Nguyên tác: La vie est belle
Tác giả: Elena Pucillo Truong
Bản dịch của Trương Văn Dân
Buổi sáng tôi thường dậy sớm để đi làm. Tôi thích nghe tiếng chim hót nên trên đường hay ngước mắt dõi theo những cánh chim dang rộng bay đi bắt côn trùng. Những chú chim sẻ ấy là các bạn đồng hành, giúp tôi thư giãn trước khi đến quảng trường nơi có thư viện mà tôi làm việc.
Từ vài năm nay, tôi được chuyển công tác đến thị trấn nằm ven biển và thị trấn gần như bị chia đôi bởi đường ray xe lửa: Một bên là những ngọn đồi xanh và một bên là bãi tắm nhuốm màu blu của biển.
Tôi sinh ra lớn lên ở miền núi, trong một ngôi làng với những con người kiên quyết nhưng ít nói và thầm lặng, nên mỗi ngày ở đây tôi đều nhận ra là cuộc sống của mình đang thay đổi, nhộn nhịp và tốt hơn như thế nào.
Ở cái miền núi xa xưa của quê tôi, đường chân trời bị giới hạn bởi những ngọn núi cao, còn nơi đây tôi đã có một tầm nhìn bao la và vô tận của biển cả, nối liền với bầu trời xanh, một vẻ đẹp tuyệt vời mà đến giờ tôi như vẫn chưa quen.
Nhà tôi ở trên đồi nhưng sáng nào mở cửa ra tôi cũng đều thấy biển, mỗi ngày mỗi khác tùy theo phản chiếu của ánh mặt trời: âm u hay sâu thẳm, khi có nhiều mây đen ở trên cao thì mặt biển gợn nhiều bọt trắng theo những đợt sóng vì biển động. Còn vào những ngày khác, khi bầu trời có màu xanh trong vắt thì mặt biển phẳng lặng, lung linh đa sắc nhờ ánh nắng vuốt ve mặt nước.
Ngay khi thức dậy, tôi thường bật radio và chuẩn bị pha cà phê cho bữa sáng. Sau đó tôi vội vàng đi bộ ra khỏi nhà hoặc nếu hôm đó là một ngày đẹp trời, tôi sẽ đi xe đạp.
Tôi chỉ cần đi ngang qua khu vườn cạnh nhà ga, băng qua một quảng trường nhỏ có những chiếc ghế dài là đến nơi làm việc.
Tôi nhớ như in là mình đã ngạc nhiên như thế nào khi một ngày nhìn thấy một người đàn ông cao, gầy với mái tóc dày bạc trắng và bộ râu bù xù. Ông mặc chiếc áo khoác hơi rộng trên đôi vai xương xẩu, đang chăm chú cột những quả bong bóng màu lên một chiếc ghế dài. Đó là một chiếc băng nằm dưới bóng râm. Trên một chiếc ghế dài khác nằm gần đó, ông đặt một chiếc túi da có dây đeo vai, có nhiều chỗ đã sờn rách theo thời gian.
Tôi bị cuốn hút bởi sự tập trung mà ông ấy thổi phồng những quả bóng, sau đó cẩn thận cột chúng vào băng ghế, rất quan tâm đến việc kết hợp các màu để có một hiệu ứng màu sắc hài hòa.
Một ngày sau, khi đến gần khung cửa lớn ở thư viện, liếc nhìn ra vườn và tôi đã xem thấy chuyện gì đang xảy ra.
Thì ra, người đàn ông ấy đã chọn vài mét vuông quanh đó để làm nhà, chiếc ghế dài nơi đặt chiếc túi da là chỗ để nghỉ ngơi, trên đó có một vài túi nhựa đựng một ít trái cây hay vài mẩu bánh mì; Còn chiếc ghế kia là nơi để cột những quả bóng, đại diện cho tác phẩm của ông. Có lẽ danh từ “tác phẩm” là do tôi phóng đại, thực ra đó không phải là một công việc, mà đúng hơn là nơi ông thực hiện các sinh hoạt hàng ngày.
