Thư pháp là nghệ thuật của chữ viết, là chữ viết của nghệ thuật. Chữ vì có thư pháp mà rạng danh, thư pháp vì có chữ mà cao quý. Trong văn hóa truyền thống, đạo đức, nhân phẩm được coi trọng vô cùng, nhất là coi trọng sự thống nhất giữa đạo đức và hành vi, đề xướng “đức tài kiêm bị” (tài đức song toàn). Thế nên từ xưa đến nay người ta vẫn nói rằng “văn như kỳ nhân” (văn nào người vậy), “tự như kỳ nhân” (chữ nào người vậy). Trong các đánh giá về thư pháp qua các thời đại thì thư phẩm và nhân phẩm có quan hệ chặt chẽ không thể tách rời – Thư pháp là thể hiện bên ngoài của nhân phẩm, nhân phẩm là mở rộng nội hàm của thư pháp. Do đó mọi người thường nói “chữ sao người vậy” để miêu tả nghệ thuật thư pháp có cảnh giới rộng lớn thâm sâu.
Thư pháp xưa nay coi trọng khí chất và thần vận của chữ. Dương Hùng đời Tây Hán nói: “Thư pháp là bức tranh của tâm hồn”. Hạng Mục đời Minh còn nói thư pháp biểu hiện đặc trưng tính cách và khí chất con người: “Nhân phẩm khác nhau, tính tình khác nhau thì thế bút vận bút tự hình thành chính tà.” Lưu Hy Tải đời Thanh viết trong sách “Nghệ khái – Thư khái” rằng: “Thư pháp là phép sánh như. Như học vấn của người viết, như tài hoa của người viết, như chí hướng của người viết. Tóm lại thư pháp như người viết mà thôi.” Câu nói này đã chỉ ra rằng thư pháp có thể biểu hiện học thức, tài năng và chí hướng của con người. Trong lịch sử, những nhà thư pháp lưu danh thiên cổ đều là bậc chính nhân quân tử có tấm lòng rộng mở bình thản, phong khí cao thượng, khí tiết sáng ngời, lời nói đi đôi với việc làm. Đạo đức, nhân cách, khí tiết của họ cùng với các tác phẩm thư pháp của họ được đồng thời lưu truyền cho hậu thế, khiến mọi người không ngớt lời ca tụng. Đây chính là điều mà cổ nhân nói: “Bút tích là cảnh giới, chữ đẹp là con người”.
Người xưa ca ngợi chữ hành thảo của Vương Hy Chi như “Thanh phong xuất tụ, minh nguyệt nhập hoài” (Gió mát thổi tay áo, trăng sáng soi tấm lòng). Có thể nói đây là sự so sánh tuyệt diệu. Tôn Quá Đình đời Đường đã phân tích các tác phẩm của Vương Hy Chi rằng: “Thư pháp trong bức ‘Họa tán’ thì ý cảnh kỳ vỹ, trong bức ‘Hoàng đình kinh’ thì vui tươi hư vô, trong ‘Thái sư châm’ thì tung hoành khúc chiết. Còn thư pháp trong bức ‘Lan đình’ thì tư duy phiêu dật siêu thoát thần kỳ.” Văn hay nét bút tuyệt diệu của Vương Hy Chi trong “Lan đình tập tự” đã thể hiện sự ưu nhã của ông và các bạn văn, hội tụ phong cách Cối Kê Sơn Âm, ngâm thơ vịnh chí, nơi rừng trúc cao lớn rậm rạp, suối trong chảy siết, trời trong thanh khiết, gió thơm chan hòa, ngẩng đầu quan sát vũ trụ mênh mông, cúi xem vạn vật hưng thịnh, ông cảm thán rằng: “Tạo hóa vỹ đại thay, vạn vật không gì là không đặc biệt và quân bình”, rồi vung bút viết danh tác lưu truyền thiên cổ.
