Thanh Chương là vùng đất giàu truyền thống khoa bảng của tỉnh Nghệ An. Trong những người con của vùng đất này, nổi bật phải kể đến tiến sĩ Phan Sĩ Thục, ông không chỉ là một vị quan thanh liêm mà còn mang cốt cách của người xứ Nghệ.
Thời nhà Nguyễn ở Thanh Chương có ông Phan Sĩ Cung là người nhân từ, làm nghề thầy thuốc cứu người. Dù làm nghề thuốc nhưng ông cũng rất giỏi chữ Nho. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Ứng cần cù làm ruộng, lại có tiếng là nhân hậu.
Ông Phan Sĩ Cung là thầy thuốc có tiếng mát tay, nhưng ông hành nghề giúp người nên gia cảnh nghèo khó.
Năm 1822, hai vợ chồng sinh hạ được người con trai, đặt tên là Phan Sĩ Thục. Lớn lên Phan Sĩ Thục không theo nghề thuốc của cha, mà chọn học chữ Thánh hiền theo con đường khoa bảng.
Là người thông minh, Phan Sĩ Thục lần lượt thi đỗ, năm 1840 đỗ Tú tài, năm 1846 đỗ Cử nhân. Khoa thi năm 1849 thời vua Tự Đức, ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Năm 1851, Phan Sĩ Thục được bổ nhiệm làm Tri phủ Cam Lộ (Quảng Trị). Trước lúc đến Cam Lộ nhận chức, ông đã đến gặp cha và ông nội tạm biệt và xin được chỉ giáo. Ông nội dặn dò: “Làm quan nên làm cho dân yêu không nên làm cho dân sợ”. Phan Sĩ Thục ghi nhớ lời dạy của ông nội trong suốt cuộc đời làm quan của mình.
Lúc này phủ Kiến Thụy không yên. Năm 1854, Triều đình cử Phan Sĩ Thục đến nơi đây làm Tri phủ. Bằng tấm lòng đức độ của mình, ông đã giúp vùng đất này trở nên yên bình.
Năm 1964, Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh) là Hoàng Tá Viêm dâng sớ xin người có tài năng và đức độ làm Đốc học Nghệ An, Triều đình liền cử Phan Sĩ Thục đi.
Đến năm 1868, ông về Triều đình làm Lang trung bộ Lại.
Bấy giờ vùng biên giới với nhà Thanh bất ổn, đám thổ phỉ thường từ nhà Thanh đến Hưng Hoá, Tuyên Quang quấy nhiễu dân chúng. Triều đình cho đánh và thu phục các đám thổ phỉ, đồng thời cử Phan Sĩ Thục đi sứ sang nhà Thanh báo rõ việc này, đồng thời làm rõ một số vấn đề về cương giới giữa hai nước.
Các ghi chép cho thấy trong chuyến làm sứ này, việc tiếp xúc với nhà Thanh rất khó khăn, chỉ có quan đại thần Hoà Thân là nhiệt tình giúp đỡ.
Trong chuyến đi sứ này hai bên cũng muốn biết Triều đình hai nước đối với người Pháp thế nào. Một số giai thoại kể rằng Hoàng đế nhà Thanh cho mở yến tiệc rồi tìm cách cho Phan Sĩ Thục uống say nhằm khai thác tình hình nước nam.
Tuy bị ép uống nhưng Phan Sĩ Thục uống rất ít, khéo léo từ chối, Hoàng đế nhà Thanh hỏi: “Sứ thần ít uống, hay do rượu của trẫm không ngon hay vì còn có điều gì?”
Phan Sĩ Thục cảm tạ rồi đọc bài thơ đáp lễ rằng:
Trường túy mai Lưu Linh
Độc tỉnh trầm Khuất Bình
Nam nhân thiện ẩm tửu
Bất túy diệc bất tỉnh.
“Trường túy mai Lưu Linh”: Câu này nhắc lại chuyện Tể tướng nước Tấn là Lưu Linh can gián Vua không được nên bỏ đi, sau chết trong rừng. Lưu Linh có tiếng là uống rất nhiều rượu.
“Độc tỉnh trầm Khuất Bình”: Tể tướng nước Sở là Khuất Bình khuyên Vua không nên đi hội thề, Vua không nghe theo nên bị nước Tần hãm hại. Khuất Bình hay Khuất Nguyên tự nhận là “đời say, mình ta tỉnh”, do trong triều chỉ có ông là trung thành, thẳng thắn can gián, không nhiễm tì vết, nhưng không thể nào giúp vua thoát khỏi gian thần.
Hai câu dưới nghĩa là người nước nam uống rượu giỏi, nhưng không say cũng không tỉnh.
Bài thơ muốn nói tình thế của nước nam đối với người Pháp là tiến thoái lưỡng nan, đánh chưa chắc thắng, mà muốn hòa cũng chẳng yên. Hoàng đế nhà Thanh hiểu ý bài thơ nên khen hay.
Sau chuyến đi sứ về nước, ông được vua Tự Đức khen. Sau này Vua ban chế khen rằng: “Phan Sĩ Thục là người nho nhã nêu cao phong thái, hiên ngang khí tiết bao trùm, tính khoan giản thẳng thắn ôn hòa luôn rạng rỡ, tài văn chương chính sự hạng ưu đáng để tin dùng”, rồi phong làm Hình bộ Thị lang.
