(Tranh minh họa: Jorm Sangsorn, Shutterstock)
Lần nọ tôi ngồi uống trà với ba cặp vợ chồng trạc tuổi tôi. Chúng tôi mới biết nhau ít lâu. Sau khoảng chục phút lịch sự lịch thiệp từng người hỏi han nhau thì đến giai đoạn một anh nói chuyện với tôi, một anh thường chen ngang vào để kể câu chuyện theo góc nhìn của mình, anh còn lại thì vừa nói chuyện với vợ vừa thỉnh thoảng xen vào câu chuyện của hai anh kia đang nói. Ba người vợ nói chuyện với nhau về một chủ đề khác, không quên thỉnh thoảng xen vào để kể tôi nghe vài chi tiết thêm vô trong câu chuyện của các ông chồng. Mỗi người đều có phiên bản câu chuyện riêng của mình về cùng một sự kiện đã diễn ra. Một hồi, tôi nhận thấy cả sáu người đang nói và họ hăng say đến mức không quan tâm đến việc có ai nghe được hay không.
Nói không cần người nghe là điều có thật. Chỉ còn mình tôi im lặng, mặt quay vèo vèo hướng này sang hướng nọ, mắt ngó hết gương mặt người này đến người kia để cố gắng lắng nghe, nắm bắt hết cỡ. Nhưng chỉ được vài phút tôi thấy mình không thể làm được điều đó. Khi nhìn và tập trung vào người này, tôi chỉ còn có thể nghe loáng thoáng người kia và có lúc chẳng nghe thấy gì cả. Tuy không nói ra nhưng một trong những người đang nói lập tức nhận ra sự chú ý của tôi đang không đặt ở họ mà nơi người đang nói khác. Để cạnh tranh, lôi kéo sự chú ý của người nghe về phía mình, anh ta nói lớn hơn một chút. Không chịu thua, những người khác đều nhanh chóng tăng âm lượng. Tôi hoàn toàn không còn nghe rõ những điều họ nói ra. Những lời nói đan xen chan chát mất hết ý nghĩa, chỉ còn tồn tại như những tiếng động ồn ào.
Hai, ba ông cụ, bà cụ gặp nhau. Giống y vậy. Mọi người chỉ lịch sự trong 10 -15 phút đầu tiên rồi sau đó mạnh ai nấy nói. Hai, ba đứa thanh niên tụ tập cà phê, ăn nhậu, sau 15 – 20 phút đã đứa nào nói đứa nấy nghe hoặc nghe nhưng không lắng nghe, nhìn mà không thấy, nên chỉ chốc lát là đã tranh luận cãi nhau ầm ĩ vì ý kiến đụng chạm ý kiến. Đám hiếu, đám hỷ, ở nhà, ở trường, ở chợ, ở chùa, Trung, Nam, Bắc, đâu đâu cũng thấy hiện tượng trên. Các bạn cũng nhìn thấy hiện tượng này mỗi ngày ngay trong gia đình mình, nơi công sở, nơi hàng quán, bởi đó là thực tế đang diễn ra.
Có những người cứ liên tục nhảy vào miệng người khác không cho họ nói nhưng khi bị người khác cướp lời thì phản ứng “Mày phải nghe tao nói. Mày im. Mày phải nghe tao nói. Mày không được nói…”. Cãi vã, giận hờn, khó chịu với nhau chỉ vì ai cũng muốn người khác lắng nghe mình nhưng mình không thấy được sự thật là mình đâu có sẵn lòng lắng nghe người khác. Cũng thường xuyên thấy các cặp đôi, vợ chồng mạnh ai nấy nói, nhất là khi nhà có khách, đặc biệt là khi họ xích mích cãi vã nhau rồi kể cho người khác nghe. Vợ chồng cãi nhau xong, ông bà đến nhà hoà giải, thì vợ kể câu chuyện của vợ, chồng kể câu chuyện của chồng, bố chồng mẹ vợ… kể câu chuyện của họ. Ý kiến đối chọi ý kiến. Cao trào là mạnh ai nấy trình bày. Nhiều cuộc chỉ chấm dứt khi sự bạo lực ngôn từ chuyển sang bạo lực thể chất.
