Dưới thời Trần, Vân Đồn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Nó không chỉ có vị thế trọng yếu của một vùng biên viễn, mà còn là địa điểm quan trọng trong hệ thống thương mại châu Á. Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư được phong làm Phó đô tướng quân trấn nhậm Vân Đồn, giữ trọng trách và toàn quyền quyết định mọi việc ở đây. Nhiệm vụ của ông thực chất là bảo vệ an ninh vùng Đông Bắc.
Trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, có một trận đánh mang tính bước ngoặt, quyết định thắng lợi của Đại Việt. Trận đánh ấy mang dấu ấn của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư.
Sau 2 lần xâm lược Đại Việt nhưng đều thảm bại, Hoàng Đế nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt quyết đưa quân tiến đánh Đại Việt lần nữa nhằm phục thù.
Trong hai lần thua trước, quân Nguyên nhận thấy khi tiến đánh Đại Việt thì đều gặp một khó khăn quan trọng: Chiến thuật của Đại Việt khiến cho địa phương này khác biệt so với hầu hết các địa phương khác trên thế giới; quân Nguyên không thể cướp bóc lương thực tại Đại Việt trong quá trình xâm lăng. Kế sách rút lui của Hưng Đạo Vương khiến đội quân khổng lồ thiếu lương trầm trọng.
Chính vì thế mà lần này, quân Nguyên chuẩn bị lương thực rất kỹ lưỡng. 70 vạn thạch lương được chuẩn bị cho cuộc tiến quân này (có sách cho rằng 17 vạn thạch lương). Quân Nguyên tính rằng nếu không thực hiện được kế sách đánh nhanh thắng nhanh thì vẫn có đủ lương thực để phục vụ cho cuộc chiến lâu dài với Đại việt.
Tháng 12/1287, quân Nguyên tràn sang biên giới Đại Việt, 50 vạn quân Nguyên chia làm 3 ngả cùng tiến đánh. Trong đó cánh quân thủy đặt dưới sự chỉ huy của Ô Mã Nhi với 700 chiến thuyền mới đóng cùng 120 chiến thuyền của Hải Nam. Đi theo các chiến thuyền này còn có đội thuyền chở 70 vạn thạch lương do Trương Văn Hổ chỉ huy.
Quân Đại Việt tổ chức đánh chặn đội thủy binh ở cửa Vạn Ninh (Móng Cái), với chiến thuật đánh để tiêu hao bớt sinh lực quân Nguyên rồi rút đi bảo toàn lực lượng.
Thủy quân Nguyên tiến đến Vân Đồn, nơi Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư được giao trọng trách trấn giữ. Trước thế quân Nguyên mạnh, Trần Khánh Dư chỉ có 100 thuyền không thể ngăn được, bèn để thủy quân Nguyên ung dung đi qua.
Ô Mã Nhi tiến quân rất thuận lợi nên cho rằng quân Việt sợ. Viên tướng này muốn tiến quân nhanh đến Vạn Kiếp nhằm hội quân và lập công với Thoát Hoan. Đấy cũng khớp với thói quen đánh nhanh thắng nhanh của quân Nguyên.
Bấy giờ Thượng hoàng Trần Thánh Tông hay tin Trần Khánh Dư không ngăn thủy binh của Ô Mã Nhi thì cả giận, sai Trung sứ đến Vân Đồn triệu Khánh Dư về kinh chịu tội.
Trần Khánh Dư tự có mưu riêng, biết nếu đi về kinh chịu tội thì sẽ mất đi cơ hội nên nói với Trung sứ rằng:
Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn. (Đại Việt Sử ký Toán thư).
Biết rằng đằng sau thủy quân của Ô Mã Nhi là các thuyền lương của giặc, Trần Khánh Dư cho quân mai phục từ Vân Đồn (Cẩm Phả ngày nay) kéo dài một đoạn, quân chủ lực tập trung cửa Lục (Hòn Gai). Ô Mã Nhi chủ quan khinh địch, bỏ mặc đoàn thuyền lương quá xa.
Thuyền lương của quân Nguyên đến Vân Đồn thì bị tập kích. Không có quân chủ lực bảo vệ, Trương Văn Hổ cố gắng thoát qua Vân Đồn rồi hướng vào đất liền. Nhưng đến Lục Thủy thì quân của Trần Khánh Dư được bố trí ngày càng đông, vây chặt lấy.
