Theo ghi chép từ gia phả họ Phạm ở làng Hương Quế ở Quảng Nam, họ Phạm tại vùng đất này nhiều đời có công khai khẩn và gìn giữ vùng đất thuộc Quảng Nam và Bình Định ngày nay.
Họ Phạm nơi đây có nguồn gốc từ Phạm Ngũ Lão. Thời nhà Trần, trước sự xâm chiếm quấy nhiễu của Chiêm Thành, danh tướng Phạm Ngũ Lão từng 2 lần xuất quân sang đánh Chiêm Thành vào năm 1312 khiến vua Chế Chí phải hàng và năm 1318 khiến vua Chế Năng phải chạy trốn sang Java.
Trong thời kỳ làm Chánh đô An Phủ sứ Thăng Hoa lộ, Phạm Ngũ Lão đã có công khai phá nhiều vùng đất thuộc vùng biên cương, trong đó có Quảng Nam.
Sau này cháu 4 đời của Phạm Ngũ Lão là Phạm Nhữ Dự tham gia nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, sau đó được phong làm Cáo Thọ Tập Phước hầu, trấn thủ phủ Thăng Hoa (nay thuộc Quảng Nam và phía bắc Quảng Ngãi). Phạm Nhữ Dự giúp dân chúng tại vùng này được an cư lạc nghiệp.
Năm 1422, vợ chồng Phạm Nhữ Dự sinh được người con trai đặt tên là Phạm Nhữ Tăng. Dưới thời vua Lê Nhân Tông vào năm 1445, Nhữ Tăng đỗ đệ nhị Điện hoằng Từ khoa, được phong làm Thái bảo kiêm Tri quân Dân chính Sự vụ. Đến năm 1446, Phạm Nhữ Tăng được sắc phong làm Phụ chánh Tham tướng phủ, Quảng Dương hầu, Bình chương Quân quốc Trọng sự.
Năm 1470, vua Chiêm là Trà Duyệt mất, em là Trà Toàn lên thay, từ đây biên giới Việt – Chiêm luôn bất ổn. Trà Toàn lăng nhục sứ thần Đại Việt do vua Lê gửi đến, cho quân gây hấn biên giới với Đại Việt nhưng lại sai người tâu với vua nhà Minh rằng Đại Việt xâm lấn và cầu viện binh giúp đỡ.
Tháng 8 âm lịch năm 1470, Trà Toàn cho 10 vạn quân tiến đánh Đại Việt. Sự kiện này Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép như sau:
“Tháng 8, quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thuỷ bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hoá. Tướng trấn giữ biên thuỳ ở châu Hoá là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dân vào thành, rồi cho chạy thư cáo cấp”.
Nhận được tin báo, vua Lê Thánh Tông cấp tốc chuẩn bị 26 vạn quân tiến đánh Chiêm Thành. Trước khi xuất quân, Vua soạn tờ chiếu kể tội Trà Toàn cùng những việc làm sai trái của quân Chiêm.
Phạm Nhữ Tăng tham gia cuộc nam tiến này. Ông được Vua phong làm Trung quân Đô thống, lãnh ấn tiên phong, chỉ huy 10 vạn quân.
Quân Đại Việt tiến thẳng vào vùng biển nước Chiêm. Ngày 5 tháng 2 âm lịch năm 1471, Trà Toàn sai em của mình cùng 6 tướng dẫn 5 vạn quân đến đánh doanh trại Đại Việt. Khi 5 vạn quân Chiêm đến thì thấy quân Đại Việt rất đông, đánh trống reo hò dậy đất, nhắm không địch nổi liền quay lại vào thành Chà Bàn. Quân Chiêm bị mai phục chặn đường về nên tử trận rất nhiều.
Quân Đại Việt tiến vào Thị Nại, tướng Phạm Nhữ Tăng cho quân tiến thẳng đến thành Chà Bàn. Quân Chiêm đóng chặt thành cố thủ, Nhữ Tăng cho quân đóng thang leo qua tường thành tấn công vào. 4 vạn quân Chiêm bị tiêu diệt, vua Trà Toàn cùng 3 vạn quân bị bắt sống.
Sau chiến thắng, lãnh thổ phía bắc của Chiêm Thành từ đèo Hải Vân – Đà Nẵng đến đèo Cù Mông – Phú Yên (gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay) được sáp nhập vào Đại Việt.
Vua Lê Thánh Tông đặt tên cho vùng đất mới sáp nhập này là đạo thừa tuyên Quảng Nam (thuộc Quảng Nam – Đà Nẵng ngày nay) và Hoài Nhơn (Bình Định ngày nay). Vua giao cho Phạm Nhữ Tăng làm Quảng Nam Đô thống phủ cai quản vùng đất mới này.
Phạm Nhữ Tăng cai quản, giúp dân chúng ổn định sinh sống ở vùng đất này, lại cho phát triển phủ Thăng Hoa, lập địa bạ (sổ ruộng đất) ở Ngũ Hương gồm 5 làng: Hương Quế, Hương Lộc, Hương An, Hương Yên và Hương Lư (nay thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Sau 6 năm cai quản vùng đất mới, đầu năm 1478, Phạm Nhữ Tăng lâm bệnh nặng. Theo gia phả họ Phạm ở làng Hương Quế thì hay tin ông bị bệnh, Vua đã cho Thái y đến chăm lo chữa bệnh cho ông. Tuy nhiên Phạm Nhữ Tăng không qua khỏi, ông mất vào ngày 21/2/1478 thọ 56 tuổi.
Vua thương tiếc hạ chiếu rằng:
“Khanh là người có công mở mang bờ cõi, phục vụ ba triều, đã vì triều đình coi trọng, vì đất nước an nguy, song khanh số sống đã tận, sức cùng không chữa được, thọ bệnh mà chết. Ta đây lòng không yên. Khanh khi sống vì nghĩa mà vô tư, vì nước mà ra sức. Ta đối với khanh rất nặng tình, sáu năm yêu nước mến vua, nếm mật nằm gai, con cháu ngày sau thừa hưởng.”
Ban đầu di hài Phạm Nhữ Tăng được chôn cất ở Trường Xà thành, cách thành Chà Bàn chừng 6 km. Nửa năm sau Vua cho di dời thi hài ông về làng Hương Quế – nơi quy tụ dòng họ Phạm từ nhiều đời. Vua cho xây lăng mộ, lại cung cấp điền tự nhằm chăm sóc lăng mộ của ông. Vua cũng ban sắc gia phong ông là Hoằng Túc Trợ Võ Oai, Đặc tấn Phụ quốc, Quảng Dương hầu, Phạm quý công Đại phu.
Ngày nay lăng mộ của ông ở làng Hương Quế vẫn còn, trong đó có đôi câu đối do vua Lê Thánh Tông ban tặng:
Nghĩa sĩ uẩn cơ mưu, hiệp lực nhất tâm bình Chiêm quốc
Miếu đài khai tráng lệ, hương hồn thiên cổ hiển Nam bang.
Tạm dịch là:
Nghĩa sĩ đủ cơ mưu, chí cả một lòng bình Chiêm quốc
Miếu đài xây tráng lệ, hồn thiêng muôn thuở rạng Nam bang.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…