Văn Hóa

Trương Minh Giảng: Vị quan đại thần giúp bảo vệ vùng đất phương nam (P2)

Trương Minh Giảng vừa là quan văn chép sử, giúp ổn định lòng dân, cũng lại vừa là vị tướng đánh bại Xiêm La, bảo vệ vùng đất Nam bộ.

Cai quản trấn Tây Thành (Campuchia ngày nay)

Thắng trận, Trương Minh Giảng lên kế hoạch phòng thủ đất nước, đặt các tướng phòng thủ nơi hiểm yếu rồi dâng lên vua Minh Mạng. Vua Minh Mạng đồng ý cho thực hiện kế sách này, nhờ đó mà vùng đất phương nam được yên ổn.

Trương Minh Giảng cũng cho xây lại thành An Gang và Hà Tiên vào năm 1834 giúp phòng thủ đất nước, đồng thời giúp ổn định đời sống dân chúng.

Năm 1834, vua Nặc Chân II mất nhưng không có con trai nối dõi, dòng tộc tranh giành ngôi Vua. Trước tình thế đó, năm 1835, Trương Minh Giảng dâng tấu xin lập công chúa Ngọc Vân (Ang Mey) làm Quận Chúa nhằm ổn định Cao Miên, đồng thời sáp nhập Cao Miên vào Việt Nam. Vua Minh Mạng đồng ý.

Năm 1836, vua Minh Mạng cho gọi vùng đất Cao Miên được sáp nhập vào Việt Nam là trấn Tây Thành. Trương Minh Giảng vẫn giữ chức Tổng đốc An Hà, nhưng kiêm thêm Trấn Tây tướng quân cai quản cả trấn Tây Thành.

Dấu ấn triện ‘Trấn Tây tướng quân chi ấn”. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Đầu năm 1836, Trương Minh Giảng được bổ sung Kinh lược đại sứ, đi kinh lý đo đạc 6 tỉnh Nam bộ, nhằm giúp cho việc quản trị các địa phương này tốt hơn. Ông hoàn thành công việc, được vua Minh Mạng khen ngợi phong làm Đông các đại học sĩ.

Năm 1837, quân Xiêm La tiến đánh trấn Tây Thành. Trương Minh Giảng bảo vệ được Hoàng gia Cao Miên và đánh lui quân Xiêm La, được vua Minh Mạng khen ngợi.

Lúc này diện tích Việt Nam vô cùng rộng lớn, bao gồm vùng đất Ai Lao (tức Lào ngày nay), hầu hết phần đất của Campuchia, diện tích rộng 575.000 km2 tức gần gấp đôi so với Việt Nam bây giờ (331.698 km2 tính cả diện tích trên biển).

Trước sự lớn mạnh của mình, năm 1839 vua Minh Mạng cho đổi tên nước từ Việt Nam thành Đại Nam, tức quốc gia rộng lớn hùng mạnh phương nam.

Trấn Tây Thành bất ổn

Việc cai quản trấn Tây Thành rất phức tạp. Anh em của vua Nặc Chân II là Ang Em, Ang Duong quy thuận Xiêm La, bí mật xúi giục dân Khmer nổi loạn, đồng thời quân Xiêm cũng tập trung ở biên giới nhằm gây ảnh hưởng sẵn sàng bảo vệ người Khmer nổi loạn.

Anh em Ang Em, Ang Duong thành lập các đội quân của người Khmer hợp với quân Xiêm La cùng dân chúng chống lại Triều đình.

Trước tình hình hỗn loạn ở trấn Tây Thành, Triều đình vua Minh Mạng cùng Trương Minh Giảng lại đối với dân Khmer không dùng đức trị, quan lại người Việt nơi đây lạm quyền khiến dân chúng Khmer thêm bất bình.

Công chúa Ngọc Vân (Ang Mey) được phong làm Quận Chúa, nhưng thực chất chỉ là bù nhìn, quyền hành thực chất nằm hết trong tay Trương Minh Giảng.

Các quan lại ở trấn Tây Thành đều do người Việt nắm, quan chức của người Khmer chỉ là giúp việc. Một số người Khmer được nhà Nguyễn tận dụng phong quan nhưng phải làm việc cho Triều đình nhà Nguyễn.

Năm 1839, Ang Em và Ang Duong cùng 9.000 dân Khmer làm loạn, yêu cầu được nối ngôi Vua Nặc Chân II. Trương Minh Giảng bắt được Ang Em giải đến giam ở Huế.

Vua Minh Mạng cũng có chính sách ép người Khmer phải bỏ tập quán, phong tục cũ, rồi học theo tập quán người Việt, việc này khiến người Khmer phản đối và nổi dậy liên tục.

Các Hoàng thân Cao Miên cũng bị theo dõi chặt. Năm 1840, các quan chức người Việt phát hiện Ngọc Biện (chị của quận chúa Ngọc Vận) viết thư cho mẹ mình ở Battambang (là nơi không nằm trong sự kiểm soát của triều đình nhà Nguyễn) ngỏ ý muốn trốn qua đấy với mẹ. Tham tán Dương Văn Phong cho rằng Ngọc Biện định chạy sang Xiêm La mưu phản, liền tử hình. Các quan lại người Khmer làm việc cho nhà Nguyễn cũng bị vạ lây, bị bắt đến Huế rồi bị đi đày.

