Nhiều anh chị khi đi lên các vùng cao nguyên, miền núi thăm thú hoặc làm thiện nguyện về đều có một nhận xét, “nhìn ánh mắt trẻ em trên đó đẹp thật, nó trong veo. Cũng độ tuổi đó, nhưng trẻ em miền xuôi không thế.” Nhìn mắt trẻ em ở nhiều nước khác, ta cũng dễ dàng nhận thấy sự trong trẻo hồn nhiên như thế. Không chỉ vậy, nhiều người lớn ở các nước cũng vẫn có sự hồn nhiên trong ánh mắt, trong cư xử với nhau, trong cách thể hiện cảm xúc cá nhân.
Với họ, cảm xúc cá nhân là điều rất quan trọng và do đó được tôn trọng, đồng cảm gần như tuyệt đối. Nó tự nhiên như trời thì có nắng có mưa, người thì lúc cười lúc khóc.
Trong các anh chị em, hồi nhỏ có người nào không bị ba mẹ nạt nộ quát im mồm khi các anh chị em khóc không? Chắc có, nhưng ít lắm, thiệt là may mắn cho anh chị em. Nhiều người không được như vậy. Cho đến bây giờ, vẫn có nhiều đứa trẻ không được sống thật với cảm xúc của nó. Tôi có thể nói mà không sợ mình vướng lỗi thậm ngôn, rằng, phần lớn người Việt không dám sống thật với cảm xúc của chính mình.
Không có một dân tộc nào hành xử như dân tộc Kinh: đánh đòn đau một đứa trẻ nhưng đồng thời cấm khóc. Khóc được coi là một hành vi yếu đuối và hành vi luôn được đánh đồng với bản chất. Nhất là con trai, đàn ông càng không được khóc. Thằng bé té đau, nó mếu máo, liền phải nghe phỉ báng tiếp, “Con trai mà mít ướt!” hoặc phán xét cay nghiệt, “Đau chút mà khóc thì lớn làm được chuyện gì?” Một logic cực kỳ tệ hại và sai bét được áp dụng hết đời này qua đời khác. Đứa trẻ không cảm nhận được sự thương yêu nâng đỡ khi nó đau, khi nó buồn, khi nó thất vọng. Đã vậy nó còn phải nhận những lời chỉ trích, chì chiết nặng nề từ người lớn, buộc nó phải đè nén cảm xúc thật. Khi con người bị buộc phải đè nén cảm xúc quá lâu, quá nhiều, người đó sẽ không thể thể hiện cảm xúc thật của mình ra ngoài và khó lòng đồng cảm được với cảm xúc của người khác.
Con người có cảm xúc trước những gì diễn ra trong nội tâm và ngoại cảnh, thể hiện cảm xúc ra ngoài qua: khóc, cười, tức giận, buồn, yêu thích. Trước cái đẹp, cái hay, người ta trầm trồ. Khi gặp cảnh bất công, người ta tức giận. Khi gặp cảnh thương tâm, người ta khóc. Biết yêu, biết nhớ, biết giận, biết ghét. Việc thể hiện cảm xúc ra bên ngoài là điều hết sức bình thường và cần được tôn trọng tuyệt đối bởi đó là quyền tự nhiên của mỗi con người.
Khi một người được những người khác tôn trọng cảm xúc, họ cảm nhận được sự đồng cảm, sẻ chia, từ đó sẽ có sự đồng cảm, sẻ chia ngược lại. Con người có thể hợp tác với nhau để làm việc chính là bởi người ta có thể cùng nhau chia sẻ cảm xúc về một điều gì đó.
Một anh chàng lên sân khấu biểu diễn lần đầu tiên, anh ta run trước đám đông khán giả, luống cuống, ngập ngừng… Đám đông thấy vậy, liền hiểu đó là do anh ta lo lắng nên vỗ tay động viên, anh chàng như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, tự tin hơn và bắt đầu màn trình diễn của mình. Nếu đám đông đó không khuyến khích động viên mà quay ra chỉ trích chê bai thì anh chàng sẽ càng lo sợ và có thể không thể biểu diễn được.
Một người dân bị chính phủ lấy đất không đền bù thỏa đáng, bà ta đi kiện và đeo một cái biểu ngữ đứng ở công viên kêu gọi cộng đồng quan tâm. Nếu đám đông thấy hình ảnh người đàn bà khắc khổ phải đeo biển đứng ở công viên là một hình ảnh gây ra cho người ta sự thương cảm hoặc tò mò thì đám đông sẽ hỏi thăm, tìm hiểu và nhận ra: à nếu mình không giúp bà ta rất có thể một ngày nào đó chính phủ sẽ lấy đất của mình và đền bù không thỏa đáng. Họ giúp bà trong việc đi lại, khởi kiện. Nếu chính phủ không giải quyết, họ sẽ cảm thấy bất công và tức giận, họ lập hội đoàn theo đuổi tới cùng bởi lúc này không đơn giản chỉ là câu chuyện cá nhân bà ta và chính phủ nữa, nó liên quan tới chính sách và cộng đồng. Mọi chính sách đều có thể thay đổi nếu đám đông đủ lớn và cất lên tiếng nói chung của mình.
