Minh Thành Tổ là một vị Hoàng đế Trung Hoa được đánh giá là mưu lược kiệt xuất, tạo nên Vĩnh Lạc thịnh thế của nhà Minh. Nhưng chính trong thời kỳ Minh Thành Tổ trị vì, nhà Minh đã đem quân xâm lược Đại Ngu, làm rất nhiều điều độc ác như đốt sách, phá văn bia, đàn áp và sưu thuế. Minh Thành Tổ còn được đánh giá là một vị Hoàng đế tàn bạo, tạo nên một số vụ án oan làm thiệt hại hàng nghìn mạng người (còn có liên quan đến vấn đề tín ngưỡng của nhà Minh, trọng Đạo giáo thay vì trọng Nho hay Phật). Tuy nhiên đối với bản thân nhà Minh thì công nghiệp của Minh Thành Tổ không thể nói là không rực rỡ. Có thể nói, Minh Thành Tổ là một vị Hoàng đế lắm công, nhiều tội. Nhà Minh qua sự trị vì của Minh Thành Tổ cũng biểu hiện ra một văn hóa nghiêm khắc, kỷ luật rất cao.
Trong 22 năm trị vì ngắn ngủi của Minh Thành Tổ, thực lực của nhà Minh đạt đến cường thịnh, danh tiếng lan rộng và có đến hơn 60 nước có quan hệ chư hầu với nhà Minh. Ngoài ra, Minh Thành Tổ còn xây dựng thành Bắc Kinh, xây dựng các miếu đạo quán trên núi Võ Đang, mở lại Con đường tơ lụa cổ xưa, ra lệnh biên soạn bộ bách khoa toàn thư lớn nhất nước “Vĩnh Lạc đại điển”, khơi thông kênh lớn Đại Vận Hà… Minh Thành Tổ đã để lại cho đời sau không ít công trạng vĩ đại, vì thế mà ông được người đời rất ngưỡng mộ.
Minh Thành Tổ hùng tài đại lược lại rất chú trọng đến việc tu dưỡng đức hạnh của bản thân mình. Ông yêu cầu rất nghiêm khắc đối với bản thân và ông đặc biệt nổi tiếng vì tính tiết kiệm. Cuốn “Minh sử. Thành Tổ bản kỷ” đánh giá ông: “Sau khi lên ngôi, tự mình thực hành tiết kiệm”. Dù là một vị Hoàng đế có công trạng lớn như vậy nhưng Minh Thành Tổ lại thường mặc quần áo cũ, ăn uống cũng rất đạm bạc.
Minh Thành Tổ từng nói: “Thiên lập quân dĩ dưỡng dân, quân bất tuất dân, thị bất kính thiên”, Trời lập vua để chăm lo cho dân, vua không quan tâm đến dân là bất kính với Trời. Ông cũng thường nói với các quan đại thần rằng tài sản cất giữ trong nội khố dùng để khen thưởng các quan có công, bản thân ông không dám lãng phí.
Vào một ngày tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ hai (năm 1404), Minh Thành Tổ nói chuyện với Giải Tấn của Học viện Hàn Lâm và những người khác về tầm quan trọng của việc kiềm chế ham muốn vui chơi. Ông cho rằng là một người trị vì, nếu không bổ sung thêm cung điện, xe ngựa, sơn hào hải vị, các loại giải trí… thì thiên hạ tự nhiên sẽ ổn. Nếu sở thích của Hoàng đế đối với xe ngựa, quần áo, giải trí… chỉ ở mức vừa phải thì đó là điều may mắn của dân chúng thiên hạ. Trái lại, nếu một vị đế vương mà rất có hứng thú với những phương diện này, thậm chí theo đuổi sự xa hoa lãng phí thì sẽ gia tăng gánh nặng cho dân chúng, dần dần sẽ khiến dân chúng bất mãn, xã hội sẽ khó yên ổn.
Minh Thành Tổ không phải chỉ nghĩ như vậy mà ông còn hành động như vậy. Vào một ngày tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 12 (năm 1414), khi Hoàng đế đang cùng các đại thần bàn bạc triều chính thì tay áo bên trong của ông bị rách và đã rất cũ rồi bị lộ ra bên ngoài. Hoàng đế thấy như vậy thì khó coi nên đã nhét vào trong nhiều lần, nhưng cứ khi động tay thì nó lại rơi ra. Các quan đại thần nhìn thấy tay áo của Hoàng đế đã cũ nát như thế thì vô cùng cảm động.
Nhưng Minh Thành Tổ lại nói rằng Hoàng đế một ngày mà muốn thay mười bộ quần áo mới thì cũng có thể có, nhưng mỗi người cần phải biết quý tiếc phúc của mình, phải biết tiết kiệm. Trước kia mẹ của ông luôn vá lại quần áo cũ để mặc, cha của ông cũng vô cùng tán thưởng và ông không dám quên giáo huấn của tổ tiên.
