Trong “Sư thuyết” của Hàn Dũ có câu rằng: “Sư giả, sở dĩ truyền đạo thụ nghiệp giải hoặc dã”, nghĩa là “Người làm thầy là người truyền đạo, truyền nghề và hoá giải những điều còn mê hoặc”. Đạo làm thầy không đơn giản chỉ là làm một người thợ dạy học, mà còn phải truyền thụ cho học sinh đạo lý đối nhân xử thế và phẩm chất quý giá là chủ động học hỏi.
Tác phẩm “Sư đạo” hay còn gọi là “Sư quy” (phép tắc của người thầy) được ghi lại bằng cổ văn, đã thuật lại một cách hệ thống 6 chương tư tưởng về tầm quan trọng của người thầy, trách nhiệm của người thầy, sự thận trọng của người thầy, đạo làm thầy, phương pháp của người thầy và cái gốc của người thầy. Hơn nữa mỗi một chương lại được thuật lại theo 3 phần, biểu đạt sự lý giải của tác giả về đạo làm thầy và đức của người thầy.
Tác phẩm này có thể giúp những người theo nghề dạy học nhận thức được tầm quan trọng của việc việc lấy mình làm gương từ căn bản và làm thế nào để có thể trở thành một người thầy ưu tú. Nó có kết cấu hoàn chỉnh, nội dung toàn diện, phân tích rõ ràng, văn tự trôi chảy. Đây là một tác phẩm cổ văn xuất sắc, cũng là một trước tác giáo dục xuất sắc.
Sinh mệnh chi trọng – Tầm quan trọng của sinh mệnh
Con người có 3 sinh mệnh, một là sinh mệnh do cha mẹ sinh ra, hai là sinh mệnh do người thầy tạo ra, ba là sinh mệnh do tự mình lập nên. Cha mẹ sinh thân này, thầy cô tạo linh hồn này, sau đó tự mình lập mệnh này. Cho nên người làm thầy chẳng khác nào cha mẹ tái sinh, một ngày làm thầy cả đời làm cha, hay còn gọi là Sư phụ (thầy cha).
Thánh học chi trọng – Tầm quan trọng của việc học hỏi bậc thánh nhân
Kế thừa tuyệt học của bậc thánh nhân, khai mở thái bình cho vạn đại, ai là người kế thừa, là người khai mở ấy? Chính là người thầy: Người giúp kế thừa đời trước, tiếp nối đời sau. Mạnh Phu Tử kế thừa bậc thánh nhân, mở ra việc học hành, cũng là tấm gương điển hình cho vạn đại.
Thiên hạ chi trọng – Tầm quan trọng của thiên hạ
Thiên hạ hưng vong, kẻ thất phu ta phải có trách nhiệm, kẻ thất phu cũng có thể gánh vác trách nhiệm. Người đi học chú tâm học hành đã là một lẽ, nhưng tìm được người thầy dạy làm ăn dễ hơn tìm được người thầy dạy làm người. Cho nên người làm thầy liên quan tới sinh mệnh của con người, liên quan tới việc kế thừa việc học của thánh nhân, liên quan tới thái bình của thiên hạ. Học trò thành người, thiên hạ ắt sẽ hướng tới Đức. Nếu dẫn dắt con cháu người ta đi sai đường, thiên hạ ắt tổn thất nặng nề. Vậy nên không thể không coi trọng thiên hạ mà truyền dạy một cách cẩn trọng.
Truyền đạo chi trách – Trách nhiệm truyền đạo
Người ở trong đạo sẽ có lương tri. “Nhân chi sơ tính bản thiện”, nghĩa là con người sinh ra vốn tính thiện lương, bởi lẽ con người có lương tri. Cho nên người làm thầy cần thuận theo đức tính thiện lương của con người mà ca ngợi cái thiện và ức chế cái ác, đây được coi là truyền đạo. Người ở trong đạo cũng là đấng sáng tạo: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”. Sự sáng tạo của đạo đều được biểu hiện trong sức sáng tạo của con người. Sức sáng tạo của con người, cùng tồn tại, cùng sinh ra với đạo, có thể khiến vạn vật sinh sôi. Cho nên người làm thầy, phải thuận theo đạo, khơi dậy sức sáng tạo của con người. Điều này được gọi là truyền đạo.
