Trà đạo Nhật Bản như tôi biết

Lần đầu tiên tôi biết đến trà đạo (chado) Nhật Bản khi được mời tham dự lễ hiến trà do trà sư Suzuki Sokaku chủ trì ở lăng Minh Mạng. Quỹ Toyota của Nhật Bản tài trợ kinh phí trùng tu di tích Hữu Tùng Tự trong lăng Minh Mạng, đã mời trà sư Suzuki Sokaku từ Kyoto sang tổ chức lễ hiến trà, nhân lễ khởi công trùng tu di tích này.

Hôm đó là ngày 4/8/1996, thời tiết thật đẹp, bầu trời xanh trong như sắc áo kimono của bà Suzuki Sumiko, phu nhân của trà sư Suzuki, cũng là người chuẩn bị “trà thất” cho lễ hiến trà. “Trà thất” là một gian của Hiển Ðức Môn, cửa chính dẫn vào Sùng Ân Điện, nơi thờ vua Minh Mạng và Tá Thiên Nhân hoàng hậu, được dàn dựng theo phong cách Nhật Bản. Trên những vuông chiếu hoa trải kín nền Hiển Đức Môn, thay thế cho loại chiếu tatami truyền thống của Nhật Bản, phu nhân Sumiko bày biện bộ trà cụ, gồm: hỏa lò, ấm đun nước (kama), chén uống trà (chawan), hộp đựng trà (natsume), cây đánh trà (chasen), thìa xúc trà (chasaku), gáo tre múc nước (shaku), hũ đựng nước (mizushasi), chậu đựng nước rửa chén (kensui)…, sẵn sàng cho lễ hiến trà. Trà sư Suzuki dùng chiếc khăn (fukusa) màu tím để lau trà cụ với một sự kính cẩn và nghiêm trang lạ thường. Ðộng tác của ông tỉ mẩn, chuẩn xác và đầy vẻ huyền bí. Bộ kimono màu đen trên người ông cùng với làn khói trầm vừa được nhóm đã tạo nên một khung cảnh thành kính và thiêng liêng trước Sùng Ân Điện. Bên trong chánh điện, sáu phụ nữ Nhật vận kimono đủ các sắc màu đang tất bật chuẩn bị cho cuộc tiếp trà, với một không khí khẩn trương nhưng trang trọng và nhẹ nhàng.

Trà sư Suzuki Sokaku thực hành lễ hiến trà trong lăng Minh Mạng tháng 8.1996. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.

Sau khi dâng trầm hương lên án thờ vua Minh Mạng trong Sùng Ân Điện và án thờ các quan triều Nguyễn trong Hữu Tùng Tự, trà sư Suzuki quay trở lại “trà thất”, bắt đầu lễ hiến trà. Với sự trợ giúp của phu nhân Sumiko, trà sư Suzuki thực hành nghi thức pha trà một cách kính cẩn, thành tâm và chính xác như một điệu múa: từ việc sử dụng chiếc khăn lau chén trà (chakin) màu trắng, đến việc múc trà vào chén, pha nước nóng rồi khuấy nhẹ mạt trà trong chén bằng cây đánh trà làm bằng tre.

Chén trà đầu tiên được trà sư Suzuki thành kính dâng lên án thờ vua Minh Mạng. Chén trà thứ hai dâng lên án thờ các quan. Những chén trà kế tiếp được phu nhân Sumiko và những đồng môn người Nhật, mặc kimono với đủ các sắc màu, đưa đi mời khách dự lễ hiến trà.

Trên bên trái: cây đánh trà (chasen). Dưới: bát nước trà. Trên bên phải: trà bột (matcha) để pha trà. (Ảnh: Shutterstock)

Trà đạo Nhật Bản thường sử dụng ba loại trà khác nhau, là đoàn trà (trà bánh, dùng để nấu); mạt trà (trà bột để khuấy với nước nóng) và yêm trà (còn gọi là tiễn trà, dùng để pha trong ấm với nước sôi). Trà sư Suzuki đã dùng mạt trà cho lễ hiến trà ở lăng Minh Mạng. Mỗi trà tượng (khách dự lễ hiến trà) được mời một chén trà và hai chiếc bánh ngọt. Những chiếc bánh này được làm từ cố đô Kyoto. Một chiếc có hình dáng giống hai chiếc lá tùng màu xanh bắt chéo, tượng trưng cho hạnh phúc trường tồn; chiếc kia hình cái chuông màu vàng là biểu tượng của môn phái Omote Senke trong trà đạo Nhật Bản, môn phái trà đạo mà trà sư Suzuki Sokaku là truyền nhân.

