Bí ẩn Phong Thần Diễn Nghĩa: Con người là anh linh của vạn vật

Phong Thần Diễn Nghĩa là một cuốn huyền sử xoay quanh việc suy vong của nhà Thương và sự nổi lên của nhà Chu, cùng với đó là vô số Thần thoại, truyền thuyết xưa, bao gồm cả Thần tiên và yêu quái. Nó giống như một thiên sử thi của Đông phương, ngang tầm với Trường ca Iliad của Hy Lạp. Bên cạnh đó, bộ truyện này còn hàm chứa rất nhiều câu chuyện lịch sử tôn giáo thời bấy giờ. Có thể nói, nếu Tây Du Ký hàm chứa các nguyên lý của Phật gia, thì Phong Thần Diễn Nghĩa lại ẩn tàng những chuyện ít người biết của Đạo gia.

Phong Thần Diễn Nghĩa bắt đầu khi mười hai đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn đều là Tiên phạm luật sát sinh nên phải bị đày xuống trần chịu khổ. Ngoài ra, Ngọc Hoàng Thượng Đế truyền chỉ dụ cho hai giáo phái Xiển Giáo và Triệt Giáo đưa 365 giáo đồ phạm tội xuống trần lập công, sau này sẽ phong Thần cho đủ số nhà Trời. Bởi vậy nếu chỉ đánh giá tốt xấu thông thường, thì sẽ không biết được vì sao rất nhiều nhân vật bên trong truyện lại được phong Thần. Kỳ thực, kiếp trước họ chính là Thần tiên, kiếp này rơi vào cảnh ngộ là để hoàn trả tội nghiệp, sau đó sẽ lại được phong Thần. Đây nói cho cùng chính là một vở kịch.

Ngọc Hoàng Thượng Đế trong tư thế xếp bằng trên tòa sen. (Tranh: Thời Minh, Wikipedia, Public Domain)

Xuyên suốt Phong Thần Diễn Nghĩa là hai mâu thuẫn lớn: mâu thuẫn của thế gian và mâu thuẫn của giới tu hành. Mâu thuẫn thế gian là sự thay đổi triều đại từ nhà Thương thành nhà Chu, cũng chính là sự đối đầu giữa một hôn quân vô đạo Trụ Vương với một Vũ Vương tài đức vẹn toàn. Còn mâu thuẫn của giới tu hành là sự khác biệt trong nhận thức giữa Triệt giáo của Thông Thiên giáo chủ, và Xiển giáo của Nguyên Thủy Thiên Tôn, xoay quanh một câu nói: “Hữu giáo vô loài”.

Trong lịch sử giới tu hành, Triệt giáo từng là một giáo phái phát triển rất mạnh, với quan niệm truyền đạo “Hữu giáo vô loài”, có nghĩa là bất cứ loài nào, dù là động vật hay người, miễn có ý muốn tu hành thì đều sẽ được truyền dạy. Điều này xuất phát từ Thông Thiên giáo chủ, ông cho rằng chúng sinh bình đẳng, không phân biệt tốt xấu, chỉ cần nỗ lực là sẽ có được thành quả. Đồ đệ của Thông Thiên giáo chủ đa phần là các loài vật biến hóa thành như: Quy Linh thánh mẫu (do con rùa hóa hình), Ô Vân Tiên (do cá ngao hóa hình), Cầu Thủ Tiên (do sư tử lông xanh hóa hình), v.v..

Mặc dù có nhân lực hùng hậu, cách thu nạp đồ đệ và quan niệm của Triệt giáo cũng dẫn đến rất nhiều tai ương. Người tới Triệt giáo cầu đạo được gia nhập bất kể xuất thân, nên có rất nhiều kẻ ác độc, làm việc xấu, khiến cho giới tu hành phải nhiều phen lao đao.

Trong khi đó, Xiển giáo của Nguyên Thủy Thiên Tôn thì thu nạp đồ đệ rất nghiêm ngặt. Có thể lấy Khương Tử Nha làm ví dụ. Ông lên núi Côn Lôn gia nhập Xiển giáo từ năm 23 tuổi, 50 năm không ngừng kiên định tu hành, nhưng Nguyên Thủy Thiên Tôn khi gọi ông đến vẫn nói rằng: “Số ngươi thành Tiên chưa được, còn vương vấn công danh. Nay Thành Thang hết vận, Tây Chu ra đời, vậy ngươi phải thay mặt ta xuống trần ra công giúp nước. Sống làm tướng, chết làm Thần, như vậy công tu luyện của ngươi mấy mươi năm trời không uổng. Còn chỗ này không phải là chỗ ngươi ở được lâu.”

