Vì sao Trụ Vương vô đạo lại được phong Thần?
- Quang Minh
- •
Phong Thần Diễn Nghĩa là một cuốn huyền sử xoay quanh việc suy vong của nhà Thương và sự nổi lên của nhà Chu, cùng với đó là vô số thần thoại, truyền thuyết xưa, bao gồm cả thần tiên và yêu quái. Nó giống như một thiên sử thi của Đông phương, ngang tầm với Trường ca Iliad của Hy Lạp. Đọc Phong Thần Diễn Nghĩa, chúng ta không khỏi có một thắc mắc trước kết quả vô cùng khó hiểu, đó là nhân vật Trụ Vương vô đạo lại được lãnh nhận chức vụ trên bảng Phong Thần.
Trụ Vương tên thật là Tử Thụ, là vị vua cuối cùng của đời nhà Thương. Nói đến Trụ Vương, người ta không thể không nhắc tới những tội ác tày trời của vị vua này: Nhục Lâm – Tửu Trì – Lộc Đài – Sái bồn – Bào lạc.
Nhục Lâm – Tửu Trì – Lộc Đài là nói đến sự xa hoa vô độ của Trụ Vương. Ông ta cho xây dựng một khu rừng với các xiên thịt thú rừng treo đầy trên cây, gọi là Nhục Lâm; một chiếc hồ đổ đầy rượu, gọi là Tửu Trì; một tòa tháp cực cao để nhìn ngắm đất nước, gọi là Lộc Đài. Để những công trình này hoàn tất đã tốn không biết bao nhiêu xương máu của người dân.
Sái bồn – Bào lạc lại là nói đến sự tàn độc của vua Trụ. Sái bồn là một cái hào to chứa nhiều rắn độc, dùng để Trụ Vương và Đát Kỷ tiêu khiển, bằng cách lột hết y phục nạn nhân rồi xô vào để cho rắn cắn đến chết. Còn Bào lạc là một công cụ chuyên để hành hình quan quân, vốn là cái ống đồng nóng đỏ, dùng để dí nạn nhân vào cho da thịt cháy khét đến chết.
Trụ Vương tàn độc xa xỉ như vậy, nhưng sau này lại được Khương Tử Nha phong Thần, được làm sao Thiên Hỉ. Trong khi Đát Kỷ lại bị Khương Tử Nha chém chết, là lẽ vì đâu? “Thiện ác nhược vô báo, càn khôn tất hữu tư”, việc thiện ác mà không có báo ứng, thì trời đất tất có tư tâm, vậy liệu trời xanh có thật sự công bằng?
Thật ra, người ta chỉ quen nhắc tới Trụ Vương như một vị vua ích kỷ độc ác, mà quên mất rằng trong ghi chép lịch sử, ông ta còn từng là một vị vua anh minh văn võ song toàn.
Trong Sử ký, cuốn sách sử nổi tiếng Trung Hoa của Tư Mã Thiên, có viết: Trụ Vương trong những năm đầu là có khả năng vượt qua những người bình thường, nhanh trí và dễ nóng nảy. Theo đó, ông đủ thông minh để giành chiến thắng tất cả các cuộc tranh luận và đủ mạnh để săn thú hoang với hai bàn tay trần của mình. Trụ Vương bổ sung thêm đất vào lãnh thổ của Thương, thu phục các bộ lạc xung quanh, bao gồm cả tộc Đông Di ở phía đông. Như vậy đủ thấy rằng Trụ Vương từng là một vị vua lỗi lạc văn võ toàn tài vào thuở đầu lên ngôi.
Phong Thần Diễn Nghĩa kể rằng mọi biến cố xảy đến bắt đầu từ khi Trụ Vương tới đền thờ bà Nữ Oa để dâng hương và trót đề thơ bất kính với vị nữ Thần này. Việc này cũng dường như được định số từ trước, bởi vì Trụ Vương đang kính ngưỡng say mê ngắm nhìn đến thờ thì “bỗng một luồn gió nhẹ thổi qua làm bức màn vẹt qua, vua trông thấy tượng bà Nữ Oa rất rõ” (Trích Phong Thần Diễn Nghĩa). Từ đó Trụ Vương mới nảy sinh dục vọng với Thần, phạm tội bất kính thần linh.
Nữ Oa muốn báo ứng Trụ Vương, nhưng khi tới cung điện thì bị hào quang cản trở. Phong Thần Diễn Nghĩa có viết rằng, trong mệnh trời thì nhà Thương sắp đến thời diệt vong, chỉ là số còn chưa hết, còn có hai mươi tám năm nữa, nên dù thần thông quảng đại như Nữ Oa cũng không thể trái mệnh. Đồng thời có thể thấy sau này khi đã tận số, dù phe ủng hộ nhà Thương có tài thông thiên đến đâu, Tru Tiên kiếm trận có lợi hại đến mức độ nào, thì cuối cùng cũng không thể bảo vệ cho nhà Thương khỏi bị nhà Chu thay thế.