Theo đúng nghi thức, khách được mời trà, trước tiên phải cúi đầu cám ơn, rồi đón chén trà bằng lòng tay trái. Sau đó, họ phải dùng tay phải xoay chén trà theo chiều kim đồng hồ hai lần rồi mới nhấp một ngụm và dùng một ít bánh ngọt. Sau nghi thức ấy, họ mới được uống cạn chén trà và ăn hết chỗ bánh còn lại.

Trà sư Watanabe Shimiko ở Hamada hướng dẫn tác giả bài viết cách dùng món bánh ngọt khi thưởng trà – Năm 1997. Ảnh: Takemoto Kyoko.

Để những trà tượng người Việt có thể hiểu và thực hành đúng nghi thức trà đạo Nhật Bản, trà sư Suzuki Sokaku và các môn đệ của ông đã chuẩn bị sẵn những tờ hướng dẫn viết bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, đồng thời cử người tận tình chỉ dẫn cách thức thưởng trà cho khách mời.

Năm 1997, tôi sang Nhật Bản du học. Trong thời gian ở Nhật, tôi đã nhiều lần tham gia các lễ hiến trà tổ chức tại các đền, chùa, hay các buổi thưởng trà trong các trà thất nổi danh ở Matsue, Osaka, Kyoto… Không chỉ tham gia, tôi còn được mời tham dự lớp học và thực hành trà đạo ở Hội Giao lưu Quốc tế ở Hamada; được các đồng nghiệp Nhật Bản ở Matsue mời về nhà thưởng trà vào ngày đầu năm mới. Nhờ vậy, tôi chứng kiến gần như đầy đủ các nghi thức: hiến trà, hành trà và thưởng trà của người Nhật. Đó là những cơ hội quý giá để tôi tìm hiểu và khám phá thế giới kỳ bí và quyến rũ của trà đạo Nhật Bản.

Người Nhật quan niệm uống trà không chỉ để giải khát, mà đó là một thứ tôn giáo – chado (trà đạo) – tương tự như kendo (kiếm đạo), ikebana (hoa đạo), bushido (võ sĩ đạo) vậy. Theo truyền thuyết Nhật Bản, cao tăng Myoan Eisai (1141 – 1215) là người mang hạt giống trà từ Trung Hoa vào Nhật Bản để trồng và khai sinh ra nghệ thuật uống trà ở Nhật từ cuối thế kỷ 12.

Trà thất Nhật Bản. (Ảnh: Shutterstock)

Tuy nhiên, Thiền sư Senno Rikyu (1521 – 1591) mới là người nâng việc uống trà thành trà đạo. Senno Rikyu yêu cầu việc thưởng trà phải diễn ra trong những trà thất biệt lập, thanh tịnh và trang nghiêm. Nơi đó, thưởng trà gắn liền với thưởng thức nghệ thuật, đòi hỏi chủ và khách đều phải có vốn kiến thức nhất định về thơ ca, hội họa, nghệ thuật cắm hoa, nghề thủ công truyền thống và lòng hiếu khách. Nghi lễ uống trà của Senno Rikyu đã tồn tại trong một thế giới vi mô, nơi mà người ta không để ý đến tiền tài và địa vị, mà chỉ coi trọng kiến thức, sự thanh nhã và phép lịch thiệp.

Senno Rikyu có nhiều con và Omote Senke là con trai trưởng. Sau này, con cháu của ông đã lập ra nhiều môn phái trà đạo khác nhau nhưng nổi tiếng nhất là ba môn phái: Omote Senke, Ura Senke và Mushakooji Senke. Tác phong và nghi thức hành lễ của các môn phái này gần như nhau. Song điều làm nên sự khác biệt chính là thái độ của các môn phái đối với trà đạo. Sự khác biệt đó thuộc về nội tâm và chỉ có những người nghiên cứu về trà đạo hoặc các trà tượng mới có thể phân biệt được nhờ vào các biểu tượng của từng môn phái và nhờ vào sự chiêm cảm của họ.

Nghi thức pha trà trong Trà đạo Nhật Bản. (Ảnh: Shutterstock)

Trà đạo Nhật Bản đã mở ra một thế giới tinh thần vi diệu và tinh tế, nơi người ta coi nhẹ tiền tài, địa vị và danh vọng, mà chỉ ngưỡng mộ kiến thức, tôn trọng sự thanh nhã và lịch thiệp. Tinh thần của trà đạo được thể hiện trong bốn chữ: hòa (和) – kính (敬) – thanh (清) – tịch (寂). Hòa là sự giao hòa, hòa hợp giữa trà nhân với trà nhân, giữa trà nhân với trà thất và trà cụ. Kính là sự tôn kính của trà nhân với vạn vật và con người, là sự tri ân cuộc sống. Thanh là đạt đến sự thanh thản, yên tĩnh ở trong lòng. Tịch là khi lòng đã thanh thản, yên tĩnh hoàn toàn thì thế giới trở nên tịch lặng và con người đạt đến sự an nhàn.

Trong tác phẩm Trà đạo, Okakura Kakuzo, một trà sư lừng danh của Nhật Bản, đã viết: “Trà đạo là một tôn giáo lập ra để tôn sùng cái đẹp trong những công việc tầm thường của sinh hoạt hàng ngày. Nó là nghi thức của đức tinh khiết và sự hòa hợp; nó làm cho người ta cảm thấy sự huyền bí của lòng hỗ tương nhân ái và ý nghĩa lãng mạn của trật tự xã hội”. Theo ông, triết lý của trà đạo không phải chỉ là một chủ nghĩa thẩm mỹ đơn giản theo ý nghĩa thông thường của nó, vì triết lý này cùng với luận lý và tôn giáo biểu thị tất cả quan niệm của chúng ta về con người và tạo hóa. Nó là khoa vệ sinh vì nó bắt buộc phải tinh khiết. Nó là khoa kinh tế vì nó chứng tỏ rằng an lạc là do sự giản dị nhiều hơn là do ở sự phức tạp và tổn phí mà ra. Nó là một thứ kỷ hà học về tinh thần, vì nó minh định ý niệm về cân xứng của ta đối với vũ trụ. Cuối cùng, trà đạo tiêu biểu cho tinh thần dân chủ thực sự của Á Đông, vì nó đã khiến cho tất cả những người tôn sùng trà đạo trở thành những bậc thẩm mỹ quý phái. Tất cả những triết lý cao siêu đó chỉ bắt nguồn từ một điều rất đơn giản. Ðó là sự nghi thức hóa việc pha và mời khách uống một loại nước giải khát được pha chế từ bột chè xanh và nước sôi. Song từ cái đơn giản đã được nghi thức hóa đó lại chứa đựng cái hồn của một nền văn hóa đã sinh ra nó.

Bát gốm Việt Nam dùng trong trà đạo Nhật Bản. Ảnh: Philippe Truong

Trà đạo hướng con người đến lễ nghĩa, sự huyền nhiệm và thiêng liêng của cái đẹp. Cái đẹp đó là sự phối hợp của những cái đẹp tinh thần toát ra từ Thiền, từ hoa đạo, từ cách phục trang và lối ứng xử. Tất cả đã tạo nên trà đạo. Richard L. Gage, một người Mỹ từng nghiên cứu về trà đạo đã nhận xét trong một bài viết của mình: “Nghi lễ uống trà Nhật Bản mang nhiều đặc điểm rất giống với balê cổ điển của phương Tây. Cả hai đều phải tuân theo một cách nghiêm ngặt những nguyên tắc và quy định phức tạp của nó, cả hai đều là không thể tha thứ được nếu những nguyên tắc và quy định của nó không được tuân thủ một cách nghiêm ngặt, và cả hai đều trở nên buồn tẻ đến ghê gớm nếu không có gì bổ sung vào việc thực hiện một cách tỉ mỉ những nguyên tắc và quy định ấy”.

