Giáo dục gia đình là một chủ đề có tính chất bao trùm rộng lớn mà một kẻ thư sinh trẻ tuổi như tôi khó có thể đủ bản lĩnh để nói về nó một cách học thuật hoặc trình bày các trải nghiệm riêng như là một ví dụ của thành công (giống như nhiều hotmon đang làm).
Tôi không đủ tự tin để làm điều đó dù tôi đang là bố của hai đứa trẻ và hai vợ chồng tôi cũng đang đánh vật với chúng hàng ngày khi ông bà nội ngoại không ở cùng và cũng không thuê người giúp việc.
Vì thế xin phép quý vị cho tôi được thoải mái trình bày ở đây những gì tôi biết, tôi nhận thức được về giáo dục gia đình. Xin quý vị coi đây như là một lời tâm sự, một thông tin tham khảo.
Nếu như những thông tin mà quý vị nghe được ngày hôm nay giúp cho quý vị có dũng khí bớt chút thời gian trong cuộc sống bận rộn hàng ngày để suy nghĩ và nhìn lại những hoạt động giáo dục mình đang dành cho con từ đó có nhận thức mới để phối hợp với các thầy cô ở trường tốt hơn thì với tôi đó sẽ là niềm hạnh phúc.
Không rõ quý vị ở đây có cảm nhận như thế nào nhưng cảm nhận của tôi là cả xã hội chúng ta đang quay cuồng trong cơn bão táp của cải cách giáo dục. Nếu cầm tờ báo lên hay dán mắt vào màn hình máy tính chúng ta sẽ thấy trên các tờ báo mạng bên cạnh các tin tức về những vụ án hay các scandal giải trí, thông tin về giáo dục đặc biệt là các động thái cải cách giáo dục và các vấn đề của trường học luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của độc giả.
Đấy có thể là thông tin bộ giáo dục vừa thay đổi thể lệ trong kì thi THPT quốc gia.
Đấy có thể là lệnh cấm tổ chức thi tuyển sinh vào lớp sáu.
Và cũng có thể đấy là công văn hỏa tốc của bộ giáo liên quan tới việc ban hành quy chế ứng xử để hạn chế bạo lực học đường.
Và tệ hơn, buồn hơn, rất có thể là các tin như “Thầy giáo đấm vỡ mũi học sinh”, “nam sinh đâm thầy giáo thủng bụng”, “300 giáo viên bị buộc chấm dứt hợp đồng”, “200 nghìn cử nhân thất nghiệp”…
Trong đời sống gia đình, chủ đề thường xuyên bên mâm cơm hay bàn uống nước sẽ là chuyện thi cử, học hành.
Cha mẹ đau đầu vì chuyện trường lớp của con. Nhà nào có con sắp thi chuyển cấp, thi đại học thì hỡi ôi, tất cả các thành viên bất kể già trẻ, lớn bé sẽ ở trong tâm trạng hối hả, thấp thỏm như sắp ra… chiến trường.
Cùng với sự gia tăng của những tin tức về nạn thấp nghiệp, tính chất cạnh tranh trong giáo dục ngày càng quyết liệt…
Học sinh tối mặt vì học. Học ở nhà, học ở trường, học ở lớp học thêm, học ở trung tâm và thậm chí học cả trong lúc ngủ. Hãy thử hỏi con mình xem có bao nhiêu em ngủ mơ vẫn thấy mình không làm được bài kiểm tra hay thi hỏng?
Nhưng, quan tâm tới giáo dục, nhiệt tâm cho giáo dục. Đầu tư nhiều tiền bạc và công sức cho con cái không đảm bảo 100% sẽ đem lại thành quả chắc chắn. Nếu như sự quan tâm và đầu tư (thực ra tôi không thích từ “đầu tư” vì nó mang tính vụ lợi) không đúng mục đích, không đúng cách nó thậm chí còn đem lại những kết quả nguy hiểm đầy thất vọng.
Có một nhà giáo dục học của Nhật Bản, bằng nghiên cứu thực chứng của mình, đã chứng minh rằng ở thập niên 80-90 của thế kỉ trước, thanh thiếu niên Nhật hư hỏng nhiều không phải vì các gia đình, thầy cô, xã hội không giáo dục họ mà là vì các thanh thiếu niên đó đã bị giáo dục quá nhiều nhưng không đúng cách và sai lầm.