Sau đó Phan Sĩ Thục làm quan trải qua các chức vị khác nhau, đến năm 1882 thì xin nghỉ hưu, mở trường dạy học. Biết tiếng ông, học trò đến theo học rất đông. Ông là thầy giáo uyên bác lại nhân từ nên học trò rất kính trọng.
Năm 1885 nổ ra phong trào Cần Vương chống Pháp, ông khuyến khích học trò tham gia các phong trào Cần Vương.
Lúc này diễn ra phong trào “sát tả” tức giết hại những người Công giáo vì cho rằng người Pháp truyền Đạo mục đích để dò la tin tức giúp Pháp.
Phan Sĩ Thục phản đối việc giết hại này, ông nói rằng: “Người theo tả đạo cũng là dân nước Việt ta. Để dân lương, giáo chém giết lẫn nhau thì sức Cần Vương bị phân tán, lòng người chia rẽ không thể đánh Tây được” (Đại Nam liệt truyện)
Là người có uy tín, ông đã tìm cách che chở cho người theo Công giáo ở Bàn Thạch, Lai Nhã quê nhà không bị tàn sát.
Năm 1890, vua Thành Thái ban chế khen ông là người “mẫn cán, gánh vác việc công, đạt nhiều thành tích, nêu cao gương sáng, đáng được lựa chọn ở chốn triều đình”, rồi ban cho tước Triều liệt đại phu Quang lộc tự Thiếu khanh cử làm đốc học Nghệ An.
Năm 1891, Phan Sĩ Thục đã già yếu, ông xin nghỉ hưu lần nữa nhưng không được. Đến tháng 11 năm ấy ông mất tại nhiệm sở.
Phan Sĩ Thục làm quan có tiếng thanh liêm, nhưng nhiều người chưa hiểu hết đức than liêm của ông. Khi ông mất nhiều người đến đưa tiễn ông mới thấy rằng nhà ông không đủ lớn để có nơi đặt linh cữu, đồ khâm liệm cũng không đủ.
Tổng đốc Nghệ An là Đào Tấn tâu lên triều đình rằng:
“Phan Sĩ Thục xuất thân khoa giáp lâu năm đã được triều trước đặc biệt chọn giữ chức Chánh sứ đi sứ nhà Thanh, đã được thăng qua các chức Tham tri, Tuần vũ giữ chức siêng năng, người có kiến thức, độ lượng, bình sinh thanh liêm cẩn thận, an tâm sống đói nghèo trong sạch, thân sĩ trong hạt đều khen là bậc mô phạm lão thành. Ngày mất đồ khâm liệm không đủ, không có nhà để rước linh cữu về, tình cảnh rất đáng thương xót và tưởng nhớ. Xin triều đình gia ân truy thụ để tỏ lòng tưởng nhớ kẻ Nho thần, khuyến khích sĩ tiết.”
(Đại Nam liệt truyện)
Triều đình chu cấp tiền bạc an tang cho ông, đồng thời truy thụ hàm Quang Lộc Tự khanh.
Nhận xét về cuộc đời làm quan của Tiến sĩ Phan Sĩ Thục, sách Đại Nam liệt truyện chép rằng:
“Sĩ Thục làm quan hơn bốn mươi năm trong cái nhà tranh vách đất, hũ gạo luôn bị rỗng không mà vẫn thản nhiên. Có người hỏi rằng: làm quan mà vợ con đói rét, chẳng cũng là kiểu ư? Thục nhân thuật lại lời của ông cha rằng: Ở đời nên được nhân dân yêu, không nên làm cho nhân dân sợ, làm quan cần phải thanh liêm để không thẹn cái tiếng khoa bảng, chớ thấy nhà nghèo, bố mẹ già mà đổi tiết tháo. Vì vậy chung thân không dám sai lời.”
Học trò của Phan Sĩ Thục dựng nhà thờ tôn vinh người thầy của mình. Năm 1899 người dân quê ông đã góp tiền ra tận Thanh Hóa mua đá dựng bia ghi công ông. Nhà thờ vẫn còn ngày nay, là nơi lưu giữ các hiện vật, hoành phi, câu đối về cuộc đời vị quan thanh liêm có tiếng xứ Nghệ.
Trong 6 người con của Phan Sĩ Thục thì 4 người đậu cử nhân, trong đó có 1 người đậu Phó bảng. Hậu duệ sau này này nhiều người có học hàm giáo sư, tiến sĩ hoặc làm sĩ quan cấp tướng.
Ngày 9/9/2009, Nghệ An công nhận nhà thờ Tiến sĩ Phan Sĩ Thục ở thôn Hòa Hợp, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Việt Nam hiện có 696 đơn vị hành chính cấp huyện, dự kiến sẽ chấm…
Chặng Hà Nội - TP.HCM ngày 29/4, Vietnam Airlines có giá từ 3,6-3,74 triệu đồng.
Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CPB) vừa thông báo danh mục các…
Quan chức ĐCSTQ thừa nhận rằng Bắc Kinh đứng sau một loạt các cuộc tấn…
Một số chuyên gia tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc đang…
Hồi năm 2024, vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại công trình thủy điện…