Trận thủy chiến hỏa công bậc nhất sử Việt vào đầu thế kỷ 19

Trận Xích Bích diễn ra vào thời Tam Quốc được xem là kinh điển của việc dùng hỏa công cho thủy chiến. Vào đầu thế kỷ 19, ở Đại Việt cũng xuất hiện một trận đánh kinh điển như vậy, dù quân số tham gia ít hơn nhưng mức độ khốc liệt không hề thua kém.

Trận thủy chiến hỏa công bậc nhất sử Việt diễn ra tại đầm Thị Nại giữa thủy quân Tây Sơn và thủy quân Gia Định của Nguyễn Phúc Ánh vào năm 1801.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Thị Nại là một đầm nước mặn khổng lồ thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Nơi đây có diện tích khoảng 5.000 ha với bề rộng khoảng 4 km, trải dài hơn 10 km. Tại đầm Thị Nại vào năm 1801 đã diễn ra cuộc thủy chiến quyết định thành bại giữa quân Tây Sơn do tướng Vũ Văn Dũng chỉ huy và quân nhà Nguyễn do Nguyễn Phúc Ánh chỉ huy.

Quân số hai bên tham gia cuộc chiến này nhỏ hơn trận Xích Bích nhiều, nhưng đây là một trận hỏa công quyết định sự thành bại của hai bên, mức độ ác liệt và gay cấn cũng không khác gì so với trận Xích Bích thời Tam Quốc.

Bối cảnh dẫn đến cuộc chiến

Năm 1800, quân Tây Sơn với 5 vạn quân cùng đại bác dưới sự chỉ huy của tướng quân Trần Quang Diệu đã tiến đến bao vây thành Quy Nhơn, Trần Quang Diệu cho đắp lũy dài với chu vi hơn 4.000 trượng bao bọc thành Quy Nhơn. Quân Nguyễn do Võ Tánh và Ngô Tùng Châu chỉ huy quyết giữ thành và cho người báo tin về Gia Định.

Nguyễn Phúc Ánh nhận tin liền đến cứu thành Quy Nhơn. Quân Nguyễn quyết định đánh thủy quân Tây Sơn ở đầm Thị Nại trước, sau đó giải vây cho thành Quy Nhơn. Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc chiến này.

Lực lượng hai bên

Thời ấy thủy quân đã tạo nên sức mạnh giúp Tây Sơn hùng bá thiên hạ. Các tướng của Tây Sơn đều có tên là đô đốc, là tên gọi thuộc về thủy binh. Đầm Thị Nại có cửa hẹp thông ra biển là nơi thủy quân Tây Sơn chọn làm đại bản doanh, tập trung hết sức mạnh thủy quân Tây Sơn.

Nơi đây tập trung gần 2.000 tàu chiến Tây Sơn, trong đó có 3 chiến hạm Định Quốc Đại Hiệu hiện đại không kém gì các chiến hạm phương Tây thời đó, mỗi chiến hạm trang bị 60 đại bác.

Tại cửa vào đầm Thị Nại, nhiều khẩu pháo hạng nặng được đặt trên hai pháo đài Gành Ráng và Phương Mai, tạo thành thế phòng thủ vững chắc cho quân Tây Sơn. Nơi đây tập trung 24.000 quân Tây Sơn do Vũ Văn Dũng chỉ huy.

Quân nhà Nguyễn nổi bật có 4 chiến hạm hết sức hiện đại kiểu phương Tây, dù không được bằng quân Tây Sơn, gồm Phụng Phi có 26 đại bác, Long Phi có 32 đại bác, Bằng Phi có 26 đại bác, một chiến hạm không rõ, mỗi chiến hạm có trên 300 người.

Lại theo một số nguồn sử liệu khác, chúa Nguyễn đã huy động trên dưới 1.000 chiến hạm lớn nhỏ cho trận Thị Nại. Trong số đó có 5 chiếc mang được 46 khẩu đại bác, 18 chiếc khác mang được từ 20 đến 26 khẩu. Các thuyền chèo bằng tay có 100 chiếc lớn và 200 chiếc nhỏ, quân lính có trên 8.000 người.

Quân Nguyễn đánh cửa đầm Thị Nại

Nếu trận Xích Bích thời Tam Quốc, Chu Du phải trông chờ đến gió Đông để thiêu cháy các chiến thuyền của Tào Tháo; thì quân nhà Nguyễn cũng phải chờ đến khi có gió Nam và thủy triều dâng lên mới bắt đầu tiến đánh.