Kết luận này của ông đã làm cho cả giới giáo dục chấn động. Rất nhiều học giả khác đã chia sẻ và đồng tình với nhận định này của ông.
Ở Việt Nam, để chứng minh cho luận điểm tôi vừa nên ra ở trên không khó. Nếu như chúng ta đang làm tốt thì tại sao chúng ta lại đang có đến 200 nghìn cử nhân thất nghiệp. Nếu như chúng ta đã đi đúng đường thì tại sao trong cuộc sống hàng ngày chúng ta lại bất an với chính con người – những sản phẩm mà giáo dục tạo ra, đang sống cùng chúng ta trong không gian này cho dù không gian đó là quán ăn, đường phố, bệnh viện hay thậm chí cả… trường học.
Trường học đã không còn là nơi an toàn cho chính cả giáo viên và học sinh. Đấy là một hiện tượng có tính biểu tượng rất đáng suy ngẫm và đau xót.
Chúng ta, nếu muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn – chí ít cho con cháu mình – không có cách nào khác hơn là phải thẳng vào sự thật đó.
Nhìn thẳng vào sự thật là bước khởi đầu của thay đổi nhận thức.
Từ thay đổi nhận thức sẽ dẫn tới thay đổi hành động và hành động ngày một có hiệu quả hơn.
Chúng ta, ở từng góc độ của mình, cần nhìn lại những gì chúng ta đã, đang và sẽ tác động đến giáo dục cũng như tư thế của chúng ta với giáo dục.
Trước hết chúng ta hãy tự nghĩ xem, chúng ta kì vọng gì ở giáo dục, chúng ta giáo dục con, đưa con đến trường, dạy dỗ học sinh để làm gì? Chúng ta mong muốn các em sẽ trở thành người như thế nào ở ngày mai, ở tương lai?
Chúng ta mong muốn con em mình thành một ông quan tham có khả năng kiếm thật nhiều tiền, có cuộc sống xa hoa và nâng đỡ được họ hàng hay chúng ta muốn con mình trở thành một người viên chức an phận thủ thường?
Chúng ta muốn con mình sẽ sống trong một xã hội mà các giá trị nhân văn được bảo vệ, đảm bảo và khuyến khích hay chúng ta sẽ chấp nhận con em mình sống trong thế giới mà ở đó để sinh tồn, chúng sẽ phải hi sinh tất cả hoặc phần lớn các giá trị nhân văn?
Nhận thức về mục đích sẽ dẫn dắt hành động của chúng ta. Sai lầm về mục đích sẽ tạo ra sai lầm có tính chất hệ thống khó cứu vãn dù ở chuỗi các hành động tiếp theo chúng ta làm tốt. Các nhà chuyên môn gọi đó là nhận thức về triết lý giáo dục.
Vì vậy, việc đầu tiên và cũng là công việc mà các giáo viên, các nhà quản lý giáo dục, phụ huynh phải thường xuyên làm là tự hỏi “mình muốn con/học sinh của mình sống trong xã hội thế nào?”, “mình muốn con/học sinh của mình sẽ trở thành người như thế nào?”. Nhận thức và phương thức tự vấn đó sẽ điều chỉnh hành động, hành vi giáo dục của chúng ta, giúp chúng ta không hoang mang và lạc bước trên chặng đường dài.
Giáo dục, cho dù là con đường loài người đã đi ngay từ khi xuất hiện trên hành tinh này, sẽ mãi mãi là một con đường gian nan vạn dặm. Trên con đường ấy, thành công bền vững thực sự sẽ không đến với những người lười biếng, bàng quan, thiếu trí tuệ hay nóng vội.
Trong vai trò là một giáo viên, rất nhiều lần tôi được phụ huynh bày tỏ “Có gì trăm sự nhờ thầy”. Tôi biết, rất nhiều đồng nghiệp của tôi và cả các nhà quản lý giáo dục ở các trường học (hiệu phó, hiệu trưởng) cũng thường nghe những lời như thế.
