Người xưa có câu: “Người sợ nổi danh, heo sợ béo”, làm người phải luôn khiêm tốn, thận trọng, đừng vì cao ngạo, ham nổi danh mà gặp phải tai họa, như con heo kia, ăn uống không dừng, cuối cùng càng ăn nhiều càng nhanh chóng bị đưa đi làm thịt.
Ngày nay rất nhiều người theo đuổi danh vọng địa vị, cho rằng đó mới là mục đích số một của đời người. Nhưng các bậc hiền tài xưa lại thường khiêm tốn, hiếm khi “xuất đầu lộ diện”, nếu không vì việc đại nghĩa thì ít khi thể hiện mình.
Người càng có danh tiếng, càng có lợi lộc và quyền lực thì càng khó kiểm soát được dục vọng, ham muốn của bản thân, nếu không chú trọng thì sẽ dễ xảy ra sơ suất lớn. Hơn nữa, người khác cũng đặt kỳ vọng vào họ cao hơn bình thường, vì vậy những việc mà họ làm nếu như không đạt được kết quả mong đợi thì sẽ dễ chuốc phải sự oán hận, trách móc, trừng phạt. Bởi vậy “sợ nổi danh” cũng là một loại trí tuệ.
Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện xoay quanh câu thành ngữ “Người sợ nổi danh, heo sợ béo” này.
Phòng Quản là một vị quan vào triều nhà Đường, từng được phong làm Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, tương đương với chức quan Tể tướng. Sau khi Đường Túc Tông lên ngôi, Phòng Quản lại được tham dự và quyết định nhiều việc cơ mật quan trọng của triều đình. Ông tuy là người có danh tiếng lớn nhưng lại không cẩn trọng, thường nói phóng đại, khoa trương.
Đến đầu những năm Chí Đức, Phòng Quản tự xin được dẫn quân đánh dẹp loạn. Mặc dù Phòng Quản không giỏi về quân sự nhưng triều đình lại dùng ông vì tin vào những lời khoa trương của ông. Cuối cùng Phòng Quản bị bại trận, quân lính chết rất nhiều. Về sau, bởi vì thường nói những lời hư ngôn, giả dối nên ông bị giáng hạ xuống làm quan Thứ sử Bân Châu.
Trong “Kim sử” có chép về một danh gia là Nguyên Hảo Vấn. Nguyên Hảo Vấn 14 tuổi bắt đầu theo học thầy giỏi ở Lăng Châu. Dù có học vấn uyên bác nhưng ông không để tâm vào việc thi cử để ra làm quan. Sau 6 năm học tập, ông bắt đầu đi ngao du Thái Hành, vượt sông Hoàng Hà, bồi bổ kinh nghiệm nhân sinh, sáng tác bài “Ki sơn cầm thai”.
Sau này, có vị quan từng nhận xét về Nguyên Hảo Vấn rằng: “Văn nhân cận đại, không ai có thể sánh bằng ông.” Từ đó về sau, thanh danh của Nguyên Hảo Vấn chấn động kinh thành, trở thành tác gia và sử gia lớn. Đây được coi là thành quả của việc ông vùi đầu khổ học, tích lũy kinh nghiệm, kiên nhẫn và khiêm tốn mà có được.
Trong “Tống sử” có ghi chép một chuyện về nhà giáo dục thời Tống là Từ Trung Hành. Trong những năm Sùng Ninh, quận thái thú Lý Ngạc vì một lá thư tín mà đề cử Từ Trung Hành. Lúc ấy, việc triều chính đều do các gian thần, nịnh thần như Chương Đôn, Thái Biện… nắm quyền. Từ Trung Hành mỗi khi nhận được lệnh triều đình bổ nhiệm chức vị quan tước cho ông thì nước mắt lại rơi như mưa. Cuối cùng ông thiêu hủy hết thảy các tác phẩm của mình, đi vào trong núi ẩn cư.
Có người thấy ông làm như thế liền trách cứ ông trốn tránh tiến cử vì muốn có danh tiếng là từng được mời làm quan mà không nhận. Từ Trung Hành nói: “Con người nếu không có thiện hạnh thì so với loài cầm thú cũng có khác gì đâu? Nếu ta bởi vì thư tín mà được tiến cử làm quan hơn nữa còn làm việc dưới tay của quan nịnh thần thì những người chưa được tiến cử sẽ nói ta không phải là người. Ta là muốn rời bỏ danh tiếng, chứ không phải là tham muốn có danh tiếng.”
Sách “Thế thuyết” còn ghi chép về một văn nhân thời Đông Tấn là Hứa Tuân. Hứa Tuân thường được mọi người đánh giá cao, so sánh ông với Vương Tu, một tác gia, nhà thư pháp cùng thời. Nhưng Vương Tu là người kiêu ngạo, tự mãn. Ông nghe thấy người khác so sánh mình với Hứa Tuân thì rất không bằng lòng.
Một lần, các danh sĩ trong triều đình đều tụ tập ở Tây Tự đàm đạo. Vương Tu và Hứa Tuân cùng có mặt ở đó và đàm đạo. Bấy giờ Vương Tu mới thấy rằng kỳ thực Hứa Tuân dường như còn giỏi hơn mình. Bởi vậy từ đó trở đi Vương Tu thực sự khâm phục Hứa Tuân và cũng thường chào hỏi ông khi hai người gặp mặt.
Trong “Tấn thư” có viết chép chuyện bình luận về người tài như vậy.
Thời bấy giờ có một người tài đức nhưng khiêm tốn là Trữ Đào. Trương Hoa sau khi gặp Trữ Đào thì nói với một nhân tài khác là Lục Cơ rằng: “Huynh đệ các ông là Rồng bay nhảy trên mây. Trữ Ngạn Tiên còn là Chim phượng kêu đón ánh mặt trời. Ta cứ tưởng rằng trân bảo ở đất này đã tụ hội hết ở huynh đệ ông mà không còn nữa, không ngờ lại gặp Trữ Ngạn Tiên!”
Lục Cơ lại khiêm tốn nói: “Chỉ là ngài còn chưa gặp được những bảo vật ‘không minh, không dược’ mà thôi.” Bảo vật “không minh không dược” ở đây ý chỉ là những người tài đức nhưng không lộ diện.
Trương Hoa bèn nói: “Cho nên, ta mới biết được: Con người ta có đức thì sẽ không cô độc lẻ loi. Bảo vật trong núi sông sẽ không thiếu thốn.”
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…