Mấy năm nay sức khỏe của mẹ mình kém dần. Mỗi năm đôi ba lần phải vô bệnh viện điều trị đủ thứ đau bệnh, khắp các khoa nội, ngoại. Sau mỗi đợt điều trị về thì thời gian hồi phục lâu hơn và cũng không thể được như trước mà cứ suy yếu dần. Hồi trước chỉ cần một người chăm sóc, về sau thì cần hai người mới có thể khiêng, nâng đỡ, dìu, vệ sinh.

Là một người hướng ngoại, luôn “đi như ngựa”, mà mấy năm nay mẹ chỉ loanh quanh trong xóm, trong nhà và bây giờ thế giới của mẹ gói gọn trong khung sáu mặt tường, mọi sinh hoạt đều trên chiếc giường nhỏ thì đó là một nỗi khổ sở không hề nhỏ.

Là một người luôn muốn mọi việc phải theo ý mình, muốn gì được nấy ngay lập tức từ việc lớn đến những điều nhỏ nhặt nhất, nghiện kiểm soát quản lý chỉ đạo chặt chẽ tất cả mọi thứ mọi người và chỉ hài lòng khi tất cả phải phục tùng, giờ đến việc đái ỉa cũng phải có người trợ giúp, không thể dùng ý chí để bắt cơ thể ngay lập tức hết đau hết mỏi khoẻ mạnh sân sẩn như xưa nên mẹ khổ đau, bị cảm giác bất lực dằn vặt.

Là một người thích thể hiện hình ảnh theo mọi hình thức, khao khát được thừa nhận công nhận và làm mọi việc để nhận được sự tán dương mà bây giờ phải sống trong thân xác rệu rã suốt ngày nằm một chỗ đeo tã, run rẩy, không còn quyền lực sai khiến bất cứ ai trừ con cháu nên mẹ khổ.

Là một người luôn lo lắng sắp đặt để tương lai phải diễn ra như mong muốn của mình nhưng bây giờ lại không thể sống chết theo ý muốn, thậm chí ngay cả miếng ăn cũng nhiều khi không được theo sở thích vì cơ thể không tiếp nạp nên mẹ khổ.

Những nỗi khổ này dằn vặt mẹ nhiều gấp bội lần hơn những cơn đau thể chất.

Nhiều lần nuôi mẹ dài ngày trong bệnh viện, có dịp chứng kiến nhiều người trẻ già đau bệnh khác, mình thấy hầu hết đều mang những nỗi khổ như mẹ. Những nỗi khổ thuộc về tâm lý khiến con người bị dằn vặt, suy sụp nhanh chóng hơn bệnh đau và khiến cái đau trở nên nặng nề khó chịu đựng hơn.

Ai cũng muốn mọi việc phải theo ý mình nên trong đời sống hằng ngày họ ra sức kiểm soát từ bên trong tới bên ngoài. Khi đau bệnh, không còn được như ý, đó là lúc một người nhận ra sự thật rằng họ không thể kiểm soát bất cứ thứ gì. Đó là lúc họ phát hiện ra cái niềm tin “tôi có thể kiểm soát” chỉ là một sự ảo tưởng. Phát hiện này khiến họ rơi vào nỗi sợ hãi tột cùng. Và hầu hết đều chạy trốn, không chấp nhận được sự thật. Họ càng ra sức kiểm soát thì càng chìm đắm trong cảm giác bất lực. Càng vùng vẫy trong hi vọng họ càng tuyệt vọng, càng tăng thêm sự căng thẳng. Sự căng thẳng, sợ hãi khiến họ trở nên đông cứng và khiến tình trạng bệnh đau trở nên nghiêm trọng hơn, khó chữa trị, khó lành hơn.

Ai cũng nôn nóng, cuống quýt, vội vàng, cố gắng đào thoát khỏi cơn đau cái bệnh, hầu hết đều chối bỏ thực tại, không thể chấp nhận hiện thực và cố gắng làm mọi cách để tìm kiếm trạng thái dễ chịu, hài lòng. Hầu hết đều muốn trở lại trạng thái khoẻ mạnh cũ hoặc mong muốn một trạng thái mới, không thể chấp nhận nổi trạng thái đang là. Điều này khiến một người luôn bị dằn vặt đấu tranh trong nội tâm khiến họ không có lấy một phút bình an kể cả khi ngủ hoặc bất tỉnh về mặt thể chất.

