Nhà thờ họ Trương. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)
Trương Minh Giảng vừa là quan văn chép sử, giúp ổn định lòng dân, cũng lại vừa là vị tướng đánh bại Xiêm La, bảo vệ vùng đất Nam bộ.
Trương Minh Thành là Thượng thư bộ Lễ thời kỳ đầu nhà Nguyễn, có công giúp nhà Nguyễn ổn định tình hình đất nước sau thời gian dài chiến loạn, được phong tước Thành Tín hầu.
Năm 1792, vợ ông là Nguyễn Thị Điền sinh hạ được người con trai đặt tên là Trương Minh Giảng. Xuất thân trong gia đình quyền quý và hiếu học, từ nhỏ Trương Minh Giảng đã tỏ ra thông minh và ham học cả văn lẫn võ.
Năm 1819, Trương Minh Giảng đỗ Cử nhân tại trường thi Gia Định. Ông làm quan trải qua các chức vụ khác nhau, vì ham mê cả văn võ nên ông từng làm cả Binh bộ và Hình bộ.
Năm 1829, ông thăng lên làm Tham tri, công cán tại Gia Định, sau đó thăng làm Thượng thư bộ Hộ, kiêm quản Khâm thiên giám.
Sau đó ông giữ chức Tổng tài Quốc sử quán, chủ trì việc biên soạn bộ “Đại Nam thực lục chính biên”, lại cùng Thượng thư Lễ bộ Phan Huy Thực biên soạn bộ “Liệt Thánh thực lục”.
Năm 1633, Lê Văn Khôi nổi loạn, giết Bố chính Bạch Xuân Nguyên và Tổng đốc Nguyễn Văn Quế, chiếm giữ thành Gia Định rồi đánh chiếm giữ cả 6 tỉnh Nam bộ.
Vua Minh Mạng cử Trương Minh Giảng cùng các tướng đưa quân vào nam thảo phạt Lê Văn Khôi. Trương Minh Giảng cầm quân thắng nhiều trận khiến Lê Văn Khôi phải rút toàn quân vào thành Gia Định cố thủ.
Vua Minh Mạng khen thưởng Trương Minh Giảng một tấm bài bằng ngọc và tiền phi long bằng vàng.
Đến tháng 8/1833, Trương Minh Giảng được giữ chức Thượng thư bộ Binh kiêm Tổng đốc An – Hà (An Giang, Hà Tiên).
Lê Văn Khôi sau khi rút toàn quân vào thành Gia Định thì bị vây chặt, Khôi cho người bí mật thoát ra ngoài cầu viện Xiêm La (Thái Lan).
Không bỏ lỡ cơ hội, Xiêm La đưa quân tiến đánh Việt Nam theo 5 đạo:
Phi Nhã Chất Tri chỉ huy 4 vạn quân tiến đánh Kinh đô Nam Vang của Cao Miên. Vua Nặc Chân II phải bỏ chạy ẩn náu ở dinh Long Hồ (thuộc Vĩnh Long). Đại quân thứ hai nhanh chóng chiếm Hà Tiên và Châu Đốc.
Cuối tháng 12/1833, Trương Minh Giảng đưa quân đến sông Vàm Nao (tức sông Thuận Cảng) ngăn quân Xiêm. Các trận đánh diễn ra ác liệt. Trương Minh Giảng chỉ huy quân bất ngờ có trận thắng lớn đầu tiên, tiêu diệt một phần sinh lực quân Xiêm.
Sau một thời gian quân Việt phải liên tục rút lui trước sức mạnh của quân Xiêm, chiến thắng đầu tiên của Trương Minh Giảng giúp sĩ khí quân Việt tăng cao. Nhận được tin chiến thắng, vua Minh Mạng mừng rỡ phong cho Trương Minh Giảng tước Bình Thành bá.
Lúc này quân Xiêm vẫn rất đông, quân Việt rút đến đoạn sông Cổ Hỗ thì quyết chặn quân Xiêm ở đây.
Tháng 1/1834, quân Xiêm từ sông Vàm Nao tiến đánh, quân Việt lập trận ở rạch Củ Hủ (nay thuộc xã Long Điền A và Long Điền B, huyện Chợ Mới, An Giang) ngăn quân Xiêm. Cuộc chiến này vô cùng quan trọng bởi nếu quân Việt không thắng, quân Xiêm sẽ đến Sa Đéc, Mỹ Tho rồi rộng đường tiến đánh các nơi, vùng Nam bộ có thể bị mất.
Trước trận đánh quan trọng và then chốt này, Bình Khấu tướng quân Trần Văn Năng cùng các tham tán Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân, Hồ Văn Khuê ra kế sách đánh Xiêm tại Củ Hủ và Nàm Vao.
Đoán quân Xiên sẽ dùng hỏa công, thả bè lửa tấn công, nên quân Việt thu hết các chiến thuyền về đậu ở hai bên bờ sông.
Theo ghi chép thì quân Xiêm tấn công, lợi dụng dòng nước thả nhiều bè lửa. Quân Việt cho các tàu tập trung ở hai bên bờ sông, bè lửa giữa sông xuôi theo dòng không thể lan sang hai bên bờ. Khi bè lửa trôi qua quân Việt mới tấn công cả thủy lẫn bộ.
Quân Xiêm thua to, tử trận rất nhiều, nhà văn Sơn Nam mô tả lại rằng:
“Trận thủy chiến trên Vàm Nao là trận ác chiến, mang tầm chiến lược quan trọng. Quân Xiêm dùng hỏa công, thả bè lửa, theo nước ròng (thủy triều rút ra biển) chảy xiết để đốt chiến thuyền quân Việt. Trận chiến kéo dài từ khoảng 3 giờ khuya đến 10 giờ trưa mới dứt. Nếu quân Việt không ngăn được, quân Xiêm sẽ xuống Sa Đéc rồi Rạch Gầm, Mỹ Tho…”
Sách “Minh Mệnh chính yếu” thì mô tả rằng:
“Giặc Xiêm dẫn binh thuyền hơn trăm chiếc, từ Thuận Cảng xuôi xuống, bày ngang giữa dòng sông để chống lại thuyền của quân ta, lại đánh đồn của ta đóng bên tả ngạn. Quản vệ giữ đồn là Phạm Hữu Tâm chống đánh, chém kẻ cầm đầu của giặc là Phi Nhã Khổ Lặc. Giặc dựng trại ngang đồn, ngày đêm dùng đại bác bắn phá. Ta chờ quân chi viện, nhưng giặc ở phía thượng nguồn bèn nhân đêm tối, thừa lúc nước ròng, noi theo hai bên tả hữu bờ sông, phóng lửa đốt thuyền quân ta, rồi giặc đem quân đến đồn phía tả ngạn mà đánh từ giờ Dần đến giờ Tỵ, quân giặc chết nhiều, thây chồng lên nhau. Giặc liền lui…”.
Cuốn sử Đại Nam thực lục ghi chép lạo rằng:
“Trước kia bọn Giảng từ Thuận Cảng lui đóng ở sông Cổ Hỗ, đặt đồn ở hai bên bờ làm thế ỷ giốc. Sau đó vài ngày, Tướng quân Tống Phước Lương lại đến. Giặc Xiêm dẫn hơn 100 binh thuyền từ Thuận Cảng xuống, dàn ngang giữa dòng sông, cầm cự chu sư của ta, lại vây đánh đồn ở bờ bên tả. Quản vệ giữ đồn là Phạm Hữu Tâm cự chiến, chém được tên đại đầu mục giặc là Phi Nhã Khổ Lạc và hơn 20 đầu giặc. Giặc dựng trại đối diện với lũy ta, ngày đêm bắn đại bác. Quân ta có người bị thương và chết. Bọn Giảng cho rằng thế giặc đương dữ tợn hung hăng, bèn phi thư cho quân thứ Gia Định phái thêm binh thuyền đến tiếp ứng. Bấy giờ vừa gặp Tham tán Hồ Văn Khuê đến quân thứ. Trần Văn Năng liền bàn, uỷ [Văn Khuê] đi giúp việc quân. Lại phái Phó vệ úy vệ Hậu thủy Nguyễn Tiến Khoan đem hơn 300 binh dõng và 7 chiếc thuyền, đồng thời cùng tiến. Rồi đem việc tâu lên”.
Thắng lớn, quân Việt đuổi theo quân Xiêm La đến tận Châu Đốc.
Quân Xiêm thua trận khiến tinh thần quân sĩ bạc nhược, lương thảo lại đã hết nên rút về. Quân Việt đuổi theo chiếm lại Nam Vang, đuổi quân Xiêm về đến tận nước. Đồng thời đưa vua Cao Miên là Nặc Chân II trở về Nam Vang.
Các cánh quân thứ 3, thứ 4 và thứ 5 tiến đánh miền Trung nhưng cũng bị quân Việt đánh bại phải rút về nước.
Cuộc chiến chống Xiêm La đến đây thắng lợi hoàn toàn.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Việt Nam hiện có 696 đơn vị hành chính cấp huyện, dự kiến sẽ chấm…
Chặng Hà Nội - TP.HCM ngày 29/4, Vietnam Airlines có giá từ 3,6-3,74 triệu đồng.
Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CPB) vừa thông báo danh mục các…
Quan chức ĐCSTQ thừa nhận rằng Bắc Kinh đứng sau một loạt các cuộc tấn…
Một số chuyên gia tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc đang…
Hồi năm 2024, vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại công trình thủy điện…