Tâm lý đó của phụ huynh là dễ hiểu. Trước kia, trẻ em vốn “xã hội hóa bản thân” để trưởng thành (quá trình thay đổi bản thân để trở thành thành viên của một cộng đồng nào đó) nhờ vào sự chỉ bảo dạy dỗ của đại gia đình, nơi sinh sống của nhiều thế hệ, nhờ vào sự bảo ban của hàng xóm – những người sống xung quanh và sau đó là nhờ vào sự hướng dẫn của cộng đồng dân cư như làng, xã… Những kinh nghiệm xã hội, thuật xử thế và cách thức tổ chức đời sống cá nhân, hợp tác xã hội đã được hình thành một cách tự nhiên như thế.
Điều này lý giải tại sao ở các làng quê trước kia, thanh niên cho dù không có điều kiện học hành nhiều ở trường học và kết hôn sớm vẫn có thể đảm đương ở một mức độ nào đó vai trò là thành viên của cộng đồng làng xã (làm các nghĩa vụ của mình và xử thế), và vai trò là người chủ gia đình.
Ở một thái cực khác, nó cũng sẽ giúp chúng ta hình dung lý do tại sao thanh niên hiện nay cho dù học hành bài bản hơn, có bằng cấp cao hơn, có nhiều thông tin hơn lại gặp khó khăn trong tương tác, hợp tác với cộng đồng và làm chủ đời sống cá nhân.
Xã hội truyền thống đã đổ vỡ mạnh mẽ và nhanh chóng.
Nông thôn với cấu trúc xã hội truyền thống làng xã gần như không còn. Thanh niên, học sinh đã sống cuộc đời tách biệt với sinh hoạt mang tính chất dân chủ làng xã cho dù họ vẫn đang sống ở ngay tại đó. Phần lớn thời gian họ dành cho trường học và các trung tâm học thêm. Các gia đình nhiều thế hệ cũng đã giảm đáng kể và ngày càng giảm. Chức năng giáo dục gia đình đã và đang chuyển dần cho trường học – “trăm sự nhờ thầy cô” là câu nói phản ánh rất cụ thể và rõ ràng xu hướng ấy.
Sự truyền dạy thuật xử thế, các kinh nghiệm xã hội, phương thức vận hành đời sống cá nhân – những thứ cần trước hết và cần đến trọn đời cho mỗi cá nhân đã biến mất phần lớn cùng với sự tan vỡ của gia đình truyền thống và xã hội cộng đồng làng xã.
Lẽ ra, sự truyền dạy đó phải được chuyển giao nguyên vẹn và nâng tầm vào trong triết lý, nội dung chương trình, phương thức giáo dục cũng như đời sống sinh hoạt của nhà trường.
Nhưng thật tiếc và cũng rất đáng lo ngại là giáo dục trường học với những bất toàn càng sửa càng rối của nó (ở đó di sản lịch sử của khoa cử Nho giáo cũng “góp công” rất lớn) đã không chủ động tạo ra sự chuyển giao đó.
Nhìn vào nội dung chương trình, sách giáo khoa hay sinh hoạt ở trường học sẽ thấy ở đó thiếu vắng nội dung giáo dục đời sống. Người ta đã chỉ chú tâm chủ yếu đến việc truyền thụ các tri thức giáo khoa – thứ hữu ích cho các bảng thành tích cuối năm hay luyện thi vào trường chuyên, lớp chọn, thi vào đại học hay làm đẹp hồ sơ hay đi du học.
Điều đó giải thích tại sao, chúng ta chỉ có học sinh giỏi mà không có các công dân tốt.
Chúng ta có những cá nhân kiếm tiền xuất sắc mà không có những con người có tài năng xuất chúng và có cống hiên xã hội lớn.
Chúng ta có ngày càng nhiều người giàu, có bằng cấp cao, nhà cửa đẹp mọc lên san sát, siêu xe chạy trên đường ngày càng nhiều, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy bất an từng ngày.
Ăn chúng ta sợ ngộc độc.
Đi chúng ta sợ xe đâm.
Ngủ chúng ta sợ cháy nhà.
Mặc chúng ta sợ mặc quần áo rởm có chất độc.
Chơi chúng ta sợ bị chặt chém.
Và ngay cả khi sắp chết chúng ta vẫn phải lo lắng về đám tang của mình.