Biết không thể giữ được lương thực, Trương Văn Hổ hạ lệnh đổ xuống sông, bản thân bỏ chạy, may mắn thoát chết về tới Quỳnh Châu (Hải Nam, Trung Quốc ngày nay).
Về trận Vân Đồn, Khâm Định Việt sử thông giám Cương Mục ghi chép rằng:
Khánh Dư đoán chắc thuyền của giặc đã đi qua rồi, thì thuyền tải lương tất đi theo sau, liền thu thập tàn quân, sẵn sàng chờ đợi. Một lát sau, quả nhiên thuyền tải lương của Văn Hổ đến, Khánh Dư đón đánh, quân Nguyên bị thua to…
Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim thì mô tả kỹ hơn rằng:
Ô Mã Nhi đem thuyền đi đến ải Vân Đồn gặp quân của Trần Khánh Dư chặn đường không cho đi. Ô Mã Nhi thúc quân đánh rát một trận, quân Khánh Dư thua bỏ chạy cả. Quân Nguyên kéo thẳng ra bể đi đón thuyền lương… Được mấy hôm Ô Mã Nhi ra bể gặp thuyền lương của Trương Văn Hổ, lại đem quân trở vào đi trước dẹp đường, Trương Văn Hổ đem thuyền lương theo vào sau… Trương Văn Hổ tải các thuyền lương vào cửa bể Lục Thủy Dương. Khánh Dư đổ quân ra đánh, Văn Hổ địch không nổi, bao nhiêu thuyền lương bị quân Khánh Dư phá cướp mất cả, và bắt được khí giới rất nhiều…
Quân Nguyên chiếm được thành Thăng Long, nhưng chờ mãi không thấy thuyền lương tới, Thoát Hoan liền lệnh cho Ô Mã Nhi tìm thuyền lương của Trương Văn Hổ. Ô Mã Nhi tìm không thấy thuyền lương, lại còn bị quân Việt phục kích nên bị thiệt hại nhiều. Lo bị trách phạt, Ô Mã Nhi cướp được 4 vạn thạch lương trên đường đi đưa về Thăng Long.
Số lương thực may mắn cướp được giúp quân Nguyên kéo dài một thời gian ngắn. Nhưng khi hết lương thì quân Nguyên lập tức lâm vào tình cảnh bi đát. Các cánh quân đi truy tìm lương thực, nhưng dân Đại Việt thực hiện kế sách rút lui của Hưng Đạo Vương nên quân Nguyên không có đất dụng võ.
Đồng thời lúc đó, hai kế sách “lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh”, “dùng đoản binh phá trường trận” của Hưng Đạo Vương được thực thi. Các cánh quân của Đại Việt liên tục tiến đánh quân Nguyên để tiêu hao bớt rồi rút ngay, khiến quân Nguyên luôn phải căng mình ra để đối phó.
Đặc biệt quân Đại Việt tập kích mật độ dày đặc vào ban đêm, khiến quân Nguyên lâm vào cảnh ban ngày thì thiếu ăn không có lương thực, ban đêm không ngủ được. Quân sĩ nhanh chóng mệt mỏi, không còn tinh thần chiến đấu mà chỉ muốn được trở về.
Không sao tìm được lương thực, lại bị tấn công liên tục, vào tháng 3/1288, Thát Hoan quyết định rút quân. Chỉ sau 3 tháng sang Đại Việt, quân Nguyên không còn lựa chọn nào khác phải trở về.
Lịch sử đã trôi qua, một số nhà phân tích ngày nay bình luận rằng trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, nếu người có công lớn nhất là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, thì người có công lớn thứ hai chính là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Sử thần Phan Huy Chú xếp Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư vào vị trí danh tướng đứng thứ tư của triều Trần, chỉ đứng sau các danh tướng Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão.
Để tưởng nhớ và ghi nhận công lao to lớn của Trần Khánh Dư, nhân dân đã tôn ông làm Thành hoàng và thờ tự tại đình Quan Lạn, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Hàng năm, để ôn lại chiến công hiển hách của ông người dân trong vùng thường duy trì hội đua thuyền truyền thống vào dịp Lễ hội từ mùng 10 -20/6 (âm lịch).
Trần Hưng
Tham khảo từ bài viết: “Đôi nét về Trần Khánh Dư tại vùng biển Vân Đồn” của tác giả Nguyễn Trung Dũng.
Xem thêm:
Mời xem video:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…