Vậy là, Khương Tử Nha trải qua nhiều trận chiến, phải chỉ huy cả quân lính người thường lẫn các Tiên nhân để hoàn thành nhiệm vụ “Phong Thần”. Ông chịu nhiều gian truân nơi trần thế, rồi lại phong Thần cho đủ 365 vị, nhưng cuối truyện, ông vẫn đành phải chịu làm người trần mắt thịt trong kiếp đó, chứ không thể trở về Côn Lôn tiếp tục tu hành. Điều đó đủ thấy sự nghiêm ngặt của Xiển giáo.

Chu Văn Vương gặp gỡ Khương Tử Nha bên sông Vị. Trong Phong Thần Diễn Nghĩa, Khương Tử Nha là người chịu trách nhiệm phong Thần. (Tranh: Họa sĩ Đái Tiến, thời Minh, Wikipedia, Public Domain)

Tất nhiên cần phải nói thêm rằng mục tiêu của Khương Tử Nha là rất cao, bởi vì các vị Thần được phong là ở trong tam giới (Thiên-Địa-Nhân), chứ không được siêu thoát. Trong nhiều bộ truyện đều có ghi lại, ví dụ như Bát Tiên truyền kỳ có kể rằng các vị Thần trên trời khi đến kiếp số thì đều phải đầu thai tu luyện lại, chính là luân hồi, từ đó mới có chuyện Bát Tiên. Ngay cả Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng là như thế, tu hành rất nhiều kiếp nhưng chưa vượt thoát khỏi luân hồi. Cũng có những nhân vật đắc đạo cao hơn, như Lão Tử, Phật Thích Ca, v.v.. thì vượt khỏi tam giới, được giải thoát khỏi luân hồi. Bởi thế Khương Tử Nha không lên bảng phong Thần cũng là có lý do: Hết một kiếp này, xử lý xong vướng bận thế gian, thì đầu thai tu tiếp, mục tiêu là giải thoát chứng ngộ.

Toàn bộ Phong Thần Diễn Nghĩa là một vở kịch lớn, với kết quả đã được số Trời định sẵn ngay từ khi mới bắt đầu, đó là:

Ngọc Hoàng Thượng Đế truyền chỉ dụ cho hai giáo phái Xiển Giáo và Triệt Giáo đưa 365 giáo đồ phạm tội xuống trần lập công trạng sau này sẽ phong Thần cho đủ số nhà trời.

Vậy thì vở kịch này muốn diễn điều gì? Trong kỳ trước khi đề cập đến vấn đề vì sao Trụ Vương vô đạo lại được phong Thần, chúng ta đã nói về việc giải quyết mâu thuẫn thế gian. Nay lại nói về mâu thuẫn của giới tu hành.

Mâu thuẫn giữa Xiển giáo và Triệt giáo chính là ở một câu:Hữu giáo vô loài“. Vậy thì câu này là đúng hay sai? Liệu chỉ có những người được lựa chọn kỹ càng mới nên thành đạo, hay cả yêu ma và động vật cũng đáng được giải thoát? Đó chính là một trong những điều quan trọng mà Phong Thần Bảng muốn “diễn”.

Hồ ly tu hành nghìn năm, được Nữ Oa hứa hẹn phong Thần nếu mê hoặc Trụ vương thành công, giúp Võ vương phạt Trụ. Thế nhưng điều kiện Nữ Oa đưa ra là: “Song ta cấm một điều là không được tàn hại bá tánh, chỉ trả thù Trụ Vương thôi.” Hồ Ly chiếm xác Đát Kỷ, gây ra bao nhiêu tội ác cho trăm họ, nên cuối cùng không những không được phong Thần mà còn bị trảm chết. Thế mới thấy, động vật tu hành nghìn năm nhưng bản tính thật khó dời đổi.