Tác giả cuốn sách Homo Sapiens, Lược sử về loài người từng nói đại ý rằng, ưu thế của loài người tinh khôn (Homo Sapiens) so với người Nealderthan, một chi người khác, không phải là thể lực hay dung lượng bộ não. Những thứ đó về cơ bản giữa hai chi không có gì khác biệt lớn. Cái ưu thế của người tinh khôn nằm ở khả năng tưởng tượng và khả năng tổ chức cao. Nhờ có hai thứ đó mà người tinh khôn đã tạo ra ngày một nhiều những thứ chưa từng có trong thế giới thật và liên kết, hợp tác tạo ra những cộng đồng phức tạp với sức mạnh cộng hưởng khổng lồ.
Đi xa hơn một chút (dù có thể là suy diễn từ ý của tác giả), tôi cho rằng hai năng lực làm nên sức mạnh của người tinh khôn – tổ tiên của chúng ta – đó có được là nhờ vào giáo dục.
Tổ tiên chúng ta đã biết giáo dục bản thân (tự giáo dục) và giáo dục các thế hệ đi sau thông qua giáo dục gia đình, giáo dục cộng đồng (ngày nay ta gọi một cách hiện đại là giáo dục xã hội), trước khi dựa vào giáo dục trường học.
Nên nhớ rằng trường học với quy mô quốc gia nhắm đến phục vụ toàn bộ quốc dân chỉ mới có từ thời cận đại trở lại đây. Ở Việt Nam hệ thống trường học này thực sự chỉ mới bắt đầu từ thời Pháp thuộc với rất nhiều hạn chế về phạm vi đối tượng mà nó phục vụ.
Vì vậy, để có được những người con, người học sinh ưu tú, chúng ta đừng dại dột quy toàn bộ hoạt động giáo dục cho trường học. Giáo dục trường học tuy rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Trước giáo dục trường học, song hành với giáo dục trường học và sau giáo dục tường học là giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
Nói một cách khác, giáo dục trường học chỉ thực sự có hiệu quả khi nó được giáo dục gia đình hỗ trợ song hành. Đấy là lý do nhà trường mời quý vị phụ huynh và những người như chúng tôi, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục xã hội tới đây trò chuyện.
Điều gì sẽ xảy ra khi những giá trị mà nhà trường theo đuổi đối lập với các giá trị mà phụ huynh mong muốn?
Tôi lấy ví dụ, nhà trường dạy học sinh sống như một người trung thực nhưng ở nhà phụ huynh lại thể hiện là người không trung thực và cổ vũ việc con phải biết khôn ngoan để giành lấy phần thắng kể cả bằng thủ đoạn phi nhân văn. Khi đó trẻ em sẽ lúng túng thế nào?
Xung đột giá trị sẽ khiến cho môi trường giáo dục bị nhiễu và trẻ em sẽ gặp khó khăn trong trưởng thành đặc biệt là hình thành các giá trị cốt lõi – cơ bản, những thứ theo suốt cả cuộc đời và định hình nên ID (bản sắc, bản ngã) của cá nhân. Ví dụ như thế nào là đúng, thế nào là sai, thế nào là đẹp, thế nào là xấu, thế nào là chính nghĩa, thế nào là phi nghĩa. Giá trị cơ bản, cốt lõi này cùng các thói quen sinh hoạt cá nhân được định hình từ 0-6 tuổi là thứ sẽ rất khó thay đổi khi đã được định hình trừ phi cá nhân đó gặp một cú sốc lớn hay có khả năng phản tỉnh lại bạn thân thông qua tự nhận thức về chân lý.
Nhà trường cần đến sự cảm thông, hiểu biết, tinh thần hợp tác và năng lực hành động của phụ huynh là vì thế. Thờ ơ, “khoán trắng” cho nhà trường hay bất hợp tác, đi ngược lại các giá trị nhà trường theo đuổi là một cách hủy hoại tương lai của trẻ em. Tất nhiên, trường học không phải là một thực thể tuyệt đối. Các thầy cô cũng không phải thánh nhân. Nếu thấy triết lý, đường lối, nội dung phương pháp của nhà trường bất hợp lý, phụ huynh hãy kiến nghị thay đổi hoặc tạo ra diễn đàn để trao đổi.
Các phụ huynh phải nhớ rằng, mình là người thầy đầu tiên của con và cũng là người thầy có tác động lớn nhất, có quyền uy nhất đối với sự định hình bản sắc của con.
