Trung Quốc

Số lượng đồ sộ các công trình dang dở của Evergrande

Hai năm sau cuộc khủng hoảng của tập đoàn phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande, ông chủ tịch hội đồng quản trị Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin) mới đây đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế vì liên quan đến phạm tội và vi phạm pháp luật. Truyền thông Đại Lục đã tiết lộ việc phân bố các tòa nhà chưa hoàn thiện ở nhiều tỉnh thành trên khắp Trung Quốc của Evergrande, liên quan đến gần 6 triệu người.

39 tòa nhà dân cư ở đảo Hải Hoa Đảo Evergrande phải phá bỏ do vi phạm. Quần thể kiến trúc Hải Hoa Đảo Evergrande nằm trên một hòn đảo được khai hoang nhân tạo ở thành phố Đam Châu, tỉnh Hải Nam, với diện tích khoảng 7,8 km2 và tổng chiều dài khoảng 6,8 km. (Ảnh: HK01)

Số lượng tòa nhà Evergrande chưa hoàn thiện ở nhiều tỉnh thành Trung Quốc được phơi bày

Theo báo cáo tài chính trước đây của Evergrande, tính đến cuối năm ngoái, tổng số bất động sản rao bán tại Evergrande lên tới 1.241 dự án xây dựng. Một số phương tiện truyền thông cũng phát hiện qua các cuộc điều tra chưa đầy đủ, rằng Evergrande còn nhiều dự án dang dở ở hàng trăm thành phố chưa hoạt động trở lại.

Nếu ước tính dựa trên dữ liệu xuất hiện trong báo cáo tài chính của Evergrande, công ty hiện có 993 dự án với tổng diện tích 162 triệu mét vuông, nếu tính dựa trên diện tích trung bình mỗi ngôi nhà là 100 mét vuông thì có: 1,62 triệu ngôi nhà đang xây dựng dở dang. Điều này có nghĩa là 1,62 triệu gia đình, với dân số khoảng 5 triệu đến 6 triệu người, đang chờ Evergrande bàn giao nhà.

Gần đây, truyền thông Đại Lục tiết lộ thêm về số lượng tòa nhà Evergrande chưa hoàn thành trên khắp Trung Quốc, bao gồm 8 tòa nhà ở Ninh Hạ, 8 tòa nhà ở Thượng Hải, 14 tòa nhà ở Cam Túc, 15 tòa nhà ở Bắc Kinh, 15 tòa nhà ở Hải Nam, 18 tòa nhà ở Vân Nam, 19 tòa nhà ở Thiên Tân, 21 tòa nhà ở Cát Lâm, 25 tòa nhà ở Tân Cương, 25 tòa nhà ở Thiểm Tây, 27 tòa nhà ở Nội Mông, 28 tòa nhà ở Quý Châu, 29 tòa nhà ở Hắc Long Giang, 35 tòa nhà ở Sơn Tây, 37 toà nhà ở Giang Tây, 41 tòa nhà ở Phúc Kiến, 45 tòa nhà ở Quảng Tây, 49 tòa nhài ở Hà Nam và 50 tòa nhà ở An Huy.

Ngoài ra, hơn 50 tỉnh có dự án Evergrande chưa hoàn thành bao gồm 58 dự án ở Chiết Giang, 59 ở Hồ Bắc, 60 ở Liêu Ninh, 64 ở Hồ Nam, 67 ở Sơn Đông, 70 ở Hà Bắc, 74 ở Trùng Khánh và 85 ở Tứ Xuyên; các tỉnh thành có hơn 100 dự án của Evergrande dang dở là ở Giang Tô (115 dự án) và tỉnh ở Quảng Đông (157 dự án).

Theo ước tính của nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc, số lượng tòa nhà dang dở mà Evergrande để lại đã lên tới 1,62 triệu căn, liên quan đến 6 triệu chủ sở hữu.