Trương Minh Giảng bắt Quận chúa Ngọc Vân cùng em gái là Ngọc Thu và Ngọc Quyên giam lỏng ở Gia Định. Người Khmer từ đó thêm thù oán với nhà Nguyễn, luôn tìm cách chống đối, trấn Tây Thành không có ngày nào yên.

Không chọn dùng đức mà dùng bạo lực, vua Minh Mạng nhiều lần phải tăng thêm quân cho Trương Minh Giảng dùng dể dẹp loạn ở trấn Tây Thành, vì thế mà việc quản lý nơi đấy rất tốn kém.

Tháng 12/1840, vua Minh Mạng mất. Năm 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi. Nhận thấy trấn Tây Thành không có ngày nào yên, quân đội phải liên tục hoạt động, ảnh hưởng cả đến 6 tỉnh Nam bộ, chi phí rất cao, vì thế Vua quyết định lệnh cho Trương Minh Giảng rút quân trở về, cho chị em Ngọc Vân trở về Nam Vang. Nhà Nguyễn quyết định bỏ vùng đất này.

Triều đình nhà Nguyễn thời vua Thiệu Trị cho rằng Trương Minh Giảng cùng các quan chức ở trấn Tây Thành không lập công lao gì, thậm chí giao cho Hình bộ xét xử từng người. “Đại Nam thực lục” chép rằng:

“Sự thế hiện nay buộc phải như thế, chuẩn cho theo lời bàn mà làm. Các viên từ Kinh lược, Tướng quân cho đến Tán lý và Hiệp lý không làm được công trạng gì, đều giao cho bộ Hình nghiêm ngặt nghị tội từng viên có khác nhau”.

Lịch sử đánh giá

Trương Minh Giảng rút quân về, Triều đình cho rằng ông không làm tròn bổn phận khi không thể trị yên được trấn Tây Thành, khiến tốn kém cả sức người và sức của.

Trương Minh Giảng rút quân về đến An Giang nhưng rất buồn và hổ thẹn, bị Hình bộ luận tội nên không muốn gặp ai khác, rồi mất vào tháng 9/1841.

“Đại Nam thực lục” viết:

“Vua nghe tin Giảng chết, phán rằng: Giảng đảm đương sự ký thác nặng nề, chỉ vì việc trị dân và chống giặc không đúng phương pháp, cho nên thổ dân cùng nổi lên làm loạn, để triều đình phải bận đến việc phái quân đi tiễu bắt, đã lâu ngày mà chưa xong việc. Đã giao cho bộ nghiêm ngặt nghị tội. Không ngờ đại binh vừa mới về đến nơi, đã ốm chết rồi”.

Tuy nhiên vua Thiệu Trị cũng nhắc đến công lao của ông giúp đánh bại Xiêm La, đề ra kế sách phòng thủ giữ yên sáu tỉnh Nam bộ:

“Ta nghĩ: Giảng năm trước đây, làm Tham tán quân vụ, khiến giặc ở Biên Hòa và Vĩnh Long sợ mất vía, lại đánh được quân Xiêm ở Thuận Cảng. Công trạng rõ rệt, khắc vào bia đá cũng không thể mất được.

Chuẩn cho truy đoạt lại chức Trấn Tây Tướng quân, để cho rõ tội, nhưng gia ơn cho chiếu theo phẩm hàm Đại học sĩ mà cấp cho tiền tuất; lại thưởng cho 5 cây gấm Trung Quốc, 5 cây sa các màu, 20 tấm lụa, 30 tấm vải và 1.000 quan tiền, tha cho không phải truy nghị tội nữa. Lại thu lại lương bổng hàm thất phẩm chi cho con trai là Trương Minh Thi khi trước.”

Các nhà nghiên cứu lịch sử đều đánh giá Trương Minh Giảng là vị Tổng đốc đa tài, giúp phòng thủ và ổn định vùng đất Nam bộ, đo đạc địa bạ 6 tỉnh Nam bộ giúp thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thương mại biên giới. Tên ông được đặt cho các tuyến đường tại nhiều địa phương.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Ký kết hợp tác chiến lược với PowerChina, FECON lột xác hóa rồng

Thành tích xuất sắc nào đã giúp FECON được gã khổng lồ PowerChina lựa chọn…

3 phút ago

[VIDEO] Ông Biden Chỉ Trích Chính Quyền Trump Gây Nhiều Thiệt Hại Và Tàn Phá

Những chỉ trích của cựu Tổng thống Joe Biden nhắm vào nỗ lực cắt giảm…

14 phút ago

Thanh tra Đắk Lắk yêu cầu thu hồi hơn 12,3 tỷ đồng phụ cấp chi sai cho giáo viên

Sở GD&ĐT Đắk Lắk được xác định đã giao dự toán và quyết toán vượt…

1 giờ ago

Ngoại trưởng Nga Lavrov giải thích lý do tại sao Moskva có thể đàm phán với chính quyền Trump

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva sẵn sàng tiếp tục đàm phán với…

3 giờ ago

Cuộc tập trận quân sự Mỹ-Philippines được nâng cấp thành diễn tập phòng thủ quốc gia

Hoa Kỳ sẽ triển khai khoảng 9.000 binh sĩ tới Philippines để tham gia cuộc…

4 giờ ago

Bạn muốn được nhớ đến như thế nào?

Một ngày nào đó, những người trong cuộc đời của bạn sẽ kể lại những…

4 giờ ago