Người con có thể lựa chọn thầy cô ở trường, có thể lựa chọn trường, thậm chí là rời bỏ tổ quốc để tìm kiếm một phương trời là miền đất hứa khác nhưng đứa trẻ đó rất ít có cơ hội thậm chí là xét ở nghĩa rộng, không thể từ bỏ cha mẹ, những người đã sinh ra mình cũng như ngay từ đầu không thể lựa chọn được cha mẹ.
Vì thế, cha mẹ và sự giáo dục từ gia đình vừa là nhân duyên vừa là số phận của người con.
Nếu tốt, thì đấy là đặc ân. Nếu dở thì đấy là hoàn cảnh nghiệt ngã. Hoàn cảnh nghiệt ngã ấy sẽ trở thành một thử thách lớn đối với người con cho tới tận lúc bản thân họ trở thành cha thành mẹ.
Trong thẳm sâu mỗi chúng ta cho dù ở độ tuổi nào đều có dấu vết của cha mẹ và giáo dục gia đình hằn lên khó xóa mờ. Nhìn vào thế giới quan, nhân sinh quan, lối sống, đặc biệt là thói quen sinh hoạt cơ bản như ăn, mặc ở, cách thức đi, đứng, ngồi, cách sử dụng ngôn ngữ giao tiếp của một cá nhân cho dù là người trưởng thành hay một đứa trẻ, người ta có thể suy đoán được môi trường giáo dục gia đình mà họ đã hoặc đang trải nghiệm.
Trong tư cách là một phụ huynh, tôi đang hàng ngày, hàng giờ cố gắng ghi nhớ và suy ngẫm về điều đó.
Và tôi nghĩ, nếu phụ huynh chúng ta đều ghi nhớ và suy ngẫm về điều đó, con cái chúng ta sẽ thay đổi tích cực, trường học cũng sẽ thay đổi tích cực và chúng ta sẽ có xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Vậy thì, trước hiện thực ngổn ngang và nỗi lòng rối như tơ vò hiện tại chúng ta phải làm gì hay đúng hơn là có thể làm gì?
Trong công việc và đời sống hàng ngày, tôi liên tục nhận được những lời than của người lớn xung quanh đại khái như “Biết là như thế nhưng mình nhỏ bé thế thì có thể làm gì? Mình chỉ là hạt cát thôi”.
Quả đúng như thế! Trong một sa mạc mênh mông, một hạt cát thật nhỏ nhoi. Mất đi một hạt cát hay thêm một hạt cát sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng tại sao chúng ta lại không thay đổi cách nhìn để thấy rằng, sa mạc mênh mông kia chẳng qua cũng chỉ là thứ tạo nên bởi từng hạt cát. Nếu từng hạt cát nhỏ bé thay đổi, ví dụ như biến mình thành một hạt phù sa chẳng hạn, thì sa mạc sớm hay muộn cũng sẽ thành một đồng bằng màu mỡ. Trên thực tế, đã có rất nhiều vùng bị sa mạc hóa hoặc vốn dĩ là sa mạc đã được cải tạo thành rừng hay đất nông nghiệp có thể canh tác tốt. Khi còn ở Nhật tôi hay xem chương trình ti vi “Những người Nhật làm thay đổi thế giới” – ở đó tôi rất ấn tượng với bộ phim tài liệu nói về một ông già người Nhật đã dành cả cuộc đời để trồng rừng, biến một vùng sa mạc cằn cỗi ở châu Phi thành cánh đồng có thể trồng cấy và bao quanh là cánh rừng xanh mát đầy chim thú. Con người hơn các động vật có vú khác ở khả năng tạo ra những thứ mà những người đi trước tưởng như là không thể. Ví dụ nếu như thế hệ trước chúng ta nghĩ lên mặt trăng là không thể thì giờ đây điều đó là có thể. 15, 20 năm trước, rất nhiều người Việt Nam cho dù lãng mạn cũng không nghĩ một ngày nào đó mình lại có thể cầm trên tay chiếc smartphone để nói chuyện với một người thân ở tận Mĩ có cả hình lẫn tiếng.
Vấn đề nằm ở tư thế của chúng ta.
Chúng ta sẽ cúi đầu cam chịu “số phận” và “hoàn cảnh” để chờ vận may (cũng có thể nói đó là tư thế chờ chết).
Chúng ta sẽ cố gắng chạy trốn đến một nơi có những người đã làm sẵn mọi thứ cho chúng ta và chúng ta chỉ việc rung đùi hưởng thụ (xin lỗi, bao nhiêu người có khả năng và điều kiện để có thể làm được điều này?).