Trong những câu chuyện tu hành như Phong Thần Diễn Nghĩa, Bát Tiên truyền kỳ, hay Tây Du Ký, chúng ta đều có thể thấy được điều này:

  • Phong Thần Diễn Nghĩa: Các đệ tử Triệt giáo đa phần là loài vật biến hóa mà thành, sau khi bại trận, phần lớn lên Phong Thần Bảng, nhận chức ở Thiên Đình, một phần bị Phật môn độ hóa về Tây Phương Cực Lạc, một phần bị đánh chết xuống Địa Phủ đầu thai hoặc hồn tiêu phách tán. Tóm lại là đều phải ngừng tu hành.
  • Bát Tiên truyền kỳ: Vợ chồng Long Vương dù đã tu nhiều năm, vượt bao nhiêu kiếp số, nhưng chưa bao giờ bỏ được bản tính ngang ngược nóng giận, cuối cùng trong cuộc chiến với Bát Tiên, Long Vương tự tận, Long Hậu cùng đàn con bị Bát Tiên làm phép dời núi Thái Sơn về đè chết.
Bát Tiên vượt biển. (Tranh: Myths & Legends of China 1992, Wikipedia, Public Domain)
  • Tây Du Ký: Trư Bát Giới đầu thai nhầm vào thân lợn, thường xuyên bị dục vọng ảnh hưởng, không tu thoát khỏi thế gian. Trong khi đó, Sa Ngộ Tĩnh tu thành La Hán, chính là quả vị vượt khỏi luân hồi. Dù có là Thiên Bồng Nguyên Soái, nhưng việc mang thân súc vật đã khiến Bát Giới tu hành thất bại. Dù sao thì Bát Giới cũng có công phò tá Đường Tăng, nên cuối cùng được khôi phục tướng người và nhận chức Tịnh Đàn Sứ Giả.

Duyệt khắp các câu chuyện tu hành, có lẽ duy chỉ có Tôn Ngộ Không, vốn là loài linh hầu độc nhất vô nhị trong trời đất, mới thành đạo, vượt hẳn ra ngoài cõi trời đất. Ngộ Không là con linh hầu được sinh ra từ đá, hội tụ tinh hoa của nhật nguyệt, thiên tư trời ban. Nhưng tu theo Bồ Đề Tổ sư bên Đạo gia rồi, Tôn Ngộ Không vẫn không hề nguôi bớt bản tính “con khỉ”, gây họa bàn đào, đại náo thiên cung. Cuối cùng, Ngộ Không phải trải qua 500 năm dưới núi Ngũ Hành, rồi lại phò tá Đường Tăng vượt 81 kiếp nạn, đại chiến với biết bao nhiêu yêu ma, nhờ Phật tổ độ hóa, mới trở thành Đấu Chiến Thắng Phật, chứng ngộ Phật vị, siêu thoát khỏi luân hồi.

Tôn Ngộ Không vốn là con khỉ đá, bắt đầu từ việc tìm ra Thủy Liêm động mà đi tìm Đạo. (Tranh: Họa sĩ Yoshitoshi, Wikipedia, Public Domain)

Những điều này để nói lên rằng, loài vật không có bản tính của con người, nên cực kỳ khó mới có thể thành đạo. Nếu tu thì động vật rất dễ dàng sẽ trở thành loài ma mị gây họa cho thế nhân. Trong các truyện cổ, truyền thuyết, thì các loài gây họa phần lớn đều có hình dáng động vật, quái vật. Vậy nên giới tu hành mới có câu: “Con người là anh linh của vạn vật”. Vì chỉ con người mới nên được tu hành mà thôi. Rất nhiều truyện cổ Phật gia đều có kể rằng, những con vật có duyên, nếu khởi tâm muốn tu, thì đều phải tự tận ngay lập tức, chết đi rồi thì đầu thai làm người, lớn lên rồi thì quay lại nơi phát nguyện, có thân người mới có thể tu hành được.

Cuối Phong Thần Diễn Nghĩa, Thông Thiên giáo chủ bị thầy là Hồng Quân Lão Tổ triệu hoán, đưa trở về cung Tử Tiêu, không cho dạy học trò nữa. Việc thu nạp động vật làm đồ đệ trên diện rộng trong giới tu hành kể từ đó cũng tuyệt tích. Đây chính là một bí mật của Đạo gia ẩn tàng bên trong Phong Thần Diễn Nghĩa.

Quang Minh

Xem thêm:

Mời xem video:

Quang Minh

Published by
Quang Minh

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

4 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

5 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

5 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

6 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

7 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

8 giờ ago