Đầu tháng Giêng năm Tân Dậu 1801, gió Nam thổi mạnh, quân nhà Nguyễn lên kế hoạch tiến đánh. Đầm Thị Nại có cửa hẹp được trang bại trận địa pháo ở hai bên, để tiến vào trong đầm quân Nguyễn phải tiêu diệt trận địa pháo này, đồng thời cho đội quân tiên phong vào trước.

Đầm Thị Nại ngày nay. (Ảnh: Lê Thy, Wikipedia, CC BY 3.0)
Đầm Thị Nại có cửa hẹp. Trận địa pháo được bố trí 2 bên trái và phải. Quân Nguyễn lên kế hoạch đánh trận địa pháo này nhằm mở đường tiến vào đầm. (Tranh minh họa của tác giả Ngọc Hiếu trong bài viết về trận Thị Nại – Ngochieu.com)

Quân tiên phong của nhà Nguyễn đã bắt các thuyền tuần tra Tây Sơn phía ngoài để lấy thông tin và mật lệnh, sau đó cho 18 thuyền chất đầy hỏa khí do Nguyễn Văn Trương và Tống Phước Lương chỉ huy giả làm quân Tây Sơn dùng mật lệnh lấy được vượt qua các cửa kiểm soát đi vào bên trong.

Đêm rằm tháng Giêng năm Tân Dậu 1801, tại cửa đầm Thị Nại phía bên trái, Lê Văn Duyệt cho một cánh quân gồm 26 tàu Galley bắn vào các tháp canh và ụ pháo quân Tây Sơn tại pháo đài canh giữ cửa. Sau khi phá hủy hết các ụ pháo thì nhóm 1.200 quân với súng trường gắn lưỡi lê đánh phá hủy hết những gì còn lại.

Phía bên phải, một cánh quân đổ bộ lên núi Tam Hòa tấn công trận địa pháo ở đây. Tuy nhiên cánh quân này gặp phải chiến lũy kiên cố của quân Tây Sơn nên thất bại và bị thiệt hại nặng nề.

Vũ Văn Dũng phía Tây Sơn biết tin liền cho 30 tàu chiến tiếp ứng cho quân canh cửa vào đầm Thị Nại ở Bãi Nhạn. 30 tàu quân Tây Sơn nhắm vào 26 tàu Galley của quân Nguyễn tấn công.

Nguyễn Phúc Ánh lệnh cho tướng quân Võ Di Nguy đưa quân tiên phong tiếp ứng, đồng thời cánh quân bên trái cũng nhắm vào tàu chiến Tây Sơn mà bắn. 30 tàu chiến Tây Sơn bị chặn đứng và lần lượt bị tiêu diệt.

Tổng tấn công

Lúc này pháo đài phòng thủ bên trái của quân Tây Sơn bị đánh bại, nhưng trận địa pháo của quân Tây Sơn bên phải có nhiệm vụ giữ cửa đầm, sau khi đánh bại quân đổ bộ nhà Nguyễn, vẫn sẵn sàng nhả đạn nếu quân Nguyễn tiến vào trong đầm.

Dù thế, tướng quân Võ Di Nguy vẫn chỉ huy đội tiên phong tấn công thẳng vào trong đầm. Phía sau, thủy quân Nguyễn Phúc Ánh cũng tổng tấn công vào đầm Thị Nại.

Trận địa pháo của quân Tây Sơn trên núi Tam Hòa nhả đạn liên hồi, phía trong đầm ba chiến hạm Định Quốc Đại Hiệu với 60 khẩu đại bác mỗi chiếc liên tục nhả đạn, các chiến thuyền khác của Tây Sơn cũng bắn liên tục vào quân Nguyễn.

Tướng quân Võ Di Nguy trúng đạn tử trận tại chỗ, quân Nguyễn sợ hãi dừng lại định rút về. Lúc này tướng quân Lê Văn Duyệt cũng đã lên đến, liền thúc quân xông pha lửa đạn tiến lên. Quân Tây Sơn từ các chiến hạm và đồn lũy xung quanh nhất loạt nổ súng vào quân Nguyễn mà bắn.

Gặp thiên thời, Xích Bích tái hiện

Nguyễn Phúc Ánh thấy diễn biến bất lợi, binh sĩ tử trận nhiều liền cho người đến gặp Lê Văn Duyệt lệnh lui binh để bảo toàn lực lượng.

Nhưng lúc này gió Nam thổi rất to và thủy triều lên mạnh chạy vào trong đầm, đây là lợi thế rất lớn cho bên tấn công, Lê Văn Duyệt không muốn bỏ mất thời cơ nên quyết định không nghe theo lệnh mà tiếp tục lệnh cho toàn quân tiến lên.