Bị dằn vặt bởi những nỗi khổ tinh thần, tất cả đều biểu hiện ra ngoài qua sự căng thẳng thường trực trên nét mặt, qua thái độ, hành vi. Người bệnh, người đi nuôi bệnh đều bị dằn vặt bởi những nỗi khổ tâm lý, đều căng thẳng. Và khi căng thẳng gặp căng thẳng thì tất yếu xảy ra xung đột, mâu thuẫn. Bình thường người với người đã luôn mâu thuẫn, xung đột bởi ai cũng muốn kiểm soát, muốn người khác phải theo ý mình, muốn mọi việc diễn ra như mình muốn. Khi đau bệnh thì những mong muốn này càng cao nên càng dễ xung đột.

Điều dễ bắt gặp nhất nơi mọi người là sự khó chịu. Khó chịu vì đau đớn trong cơ thể chỉ là một phần nhỏ, khó chịu vì những nỗi khổ trong tâm lý mới là phần lớn nhất và nó thường khiến cho người bệnh bộc lộ, khuếch đại những lời nói, thái độ, hành vi mà bình thường họ cố gắng che đậy, giấu kín.

Ai trong những lúc bệnh tật đau đớn cũng đều muốn được quan tâm, chăm sóc, yêu thương bởi người nhà, bởi những người xung quanh. Nhưng hầu hết đều bị sự khó chịu dẫn dắt nên thực hiện những hành động ngược lại với mong muốn của mình, vô hình chung khiến bản thân rơi vào trạng thái cô lập, tự đẩy những người khác ra xa. Cố gắng giành lại quyền kiểm soát, để rồi lại tiếp tục khổ sở dằn vặt vì ý nghĩ, cảm giác tủi hờn không được quan tâm, yêu thương theo đúng ý. Lại khổ. Khổ chồng lên khổ.

Rất hiếm nhìn thấy một người bệnh hay người nhà có thái độ bình tĩnh, nhẹ nhàng. Kể cả khi người nhà và y bác sỹ có thái độ bình tĩnh, nhẹ nhàng đối với người bệnh thì không phải người bệnh nào cũng đón nhận để buông thư. Sự khó chịu dằn vặt trong họ khiến cho họ nhìn nhận sự bình tĩnh, nhẹ nhàng của người khác là sự vô cảm, không quan tâm. Họ muốn người khác phải cuống quýt, dằn vặt, khổ sở như họ bởi họ cho rằng như vậy mới là quan tâm yêu thương. Muốn được người khác yêu thương, nhưng người khác phải yêu thương theo cách họ muốn thì mới được. Đa phần đều không nhận thức được rằng hầu hết những mong muốn của họ đều là những điều gây hại cho chính họ và càng khiến cho đau bệnh trong thân lẫn nỗi khổ trong tâm lý tăng cao.

Bình thường, rất ít người lắng nghe lời chân thật, khi đau bệnh càng không chịu nghe theo lời khuyên đúng đắn của người khác. Thường khi chỉ nghe những lời hợp nhĩ, khi đau bệnh càng từ chối nghe những lời trái ý. Một lời trái ý khi khoẻ mạnh đã khiến người ta nổi cơn nóng giận, khi đau bệnh khó chịu dằn vặt thì gần như mọi lời nói, hành vi bình thường của người khác cũng đều dễ trở thành trái ý không thể chịu đựng nổi. Sự khó chịu trong thân khiến một người bóp méo toàn bộ thực tại.

Đa phần người chăm sóc đều rất cố gắng để chiều ý, đáp ứng các nhu cầu, yêu cầu của người bệnh, những mong người đau bệnh được dễ chịu, thư giãn, để nhanh hết bệnh. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể xoa dịu được cho người đau bệnh. Xung đột luôn luôn xảy ra khiến người bệnh lẫn người chăm sóc đều mệt mỏi, khổ sở, đau đớn. Sự thấu hiểu, cảm thông, yêu thương bị sự tức giận, tủi hờn chiếm mất chỗ. Khổ khổ khổ.