Thụ nghiệp chi trách – Trách nhiệm truyền nghề
Chó giữ nhà, gà gáy sáng, tằm nhả tơ, ong nuôi mật, động vật đều có chức trách riêng của mình, huống hồ là con người. Hoa cỏ quản cái đẹp, mỏ bùn quản khoáng vật, hơi nước quản năng lượng, vạn vật đều có chức trách của mình, huống hồ nền công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp của con người. Việc học hành, chức trách, sự nghiệp, muôn vàn nghề nghiệp trên thế gian đều được thiết kế cho con người. Mỗi người mỗi phận, mỗi người lo cai quản chức trách của mình, mỗi người nhận lấy nhu cầu của mình, thì gọi là đạo nghề nghiệp. Cho nên người làm thầy, tuỳ người mà truyền thụ chức nghiệp, động viên khích lệ họ để thành tựu sự nghiệp, đây gọi là thụ nghiệp hay truyền nghề.
Giải hoặc chi trách – Trách nhiệm khai mở điều còn nghi hoặc
Người còn nghi hoặc ắt đang ở trong mê. Con người đâu thể không học mà tự biết. Không biết nên mới học, học thì mới biết rằng chưa đủ, thế là lại học nhiều hơn. Càng thấy hiểu biết của mình chưa đủ thì càng học nhiều, cứ luân phiên tuần hoàn như vậy, chính là đạo trưởng thành. Cho nên, người làm thầy, dạy điều trò còn thiếu mà tháo gỡ chỗ mê hoặc, gọi là giải điều mê hoặc.
Nọa chi thận – Cẩn trọng với sự lười nhác
Học trò còn nhỏ lại hiếu động, tâm tính chưa ổn định, chưa nhập chính đạo nên người làm thầy không thể lười nhác mà không nghiêm. “Tam Tự Kinh” nói rằng: Dạy mà không nghiêm là lỗi do thầy lười nhác. Người thầy không nên tức giận, không quá nghiêm khắc, và không được lười nhác. Người không lười nhác thì sẽ tận tâm, ắt thu được thành quả.
Nộ chi thận – Cẩn trọng khi nổi giận
Người làm thầy, dẫu phải chịu nhiều áp lực phiền não, nhưng hãy cẩn trọng, chớ nổi giận. Nếu hễ nổi giận hậu quả còn đáng sợ hơn cả người thường. Một là học trò non nớt, tâm tính nhút nhát, dễ bị tổn thương, nếu bị tổn thương, cả đời khó chữa. Hai là, nếu người làm thầy mà nổi giận thì nhiều người sẽ phải hứng chịu, 1 truyền 10, 10 truyền trăm, số người phải hứng chịu sẽ quá nhiều. Ba là, nổi giận thì sẽ thất kính, thất kính thì trò không sợ, cũng chẳng tin, e rằng sẽ hoang phí cả sự nghiệp học hành. Cho nên người làm thầy cần nhẫn được điều mà người thường không thể nhẫn, chịu đựng điều mà người thường không thể chịu đựng. Muốn thọ phúc thì cần phải nhẫn, nhẫn chịu rất lớn ắt sẽ đắc được đại phúc.