Đường Thái Tông đánh giá chữ của Vương Hy Chi là “tận thiện tận mỹ”, và gọi tính cách của ông là “dĩ cốt ngạch xưng” (nổi tiếng bởi cốt cách chính trực rắn rỏi). Cốt ngạch có nghĩa là thẳng thắn, chính trực. Đích thân Thái Tông viết sách “Vương Hy Chi truyện luận”, đề xướng cả thiên hạ học tập thể chữ của Vương Hy Chi. Vương Hy Chi sống vào thời Đông Tấn là thời loạn thế. Cũng giống như Đào Uyên Minh là người gần như cùng thời, ông kiên trì giữ tín ngưỡng và tiết tháo, không phụng sự quyền quý. Ông được triều đình bổ nhiệm làm thứ sử, hựu quân tướng quân. Ông chuyên cần chính sự, yêu dân như con, vì trực ngôn can gián đã khiến giới quyền quý nổi giận, thế là ông từ quan không làm. Ông trước sau luôn giữ bản sắc chất phác, thành tâm tín Đạo, tu Đạo, bằng cái tâm thuần chính cảm thụ cái đẹp của tạo hóa, của thiên nhiên vạn vật, tìm tòi sự thâm sâu huyền bí tinh vi của vũ trụ, đã ấn chứng được nghệ thuật thư pháp. Trong tác phẩm “Thư đoạn” ông viết rằng: “Thiên biến vạn hóa, đắc được Thần công, tự nhủ rằng không phải tạo hóa phát linh thì sao có thể đạt được đỉnh cao cực đỉnh được.” Ông cho rằng tĩnh tâm ngưng thần, tâm chính khí hòa thì mới có thể viết thư pháp đẹp được. Thư pháp và nhân phẩm của ông đều giống nhau đã đạt đến cảnh giới thanh dật thoát tục, Tiên phong Đạo cốt.
Nhan Chân Khanh đời Đường kế tục “Nhị Vương” (Vương Hy Chi và con trai là Vương Hiến Chi), đã trở thành nhà thư pháp lớn nhất, có ảnh hưởng sâu rộng nhất. Chu Trường Văn đời Tống ca ngợi thư pháp của ông rằng: “Nét chấm như đá rơi, nét bút như mây mùa hạ, nét móc như câu liêm vàng, nét mác như cung nỏ giương tên, tung hoành có hình tượng, cúi ngẩng có chí hướng, từ Hy Chi, Hiến Chi đến nay chưa có ai bằng ông”. Thư pháp của ông tự thành “Nhan thể” vuông vắn, nghiêm cẩn, chính đại, khí thế lớn lao. Nhan Chân Khanh là người chân thật chính trực, từng là quan đại thần của 4 triều vua, được phong làm Lỗ Quận Khai Quốc Công. Sau này ông bị gian tướng Lư Kỷ hãm hại, phụng mệnh chiêu dụ Hoài Tây Tiết độ sứ Lý Hy Liệt mưu phản, bị hại chết, vì nước hiến thân. Các nhà bình luận thư pháp các thời đại nói chữ của Nhan Chân Khanh có “khí trung nghĩa, tràn đầy bút họa”, “ngắm xem là biết của người quân tử đức lớn”. Âu Dương Tu đời Tống viết trong “Lục nhất đề bạt” rằng: “Người này trung nghĩa là Thiên tính nên chữ của ông cứng cáp mạnh mẽ độc lập, hiên ngang kỳ vỹ, giống như con người ông vậy”. Chu Trường Văn viết trong “Mặc trì biên” rằng: “Phát ra từ đầu bút, cương nghị hùng thế độc đáo, thể chữ nghiêm trang, đầy đủ phép tắc, như trung thần nghĩa sỹ nghiêm trang đứng giữa triều đình, trước cường địch vẫn tiết tháo không thể nào đoạt nổi.”
“Nhan cân Liễu cốt” là thuật ngữ bình phẩm thư pháp khải thư được đông đảo mọi người biết đến. Nhan là chỉ Nhan Chân Khanh, chữ của ông mạnh mẽ đầy đặn, khí phách ung dung đường đường chính chính. Liễu là chỉ Liễu Công Quyền, chữ của ông cốt cách rắn rỏi, tươi mới phóng khoáng. Nhan cân Liễu cốt là nói phong cách của hai ông mạnh mẽ như gân (cân) như cốt, cũng là chỉ chung cho thư pháp cực đẹp. Liễu Công Quyền cả đời lấy đức hạnh làm căn bản, “bác quán kinh thuật”. Ông vừa có cốt khí lại nghiêm cẩn từng ly từng tý. Cũng như thế, chữ của ông cũng hiển lộ ra khí chất đặc biệt này. Đường Mục Tông đã từng hỏi Liễu Công Quyền phép dụng bút. Liễu Công Quyền trả lời: “Dụng bút tại tâm, tâm chính thì bút chính”. Đường Mục Tông vì thế đã thay đổi dung mạo, như ý ‘luận bút can gián’. Liễu Công Quyền “luận bút can gián” đã trở thành một loại mẫu mực cho các sỹ đại phu đời sau. Triệu Nham đời Nguyên có thơ rằng:
Hữu Quân viết chữ đổi ngỗng chơi,
Chu Thử Tiên thư cốt khí ngời.
Xem đến Liễu Công nơi tâm chính
Ngàn năm bút gián rạng muôn đời.
Trịnh Bản Kiều, nhà thư họa đời Thanh đã từng là tri huyện huyện Duy, huyện Phạm Sơn Đông. Ông quan tâm đến nỗi khổ cực của nhân dân. Một dịp bị thiên tai, ông vì mở kho lương phát chẩn cứu tế dân nên đã nảy sinh ra tranh chấp với những tham quan, bị bãi quan. Khi ông rời nha môn huyện, tay áo gió bay, chỉ có hai quyển sách, tấm chặn giấy, một cây đàn nguyệt, đó là toàn bộ tài sản của ông. Nhân dân khóc lưu luyến ông, ông vẽ tranh lan, trúc, cúc tặng họ để cáo biệt. Cả đời ông khéo vẽ tranh lan, trúc, thạch, ông ca ngợi phẩm chất kiên nhẫn không lay chuyển, quang minh lỗi lạc của chúng. Ông đã từng viết:
Làm quan trở về hai tay trắng,
Gặp người bán trúc vẽ gió trăng.
Thư pháp của ông được mọi người gọi là Bản Kiều thể. Tưởng Sỹ Thuyên đời Thanh đánh giá rằng:
Bản Kiều viết chữ như vẽ lan,
Nét mác kỳ diệu như sóng vờn.
Bản Kiều vẽ lan như viết chữ,
Lá đẹp hoa thưa thế phong tư.
Lan trúc đưa vào thư pháp, kỳ diệu như ngọc, thể chữ của ông chính là tấm gương biểu lộ tính cách cá nhân cả đời thanh liêm chính trực, không theo thế tục.
Mọi người thưởng thức nghệ thuật thư pháp, đã phản ánh ra sự sùng kính đối với chính nhân quân tử, trung thần danh tướng. Nhà bình luận thư pháp các thời đại đều đánh giá thư pháp và nhân cách cân bằng. Nếu nhà thư pháp có đạo đức cao thượng thì thư pháp của họ cũng có cách điệu kỳ diệu cổ phác, tác phẩm của họ được đặc biệt yêu thích và giữ gìn. Nếu nhà thư pháp đạo đức bại hoại thì thư pháp của họ cũng bị bài xích. Từ dấu tích thư pháp cổ đại được lưu truyền đến nay có thể thấy đúng là như vậy. Như chữ của Nhạc Phi, Văn Thiên Tường, Lâm Tắc Từ, chữ sao người vậy, hào khí cứng cáp, phong khí cao thượng và tiết hạnh sáng ngời. Tương truyền chữ “Hoàn ngã hà sơn” (trả lại non sông của ta) trên tấm biển trong miếu Nhạc Phi là do Nhạc Phi viết, nét chữ khí vận sinh động, hùng hồn hiên ngang, tràn đầy khí phách trung nghĩa sáng cùng nhật nguyệt.
Những gian thần tham quan phẩm hạnh bất chính, hành vi bất chính, thất tiết trong lịch sử cũng vì con người mà chữ bị phế bỏ, cũng vì nhân phẩm mà mất tự phẩm. Như gian thần Tần Cối, Thái Kinh, Nghiêm Tung, đều là ví dụ. Họ cũng thích nghiên cứu luyện tập thư pháp, cũng khổ công luyện tập kỹ xảo thư pháp, nhưng chính vì họ là tai họa của quốc gia, tai ương của nhân dân, nên bị người đời thóa mạ, bị lịch sử đào thải. Mọi người nhận thấy trong bút tích của họ có rất nhiều khí xấu và gian tà, làm vấy bẩn nghệ thuật thuần khiết. Thư pháp của họ cũng theo họ mà biến mất, không được lưu truyền.