Việc nhà Thương diệt vong là định số. Chính vì định số đó, nên Trụ Vương dẫu là một vị vua văn võ song toàn, vẫn sẽ theo định số này mà gây ra cảnh nước mất nhà tan, trở nên dâm đãng ác độc, bất kính Nữ Oa, mê đắm Đát Kỷ. Bởi vì nếu Trụ Vương cứ tài trí như vậy, cứ anh minh như vậy, thì đất nước thái bình, đâu có thể sụp đổ được nữa. Chính là nói trong số mệnh của Trụ Vương, ông ta bắt buộc phải chìm đắm trong sắc dục, bắt buộc phải bị hồ ly tinh chiếm xác Đát Kỷ mê hoặc, khiến cho ông ta mất đi tài năng và tạo hoàn cảnh cho một màn diễn lớn: Khương Tử Nha phong Thần, Vũ Vương phạt Trụ, nhà Chu thay thế nhà Thương.
Trong màn kịch này, các vị tiên trên trời cũng tham gia vào, phân chia làm hai phía, có phía hỗ trợ cho nhà Thương, có phía hỗ trợ cho nhà Chu. Thực chất “màn kịch” này không chỉ có thể bắt gặp trong Phong Thần Diễn Nghĩa. Trong trường ca Iliad, chúng ta cũng có thể thấy các vị Thần Hy Lạp phân chia hỗ trợ cho quân Hy Lạp và quân thủ thành Troy, tạo ra một truyền kỳ hết sức hào hùng của phương Tây.
Phong Thần Diễn Nghĩa vốn là một cuốn huyền sử mô tả những ẩn đố trong cách Đạo gia nhìn nhận sự vận hành thế giới. Đạo gia có giảng về thuyết âm dương tương sinh tương khắc, là có ý nói nơi người thường vốn tồn tại sự đối lập tự nhiên: thiện ác, đẹp xấu, cứng mềm, v.v.. Đây là tạo hóa sinh ra như vậy, cũng là hoàn cảnh sống cho tất cả sinh mệnh của tự nhiên. Nếu như thế giới không có khổ đau, thì con người sẽ không biết thế nào là hạnh phúc. Nếu như không hiểu thế nào là đắng cay thì con người cũng không biết trân trọng những lúc ngọt bùi. Cũng có nghĩa là đằng sau mỗi sự việc trên thế gian đều có hai mặt của nó. Đạo Đức Kinh viết rằng: “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu”, nghĩa là Trời đất chẳng thiên vị sinh mệnh nào, coi vạn vật đều giống nhau, coi rơm rác hay sinh mệnh nào cũng là như thế. Trời đất bao dung cả thiện, kỳ thực cũng bao dung cả ác, miễn là thiện ác đó vận hành không sai lạc khỏi đạo Trời.
Duyệt qua sử sách và tôn giáo thì chưa từng có điều gì vượt qua được cái lý tương sinh tương khắc này. Phật Thích Ca trước khi chứng ngộ phải trải qua rất nhiều ma nạn. Chúa Jesus trước khi phục sinh thì bị đóng đinh trên thập tự giá. Cũng như vậy, đọc Phong Thần Diễn Nghĩa, người ta không khỏi cảm thán khi nhận thấy thật rõ ràng rằng cả cuốn truyện này là một màn kịch sinh động. Mà màn kịch này là tập trung vào bảng Phong Thần. Phong Thần ở đây có nghĩa là có những người tu Đạo hoặc những cá nhân kiếp trước đã tu rồi, hoặc có đóng ghóp gì đó rồi, nhưng trong mệnh là không thể tu thành Đắc Đạo, chỉ có thể làm Thần tiên dưới hạ giới, nên cần phải giúp họ tụ hợp đủ điều kiện để quy vị làm tiên.
Thật vậy, bảng Phong Thần là có định số, thu thập đủ số hồn phách thì mới phong Thần. Lại nữa, trong Phong Thần Diễn Nghĩa có rất nhiều lần các vị Thần tiên biết trước là một nhân vật nào đó sẽ lên bảng Phong Thần, nên cử họ lâm trận, để họ bị giết chết, từ đó hồn phách bay lên bảng Phong Thần. Cũng có nghĩa là những người trong định số như Trụ Vương được kể là có công trong màn diễn Phong Thần đó, nhờ vậy mà được đi phong Thần. Ngay đến Thân Công Báo cũng ứng kiếp mà sinh, nên cuối Phong Thần Diễn Nghĩa vẫn được phong làm Phân thủy tướng quân, coi việc thủy triều tại Đông Hải.