Reuters nhận định do các khoản nợ khổng lồ, dòng tiền suy giảm và số lượng lớn tòa nhà chưa hoàn thiện, một số nhà phân tích nghi ngờ liệu Evergrande hiện đã chuyển đổi từ “quá lớn để có thể sụp đổ” thành “quá phức tạp đến nỗi không cách nào sinh tồn”.

Dự án “nổi tiếng” dang dở của bất động sản Evergrande thu hút sự chú ý

Điều đáng nói là mặc dù Evergrande tuyên bố rằng chủ sở hữu chưa giao tài sản có thể hoãn trả nợ, nhưng chính sách này chỉ có thể được gia hạn lâu nhất đến cuối năm 2024. Một số dự án nổi tiếng của Evergrande cũng đã bị đình chỉ trong nhiều năm, ví dụ như Trung tâm Hợp Phì Evergrande (Evergrande Hefei Center), Trung tâm Tài chính quốc tế Tế Nam Evergrande (Evergrande Jinan International Financial Center) và Gia viên Ngự Hồ Tân Hương ở tỉnh Hà Nam, v.v. Hiện những dự án này vẫn chưa có dấu hiệu bàn giao.

Trong số đó, “Quần thể kiến trúc Hải Hoa Đảo Evergrande” được xếp hạng đầu tiên trong “Top 10 tòa kiến trúc xấu xí nhất Trung Quốc” năm 2021.

“Quần thể kiến trúc Hải Hoa Đảo Evergrande” được xếp hạng đầu tiên trong “Top 10 tòa kiến trúc xấu xí nhất Trung Quốc” năm 2021. (Ảnh: Wikimedia)

Theo giới thiệu, Hải Hoa Đảo Evergrande, được mệnh danh là đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, bao gồm 3 hòn đảo ngoài khơi độc lập, diện tích lấn biển được quy hoạch khoảng 8 km2, hình dạng quy hoạch là 3 bông hoa nở trên biển, cho nên được đặt tên là “Hải Hoa Đảo”. Tổng vốn đầu tư của quần thể kiến trúc này lên tới 160 tỷ nhân dân tệ, dự kiến ​​bao gồm trung tâm triển lãm và hội nghị quốc tế, nhóm bảo tàng, thế giới cổ tích, công viên nước, thế giới đại dương, trung tâm mua sắm quốc tế, nhóm khách sạn hiện đại, thành phố suối nước nóng, cơ sở điện ảnh và truyền hình, v.v.

Nhưng năm ngoái, Hải Hoa Đảo Evergrande bị phơi bày có tổng cộng 39 tòa nhà dân cư được xác định là xây dựng bất hợp pháp, dự án đã từng bị đình chỉ hoàn toàn, thu lại giấy phép bán trước, hủy bỏ giấy đăng ký, và bị yêu cầu phải đưa ra một kế hoạch xử lý thích hợp.

Ngoài ra còn có Hefei Evergrande Center mà Tập đoàn Evergrande dự kiến ​​đầu tư xây dựng 16,5 tỷ nhân dân tệ, dự án có diện tích 130.000 mét vuông, có tổng diện tích xây dựng 1,15 triệu mét vuông, trong đó có một tòa tháp chính siêu cao 518 mét. Dự án thu hồi đất vào năm 2013, khởi công xây dựng vào năm 2014 và tạm dừng từ năm 2017. Dự án được biết đến là tòa nhà chưa hoàn thiện đầu tiên ở Hợp Phì; dự án Trung tâm tài chính quốc tế Tế Nam Evergrande với vốn đầu tư lên tới 25 tỷ nhân dân tệ, nhận đất vào tháng 3/2012, khởi công vào tháng 12 cùng năm. Sau đó, Evergrande mua lại rất nhiều đất ở, nhưng việc xây dựng các dự án siêu cao tầng lại bị đình trệ. Phải đến năm 2018, việc xây dựng mới được tiếp tục, nhưng được một thời gian thì lại bị đình chỉ.

