Trong dòng chảy lịch sử văn hóa, hầu hết đất nước nào cũng gắn liền với một ngọn núi thiêng: Nhật Bản có núi Phú Sỹ, Ấn Độ có núi Linh Sơn, Trung Quốc có núi Thái Sơn và Việt Nam có núi Tản Viên.

Theo truyền thuyết của dân tộc, núi Tản Viên là nơi ngự của Sơn Tinh. Sơn Tinh còn được gọi là Thánh Tản Viên hay Tản Viên Sơn Thánh, đứng đầu trong “Tứ bất tử” (bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân tộc là đức Tản Viên, mẫu Liễu Hạnh, đức Thánh Gióng và đức thánh Chử Đồng Tử).

Đỉnh núi Tản Viên nhìn từ trên mây. (Ảnh: Bem photograp, Flickr, CC BY 2.0)

Núi Tản Viên nay gọi là núi Ba Vì. Đây là dãy núi kéo dài từ huyện Thạch Thất, Hà Nội đến thành phố Hòa Bình.

Núi Tản Viên (傘圓) với Tản (傘) là cái ô, Viên (圓) là hình tròn. Về tên gọi núi Tản Viên, “Lĩnh Nam chích quái’ mô tả rằng: “Núi Tản Viên ở phía tây kinh thành nước Nam Việt. Núi cao ngất, tròn như cái tán cho nên có tên ấy.”

Trong tác phẩm “Dư địa chí” Nguyễn Trãi đã mô tả rằng: “Tản Viên là tên núi, núi có ba ngọn cao chót vót, hình như cái tán vì thế mới gọi là Tản Viên.”

Còn sách “Bắc – Thành Địa dư chí” của Lê Đại Cương chép rằng: “Núi này ở huyện Bất Bạt, phủ Quảng Oai (ghi chú: Nay là huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây). Hình núi tròn như cái tán nên gọi là Tản Viên, rộng rãi bao la, đứng cao hùng vĩ, làm trấn sơn cho cả nước, cao 2.310 trượng, chu vi 18.605 trượng, hướng tây có Đà Giang chảy quanh theo, rừng cây rậm rạp, cảnh trí đẹp.”

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, phần Ngoại Kỷ, quyển 1 có chép rằng:Núi Tản Viên là dãy núi cao của nước Việt ta, sự linh thiêng rất ứng nghiệm.” Câu này xuất hiện trong phần ghi chép truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh. Trong đó, núi Tản Viên là nơi ở của Sơn Tinh.

Mặc dù trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên có bàn rằng: Còn như việc Sơn Tinh, Thủy Tinh thì rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi.Tuy nhiên xuyên suốt lịch sử đất nước được ghi chép lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, các triều đại đã rất nhiều lần cúng tế tại núi Tản Viên.

Ví dụ, thời Lý Nhân Tông có ghi chép:

“Quý Sửu, Thái Ninh năm thứ 2 [1073]. Bấy giờ mưa dầm, rước phật Pháp Vân về kinh để cầu tạnh. Cúng thần núi Tản Viên.”

Đời Lý Anh Tông có chép:

Ất Sửu, [Đại Định] năm thứ 6 [1145],… Mùa thu, tháng 7, dựng đền thần núi Tản Viên và các đền Bố Cái, Ông Nghiêm, Ông Mẫu.”

Thậm chí núi Tản Viên cũng được ngoài nước biết tới. Đời Trần Nghệ Tông có chép:

Canh Tuất, [Thiệu Khánh] năm thứ 1 [1370], (từ tháng 10 trở về trước là Dương Nhật lễ, Đại Định năm thứ 2, Minh Hồng Vũ năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, vua Minh tự làm bài chúc văn, sai Diêm Nguyên Phục, đạo sĩ cung Triều Thiên, đem lễ trâu và lụa, đền tế thần núi Tản Viên và các thủy thần sông Lô.

Sở dĩ núi Tản Viên có tên gọi Ba Vì là do núi có 3 đỉnh chính là: đỉnh Vua, đỉnh Tản Viên và đỉnh Ngọc Hoa. Đỉnh Vua là đỉnh cao nhất; đỉnh Tản Viên là nơi linh thiêng nhất, nơi thờ đức Thánh Tản Viên tức Sơn Tinh; đỉnh Ngọc Hoa tượng trưng cho công chúa Ngọc Hoa đươc gả cho Sơn Tinh.

