Dòng họ Nguyễn Cửu: Danh gia vọng tộc của triều Nguyễn (P1)

Dòng họ Nguyễn Cửu đã sản sinh ra nhiều người tuấn kiệt, trở thành danh gia vọng tộc nổi tiếng ở Đàng Trong, đóng góp to lớn trong việc vệ quốc cũng như khai khẩn vùng đất Nam bộ. Sử sách thời kỳ này cũng viết rất nhiều về những danh thần trong dòng họ này như Nguyễn Cửu Kiều, Nguyễn Cửu Ứng, Nguyễn Cửu Dực, Nguyễn Cửu Thế, Nguyễn Cửu Vân, Nguyễn Cửu Đàm, Nguyễn Cửu Pháp, Nguyễn Cửu Dật, Nguyễn Cửu Tuấn…

Nguyễn Cửu Kiều vào Đàng Trong

Theo “Vân Dương kinh phổ” tức gia phả của tộc Nguyễn Cửu ở làng Vân Dương (Huế), thì dòng tộc này vốn họ Nguyễn gốc Gia Miêu ở Hà Trung, Thanh Hóa, có họ hàng xa với Hoàng tộc Nguyễn Phúc của chúa Nguyễn.

Nguyễn Cửu Kiều sinh trưởng trong gia đình làm quan cho nhà Lê. Vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nhận thấy chúa Trịnh không theo đạo vua tôi, lấn át vua Lê, nên Cửu Kiều có ý định vào nam với chúa Nguyễn.

Bấy giờ có Công nữ Ngọc Tú biết được ý định của Cửu Kiều. Bà là con gái của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chị của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, được gả cho chúa Trịnh Tráng ở Đàng Ngoài, trở thành Trịnh phi Ngọc Tú.

Năm 1623, Trịnh phi Ngọc Tú bí mật đưa thư và ấn báu cho Cửu Kiều, bảo ông vào nam giúp chúa Sãi. Cửu Kiều giả làm người đi chọi gà để vào Đàng Trong.

Được Chúa gả Công nữ

Chúa Sãi nhận được thư của chị mình thì mừng lắm, gả con gái thứ ba là Ngọc Đỉnh cho Cửu Kiều, sau cho thăng chức làm Chưởng Cơ. Sự kiện này “Đại Nam nhất thống chí” có chép rằng:

“Nguyễn Cửu Kiều: Tổ tiên người Thanh Hóa, sau nhập tịch huyện Phong Lộc. Từ Đông Đô vào Nam, làm Cai đội, quản Mã cơ thuyền, được vua gả công chúa, thăng Chưởng cơ, ra làm Trấn thủ Quảng Bình. Ít lâu sau, được triệu về, thăng Chưởng dinh, coi giữ quân Túc Vệ.”

Còn cuốn Đại Nam thực lục thì chép rằng:

“Quý hợi, năm thứ 10 (1623)… Lấy Nguyễn Phúc Kiều (vốn họ Nguyễn, cho theo quốc tính, sau đổi làm [hệ tính] Nguyễn Cửu) làm cai đội, coi đội Mã cơ. Kiều từ Đông Đô đem mật thư của Ngọc Tú về dâng. Chúa rất mừng, đặc trao cho chức ấy, rồi gả công chúa Ngọc Đỉnh cho.”

Năm 1633, Cửu Kiều vâng lệnh Chúa đi trấn thủ ở Nam bố Chính (Quảng Bình ngày nay). Ông trị vì yêu thương dân chúng nên rất được lòng dân.

Lập nhiều công lớn

Mùa đông năm 1633, chúa Trịnh Tráng khởi binh tiến đánh Đàng Trong lần thứ hai, Nam Bố Chính là nơi cửa ngõ. Cửu Kiều cho người đóng cọc ở sông Nhật Lệ, quân Trịnh gặp phải cọc ngăn cản nên tiến rất chậm chạp.

