Công cuộc khai phá phương nam bắt đầu từ năm 1558 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng. Trải qua 8 đời Chúa, 200 năm sau, lãnh thổ Đàng Trong đã vô cùng rộng lớn, trải dài đến tận vùng cực nam của nước ta ngày nay. Trong quá trình này, không thiếu những vị quan, tướng, công nữ đóng ghóp công sức cho việc mở mang bờ cõi, khai phá vùng đất Nam bộ. Nổi bật trong số đó có thể kể tới Nguyễn Hữu Cảnh.
Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650 ở Quảng Bình, là con trai của danh tướng Nguyễn Hữu Dật. Sinh ra trong thời kỳ Đàng Trong phải đối mặt với sự đe dọa từ Đàng Ngoài, là con nhà tướng, Nguyễn Hữu Cảnh luôn được cha quan tâm dạy dỗ. Đến tuổi 20, ông đã nổi tiếng khắp nơi bởi văn võ song toàn.
Danh tướng Nguyễn Hữu Dật giúp chúa Nguyễn nhiều lần chặn đứng quận Trịnh ở phía bắc. Và trong những cuộc chiến này, Hữu Dật cũng cho cả con mình là Hữu Cảnh đi theo. Ngay từ lúc còn rất trẻ, Hữu Cảnh đã lập nhiều công lao.
Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Tần chú ý và phong làm Cai cơ, một chức quan võ lúc bấy giờ.
Năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh dẹp Chiêm Thành, mở mang và an định bờ cõi. Ông lập tức ra quân đánh bại quân Chiêm Thành, đuổi theo tận đến kinh thành nước Chiêm, bắt được vua Chiêm là Bà Tranh rồi giải về Phú Xuân.
Chúa Nguyễn Phúc Chu cho sáp nhập đất Chiêm Thành vào lãnh thổ (nay là tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận), đặt tên là trấn Thuận Thành, lập ra phủ Bình Thuận.
Sau khi Bà Tranh chết tại Huế, em là Kế Bà Tử nghe theo một người Mãn Thanh là A Ban tập hợp quân nổi lên. Năm 1693. lợi dụng lúc Nguyễn Hữu Cảnh đi tây chinh, quân Chiêm đánh bại quân chúa Nguyễn, quân cứu viện từ Bà Rịa đến cũng bị đánh bại.
Nguyễn Hữu Cảnh nhận lệnh chúa Nguyễn đánh dẹp, rồi được cử làm Trấn thủ dinh Bình Khương (nay là vùng Khánh Hòa – Ninh Thuận), giúp ổn định vùng Bình Thuận.
Sau các chiến công trên, ông được phong làm Chưởng cơ trấn thủ Bình Khang.
Mùa xuân năm 1698, vua Cao Miên cho quân đi cướp bóc dân buôn người Việt, triều đình liền sai Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược đất Cao Miên. Vua Cao Miên không chống cự được phải đầu hàng và xin được cống nạp như cũ.
Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất đi kinh lược Đồng Nai. Thuở ấy vùng đất này còn nhiều nơi chưa được khai phá, rừng âm u, sông ngòi chằng chịt. Tại đây Nguyễn Hữu Cảnh lập bản doanh, giúp người Việt đến nơi đây tiếp tục khai phá vùng đất mới, lập các thôn xã như Bình Dương, Bình Đông, Bình Tây, Bình Tiên, Bình Trị, Bình Long, Bình Quới, Bình Hòa, Bình Điền, Bình Phước, Tân Định, Tân Hưng, Tân Khai, Tân Thuận, Tân Mỹ, Tân Phước, Tân Thạnh…
Biết tin Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược Đồng Nai, người dân Quảng Bình quê ông, cũng như người dân Phú Xuân tin tưởng đến Đồng Nai lập nghiệp rất đông, thời ấy có câu ca dao rằng:
Làm trai cho đáng nên trai,
Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng.
Cuốn Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả rằng:
Lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để quản trị. Nha thuộc có 2 ty là Xá sai ty (coi việc văn án, từ tụng, dưới quyền quan Ký lục) và Lại ty (coi việc tài chính, do quan Cai bộ đứng đầu). Quân binh thì cơ, đội, thuyền, thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ. Đất đai mở rộng ngàn dặm, cho chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh châu trở vô, đến ở khắp nơi, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh, điền và lập bộ tịch đinh điền. Từ đó con cháu người Hoa ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương, rồi ghép vào sổ hộ tịch.
Từ đó mà Đàng Trong hình thành vùng đất Gia Định và Đồng Nai đầy thịnh vượng. Cù Lao Phố của Đồng Nai trở thành cảng sầm uất nhất miền Nam lúc bấy giờ. Vậy nên có câu rằng:
Nghĩa nhân chủng hằng tâm đắp xây Đại Việt,
Ơn biển trời lao khó gầy dựng Đồng Nai.
Năm 1699, vua Cao Miên là Nặc Thu cướp bóc dân buôn người Việt, Nguyễn Hữu Cảnh được cử làm Thống suất đem quân tiến đánh. Quân Nguyễn chiến thắng rồi tiến thẳng đến thành La Bích (thủ phủ Nam Vang) đánh tan quân Cao Miên, vua Nặc Thu dù chạy trốn được nhưng sau đó quyết định tự đầu hàng, xin được cống nộp như trước.
Sau chiến thắng, Nguyễn Hữu Cảnh lại đến động viên người Khmer, người Hoa và Việt cùng sống tắt lửa tối đèn có nhau.
Năm 1700, Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao rồi báo tin chiến thắng về kinh thành. Ở đây một thời gian, Nguyễn Hữu Cảnh bị bệnh mà mất.
Tin Nguyễn Hữu Cảnh mất lan đi, nhiều người dân nghe tin đã rất thương tiếc. Khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi nào Nguyễn Hữu Cảnh đã từng dừng chân đều có đền thờ ông như Cù Lao Tiêu Mộc (sau đổi là Cù Lao Ông Chưởng), Long Điền, Kiến An, Vĩnh Ngươn, Châu Đốc, Rạch Gầm, Thới An, Bình Mỹ, Mỹ Đức, Cù Lao Phố. v.v..
Không chỉ người Việt mà cả người Hoa cũng thương tiếc tưởng nhớ Nguyễn Hữu Cảnh, họ đặt bài vị thờ ông tại đền Minh Hương ở Chợ Lớn. Người Khmer cũng kính phục mà lập miếu thờ ông ở chợ Nam Vinh (Nam Vang).
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…