Hay chúng ta sẽ ngẩng lên, đứng thẳng đối mặt với vấn đề, cố gắng nhận thức vấn đề, hợp tác với nhau để giải quyết từng bước vấn đề đó?
Lựa chọn cuối cùng, theo tôi là lựa chọn thích hợp nhất dành cho số đông, dành cho những người bình thường như bản thân chúng ta ngồi đây.
Dù chỉ là phụ huynh bình thường nhưng chúng ta thử nghĩ xem, xã hội thực ra là được tạo nên và vận hành bởi các cá nhân. Khi các cá nhân thay đổi tích cực thì xã hội sẽ thay đổi tích cực. Sự thay đổi mà cá nhân tạo ra không phải là sự thay đổi được tính bằng phép cộng cơ học thuần túy kiểu anh A tạo ra sự thay đổi X, anh B tạo ra sự thay đổi Y, chị C tạo ra sự thay đổi Z và sự thay đổi cuối cùng là kết quả của phép cộng theo công thức X+Y+Z. Sự thay đổi cuối cùng sẽ là kết quả của thứ được tạo ra từ sức mạnh cộng hưởng hình thành bởi cả sự tương tác qua lại hữu hình và vô hình. Đấy là sự kì diệu và bí ẩn của quy luật lịch sử và xã hội loài người. Nó vừa là lời hứa của tương lai vừa là một ẩn số có sức hấp dẫn khôn cùng.
Không ai có thể dự đoán chính xác được tương lai hay sự vận động đi lên của lịch sử nhưng những người có hiểu biết trong lịch sử loài người luôn tích cực thể hiện vai trò lịch sử của mình một cách tối đa khi hướng tới tương lai ấy.
Cụ thể, trong vai trò của phụ huynh chúng ta có thể làm được rất nhiều việc mà việc đầu tiên là nhìn lại chính mình để sửa đổi thế giới. Sự thay đổi tích cực ở con chỉ có thể có được thông qua sự thay đổi tích cực ở thầy, cô và cha mẹ. Vì cha, mẹ, thầy cô là người lớn – hình ảnh tương lai của đứa trẻ. Trẻ em, cho dù nói ra hay không, luôn quan sát thật kĩ và suy ngẫm thật sâu sắc về người lớn và thế giới của họ. Đấy là lý do giải thích tại sao các thiếu niên thường hư hỏng, nổi loạn hoặc thay đổi cái nhìn đối với gia đình, bố mẹ khi bước vào tuổi dậy thì.
Thừa nhận điểm yếu, sự bất toàn của bản thân, mổ xẻ và sửa đổi nó là công việc không hề dễ dàng đối với những người bình thường như chúng ta. Đơn giản vì chúng ta không phải là thánh nhân. Tôi biết nhiều phụ huynh dạy con không được hút thuốc nhưng bản thân họ vẫn hút. Nhiều người nổi nóng khi con uống rượu bia nhưng họ vẫn lạm dụng rượu bia. Ngay cả tôi tuy không cho con sử dụng điện thoại hay Ipad vẫn phạm lỗi dùng chúng trước mặt con hay đôi khi vừa chăm con vừa đọc tin nhắn hay làm việc trên đó.
Nhưng chúng ta phải có ý thức về điều đó để chuyển hóa bản thân. Sự lớn lên và trưởng thành của con sẽ đồng thời cũng là quá trình chuyển hóa và lớn lên của chúng ta.
Đấy là tiền đề cơ bản nhất để phụ huynh tham gia vào các hoạt động giáo dục con cùng với nhà trường và xã hội. Thiếu tiền đề này, hiệu quả của việc hợp tác sẽ khôn g cao.
Đấy là công việc không dễ dàng! Vậy phải làm gì để vượt qua cái khó đó.
Để thắng được chính mình, cách duy nhất là chúng ta phải làm cho bản thân hiểu biết hơn thông qua việc thu nạp kiến thức và chuyển hóa kiến thức đó thành hiểu biết, kĩ năng, tư duy, giá trị quan của bản thân.
Sẽ có nhiều cách để nâng tầm hiểu biết của bản thân. Chúng ta có thể học từ các thế hệ đi trước, từ những người xung quanh, từ các phương tiên truyền thông và ở đây tôi nhấn mạnh một phương thức học hỏi hiệu quả là đọc sách.