Sau 10 ngày chưa vượt được bãi cọc trên sông Nhật Lệ, quân Trịnh trễ nải chán chường, sĩ khí không còn, lúc này quân Nguyễn mới xông ra đánh dữ dội khiến quân Trịnh tan rã phải tháo chạy.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Năm 1640, tướng quân Trịnh là Nguyễn Khắc Liệt đưa quân từ Bắc Bố Chính tiến đánh Nam Bố Chính của Đàng Trong. Cửu Kiều cùng Trương Phúc Phấn đem quân đánh đuổi, đồng thời lấy luôn Bắc Bố Chính ở Đàng Ngoài.

Sau đó chúa Trịnh phải gửi thư tạ tội xin lại Bắc Bố Chính, chúa Nguyễn mới đồng ý trả lại phần đất này.

Năm 1648, Thế tử Nguyễn Phúc Tần lên ngôi Chúa, liền gọi Cửu Kiều trở về, thăng cho chức Chưởng Dinh, nắm giữ đội quân Túc Vệ bảo vệ Kinh thành.

Năm 1655, tướng Trịnh giữ châu Bắc Bố Chính là Phạm Tất Đồn đưa quân quấy nhiễu vùng biên, quân Nguyễn đưa quân tiến đánh. Lần này chúa Nguyễn Phúc Tần quyết định vượt sông Gianh tiến đánh thẳng ra Đàng Ngoài, đây là lần giao tranh thứ 5 của hai bên. Trong 7 lần giao tranh lớn Trịnh – Nguyễn thì đây là lần duy nhất quân Nguyễn tiến đánh Đàng Ngoài trước sự quấy nhiễu của quân Trịnh, 6 lần giao tranh lớn khác đều là quân Trịnh tiến đánh Đàng Trong.

Quân đội Đàng Ngoài qua bức “Võ quan vinh quy đồ” thế kỷ 17. (Tranh: Daderot chụp, Wikipedia, Public Domain)

Chỉ huy quân Nguyễn là Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến và Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật. Cửu Kiều cũng theo tham chiến. Quân chúa Nguyễn liên tục giành chiến thắng, tiến quân đến tận huyện Kỳ Anh, Nghệ An.

Cửu Kiều đưa quân đóng ở bờ nam sông Đàm, chiêu phủ hai huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, dân chúng ở đây theo về với chúa Nguyễn ngày càng đông.

Qua đời

Mùa hè năm 1656, quân Nguyễn tiến đến sông Lam, Cửu Kiều giữ chức Thủy sư Phó tướng đưa quân đến cửa Hội đánh tan thủy binh quân Trịnh ở đây. Tuy nhiên viện binh của quân Trịnh kéo đến rất đông, Cửu Kiều bị thương nặng, về đến Quảng Bình thì mất, thọ 58 tuổi.

Chúa hay tin thì vô cùng thương tiếc, phong cho ông là Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Tả quân Đô đốc phủ Tả đô đốc, Nghĩa quận công. Mộ của ông được lập ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, cho 50 người chuyên chăm sóc mộ phần. Lại cho lập đền thờ ở xã Dương Xuân (khu vực Gành Đá, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế).

Cửu Kiều có 2 người con trai là Nguyễn Cửu Ứng và Nguyễn Cửu Dực, đều làm quan to. Ứng là người dũng cảm, được giao cho trấn thủ Bố Chính, được cả quan và dân khen ngợi.

Con trai thứ ba của Cửu Ứng là Nguyễn Cửu Thế được Chúa gả cho Công nữ Ngọc Phượng, góp công lớn, lúc mất được phong Tán trị công thần.

Cửu Thế có 3 con trai là Cửu Quý, Cửu Thông, Cửu Pháp đều nắm giữ chức vụ quan trọng, lâp nhiều công cho chúa Nguyễn.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Bệnh tiểu đường gây tổn thương võng mạc như thế nào?

Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…

5 phút ago

Hungary sẽ triển khai hệ thống phòng không gần biên giới của Ukraine

Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…

1 giờ ago

Quân đội Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần

Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…

1 giờ ago

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…

3 giờ ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

9 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

10 giờ ago