Trà đạo còn tạo mối liên hệ giữa Nhật Bản với Việt Nam từ hơn 600 năm trước, thông qua những món đồ gốm Việt Nam dùng trong trà đạo. Theo sách Trà hội ký, từ cuối thế kỷ XIV, người Nhật đã nhập đồ gốm Việt Nam để dùng trong nghi thức hiến trà, gọi là Nanban Shimamono (đồ gốm mộc) hay Annam (đồ gốm tráng men có hoa văn). Về sau, người ta đã phát hiện đồ gốm Việt Nam trong các di chỉ khảo cổ học ở Nhật Bản và trong các sưu tập tư nhân của các thế gia vọng tộc thời kỳ Mạc phủ (1192 – 1867). Những món đồ gốm này được dùng trong nghi thức trà đạo.

Dựa vào kết quả giám định niên đại, các nhà khảo cổ học Nhật Bản như: Tani Akira, Nishino Noriko… cho rằng đồ gốm Việt Nam du nhập vào Nhật Bản trải qua bốn thời kỳ: thời kỳ thứ nhất là nửa sau thế kỷ XIV; thời kỳ thứ hai là cuối thế kỷ XV – đầu thế kỷ XVI; thời kỳ thứ 3 là cuối thế kỷ XVI và thời kỳ thứ 4 là nửa đầu thế kỷ XVII.

Các thời kỳ đầu, người Nhật chỉ mua đồ gốm Việt Nam về làm vật dụng phụ trợ trong nghi lễ hiến trà như lọ hoa, lọ trà… Nhưng đến thời kỳ thứ tư thì những món đồ gốm xuất xứ từ Việt Nam, tuy kỹ thuật tạo hình mang đặc trưng của đồ gốm Việt Nam đương thời, nhưng hình dáng và hoa văn trang trí lại được làm theo thẩm mỹ của trà nhân Nhật Bản. Vì thế, TS. Nishino Noriko cho rằng có nhiều khả năng vào nửa đầu thế kỷ XVII, người Nhật Bản đã trực tiếp sang Việt Nam chỉ đạo việc làm đồ gốm đặt hàng theo mẫu mã do họ yêu cầu. Sử sách cũng ghi lại sự kiện một phụ nữ Nhật Bản tên là Chiyo (1671 – 1741), con gái của thương gia Wada Rizaemon, đã kết hôn với một thợ gốm ở Bát Tràng (Việt Nam). Điều này góp phần chứng minh rằng Wada Rizaemon là người trực tiếp buôn gốm sứ Việt Nam về bán cho người Nhật Bản. Nửa đầu thế kỷ XVII cũng là thời kỳ hoạt động của dòng thương mại shuinsen (châu ấn thuyền). Có khả năng đồ gốm An Nam của thế kỷ XVII được đưa sang Nhật Bản theo châu ấn thuyền và được quản lý chặt chẽ bởi các thương nhân Nhật Bản như Wada Rizaemon. Những chén trà gốm An Nam đó từng được coi là đồ gia bảo của nhiều danh gia như Mạc phủ Tokugawa, và hiện đang được trưng bày trang trọng trong các bảo tàng ở Kyoto, Nagoya và Tokyo.

Chén uống trà bằng gốm Việt Nam (thế kỷ 16) do tướng quân Tokogawa Ieyasu đặt làm để dùng trong trà đạo. Ảnh: Philippe Truong.

Chính nhờ trà đạo mà người Nhật đã biết đến Việt Nam sớm hơn những gì ta tưởng. Vậy thì, một người Việt Nam như tôi bỏ chút thời gian để tìm hiểu trà đạo, cũng là một cách “về nguồn” vậy. Không biết tôi nghĩ như thế có đúng không?

Trần Đức Anh Sơn
Đăng lại từ Blog Anhsontranduc.wordpress.com

Xem thêm cùng tác giả:

Trần Đức Anh Sơn

Published by
Trần Đức Anh Sơn

Recent Posts

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

56 phút ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

1 giờ ago

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

1 giờ ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

2 giờ ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

3 giờ ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

3 giờ ago