “xin hàng”. Thế nhưng lúc đó có một người Hoa là Tăng Diên cũng ra hàng quân Nguyên. Tăng Diên cho Toa Đô biết quân Chiêm đang hăng hái chuẩn bị thành trì sẵn sàng đánh trả.
Sự mâu thuẫn thông tin khiến Toa Đô phải sai Tăng Diên đến đối chất với Bảo Thoát Thốc Hoa. Nhờ lý lẽ sắc bén, Bảo Thoát Thốc Hoa đã làm chủ được tình thế, từ đó Toa Đô tin rằng quân Chiêm vì sợ hãi mà đã mất hết tinh thần chiến đấu.
Thực ra, Bảo Thoát Thốc Hoa nhận nhiệm vụ từ thái Tử Harijit muốn Toa Đô vì chú ý chiêu hàng mà trì hoãn việc tấn công, như thế quân Chiêm mới có thời gian chuẩn bị lực lượng.
Bảo Thoát Thốc Hoa lừa Toa Đô rằng cần chiêu hàng người Chiêm vì quân Chiêm đã mất tinh thần chiến đấu, chứ không cần phải đưa quân đánh. Khi quân Chiêm đã hoàn thành bước chuẩn bị cho cuộc chiến rồi, Bảo Thoát Thốc Hoa nhận được lệnh trở về.
Bảo Thoát Thốc Hoa trá hàng giúp hoãn binh được 1 tháng. Nhờ vậy thái tử Harijit có thêm thời gian xây dựng thành vững chắc ở núi Nha Hầu với nhiều lớp hầm hào, cạm bẫy sẵn sàng đánh chặn quân Nguyên tiến vào kinh đô.
Quân Chiêm từ các nơi cũng đã tập trung lại để thái tử chuẩn bị cho cuộc chiến. Đồng thời thái tử Harijit nhận được 2 vạn quân chủ lực cùng 500 chiến thuyền của Đại Việt đến giúp Chiêm Thành.
Bảo Thoát Thúc Hoa trốn rồi, Toa Đô mới biết mình đã bị lừa, liền tổ chức tấn công. Tướng Trương Ngung đưa quân tiến qua núi Nha Hầu, nơi có thành gỗ mới xây của quân Chiêm. Tại đây quân Nguyên bị chặn lại không sao tiến được trước thành lũy phòng thủ vô cùng vững chắc của quân Chiêm.
Quân Nguyên tấn công thì bị bẫy đá, gỗ từ trên dốc cao thả xuống. Đồng thời quân Chiêm mai phục sẵn tấn công vào cả hai cánh và sau lưng quân Nguyên. Phía trước thì bị chặn, 3 bên còn lại đều bị tiến đánh khiến quân Nguyên đại bại, tướng Trương Ngung phải mở đường máu cùng tàn binh chạy thoát về doanh trại.
Không tiến quân được, lương thực lại cạn dần, Toa Đô phải cầu thêm viện binh, đồng thời chia quân đi các nơi để cướp lương thực.
Nhận thấy quân Nguyên đã yếu, Chiêm Thành cho quân tấn công. Thế nhưng đồng bằng lại là nơi quân Nguyên phát huy sở trường kỵ binh của mình, khiến quân Chiêm thất bại. Nhưng trong trận đánh này, quân Nguyên cũng bị tổn thất lớn.
Thái tử Harijit cho quân rút về cố thủ chặn vùng núi Nha Hầu. Đồng thời chia quân thành các toán nhỏ liên tục tấn công công hoặc phục kích quân Nguyên, khiến quân Nguyên phải mệt mỏi chống lại, lực lượng bị tiêu hao dần.
Quyết chiếm được Chiêm Thành, quân Nguyên cho thêm viện binh và yêu cầu mượn đường qua Đại Việt. Nhưng Đại Việt một lần nữa từ chối.
Quân Nguyên ở Chiêm Thành đói khát, lại cứ phải liên tục chống lại các trận tập kích nên chán nản đào ngũ nhiều. Toa Đô nhận thấy không thể ở mãi vùng Quy Nhơn nên cho quân lên thuyền về phía Bắc đến vùng Indrapura (tức Thừa Thiên Huế ngày nay), dừng lại trú quân. Quân Nguyên làm đồn điền, tự trồng trọt nhằm chủ động nguồn lương thực, đồng thời tiếp tục cầu xin viện binh.
Tháng 3/1284, quân Nguyên mới huy động được viện binh 3 vạn quân cùng vài trăm chiến thuyền do A Tháp Hải chỉ huy đến Quy Nhơn. Đến nơi, viện binh mới biết quân Toa Đô đã chuyển sang phía Bắc. A Tháp Hải cho thuyền ngược ra Bắc tìm Toa Đô nhưng dọc đường bị bão đánh cho tan tác khiến đám viện binh này hoàn toàn tan rã.
Bấy giờ quân Toa Đô không có lực để tiến đánh quân Chiêm nên chỉ thủ, cho quân tự trồng trọt nhằm có lương thực. Quân Chiêm Thành cũng không dám khinh suất tấn công nên viết thư nghị hòa và yêu cầu Toa Đô về nước, nhưng Toa Đô vẫn cố chờ viện binh.
Toa Đô viết thư về triều nói nên tấn công Đại Việt trước. Hốt Tất Liệt đánh Chiêm Thành là vì muốn có bàn đạp từ phía Nam để làm gọng kìm tiến đánh Đại Việt. Nhưng thực tế cho thấy việc đưa quân đến Chiêm Thành theo đường biển quá xa xôi lại dễ gặp bão tố, nên ông ta quyết định trực tiếp tiến đánh Đại Việt từ phía Bắc.
Năm 1285 quân Nguyên đưa 50 vạn quân tiến đánh Đại Việt, Toa Đô lúc này cũng đưa quân từ phía Nam tiến đánh Đại Việt, kết thúc cuộc chiến của quân Chiêm Thành chống lại quân Nguyên.
Sự kiên định của quân Chiêm Thành đã giúp Đại Việt tránh được mối lo từ phương Nam. Nếu lúc đó Chiêm Thành đầu hàng thì quân của Toa Đô sẽ bảo toàn được lực lượng, hợp với quân của Chiêm Thành và tạo thành gọng kìm nguy hiểm với quân Nguyên ở phía Bắc để tiến đánh Đại Việt trong cuộc xâm lăng lần thứ hai năm 1285.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…