Nhớ lần đầu gặp một vị Thầy. Khi một người mẹ đau khổ nhờ Thầy ban phước cho đứa con đau bệnh hiểm nghèo của mình để mong con được nhờ tha lực mà hết bệnh, Thầy nhìn người mẹ với ánh mắt từ bi, nói như kể chuyện. “Nhiều người nói rằng họ hoặc người thân hết đau bệnh, hết khổ rồi họ mới tu được. Vấn đề ở đây là tu đi rồi mới hết…”

Mình hiểu “tu” ở đây không phải là vô chùa cạo tóc đắp y hay đi lang thang ba y một bát hoặc hằng ngày cúi lạy đảnh lễ lau tượng tụng kinh ngồi thiền, đọc thật nhiều kinh sách rồi gặp người này người nọ hay lên mạng nói về Phật pháp, về kinh nghiệm, rao giảng kinh điển mới là tu. Mà tu là nhìn thấy, nhận biết chính mình trong mọi ý nghĩ, cảm xúc, cảm giác, cảm nhận, hành động, trạng thái, trong mọi tình huống, hoàn cảnh, trong sự tương tác với môi trường và mọi người mọi đối tượng bên ngoài. Vậy, trong bất cứ trạng thái, tình huống, hoàn cảnh nào cũng đều có thể tu. Mọi tình huống, hoàn cảnh, trạng thái đều là cơ hội để tu, nghĩa là để nhìn thấy chính mình. Càng khổ càng dễ nhận ra. Đó là cơ hội.

Người mẹ trẻ ấy, cũng như nhiều người đau bệnh, khổ đau mà mình gặp, bị những nỗi khổ sở trong tâm lý cuốn đi nên không thể nghe thấu được lời trực chỉ chân tâm, không thể nhận ra hoàn cảnh chỉ là cơ hội để tự nhận thức. Hầu hết đều muốn chỉnh sửa hoàn cảnh hoặc đào thoát khỏi nó.

Khoa ngoại bệnh viện Sa Đéc có vị bác sỹ tên Thuận, trưởng khoa, mỗi sáng đều đi các phòng thăm bệnh. Ông chẳng khám gì, chỉ hỏi thăm, tếu táo giỡn hớt trêu chọc người bệnh. Mẹ mình níu áo ông, kêu còn đau cái mông. Ông nắm tay bà, nói.

“Bà năm nay tám mươi lăm tuổi rồi, đau là bình thường, cái thân này mình xài quá nhiều rồi mà có giữ gìn chăm sóc mấy đâu, đến tuổi này mình cần chấp nhận sống chung với nó. Có cái thân là có đau. Bà biết ngoài cái đau còn gì nữa không!? Cái khổ. Hai cái đó gắn chặt với đời người. Bà biết cái khổ do đâu mà có không? Con người mình có ngũ uẩn…”

Rồi ổng đứng bên cạnh giường mẹ nói về ngũ uẩn, thức, sự tương tác, nhận thức… nguyên nhân của cái khổ.

Mẹ cố nén tiếng thở dài, ráng im lặng vì cố giữ lịch sự nhưng mình biết mẹ không nghe được gì, trong đầu bà đang khó chịu kinh khủng vì không được như ý. Bà níu áo bác sỹ than thở là vì muốn bác sỹ tiêm thêm thuốc giảm đau cho nhanh chóng hết đau thôi, không phải để nghe lời khuyên phải chấp nhận thực tại và về cái khổ! Trước đó nhiều bác sỹ đã nói mẹ đã dùng quá nhiều thuốc giảm đau trong quá nhiều năm, bây giờ việc dùng thuốc giảm đau phải hết sức cẩn trọng và chỉ có thể dùng một vài loại đặc trị. Ông Thuận thương bà, muốn bà ý thức được về tình trạng của cơ thể, về nỗi khổ trong tâm lý của con người và chấp nhận sự thật. Nhưng ông cũng nhận ra đó là điều bất khả sau một hồi cố gắng.

Mình thường lặng lẽ lắng nghe, quan sát mọi người, mọi thứ, mọi việc diễn ra. Thấy. Thấm. Thấu. Ngày càng lặng lẽ. Chứng kiến.

Có lúc, mình dằn vặt vì không thể giúp mẹ, chẳng giúp được ai. Nhìn thấy sự dằn vặt khổ sở trong lòng mình, càng thấm, thấu, càng lặng lẽ.

Thỉnh thoảng, viết những bài viết kiểu này, chia sẻ những điều mình thấy, như gieo nắm hạt vô đất, biết đâu có ai đó tình cờ thấy những điều mình thấy. Chỉ khi thấy biết bản thân thì một người mới không còn bị những nỗi khổ đau hành hạ, dẫn dắt trở thành nô lệ cho nó vậy.

Noi kho doi nguoi 02
(Ảnh: Nguyễn Thị Bích Ngà)

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Góc tự học” tại đây.

Xem thêm: