Nghiên mực là một trong bốn vật quý không thể thiếu trong thư phòng, là người bạn không thể thiếu của giới văn nhân thời xưa. Vì là thứ mà các học giả sử dụng hàng ngày trong quá trình nghiên cứu và sáng tác nên nghiên mực có một vị trí đặc biệt, thể hiện cảnh giới nhân sinh và chí nguyện của người sử dụng.
Ngoài việc dùng nghiên mực để mài mực viết, người xưa còn thường khắc những câu châm ngôn lên trên nghiên mực để tự răn bản thân, khích lệ bản thân, gọi là “Nghiên minh” hay “Nghiên minh văn”. Chữ viết trên nghiên có độ dài khác nhau và có thể là thơ hoặc văn xuôi. Nghiên minh cùng với văn học, thư pháp và khắc triện không chỉ là kho báu có giá trị nghệ thuật sâu sắc, có ý nghĩa lịch sử mà còn chứa đựng tinh thần nhân văn phong phú.
Nghiên mực được xem là một kho báu nghệ thuật. Một nghiên mực tốt không chỉ cần phải được làm từ chất liệu cao cấp mà còn phải được đánh giá dựa vào kết cấu, độ bóng, đường vân, tạo hình… Bốn loại nghiên mực nổi tiếng thời nhà Tống gồm là Đoan, Hấp, Trừng nê, Thao hà, là có đầy đủ những đặc điểm tốt về hình dáng, màu sắc và kết cấu. Cho nên, chúng được các văn nhân gần xa yêu thích sử dụng.
Ngoài yếu tố là chất liệu cao cấp và hình dáng đẹp mắt ra thì những dòng chữ khắc trên nghiên mực còn có thể tăng thêm giá trị cho nó. Người ta có thể khắc chữ vào đế, xung quanh hay phần đầu của nghiên mực, hoặc là được khắc vào một chỗ trống bất kỳ trên nghiên mực.
Một nghiêng mực tốt không đơn giản chỉ là khắc chữ lên đó mà còn phải khắc họa được vận vị của thư pháp. Hình thái chữ viết của các thư pháp gia thời cổ đại là rất đa dạng, có chữ vuông vắn nghiêm chỉnh, có chữ thanh nhã tú lệ, có chữ lại hồn hậu mạnh mẽ, mỗi loại đều có phong cách riêng. Cho nên, việc cổ nhân có thể dựa theo hình dạng khác nhau của nghiên mực để cân nhắc, thiết kế nội hàm chữ viết, lựa chọn thể chữ thư pháp cho phù hợp để tạo thành những nghiên mực tinh xảo là một điều không phải dễ. Cũng chính nhờ sự kết hợp này mà nghiên mực đã trở thành một viên ngọc nghệ thuật tích hợp cả văn học, thư pháp và mỹ thuật.
Nghiên mực của văn nhân mặc khách các triều đại trong lịch sử rất phong phú và đầy màu sắc, mỗi tác phẩm đều có nét thú vị riêng, không chỉ có giá trị nghệ thuật sâu sắc mà còn bộc lộ cá tính và hàm dưỡng nhân cách của tác giả.
Thi nhân Tô Đông Pha thời nhà Tống rất thích sưu tầm nghiên mực và thường viết “nghiên minh”. Một lần, con trai cả của Tô Đông Pha là Mai chuẩn bị ra ngoài nhậm chức quan, Tô Đông Pha đã tặng cho con một chiếc nghiên trên đó khắc bài “Mại nghiễn minh” để nhắc nhở con về đạo làm quan: “Dĩ thử tiến đạo thường nhược khát, dĩ thử cầu tiến thường nhược kinh, dĩ thử trì tài thường tư dư, dĩ thử thư ngục thường tư sinh”, ý tứ là lúc dùng bút ở bên nghiên mực, nếu là đang học thì hãy hăng say như uống nước khi khát, nếu là muốn thăng quan tiến chức trong quan trường thì nên thận trọng, nếu là quản lý tài vụ thì nên cho đi nhiều hơn, nếu là đang giải quyết các vụ án thì phải khoan dung và đừng dễ dàng áp dụng cực hình.
Triệu Nam Tinh thời nhà Minh có một chiếc nghiên mang tên “Đông phương vị minh nghiên”. Chiếc nghiên này của ông cũng được người đời ca ngợi. Triệu Nam Tinh là danh thần cuối triều nhà Minh, làm quan đến Lại bộ thượng thư. Vào những năm Thiên Khải, hoạn quan Ngụy Trung Hiền nắm quyền thế trong tay, lộng quyền triều chính, giết hại người đối lập đến nỗi mà người ta “chỉ biết đến Ngụy Trung Hiền chứ không biết đến Hoàng thượng”. Triệu Nam Tinh đã liều chết dâng tấu luận tội tên quyền gian Ngụy Trung Hiền. Trước khi rời đi, ông đã viết một dòng chữ trên chiếc nghiên mực mà ông sưu tầm được: “Tàn nguyệt tinh huy, thái bạch viêm viêm, kê tam hào, canh ngũ điểm. Thử thì bái sơ kích đại yêm. Sự thành sách nhữ công, bất thành đồng nhữ biếm”, ý nói hiện giờ sao sáng trăng tàn, sát phạt mạnh mẽ, ngày mai luận tội hoạn quan, nếu sự thành thì lập được công còn sự không thành thì bị giáng hạ chức. Dòng chữ này biểu đạt Triệu Nam Tinh coi nhẹ cái chết, thể hiện chính khí “thà làm ngọc nát, không làm ngói lành”. Tuy rằng cuộc luận tội thất bại nhưng danh tiếng của Triệu Nam Tinh vẫn tồn tại mãi.
Giá trị của một nghiên mực nằm ở dòng chữ được viết lên nó. Chính vì có dòng chữ viết lên đó nên nó mới có tính văn hóa và sự truyền thừa. Nghiên minh tuy chỉ có ít chữ, thậm chí rất ít chữ nhưng nội dung của nó lại chứa đựng cảnh giới nhân sinh của người sử dụng. Nó không chỉ có thể gợi mở, chỉ dẫn tâm con người mà còn đáng giá để người đời sau học tập.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Vương Hiểu Mai
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cho hay rằng ông đã đề nghị Tổng thống đắc…
Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên trong năm 2025, chỉ vài…
Khi phóng viên thẳng thắn bày tỏ sự hiếu kỳ của mình với sư phụ…
ACB là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhóm ngân hàng trên HoSE phiên sáng…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đóng vai trò vô cùng quan trọng, đảm bảo…
Tổng Giám đốc Tập đoàn US Steel David Burritt đã mạnh mẽ lên án Tổng…