Để tạo điều kiện cho màn diễn này, ngoài Thân Công Báo rối loạn người tu Đạo ra, thì còn cần khiến Trụ Vương trở nên vô đạo. Việc này tất phải có ác quỷ làm giúp. Phong Thần Diễn Nghĩa kể chuyện bà Nữ Oa yêu cầu ba con yêu quái là hồ ly ngàn năm, chim trĩ chín đầu và đàn tỳ bà bằng đá ngọc thạch tới phá hoại nhân gian: “Ba chị em bây hãy dấu mình yêu quái, trà trộn vào cung điện, làm cho Trụ Vương điêu đứng. Ðợi cho Võ Vương đánh Trụ thành công, ta cho chúng bay thành thần. Song ta cấm một điều là không được tàn hại bá tánh…” (Trích Phong Thần Diễn Nghĩa)
Ở đây có thể thấy, không chỉ Trụ Vương, mà hồ ly chiếm xác Đát Kỷ và hai con yêu khác cũng được Nữ Oa hứa hẹn phong Thần, chỉ có điều chúng làm trái lời hẹn ước mà tàn sát bá tánh, nên mới bị giết chết. Qua chi tiết này, có thể thấy Đạo gia nhìn nhận rằng trong thế gian này, mọi việc đều có sắp xếp, nhưng không phải tất cả đều là định số. Trong hành trình sinh mệnh, sự lựa chọn của từng sinh mệnh sẽ thay đổi số phận của chính họ, đây là biến số vậy (Xem bài: Vận mệnh trong lý niệm của cổ nhân).
Trụ Vương vốn anh minh, bị tà nhập, bị ma quỷ mê hoặc thì không còn là bản thân nữa, phần hồn minh bạch đã bị ác quỷ khóa chặt mất rồi, còn thân người thì bị khống chế. Cũng là nói rằng, tội ác sau này của Trụ Vương chính là do ma quỷ gây ra, là được tính lên đầu Đát Kỷ và những con yêu khác. Điều này cũng là sự thật, tất cả các trò dâm đãng và hình phạt tàn khốc của Trụ Vương đều là do Đát Kỷ nghĩ ra.
Ngoài ra, biến số ở đây còn có gì nữa? Trụ Vương mà có định lực vững chắc trước nữ sắc thì nhà Thương lại qua được một kiếp, là do đức của thiên tử mà kéo dài mệnh của triều đình. Thân Công Báo mà không làm rối loạn Xiển giáo và Triệt giáo, những người tu Đạo kia mà không bị mê hoặc bởi lời xảo ngữ của Thân Công Báo, thì họ cũng vượt qua được một kiếp, lại có thể tiếp tục tu hành. Đát Kỷ mà biết kiềm chế bản tính, thì nó cũng được kể là có công, kiếp sau có thể đầu thai, thành người mà tu hành đắc Đạo, v.v.. Chính là như vậy.
Loại biến số này kỳ thực rất tương hợp với mô-típ được nêu ra trong trường ca Iliad. Các vị chiến tướng của quân Hy Lạp, dù thuận theo định số mà chiếm được thành Troy, thắng trận trở về. Nhưng vì trong quá trình công phá Troy, họ làm nhiều điều bất kính với thần linh, nên cuối cùng không ai có một kết cục êm đẹp, hầu hết đều không thể trở về quê hương. Người có thể trở về như Agamemnon cũng bị người tình của vợ ông ta giết chết. Trong tất cả các dũng tướng của quân Hy Lạp, duy chỉ có Odysseus là bình an, nhưng cũng phải trải qua một hành trình vô cùng cực khổ. Điều này được mô tả trong một trường ca nổi tiếng khác là Odyssey (Xem bài: Vài suy ngẫm về vẻ đẹp của đức hạnh qua trường ca Odyssey).
Vậy thì Phong Thần Diễn Nghĩa muốn nhắn nhủ điều gì qua “màn kịch” phong Thần này?
Chính là sự thể hiện của từng sinh mệnh trong hành trình nhân sinh sẽ quyết định số phận cuối cùng của họ. Trong thế giới này không thể chỉ có mỗi điều thiện, bởi vì nếu không có khổ đau thì cũng không có hạnh phúc. Nhưng điều mỗi sinh mệnh có thể lựa chọn là đường đi thiện – ác, từ đó quyết định tương lai của bản thân. Đây chính là điều Đạo gia nhìn nhận về kiếp người.
Rất nhiều sự việc trên thế gian này xảy ra là có nhân quả của nó, cũng là định số. Nhưng làm người mà nói, cần phải luôn nhớ rằng sinh mệnh là có biến số, do đó phải thận trọng với tâm của bản thân mình. Con người trong cuộc sống hiện đại, khó mà biết được đâu là định số, nhưng chắc chắn sẽ biết được đâu là lương tri. Do đó, khi đứng trước tội ác thì nhất thiết cần phải lên án, đứng trước việc nghĩa thì nên phải xắn tay làm, không thể im lặng bàng quan dù tiếng nói của bản thân chỉ như một hạt cát, bởi vì “Một con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra cơn lốc ở Texas”, ai cũng có thể làm được một điều tử tế. Đây chính là chọn đi con đường thiện, đây chính là điều mà con người có thể quyết định. “Đừng để bản thân trở thành kẻ bị đào thải cùng với Đát Kỷ” là lời nhắn nhủ của Phong Thần vậy.
Quang Minh
Xem thêm:
- Bức thư cầu cứu vượt đại dương và dũng khí làm điều tử tế
- Tâm sự của người họa sĩ đằng sau một bức tranh về đức tin kiên định
- Bức tượng Đức Phật và chuyện đời của một nhà điêu khắc
Mời xem video:
Từ khóa Phong Thần Diễn Nghĩa Thần Phật nha chu Trụ Vương Nhà Thương Đát Kỷ Đạo gia tu luyện