Gió to cộng với thủy triều lên, nước tràn vào trong đầm cuốn theo các tàu của quân Nguyễn tiến rất nhanh. Lúc này Lê Văn Duyệt cùng 60 tàu chiến tiếp cận 3 chiến hạm Định Quốc Đại Hiệu, các chiến hạm này vốn là niềm kiêu hãnh và tự hào của quân Tây Sơn. Lê Văn Duyệt lệnh cho quân dùng đuốc hỏa chiến, lợi dụng chiều gió phóng thẳng vào chiến hạm Định Quốc của Tây Sơn.

Lửa bén vào chiến hạm cháy phần phật, lại có thêm sức gió, nên nhanh chóng cháy lan sang chiếc bên cạnh, quân Tây Sơn cố gắng nhưng không sao dập tắt lửa kịp. Ba chiến hạm Định Quốc bốc cháy và chìm dần xuống đầm Thị Nại.

Lúc này 18 thuyền của quân Nguyễn cải trang thành thuyền Tây Sơn đã lọt vào trong đầm trước đó cũng dùng hỏa công tấn công các tàu Tây Sơn. Đô đốc Trà chỉ huy quân Tây Sơn chống cự nhưng bị tử trận tại chỗ, hậu quân Tây Sơn bị rối loạn.

Thị Nại bỗng chốc biển thành biển lửa. Gió Nam khiến lửa bốc rất nhanh, các chiến thuyền của Tây Sơn neo gần nhau nên cứ cháy hết chiếc này đến chiếc khác. Lửa bốc to cháy khắp đất trời. Các tàu chiến của Tây Sơn cái thì nổ cái thì chìm, khung cảnh như tái hiện lại trận Xích Bích thời Tam Quốc xưa kia.

Súng thần công của quân Tây Sơn được tìm thấy tại căn cứ thủy binh Tây Sơn ở cảng Thị Nại. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Lúc này ở trong Thị Nại 18 thuyền cải trang thành quân Tây Sơn của Nguyễn Văn Trương và Tống Phước Lương bị bao vây, nhưng Trương và Lương phá được vòng vây chạy lại phía cửa đầm cùng quân của Lê Văn Duyệt, cho quân đổ bộ lên núi Tam Hòa để đánh trận địa pháo tại đây. Quân Tây Sơn tại đây thấy các tàu chiến cháy cả, nên bị tấn công thì bỏ cả dinh trại mà chạy.

Vũ Văn Dũng thua trận liền cùng khoảng 4.000 quân còn lại chạy lên bờ hợp cùng quân Trần Quang Diệu vây thành Quy Nhơn.

Kết thúc trận chiến, quân Nguyễn thắng trận nhưng có 4.000 quân cùng Thủy sư Đô đốc Võ Duy Nghi tử trận. Phía quân Tây Sơn mất 20.000 quân, 1.800 tàu chiến, 600 đại bác đủ cỡ. Sau trận chiến, quân Nguyễn đã vớt được 500 đại bác cùng nhiều loại vũ khí khác.

Thất bại này khiến sức mạnh thủy binh Tây Sơn hầu như bị tiêu diệt, các chiến thuyền của quân Nguyễn đã đi lại tự do khống chế hoàn toàn đường thủy. Sau trận “Xích Bích” này, quân Nguyễn đánh chiếm kinh thành Phú Xuân và sang năm sau (1802) thì Tây Sơn chính thức sụp đổ.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Ông Trump chọn ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử ông Scott Bessent làm Bộ trưởng…

17 phút ago

Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine tăng cường phát triển phòng không để ứng phó tên lửa Nga

Kiev đang nỗ lực phát triển các loại phòng không mới để chống lại "những…

41 phút ago

Điện Kremlin: Bài phát biểu của ông Putin là lời cảnh báo với phương Tây

Bài phát biểu công khai hôm thứ Năm (21/11) của Tổng thống Nga Vladimir Putin…

53 phút ago

Quảng Nam đồng ý đề xuất xây tổ hợp y tế kỹ thuật cao 1.500 tỷ đồng từ doanh nghiệp

Công ty Cổ phần Tổ hợp y tế kỹ thuật cao An An Hòa đề…

1 giờ ago

TP.HCM dự kiến chi 2.226 tỷ đồng/năm hỗ trợ doanh nghiệp vận tải xe buýt, tàu điện

TP.HCM dự kiến chi 2.226 tỷ đồng/năm trợ giá cho doanh nghiệp hoạt động vận…

2 giờ ago

Nghị sĩ Mỹ: Vụ ĐCSTQ hack các công ty viễn thông Mỹ là nghiêm trọng nhất lịch sử

Đầu tháng này, Chính phủ Mỹ tiết lộ rằng các tin tặc có liên hệ…

3 giờ ago