Kịch bản trên đã và có thể diễn ra ở nhiều nơi, trừ Việt Nam. Bởi đám đông ở Việt Nam không có sự đồng cảm với người khác. Nếu có đồng cảm cũng không dám thể hiện ra bên ngoài vì sợ người ta đánh giá, phán xét. Có mấy người tự hỏi và nhận ra những đánh giá phán xét ấy đều là thứ vớ vẩn, tào lao. Người đàn bà mất đất đeo biểu ngữ đi lang thang, đứng công viên, đến các trụ sở… ngày qua ngày, tháng qua tháng. Cái mà bà nhận được là sự cô đơn cùng cực. Những người đi qua nhìn thoáng rồi đi luôn. Họa hoằn có người hỏi chuyện, thấy thương cảm, bèn bố thí cho bà vài đồng. Phần lớn nghĩ, thôi thôi không phải chuyện của mình.
Không phải chuyện của mình. Vâng, chúng ta đang sống ích kỷ, vô cảm, vô trách nhiệm với cộng đồng và với chính bản thân chúng ta như thế bởi chúng ta không còn biết đồng cảm, không biết chia sẻ cảm xúc nữa. Dân tộc ta chưa bao giờ có thể là một dân tộc đoàn kết cũng chính vì không thể chia sẻ cảm xúc với nhau.
Làm sao để dạy con trẻ sống thật với cảm xúc của chính nó? Đơn giản hãy tôn trọng những khi nó thể hiện cảm xúc ra ngoài. Nó ngã đau, đỡ nó dậy hay để con tự đứng dậy, khi nó khóc, hãy dịu dàng hỏi han và lau nước mắt cho nó. Đừng sợ nó nhõng nhẽo ăn vạ. Bởi khi nó nhõng nhẽo ăn vạ vì không được đáp ứng điều gì đó, hãy cứ kệ nó, đừng dỗ, hãy cho nó biết bạn không đồng tình với cách giải quyết vấn đề của nó và hướng dẫn nó cách giải quyết khác hay hơn.
Người mẹ dẫn đứa bé vào siêu thị, bé đòi lấy cái ly thủy tinh để chơi. Mẹ không đồng ý, giải thích, “Cái đó là hàng người ta bày ra để bán chứ không phải để chơi, con. Nó có thể bị vỡ và làm con đứt tay đó.” Đứa bé không nghe, nó lăn ra sàn nhà và khóc. Người mẹ biết cách giải quyết vấn đề và tôn trọng cảm xúc của con sẽ bảo, “Con khóc và lăn đùng ra sàn như thế thì mẹ cũng không thể lấy cái ly cho con chơi. Không bao giờ. Con có thể lăn và khóc bao lâu tùy thích, mẹ chờ. Khi nào con hết lăn và khóc thì chúng ta có thể đi mua đồ tiếp rồi về nhà chơi đồ chơi (hoặc đi đến khu vui chơi..)” Đứa trẻ sẽ suy nghĩ, cân nhắc và lựa chọn. Nó sẽ lựa chọn cái có thể xảy ra. Chưa xong, khi trẻ nín, đừng ôm ấp dỗ dành, hãy bảo trẻ, “Vừa rồi con đã rất làm phiền những người xung quanh. Con hãy xin lỗi họ đi.” Phần lớn đứa trẻ sẽ trốn tránh việc này. Hãy kiên nhẫn chờ và khuyến khích, “Ta làm sai thì ta phải xin lỗi chứ. Xin lỗi khi mình sai là rất dũng cảm. Con của mẹ dũng cảm quá. Con xin lỗi mọi người đi. Nãy mọi người phải nghe con khóc la rất phiền tai đó…” cho đến khi con xin lỗi mới thôi.
Cũng cảnh đó, đa số người mẹ Việt sẽ xử lý theo hai cách: một là ôm ấp dỗ dành hứa hẹn một món khác, “Nín đi, nín đi, mẹ mua kem. Con ngoan. Nín mẹ mua kem nhé.” Đứa trẻ không hề học được bài học gì về hành vi. Tệ hơn, phần lớn đều theo cách hai là quát nạt bắt nó câm mồm, chửi bới nó vì nó hư, lôi nó ra khỏi siêu thị. Tại sao người ta thường chọn cách hai? Họ xấu hổ với đám đông xung quanh, sợ đám đông chê mình không biết dạy con, rằng mình có đứa con hư. Và thực sự cái đám đông Việt Nam cũng nghĩ như thế thật. Họ hoàn toàn không hề có sự đồng cảm với đứa trẻ, không hướng dẫn nó đâu là hành vi đúng, đâu là không. Thấy đứa trẻ lăn đùng khóc lóc ở siêu thị, họ sẽ liếc xéo đứa trẻ và người mẹ một cách phán xét. Người mẹ và đứa trẻ bị phán xét đó sau này có thể đồng cảm được với đám đông trong những vấn đề khác không? Không.
Hãy dạy con biết yêu thiên nhiên, động vật và hãy dạy con biết rung cảm trước cái đẹp. Người ta thường bảo người biết rung cảm trước cái đẹp là những người nhạy cảm. Xin thưa, chẳng có ai nhạy cảm hơn ai cả đâu. Do giáo dục mà ra cả. Hãy dạy con sống thật với cảm xúc của bản thân. Để làm được điều đó, ba mẹ cũng phải tập cách sống thật với cảm xúc của chính mình.
Chủ đề khá lớn và cần trình bày rất nhiều mới có thể chuyển tải hết được. Trong bài viết ngắn, tôi chỉ có thể nói những điểm căn bản để các bậc bố mẹ nhận ra vấn đề, suy nghĩ, tìm hiểu thêm và thay đổi.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng dưới sự cho phép của tác giả
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…