Ngồi với một người bạn, nhóm bạn, tham gia vào một nhóm sinh hoạt cộng đồng, một cuộc họp nào đó bất kỳ, ta thường gặp khung cảnh một người nói và những người còn lại ngồi nghe. Nhìn bề ngoài thì thấy người nói có người nghe, có vẻ rất trật tự, nghiêm túc. Nhưng thực tế khi đi vào trao đổi thảo luận thì thấy người nghe chỉ tiếp nhận một phần rất nhỏ thông tin mà người nói truyền đạt. Ông nói gà bà nghe vịt. Thông tin một đàng người nghe hiểu một ngả. Ý của lãnh đạo một đàng, văn bản thể hiện một ngả, người nghe hiểu theo ý người nghe. Cuối cùng thực hiện thường sai be bét hoặc không đạt đúng đủ chất lượng. Tại sao lại như vậy? Để ý chính mình trong khi đang nghe, mỗi người đều có khả năng tự thấy bản thân có thực sự nghe hay không và tiếp nhận được bao nhiêu phần trăm thông tin. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta thường không chịu chú ý để nhận biết. Bởi ta nghĩ ta đã biết lắng nghe rồi, có gì mà khó, có tai là nghe được, bộ tao ngu lắm sao mà không biết lắng nghe!
Khi nghe một người nào đó đang nói thì bạn chỉ nghe những điều người ấy nói, hay vừa nghe điều họ nói vừa nghe những điều mình tự nói trong đầu?
Bạn có nhận ra là tuy miệng bạn không nói chen khi người khác đang nói vì lịch sự nhưng trong suy nghĩ bạn đang nói chen vô không? Đồng tình hay phản đối thì vẫn là đang chen vô. Bạn thực sự nghe điều người khác đang nói hay bạn chỉ đang nghe giọng nói lao xao trong đầu bạn? Đa phần chúng ta vừa nghe người khác nói vừa nghe bản thân tự nói trong đầu. Vừa nghe vừa phân tích, đối chiếu so sánh với những kiến thức mà ta đã tích lũy, đã kinh nghiệm, rồi đưa ra kết luận đúng sai ngay lập tức để phản ứng với điều người kia đang nói. Trí óc bận rộn liên tục trong việc đối phó. Chúng ta nghĩ đó là điều bình thường, ta nghĩ trong khi làm như vậy trong đầu thì ta vẫn đang lắng nghe điều người khác nói. Nhưng tự nhìn kỹ hơn thì bạn sẽ thấy mỗi khi tự nói trong đầu, bận rộn phân tích hoặc có kết luận trong lúc đang nghe người khác nói chuyện thì bạn không hề lắng nghe người khác chút nào cả. Bạn chỉ nghe lời mà không thể hiểu ý. Bạn chỉ thực nghe người khác ở những khoảnh khắc khi giọng nói trong đầu bạn im lặng. Hầu hết thời gian còn lại của cuộc nói chuyện bạn chỉ nghe bản thân tự nói trong đầu.
Bạn có nghe được giọng nói trong đầu bạn? Bạn có nghe thấy giọng nói đó lúc thì xì xào to nhỏ phân tích thiệt hơn, lúc thì ồn ào náo nhiệt la hét, lúc thì vỗ về, lúc lại thù nghịch? Lúc thì nó bảo ta phải sống tốt hơn, phải cố gắng hơn, phải trở thành, đạt thành gì đó, lúc thì nó lại phản đối tung hê hết thảy. Lúc thì nó lên kế hoạch dự tính cho tương lai, lúc lại miên man trong những ký ức. Rất rất nhiều người đồng hoá, nghĩ rằng mình chính là giọng nói trong đầu đó và gọi nó là “tôi”. Nó luôn dẫn dắt khiến bạn lúc vui, lúc buồn, lúc tham, lúc tức, lúc rộng rãi, lúc bần tiện, lúc đạo đức, lúc khốn nạn… Tất cả ở đó trong đầu bạn, chỉ cần chú ý chút xíu là nghe thấy ta tự nói chuyện với chính mình hầu hết thời gian từ ngày đến đêm mọi lúc mọi nơi. Bất cứ ai, bất kể trình độ học vấn, kiến thức, môi trường điều kiện sống, ngay khi chú tâm lắng nghe thì lập tức nghe thấy giọng nói trong đầu mình và khi sự chú ý có mặt thì người đó lập tức phát hiện ra giọng nói trong đầu cản trở họ trong việc nghe nhìn như thế nào. Tự thực chứng.
