Mỗi khi Tết đến xuân về, người xưa đều dán chữ Phúc lớn và những câu mang đầy sắc thái vui vẻ lên cổng như “Nghênh xuân chúc phúc”, “Khai môn nghênh phúc”, “Nghênh xuân tiếp phúc” để gửi gắm những hy vọng tốt đẹp vào một năm mới đang đến. Vậy ngọn nguồn và hàm nghĩa của chữ Phúc như thế nào? Làm sao để có được phúc?
Văn hóa cầu phúc trong dân gian có nguồn gốc từ rất lâu đời. Cầu phúc là chỉ việc mọi người kính Trời bái Thần, nhất là trong lúc gặp nguy nan, hy vọng được Thần linh bảo hộ, tăng phúc vận, hóa giải nguy nan và bình an vượt qua kiếp nạn.
Chữ Phúc này từ thời cổ đại trong chữ Giáp cốt biểu thị ý nghĩa là “hai tay nâng rượu và thức ăn dâng lên Thần”. Đây chính là miêu tả hình tượng cúng tế thời cổ đại, hàm nghĩa là cúng tế Trời, cầu khấn, kính bái Thượng Đế, mong được bình an và niềm vui. Đó là phúc chân chính.
Trong chữ Hán sau này, chữ Phúc (福) gồm bộ Kỳ (示) là chữ tượng hình biểu thị đàn tế, có liên quan đến cúng tế, Thần linh, cầu nguyện và mong đợi. Người cổ đại tiếp cận đàn tế là muốn được sự dẫn dắt của Thượng Thiên và sự gợi ý của Thần tính. Chữ bên phải của chữ Phúc được giải thích là (一口田) “nhất khẩu điền” mà Thần ban cho, là miền tịnh thổ của tâm linh. Bởi vậy tìm về với miền tịnh thổ này thì phúc lập tức đến. Cho nên chữ Phúc biểu thị rằng mọi người thành kính tín Thần thì Thần ban phúc cho, tìm đến miền tịnh thổ trong tâm thì phúc liền đến.
Đối với chữ Phúc, cổ nhân cũng có nhiều loại giải thích. Trong “Thuyết văn giải tự” viết: “Phúc nghĩa là đầy đủ. Đầy đủ là mọi việc thuận lợi. Không nơi nào không thuận lợi gọi là đầy đủ”. Trong “Tả truyện” viết: “Phúc, hựu dã” nghĩa là Thần linh bảo hộ, gặp hung hóa cát là phúc. Trong “Lễ Ký” viết rằng: “Phúc là đầy đủ”. “Thích danh” lại viết: “Phúc là sung túc, giàu có”. “Hàn Phi Tử” viết rằng: “Thọ, phú, quý là phúc”. Trong “Thượng Thư” viết rằng: “Phúc là trường thọ, giàu có, khỏe mạnh, tu hảo đức, thiện chung”. Như vậy có thể hiểu rằng, một người sống thọ, sung túc, khỏe mạnh bình an, tôn sùng mỹ đức, chết không đau đớn thì chính là người có phúc khí, phúc phận.
Về nguồn gốc của tập tục dán chữ Phúc, trong “Mộng lương lục” thời Nam Tống có ghi chép: “Bất luận là nhà lớn hay nhỏ đều vẩy nước quét nhà để loại bỏ trần uế, làm sạch phòng khách, thay môn thần, đóng bùa đào, dán xuân bài, hiến tế tổ tông” . Trong đó “dán xuân bài” chính là viết chữ Phúc trên giấy đỏ sau đó dán ở cửa chính. Cổ nhân cho rằng cửa chính là lối ra vào nhà, là nơi trang trọng nên dán chữ Phúc sẽ thể hiện được thành ý của mình. Chữ Phúc đại biểu cho phúc vận, phúc khí và hạnh phúc cho nên người ta dán chữ Phúc để cầu khẩn cát tường, thuận lợi.
Mỗi người đều mong muốn có được phúc khí và phúc phận, xu cát tị hung. Nhưng làm thế nào mới có được phúc thực sự? Người như thế nào mới được coi là có phúc?
Người xưa nói: “Đạo Trời không thân với ai mà thường ban phúc cho người thiện”; “Ông Trời không thân với ai mà chỉ giúp người có đức”. Ý nghĩa là Đạo Trời không phân biệt thân sơ, đối xử với tất cả mọi người đều như nhau, nhưng hành thiện là phù hợp với Đạo Trời, do đó Đạo Trời luôn ở cùng với người thiện lương, khiến người thiện lương khi làm việc sẽ thuận lợi như có Thần trợ giúp. Cũng giống như đạo lý trong Phật gia có nói: “Thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải không báo mà là chưa đến lúc”.
Phúc có mối liên hệ chặt chẽ với đức. Phúc đức chính là đạo đức và hạnh phúc, là một phạm trù quan trọng trong văn hóa luân lý truyền thống. Đức là một trong những cách quan trọng để chủ thể hành vi có được hạnh phúc và tránh những điều bất hạnh.
Lý giải về mối quan hệ giữa đức và phúc, chủ yếu bao gồm hai phương diện. Đầu tiên, con người có hạnh phúc hay không là do Đạo Trời hoặc Thần ở bên ngoài bản thân con người quyết định. Đạo Trời hoặc Thần có ý chí nắm giữ công chính, thưởng thiện phạt ác. Vì vậy mọi người kính sợ mệnh Trời, biết cảm ân, tri ân, báo ân, tu đức, tăng trưởng phúc đức. Như trong Kinh Thi đã nhấn mạnh cần tu dưỡng đức hạnh, hợp với mệnh Trời, đạt được mục tiêu giá trị “hợp với mệnh Trời”, tương hợp với ý chí và mệnh lệnh của Trời, thì kết quả tự nhiên sẽ được “đa phúc”.
Thứ hai là, mặc dù Đạo Trời hoặc Thần làm chủ phúc họa của con người, có thể cảm nhận được thiện ác, đức hạnh của con người, nhưng con người ai cũng có thể thông qua tu dưỡng đức hạnh để thay đổi vận mệnh. Đức hạnh tốt đẹp sẽ được Thượng Thiên ban phúc, hành vi vô đức sẽ dẫn đến mất đi phúc phận và tai họa giáng xuống thân. Tất cả phúc họa mà con người nhận được đều không phải ngẫu nhiên. Có câu cổ ngữ rằng: “Phúc họa không có cửa, chỉ là do con người chiêu mời đến”; “Họa do ác tạo ra, phúc do đức sinh ra”. Có thể thấy cội nguồn của phúc họa là ở cái tâm con người.
Y dược gia đời Đường, Tôn Tư Mạc đã viết trong “Phúc thọ luận” rằng: “Phúc giả, tạo thiện chi tích dã; họa giả, tạo bất thiện chi tích dã”, “Phúc hề khả dĩ thiện thủ”, nghĩa là phúc là tu được từ thiện, hành thiện tích đức, coi việc giúp người làm niềm vui, không chỉ khiến bản thân tăng thêm phúc phận, mà còn tạo phúc cho con cháu đời sau. Nếu một người không có phẩm đức, làm điều xằng bậy, dục niệm tà ác, thì họa cũng theo đó mà đến, cũng chính là không có hạnh phúc đích thực.
Cho nên, vô đức tức là vô phúc. Đức hạnh là ngọn nguồn của phúc, con người cần phải tu đức hướng thiện, không ngừng nâng cao tu dưỡng đạo đức, chân thành thiện lương thì sẽ có được hạnh phúc, sẽ có được phúc đức và phúc báo.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…