Soi vào lịch sử sẽ thấy, sự phát triển của văn hóa đọc luôn song hành với sự phát triển của văn minh. Ngay cả trong thời kì cổ đại hay trung cổ, người ta cũng khó tìm ra một quốc gia phát triển trong thời gian dài khi ở đó không có sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của văn hóa đọc.
Đọc là cách thu nhận và chuyển hóa tri thức xuyên không gian và thời gian.
Có rất nhiều người tuy không có điều kiện học cao nhưng nhờ đọc họ đã trở thành người giỏi cả chuyên môn và mẫn tiệp trong đời sống. Và ngược lại chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều người có bằng cấp cao nhưng ít đọc nên thành ra một thực thể vong thân.
Có hiểu biết sâu rộng sẽ là nền tảng để phụ huynh vượt qua chính mình, chuyển hóa bản thân qua đó tác động tích cực tới con. Có hiểu biết cũng là cách để giúp cho tiếng nói, tâm tình của phụ huynh gặp gỡ dễ dàng hơn với mong muốn của nhà trường.
Đấy là lý do khi hoạt động như một tác giả, người dịch sách và giáo viên, tôi luôn đề cao và cổ vũ văn hóa đọc.
Tất nhiên trong hoàn cảnh của Việt Nam – nơi các cuộc chiến tranh chà đi xát lại trong một thời gian dài, nơi tỉ lệ dân số sống ở nông thôn vẫn còn lớn và lối sống nông thôn vẫn chi phối đáng kể sinh hoạt ở các đô thị, việc đọc sách ở trong gia đình cũng không phải chuyện giản đơn. Nhiều phụ huynh không có thói quen đọc sách do hệ quả từ những khiếm khuyết thuộc về giáo dục và sinh hoạt gia đình từ nhỏ. Nhiều phụ huynh khác do đặc thù công việc không có thời gian rảnh rỗi. Nhưng việc đó có thể khắc phục dần dần. Đọc sách cũng như giáo dục (và thực chất đọc sách cũng là giáo dục) là công việc lâu dài. Nếu không thể đọc sách cho con mỗi ngày 30 phút thì cha mẹ có thể đọc 5 phút, 10 phút. Quan trọng là bền bỉ liên tục. Ở trong độ tuổi từ 0-6 tuổi, giai đoạn “vàng” để hình thành nên các phẩm chất và thói quen sinh hoạt cơ bản trong tư cách con người, tôi nghĩ hầu như không có trẻ em nào có năng lực nhận thức bình thường lại không thích đọc sách. Nên bắt đầu việc đọc sách cho con từ nhỏ. Ở Nhật, tôi đã được các chuyên gia của Nhật hướng dẫn đọc sách cho con nghe kể từ khi con 3 tháng tuổi và đến nay thói quen đọc sách ở cháu đã được hình thành, duy trì rất tốt.
Đọc sách là việc của cá nhân, gia đình nhưng cũng là việc của xã hội và trường học. Gia đình, xã hội và trường học cần liên kết để tạo ra môi trường thuận lợi tối đa cho việc học.
Ở nước Nhật hiện đại ngày nay luôn tồn tại một hệ thống thư viện công cộng và thư viện trường học khổng lồ bao phủ khắp cả nước. Ở trường mầm non Nhật Bản cũng có thư viện để phụ huynh có thể đọc và mượn sách về đọc cho con nghe.
[…]
Thế giới có trở nên tốt đẹp hay không là phụ thuộc vào những việc làm nho nhỏ, thường xuyên hàng ngày của chúng ta như thế chứ không phải là nhờ vào các anh hùng trên trời rớt xuống hay các bậc minh quân. Tôi nghĩ việc tạo ra các thay đổi nho nhỏ nhờ vào thói quen sinh hoạt hàng ngày trong nhận thức sâu sắc về mục tiêu chiến lược của tương lai sẽ là phương cách thay đổi thế giới bền vững, an toàn và nhân văn nhất.
Đấy là cách cống hiến của các cá nhân bình thường như chúng ta trong thế giới bất toàn và đầy âu lo này.
Nguyễn Quốc Vương
Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 2018
Trích từ bài nói chuyện tại trường mầm non Ban Mai
Đăng tải trên Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Mời đọc bản đầy đủ tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…