Lợi chi Thận – Cẩn trọng với cái lợi
Trang Tử nói rằng: Con người trọng lợi, đất thanh liêm trọng danh (danh dự), hiền sỹ tôn sùng chí, thánh nhân quý sự tinh tuý. Khổng Tử nói rằng: Bậc quân tử hiểu rõ về nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu rõ về lợi. Người làm thầy cũng là bậc quân tử, đừng vì lợi mà dạy, đừng dùng việc dạy học mà mưu lợi. Nếu dạy vì lợi, nếu dạy để mưu cầu lợi thì sẽ mất đạo. Nhưng người thầy cũng là con người, con người ắt sẽ tính toán thiệt hơn, nhưng ngành giáo dục lại là một ngành đại lợi, lợi ích dài lâu. Cho nên người làm thầy cần vì đại lợi, vì cái lợi dài lâu của thiên hạ. Đại lợi ắt có đại thiện, ắt sẽ có đại hỷ.
Nhân ái chi đạo – Đạo thương người
Người nhân thì có đức, người giàu lòng yêu thương thì từ bi. Người làm thầy cũng là bậc làm cha, người làm em cũng như con. Vậy nên là người làm thầy chỉ có thể yêu thương con người bằng tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái, mới có thể thực hành được đạo làm thầy với thiên hạ. Những bậc hiền sư thánh vương kim cổ, không thể không coi nhân ái là cái gốc của việc dạy học. Người làm thầy yêu người như thể yêu con, học trò ắt tôn kính thầy với tấm lòng hiếu thuận như với song thân. Giữa cha con, thầy trò, cha nhân từ con hiếu thuận, thầy nhân từ trò tôn kính, hiếu thuận cha mẹ, tôn kính thầy cô, đạo đều ở trong đó.
Sư phạm chi đạo – Đạo lấy mình làm gương
Dùng bản thân làm gương thì trên hành dưới thực thi. Học cao là thầy (sư), thân ngay chính là phạm, là cái gốc của việc dạy học. Học nhiều hiểu rộng, học và luôn thực hành, dạy mà luôn đổi mới, là coi trọng việc học, có thể làm thầy. Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, ôn nhu, lương thiện, cung kính, cần kiệm, cẩn trọng, làm người ngay thẳng thì có thể làm mẫu. Thân ngay chính thì dẫu không ra lệnh trò cũng hành theo. Thân mà không chính, dẫu ra lệnh trò cũng chẳng vâng lời. Thân ngay chính sẽ được người đời tôn kính, được tôn kính nên sẽ được tín nhiệm. Thân mà không chính thì chẳng được kính trọng, không được kính trọng, uy tín cũng chẳng còn.
Khiêm Đức chi đạo – Đạo khiêm nhường
Người làm thầy, đừng cho rằng mình là thầy mà cao ngạo. Mỗi người đều có sở trường riêng của mình trong thiên hạ. Khổng Tử nói rằng: “Tam nhân hành tất hữu ngã sư”, nghĩa là trong ba người đi ắt có kẻ là thầy của ta. Lại có câu rằng: “Bất sỉ hạ vấn”, không xấu hổ khi phải hỏi kẻ dưới. Hàn Dũ cũng nói rằng: Thánh nhân thời xưa, dẫu thân ở nơi xa, cũng vẫn thăm hỏi thầy. Lại có câu rằng: “Học trò chưa hẳn đã không bằng thầy, thầy chưa hẳn đã hiền đức hơn học trò, học đạo phân trước sau, mỗi nghề nghiệp đều có kỹ năng riêng.” Trong “Học Ký” cũng nói rằng: Học sau đó mới biết là không đủ, dạy sau đó mới biết còn vướng mắc, biết không đủ nên tự suy ngẫm, còn vướng mắc mới tự cường, cho nên càng dạy học thức càng tăng.
Khích lệ chi pháp – Biện pháp khích lệ
Chí khí là khả năng của con người, có khả năng nên có thể làm được, có thể làm được sẽ có được thành quả. Cho nên người lấy thiện làm thầy, khích lệ cái chí khí của họ, động viên họ thực hành. Khích lệ sẽ khiến con người bắt tay vào việc. Động viên sẽ khuyên nhủ được sức lực của họ. Hành động thì sẽ có sức, có sức sẽ hành động, càng hành động lại càng có sức, càng có sức lại càng hành động, cứ luân phiên, tuần hoàn tích cực như vậy.