Ở phía tây của dãy núi là sông Đà, nơi Thủy Tinh dâng nước đuổi theo Sơn Tinh. Ngày nay trên đền Thượng có bức hoành phi với đôi câu đối ghi lại sự tích này:

Núi Tản tựa trời cao, ba đỉnh lừng danh từ vạn cổ
Sông Đà trừ thác dữ, một dòng rực sáng đến mai sau

Tản Viên là núi thiêng của dân tộc, linh khí rất mạnh. Tản Viên như một đầu rồng hùng dũng, thân rồng là dãy núi Trường Sơn chạy xuống phương nam. Trong Lĩnh Nam Chích Quái, “Truyện núi Tản Viên”, có kể rằng Cao Biền đến nơi đây thấy linh khí rất mạnh liền cho đào một trăm cái giếng để trấn yểm nhằm phá linh khí nước nam, nhưng cứ đào gần xong thì giếng lại sập. Cao Biền chỉ có thể than thở rằng: “Linh khí ở phương Nam không thể lường được, vượng khí đời nào hết được!”. Dù đây chỉ là chuyện dân gian, nhưng cũng cho thấy tầm quan trọng của núi Tản Viên trong tín ngưỡng dân gian.

Sư Vạn Hạnh là người có công nuôi nấng và dạy dỗ vua Lý Thái Tổ từ khi còn nhỏ, rồi giúp Vua lên ngôi. Sư Vạn Hạnh biết phong thủy ở kinh đô Hoa Lư không phù hợp, các Triều đại ở đây chỉ tồn tại ngắn ngủi. Nơi đó chật hẹp đất thấp không xứng với tầm vóc để xây dựng một Giang Sơn hùng mạnh, vì thế mà nói nhà Vua nên dời đô đến thành Thăng Long. Với việc dời đô về Thăng Long, sư Vạn Hạnh cũng xác định phía tây núi Tản Viên chính là nơi trấn lĩnh một phương.

Thời đầu nhà Lý, Phật Pháp phát triển cường thịnh, trở thành Quốc giáo. Nhà Lý xây dựng đền thờ Thần Tản Viên, xem là “Trụ quốc” biểu tượng cho sự vững vàng và trường tồn của Giang Sơn Xã Tắc. Cuốn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi chép lại rằng: “Thần núi Tản Viên gọi là Trụ quốc đại vương, linh hiển có tiếng. Nhân Tông triều Lý sai thợ làm đền thờ trên ngọn núi thứ nhất, có lầu 20 tầng”. Đền thờ này sau đó được gọi là đền Thượng, tiếc rằng đền Thượng đã không còn nữa. Năm 1993, Đền được xây lại hoàn toàn mới.

Các vị Vua triều đại nhà Trần, nhà Lê đều đến núi Tản Viên cúng tế, xem đây là ngọn núi linh thiêng của dân tộc.

Đến thời nhà Nguyễn, các vị Vua không ngừng tu bổ và mở rộng các đền miếu ở núi Tản Viên. Đến nay quanh núi Tản Viên có đến gần 100 ngôi đình, đền thờ và chùa thờ Tản Viên Sơn Thánh.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Ngoài sự lãng mạn: Yếu tố còn thiếu trong hôn nhân hiện đại

Gần một phần ba các cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly hôn. Chuyện gì…

1 giờ ago

Cử tri Wisconsin đã quyết định đưa luật về căn cước cử tri vào hiến pháp tiểu bang

Wisconsin sẽ đưa luật về căn cước cử tri (voter ID) của tiểu bang vào…

1 giờ ago

Cựu quan chức của ông DeSantis thắng ghế Hạ viện thay thế ông Matt Gaetz

Thành viên Đảng viên Cộng hòa Jimmy Patronis giành chiến thắng trong cuộc đua kế…

2 giờ ago

The Coffee House được sang nhượng với giá 270 tỷ đồng

The Coffee House được bán cho Golden Gate với giá 270 tỷ đồng, bằng 25%…

2 giờ ago

Khung giá bán lẻ điện bình quân được giữ nguyên

Khung giá bán lẻ điện bình quân giữ nguyên với mức tối thiểu là 1.826,22…

3 giờ ago

ĐCH giành chiến thắng cuộc bầu cử đặc biệt ở Florida, mở rộng đa số tại Hạ viện

Ông Randy Fine, Thượng nghị sĩ tiểu bang Đảng Cộng hòa được Trump ủng hộ,…

3 giờ ago