Thời xưa, những nho sĩ chỉ đọc sách luyện đề rồi đi thi mong làm quan, thi trượt thì về nhà bám váy mẹ hoặc vợ sống sau đó tỏ ra chán nản trong thi ca ngâm vịnh sáo rỗng và rượu. Ngày nay, những người có học nhưng không tự lập trong tư duy, cuộc sống mà sống dựa vào thủ đoạn và ăn theo nói leo người khác đã tạo ra hình ảnh “người đọc sách” xấu trong lòng đại chúng.
Người ta dễ nghĩ đọc sách nhiều rồi thì cũng chỉ trở thành mọt sách. Hoặc là đọc sách nhiều mà “sống cũng có ra gì đâu”.
Đại khái thế!
Và đấy là cái cớ để hạ thấp, lờ đi, bỏ mặc tình trạng không đọc rồi sung sướng với sự vô minh.
Thật ra chuyện “đọc nhiều nhưng sống không ra gì” hay “mọt sách” thuần túy chẳng đi đến đâu thì đông tây kim cổ đều có. Nếu cố ý tìm kiếm và nhặt ra trong số những người đọc sách thì thể nào cũng tìm thấy.
Nhưng người Việt thường mắc lỗi không hiểu, không nhìn ra “trung bình cộng” khi quan sát. Nếu so sánh hai cộng đồng, hay hai tập thể cá thể. Một cộng đồng đọc sách mê sách và một cộng đồng thù ghét sách, không quan tâm, không đọc sách thì ta sẽ thấy hiển nhiên rằng trong cộng đồng thứ nhât tỉ lệ các cá nhân xuất sắc, tuyệt vời “sống cho ra sống” và là con người hành động sẽ nhiều hơn nhiều so với cộng đồng thứ hai.
Đơn giản hơn, ta có thể thấy sự suy đồi của cá nhân đọc sách thật sự nếu có sẽ thấp hơn so với cá nhân không đọc sách cho dù xét ở phương diện cá nhân và cộng đồng.
Có bạn sẽ lại gầm lên “thống kê đâu?”, “vơ đũa cả nắm à?”. Xin thưa, trong thế giới và cuộc sống này không phải cái gì nói ra, viết ra, nghĩ ra cũng cần số liệu thống kê và số liệu thống kê không phải là vạn năng. Thử hỏi bao nhiêu công trình, báo cáo ở Việt Nam có số liệu thống kê đầy đủ, đẹp đẽ và trong số đó bao nhiêu là giả dối và vô ích?
Và chẳng cần thống kê, chỉ cần lọc ra danh sách các nghi can, thủ phạm vụ án đăng công khai trên báo và xem lý lịch của họ sẽ thấy bao nhiêu người trong đó là “mọt sách”.
Một lý do khác nữa là nhiều người không phân biệt được “mọt sách” thật sự – những người biến đọc sách thành thú vui thậm chí là “mục đích” của cuộc sống (thích thì cứ đọc, ngày nào cũng đọc, đọc là vui) với những người “giả vờ hay tỏ ra là đọc sách”.
Xin thưa nhiều người có sách nhưng chẳng bao giờ đọc. Nhiều người có bằng cấp cao nhờ học hành cũng không đọc. Thậm chí đáng sợ hơn là nhiều người dạy học cũng… chả đọc.
Thế nên trước khi chửi ai đó “Đọc nhiều nhưng có ích gì đâu” hay “Đọc thế mà sống có ra cái… gì đâu” thì bạn phải xem lại hai việc.
Một là người đó có phải thực tâm, thực sự đọc sách không?
Hai là, cái mà bạn coi là không ra gì đó có phải là thứ phổ quát trên thế giới không, người nước ngoài, ở nền văn hóa khác họ có coi trọng không?
Tôi biết, có nhiều người khi tuyệt đối hóa vật chất hay các giá trị hữu hình thường rất coi thường giá trị tinh thần hay vẻ đẹp vô hình mà sách vở đem lại. Nhiều ông chồng (hay bà vợ) say mê sách vở đã bị chính người thân trong gia đình coi thường, đồng nghiệp chế giễu vì họ không giàu, không nhiều tiền, không có chức vụ…
Nhìn và soi bằng giá trị quan tuyệt đối hóa vật chất hay địa vị thì điều đó là hiển nhiên, dễ hiểu.
Nhưng nhìn bằng các giá trị quan khác thì chưa chắc. Vua La Mã đã từng gạ một nhà triết học đổi địa vị để có được tự do.
Tương tự, cuộc sống muôn màu, nhân sinh muôn vẻ, đích đến của cuộc đời hay hạnh phúc của nó không phải là một thứ đơn điệu, một màu hay phụ thuộc vào đơn giá trị.
Vì thế, người Việt cần thoải mái với tâm lý nói trên, coi việc chế giễu, kì thị việc đọc sách giống như “gãi ghẻ”, cho “vui” thì mới tiến lên được.
Tái bút: Có một thực tế rất tức cười và đau khổ là thế này. Người Việt chưa làm tốt nhiều thứ và thua khu vực, thế giới vì lạc hậu về lý thuyết nhưng người Việt lại rất sợ hãi lý thuyết, thậm chí căm ghét lý thuyết. Làm gì cũng chăm chăm vào phần kĩ thuật, kĩ năng thuần túy. Đó là nghịch lý khiến cho tuy coi trọng phương pháp – kĩ năng nhưng kết quả hiệu quả công việc không cao, sản phẩm làm ra không tinh túy. Giản đơn vì nó thuần túy chỉ là sự “cần cù” không có lý thuyết chỉ dẫn.
Tương tự, người Việt rất hay chế giễu “mọt sách”, sợ mình và con mình thành “mọt sách” nhưng hỡi ôi thực tế là ở Việt Nam thiếu nhất mọt sách. Suốt hơn 2 ngàn năm qua ở Việt Nam tìm mỏi mắt ta cũng chỉ thấy có một vài “con mọt sách” mà so với thế giới hay khu vực cũng chưa là gì cả.
Mọt sách chính là thứ mà xã hội và giáo dục ta chưa tạo ra được. Đó là một tầng lớp say mê chân lý, đắm chìm trong suy tưởng và nỗ lực tìm kiếm chân lý vượt qua cả sự khắc nghiệt của thực tại.
Không tin bạn thử nhìn mình và xung quanh xem kiếm được bao nhiêu người như vậy mà kêu sợ mọt sách?
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…