Thư pháp coi trọng nhất là tu luyện “tự ngoại công” (công phu ngoài viết chữ). Tự ngoại công là gì? Mạnh Tử nói: “Ta giỏi nuôi dưỡng khí hạo nhiên.” Hoàng Đình Kiên đời Tống viết trong “Luận thư” rằng: “Học thư pháp thì phải trong lòng có đạo nghĩa, lại học rộng học vấn của các bậc Thánh hiền tiên triết thì thư pháp mới đáng quý. Nếu tâm hồn họ không hiển quý, cho dù bút mực không kém Nguyên Thường, Dật Thiếu thì cũng chỉ là tục nhân mà thôi.” Các nhà thư pháp các thời đại đều cho rằng muốn tu luyện thư đạo thì trước tiên phải dựng lập được nhân phẩm, chú trọng sự thống nhất của những tố chất nội tại của nhân phẩm và biểu hiện bên ngoài, đạo đức mới là căn bản của tài hoa. Qua đó công phu thư pháp hồn hậu đạt đến trình độ nhất định được gọi là thần thái, khí vận mới tự nhiên đến. Đương nhiên chuyên cần học tập và khổ luyện, kỹ pháp thành thục cũng là điều tất yếu. Như Vương Hy Chi luyện tập chữ vô cùng khắc khổ, ông thường ra bờ ao viết chữ, rồi rửa bút nghiên, thời gian lâu dài, nước ao đen như mực, mọi người gọi là “ao mực” (mặc trì). Tương truyền ông viết chữ trên tấm gỗ, vì thư pháp của ông có bút lực rất mạnh nên khi thợ mộc khắc chữ phát hiện ra vết tích chữ thấm sâu vào gỗ tới 3 phân. Câu thành ngữ “Nhập mộc tam phân” (thấm sâu vào gỗ 3 phân) cũng từ đó mà ra.
Vương Dục đời Thanh có viết rằng: “Người dựng lập phẩm hạnh thì ngoài bút mực tự có một loại khí khái chính đại quang minh.” Nghệ thuật thư pháp muốn đạt đến giai đoạn tầng thứ cao thì không phải so sánh công lực thâm hậu, so sánh nét bút hay sự tinh xảo của chương pháp, mà là so sánh sự tu dưỡng tinh thần, tấm lòng và khí chất của tác giả và nội hàm tư tưởng, tinh thần nhân văn của tác giả thể hiện ra trong tác phẩm thư pháp. Về lĩnh vực nghệ thuật mà nói, nhân phẩm cao hay thấp là mấu chốt quyết định đến cách điệu sáng tác cao hay thấp. Trong văn hóa truyền thống, đối với sự vật đẹp là dùng tiêu chuẩn đạo đức đánh giá, cho rằng chỉ có sự vật nào đồng thời có ý nghĩa đạo đức tinh thần cao thượng thì mới đáng được đặc biệt sùng kính, mới được coi là cái đẹp cao cấp. Các tác phẩm nghệ thuật kinh điển từ hình thức bên ngoài cho đến nội dung, tư tưởng, tinh thần… đều có giá trị, đều biểu hiện ra thái độ đúng đắn của con người đối với vấn đề có tính nguyên tắc là thiện và ác, chính và tà này, khiến người thưởng thức cảm nhận được sự cổ vũ và cảm hóa của nội dung tác phẩm và đạo đức cao thượng của tác giả, từ đó cộng hưởng, đồng thời với việc đạt được cảm thụ về cái đẹp thì tâm hồn được tịnh hóa, cảnh giới được thăng hoa.
Theo “Văn sử mạn đàm: Thư phẩm và nhân phẩm”
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Trí Chân
Xem thêm:
Mời xem video “Vẻ đẹp của Trung và Hòa trong lý niệm truyền thống”:
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…