Cha Minh Thành Tổ chính là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Theo “Minh đại sử ký” viết, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương sinh ra trong nghèo khó, khi trở thành hoàng đế đã học được bài học từ các vị hoàng đế trước đó vì xa hoa lãng phí mà mất nước. Cho nên, ông quy định đồ dùng trong cung phải đơn giản, đồ ăn, thức uống và quần áo không được quá xa hoa gây tổn hại đến của cải và dân chúng. Hoàng hậu cũng tự mình khâu vá quần áo cũ để mặc. Chu Nguyên Chương cũng thường nói: “Xa xỉ là nguyên nhân khiến gia đình suy bại”, “Tiết kiệm không chỉ nên được người trì vì thiên hạ tuân thủ mà những người trị gia cũng phải tuân thủ”.
Minh Thành Tổ vẫn luôn nghiêm khắc trách mắng những kẻ lãng phí.
Một hôm, Thành Tổ vô tình phát hiện ra rằng thái giám trong Tử Cấm Thành đang cho gà ăn một lượng lớn gạo trắng, và ông đã rất tức giận. Ông đã nhắc chuyện này với chủ quản trong cung, nói: “Hiện giờ, sau nạn châu chấu và hạn hán khắp nơi, đời sống dân còn rất khó khăn, trẫm ngày đêm lo lắng. Vậy mà các thái giám hưởng thụ cao lương mỹ vị lại không biết đến nỗi vất vả của người dân, phung phí của cải. Chi phí họ bỏ ra để chăn nuôi trong một ngày có thể nuôi sống một gia đình đang đói khát. Trẫm đã hạ lệnh cấm chỉ. Các ngươi nhớ rằng, sau này lại làm như thế thì nghiêm trị không tha”.
Một lần khác, Ngự mã giám đã yêu cầu hộ bộ cung cấp thóc để nuôi voi trắng, hộ bộ bẩm báo lên Minh Thành Tổ xử lý. Minh Thành Tổ đã triệu tập Ngự mã giám đến chất vấn: “Các ngươi ngồi ăn cao lương mỹ vị, mặc quần áo ấm áp, như thế làm sao biết được nỗi khổ của dân chúng? Lượng thóc mà một con voi ăn trong một ngày phải đủ nuôi một gia đình mấy người nông dân. Trẫm làm vua, chức trách là nuôi dưỡng dân chúng, ngươi làm việc này mà không cho trẫm biết, chuyện này nhằm mục đích khiến trẫm mất lòng người trong thiên hạ. Nếu bị phát hiện lần nữa, trẫm sẽ không bao giờ tha cho ngươi”.
Đương thời, ở huyện Giới Hưu tỉnh Sơn Tây sản xuất ra được những viên đá nhiều màu sắc, để làm đồ dùng thì sẽ rất đẹp. Ty thông chính đã báo lên rằng có một người muốn tặng những viên đá nhiều màu sắc cho Hoàng đế và ông đã rất tức giận, nói: “Người này vì muốn lấy lòng trẫm, muốn thăng quan. Phải biết rằng, quan gia đòi một vật thì dân chúng phải chịu một hại. Loại đồ vật này tuy rằng đẹp, nhưng đói lại không thể ăn, rét lạnh lại không thể mặc, trái lại còn có thể hại dân, các ngươi hãy đập đi!”.
Minh Thành Tổ đặc biệt ghét những quan chức tham nhũng và sẽ trừng phạt họ thật nặng nề khi bị phát hiện. Ví như, vào tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 10 (năm 1412), Giám sát ngự sử khi tuần tra trạm dịch đã nhận hối lộ. Sau khi Minh Thành Tổ nghe chuyện, đã ra lệnh cho Đô sát viện đi điều tra và xử nghiêm. Quảng Tây Hữu tham nghị Ngô Tường nhận hối lộ đã bị Hoàng đế lập tức bắt giữ và xử tội… Những quan lại vì tham ô hối lộ mà bị Minh Thành Tổ nghiêm trị có rất nhiều.
Vào năm Vĩnh Lạc thứ mười ba (1415), Minh Thành Tổ ban hành chỉ dụ cho triều đình và các quan đại thần: “Trẫm rất quan tâm đến dân chúng, đã nhiều lần cảnh cáo các quan quận huyện không được lấy bất cứ thứ gì, dù chỉ một hào”.
Minh Thành Tổ không chỉ yêu cầu khắt khe đối với bản thân mà còn yêu cầu nghiêm khắc đối với quần thần triều đình, hơn nữa ông còn biết cách quan tâm đến dân chúng nên đã có rất nhiều cống hiến lớn lao trong lịch sử.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Sơ Tân
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…