Anh bạn kể tôi nghe chuyện lúc anh mới sang Mỹ, một lần ngồi cà phê với bạn, anh thấy có một người ngồi xe lăn đang cố lăn xe nhưng vướng một cái gờ nên không lên được. Anh định chạy ra giúp thì anh bạn người Việt sống lâu năm bên đó ngăn lại và bảo nên tránh việc đó vì nhiều lẽ rắc rối: phải xin phép mới được giúp, không được tự tiện khi không được nhờ, vả lại nếu chẳng may gặp phải thằng xấu nó lăn đùng ra ăn vạ thì phải hết hơi giải thích với cảnh sát hoặc hầu toà, ai đâu làm chứng được cho mình… Và anh đã ngồi im, để rồi sau đó anh áy náy, không ngủ được.
Một lần, đứa em hỏi tôi, “Chị tham gia mấy chuyện chính trị thì được gì?” Tôi không trả lời được ngay vì bất ngờ. Nó tiếp, “Chỉ thấy chị mất.” Tôi im lặng vì lúc đó tôi nghĩ mình không thể giải thích cho thằng em thực dụng hiểu được những cái trong một tương lai không biết chừng nào mới tới.
Anh bạn sau đêm mất ngủ, tìm hiểu và suy nghĩ thì quyết định vẫn cứ phải giúp người khác cho dù có nguy cơ gặp rắc rối. Anh chưa gặp rắc rối vì giúp người khác lần nào và anh được gì? Sự thanh thản trong chính tâm hồn mình và niềm vui vì mình hữu ích.
Câu hỏi được gì là một câu hỏi mà con người thường tự hỏi mình và hỏi người để cân nhắc trước một quyết định nào đó. Trong cuộc đời mỗi người, ta phải tự hỏi được, mất gì rất nhiều lần để buộc mình cẩn thận, suy tính lợi hại. Chẳng có gì xấu cả. Nhưng khi người ta đem câu hỏi được gì đó ra để áp vào những quyết định liên quan tới tình cảm, cảm xúc, sự đồng cảm, lòng trắc ẩn, lương tâm của con người thì nó lại vô duyên và lố bịch. Sự thực dụng không hẳn xấu, nhưng sẽ rất xấu nếu lợi dụng nó để bù vào phần thiếu hụt của tình yêu và sự trắc ẩn trước nỗi đau của đồng loại.
Trong một xã hội nơi mà người ta phải giành giật từng chút để sinh tồn và làm giàu bất chấp thì tình yêu thương, sự trắc ẩn, sự tử tế, đồng cảm luôn trở thành điều xa xỉ. Câu hỏi được gì có vẻ rất hợp lý với người tự cho rằng mình sống duy lý nhưng thật ra là đang quá tính toán một cách thực dụng chứ chẳng phải duy lý.
Trong một xã hội chất chứa quá nhiều tổn thương, quá nhiều sự bức bối, quá nhiều nhạy cảm, quá nhiều giả dối và quá nhiều sự ngu xuẩn thì mọi việc đều luôn bị đẩy tới sự cực đoan tột cùng.
Nếu Thượng Đế, đấng kiến tạo cũng đặt câu hỏi được gì thì ngài đã chẳng tạo ra con người, cái giống phá hại thiên đàng địa cầu bậc nhất trong tất cả các sinh-động vật mà người tạo nên.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…