Khi chìm ngập trong dòng suy nghĩ, trong giọng nói liên miên đó thì chúng ta không còn nghe thấy, nhìn thấy đúng đủ những điều đang diễn ra bên trong và xung quanh mình. Do đó thiếu thông tin để nhận hiểu sự việc, hiện tượng ngay lập tức, còn gọi là trực nhận. Thiếu thông tin, trí óc chúng ta lắp ghép thông tin từ ký ức, từ kinh nghiệm, từ những kiến thức đã biết trước vào mảnh thông tin vừa tiếp nhận để cố hiểu và xử lý sự kiện trong hiện tại. Thông tin đi qua bộ lọc của suy nghĩ, giọng nói trong đầu lắp ghép điều chỉnh nên nó không còn trung thực như ban đầu. Chúng ta đều xử lý thông tin theo cách như vậy bởi đã bị quy định, định hình theo khuôn mẫu trong quá trình trưởng thành. Không có cái gì còn nguyên như nó vốn là mà luôn bị trí óc ta bóp méo, thêm bớt đủ kiểu theo ý riêng để phù hợp với danh tính mà ta mang.
Càng ngày con người càng mất kết nối với nhau. Cùng sử dụng một ngôn ngữ nhưng lại không thể dùng ngôn ngữ đó để truyền tải đúng đủ thông tin đến người khác. Cha mẹ, vợ chồng, con cái, đồng nghiệp, hàng xóm… đều chỉ tương tác trên bề mặt xã giao hời hợt, nhanh chóng phán xét nhau, ít thấu hiểu đồng cảm tương giao với nhau. Xung đột mâu thuẫn diễn ra liên tục trong suy nghĩ lẫn cuộc sống bên ngoài chỉ bởi chúng ta không thể lắng nghe nhau.
Tôi đã gặp nhiều người đau khổ vì không được lắng nghe, không được nhìn thấy. Họ đòi hỏi người khác, thường là người thân, phải biết lắng nghe họ. Nếu không được như tri âm tri kỷ thì ít ra cũng đừng đến nỗi người này nói, muốn một đàng còn người kia lại hiểu và hành động một ngả, thế nhưng khi đã tự hạ thấp tiêu chuẩn xuống đến mức đó thì cũng không phải ai cũng đáp ứng được. Xung đột mâu thuẫn vẫn diễn ra mỗi ngày giờ chỉ vì nghe mà không lắng nghe, nhìn mà không thấy trong những việc đơn giản thường nhật nhất. Người đau khổ vì không được lắng nghe cũng là người không biết lắng nghe người khác, nhưng ai cũng chỉ nhận mình là nạn nhân chứ chẳng mấy khi nghĩ mình cũng là thủ phạm!
Bạn có thể nghe ai đó nói mà không có một ý kiến gì trong đầu về điều họ nói không? Không phân tích xem họ nói đúng hay sai. Không đánh đồng quy chụp ý kiến, suy nghĩ, lời nói của họ là bản chất con người họ để phán xét, chỉ trích, la mắng, dạy bảo, tẩy chay, thù nghịch họ. Không thêm bớt cắt xén bình luận. Không mong cầu họ nói theo ý mình. Không tin cũng không phủ nhận. Bất cứ lúc nào, với bất kỳ ai, ở mọi lúc mọi nơi bạn đều có thể bắt đầu tìm hiểu bằng cách nghe mà không ý kiến. Chỉ nghe. Đơn giản chỉ nghe.
Bạn có sẵn lòng tìm hiểu, tự trải nghiệm việc nghe ai đó nói mà không ý kiến trong 5 phút, 10 phút, nửa tiếng, một ngày… để tự thực chứng, tự tìm hiểu những điều diễn ra? Hay ngay khi đọc những dòng này thì trong đầu bạn đang có ý kiến, suy nghĩ phản đối rồi? Sẵn lòng tự tìm hiểu hay phản đối cũng chẳng sao hết. Cách nào thì bạn cũng đang tự thấy bản thân ngay trong khoảnh khắc này và… có thể đó là tất cả những gì bạn cần!
Chúc các bạn nhiều niềm vui trong những ngày cuối tuần lắng nghe và được lắng nghe những người thân yêu.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm:
Độ rộng toàn thị trường nghiêng về sắc xanh với 502 mã tăng, 31 mã…
Bỏ bằng tốt nghiệp THCS, xây dựng hệ thống văn bằng số, hỗ trợ trường…
Sau hai ngày đàm phán, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tạm thời hạ thuế…
Các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine cần xem xét cả thực tế hiện…
Tổng thống Ukraine Zelensky hôm Chủ Nhật (11/5) cho biết ông đã sẵn sàng gặp…
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa phát đi cảnh…