Ngoài ra, dự án của Ngự Hồ Thiên Hạ Evergrande ở Tân Hương, Hà Nam còn được mệnh danh là dự án còn dang dở nhất trong ngành bất động sản. Thời điểm đó, Evergrande đã chi hàng chục triệu nhân dân tệ để xây dựng một tòa cổng cộng đồng lộng lẫy cho dự án này. Sau khi công trình hoàn thành, xung quanh cổng chỉ còn lại bãi đất hoang cỏ mọc um tùm.

Sân bóng đá Evergrande không còn, rút sạch khỏi hơn 100 dự án

Không những vậy, khủng hoảng tài chính còn khiến Evergrande không thể giữ được sân bóng. China Evergrande ban đầu dự định đầu tư 12 tỷ nhân dân tệ vào Quảng Châu để xây dựng một sân bóng đá chuyên nghiệp quốc tế hàng đầu có sức chứa 100.000 người đến xem trận đấu, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2022. Được biết, vào tháng 4 năm 2020, Evergrande lấy được đất cơ sở thể thao và đất sản xuất tại Tạ Thôn, quận Phiên Ngung, Quảng Châu với giá thấp 6,813 tỷ nhân dân tệ, với tổng diện tích gần 500.000 mét vuông.

Tuy nhiên, vào nửa cuối năm 2021, cuộc khủng hoảng thanh khoản nổ ra ở Evergrande, nhiều dự án bị đình chỉ và hoạt động bán bất động sản của Evergrande cũng gặp khó khăn. Cuối cùng, Evergrande đã ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với bên nhận chuyển nhượng vào ngày 3/8/2022, trả lại quyền sử dụng đất cho lô đất nơi có Sân vận động Liên Hoa.

“Mắt bão” thuộc trang mạng Phoenix năm ngoái đưa tin, tổng số dự án quỹ đất của Tập đoàn Evergrande trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021 lần lượt là 817 và 778 dự án, giảm 40 dự án quỹ đất trong một năm, tốc độ này nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ bán hàng, điều này khẳng định Evergrande đã chuyển nhượng hoặc rút lui nhiều dự án trong khoảng thời gian này.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, kể từ năm 2021, Evergrande đã công khai thực hiện rút khỏi khoảng 62 dự án, bao gồm cả các dự án chủ động rút khỏi và bị thu hồi bị động, hơn nữa tốc độ “rút sạch” tiếp tục tăng tốc. Thống kê sơ bộ cho thấy các dự án không được thông báo công khai có thể đã bị rút tới hàng trăm.

Đế chế Evergrande từng có “7 ngành công nghiệp lớn” và đôi cánh tài chính. Nhưng sự phát triển nhanh chóng chỉ sau 20 năm của Evergrande cũng được ngoại giới phổ biến cho rằng đằng sau có sự hỗ trợ của chính quyền. Ông Hứa Gia Ấn, người sáng lập Evergrande, cũng công khai tuyên bố: “Mọi thứ của Evergrande và tôi đều do đảng cho”.

Thông tin công khai cho thấy Tập đoàn Evergrande được thành lập vào năm 1996. Tập đoàn này lọt vào Fortune Global 500 năm 2016, xếp thứ 152 năm 2020. Nhưng đến tháng 9/2021, Evergrande chìm sâu trong khủng hoảng nợ, nợ các nhà cung cấp, chủ nợ và nhà đầu tư tổng cộng 1.966,5 tỷ nhân dân tệ, tương đương 2% GDP của Trung Quốc Đại Lục vào năm 2020. Đến tháng 7/2023, Evergrande đã liên tiếp phát hành lại báo cáo thường niên 2021 và báo cáo thường niên 2022, cho thấy doanh thu năm 2022 là 230,1 tỷ nhân dân tệ, lỗ ròng 125,8 tỷ nhân dân tệ, cộng thêm khoản lỗ ròng 686,2 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021, tổng lỗ trong hai năm là 812 tỷ nhân dân tệ. Tính đến cuối năm 2022, tổng nợ phải trả là 2.440 tỷ nhân dân tệ.

Lê Tiểu Quỳ

Published by
Lê Tiểu Quỳ

Recent Posts

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…

4 phút ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

6 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

7 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

7 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

8 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

9 giờ ago