Dụ đạo chi pháp – Phép dẫn dụ
Sức sáng tạo của con người ngay khi sinh ra đã có, nên hãy lấy thiện làm thầy, mà nhẹ nhàng dùng thiện dẫn dụ người. Dụ là chỉ dẫn, để người đó tự đạt được sức sáng tạo của mình. Sáng tạo sẽ tạo nên thành tựu, có thành tựu sẽ sinh ra sự tự tin, sự tự tin sẽ sinh ra động lực, động lực sẽ sinh ra sức sáng tạo, sức sáng tạo lại sinh ra thành tựu, cứ luân phiên tuần hoàn tích cực như vậy.
Uy nghiêm chi pháp – Biện pháp uy nghiêm
Uy đến từ tín, nghiêm đến từ luật, không nộ mà uy, theo luật mà nghiêm, thì gọi là uy nghiêm. Uy cũng là tín, tin mình tin người. Tín thì có thể uy, uy sẽ có thể kính, kính sẽ có thể sợ, sợ lại có thể nghiêm. “Nghiêm sư xuất cao đồ”, thầy nghiêm ắt sẽ sinh trò giỏi. Nghiêm là luật, kỷ luật với bản thân, kỷ luật với người khác. Kỷ luật thì sẽ nghiêm, nghiêm thì có thể hành, hành thì sẽ có hiệu quả, có hiệu quả sẽ có thành tựu. Thành tựu học trò mới là điều người thầy nên làm.
Lạc giáo chi bổn – Lấy việc yêu thích truyền daỵ làm gốc
Làm tốt thì sau này có thể kiên trì thường hằng, dạy tốt thì sau này có thể kiên trì truyền dạy. Kế cho mười năm thì không gì bằng trồng cây, kế cho suốt đời thì không gì bằng đào tạo con người, không tốt thì không thể kiên trì bền lâu. Mà người làm tốt không bằng người yêu thích việc đó, người dạy tốt không bằng người thích truyền dạy. Thích dạy nên hiếu học, học không biết mệt, dạy người cũng không biết mệt. Có được anh tài trong thiên hạ mà giáo dục họ là niềm vui to lớn của người thầy. Thầy thích dạy trò ham học, dạy vui vẻ mà học cũng vui vẻ, dạy học tương trợ cho nhau, niềm vui đều ở trong đó.
Tu thân chi bổn – Lấy tu thân làm gốc
Học cao là thầy, thân ngay chính là phạm, đó chính là đang tu thân. Đạo tu thân trong cuốn “Đại Học” nói rằng đạo của “Đại học” là đạo của bậc “đại nhân”, đạo của bậc thánh nhân là đạo tu thân. Trong “Đại Học” còn nói rằng: Từ thiên tử cho tới thường dân, đều cần lấy tu thân là đứng đầu, là cái gốc. Sư là làm gương cho người, thì phải lấy tu thân làm gốc, tu thân truyền thụ, thực thi đại đạo.
Công đức chi bổn – Lấy công đức làm gốc
Trò tôn quý thầy, thầy quý mến trò. Cổ nhân ở bậc thánh nhân có Khổng Tử, phương Tây có ngài Giê Su, bổn sư Thích Ca, đều vì đệ tử của mình mà thành tựu công đức. Những người làm thầy trong thiên hạ ngày nay đều nên quản thúc việc truyền dạy của mình theo tiêu chí: “Vi thiên địa lập tâm, vi sinh dân lập mệnh, vi vãng thánh kế tuyệt học, vi vạn thế khai thái bình”, nghĩa là “Vì trời đất mà lập tâm, vì dân sinh mà lập mệnh, vì thánh nhân xưa mà kế tục tuyệt học, vì vạn đại mà khai mở thái bình”. Học trò hiền đức khắp thiên hạ cũng là đại công đại đức của người làm thầy vậy.
Theo Sound of Hope
Thiên Cầm biên dịch
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…