Mọi người ít khi nhìn thấy ông vào buổi sáng, nhưng cứ khoảng bốn giờ chiều, khi lũ trẻ tan học, người đàn ông không tuổi thường ngồi trên chiếc ghế cột bong bóng và to giọng đọc một cuốn sách có những trang đã ố vàng. Trong những ngày đầu tiên, ông ấy đọc với giọng nhấn của một người nước ngoài nên một số khách qua đường vì tò mò đã dừng lại lắng nghe. Rồi lũ trẻ bắt đầu xuất hiện và như bị cuốn hút bởi những quả bong bóng cùng với giọng đọc hơi là lạ của ông. Ông kể về những chuyến phiêu lưu hay về những thế giới xa xôi, nói về những chiến binh hay cướp biển, chuyện của chàng hiệp sĩ dũng cảm thách thức các cối xay gió biến thành gã khổng lồ, của những con rối bị cá voi nuốt chửng, về tình bạn của một hoàng tử với một con cáo.
Một vài trang ông ấy còn thể hiện theo trí nhớ hay diễn xuất như thể mình đang đứng trên sân khấu. Chiếc ghế dài bỗng biến thành boong của một con tàu hoặc cabin mở của một chiếc máy bay hai động cơ hạng nhẹ, thành dựa trở thành lưng con ngựa Rocinante của Don Quixote trước khi lao vào tấn công những chiếc cối xay gió… Nhờ những hoạt động tự phát này mà hai chiếc băng ghế ở khu vườn đã trở thành điểm tụ tập hàng ngày của trẻ em và phụ huynh sau giờ học. Đôi khi tôi cũng dừng chân lại để lắng nghe “Thuyền trưởng”, tôi đã đặt biệt danh cho ông ấy như thế sau vài lần chứng kiến. Về ngoại hình, ông ta giống một con sói biển, tôi thường nhìn thấy ông với làn da rám nắng phủ lên người một bộ đồng phục đẹp với những chiếc cúc áo mạ vàng sáng bóng, oai vệ ngồi trước bánh lái của một con tàu đang tiến về phía đại dương với búi tóc trắng tung bay trong gió.
Nhưng trên thực tế, dưới mắt mọi người, “con sói biển” này chỉ là một kẻ vô gia cư. Ông có vẻ ngoài như một người đã từng trải qua cơn bão khủng khiếp và tự cứu được mình vào giây phút cuối. Điều làm tôi ấn tượng nhất là ánh mắt vừa kiêu hãnh vừa u sầu của ông ấy, còn giọng nói ngọt ngào của ông dường như đã cuốn hút trẻ em và người dân ở cái thị trấn nhỏ này. Sau vài bữa đầu tiên, có lẽ được cha mẹ khuyến khích nên một số trẻ em đã mang tặng ông một ít trái cây, một bữa ăn nhẹ hay một túi khoai chiên. Chúng nhẹ nhàng đặt những món quà nhỏ lên băng ghế nơi “thuyền trưởng” đang ngồi. Qua đuôi mắt, ông quan sát toàn cảnh nhưng vẫn tiếp tục diễn mà không dừng lại, và mọi người chỉ nhìn thấy ông với nụ cười nửa miệng, với hàm ý cảm ơn, làm lộ đôi môi nứt nẻ vì nắng và gió mặn.
Khi đọc xong hoặc sau khi giải thích một đoạn văn đặc biệt, thuyền trưởng đứng dậy, gấp cuốn sách có những trang đã ố vàng và có khi cao hứng ông còn thực hiện vài bước nhảy, xoay người hai ba vòng trong khi hát một giai điệu bằng tiếng Pháp.
Mes amis, la vie est belle
Malgré les peines
Qui nous enchaînent
Âmes claires
Voix légères
Sans un sou au fond de l’escarcelle
Chantons au soleil qui ruisselle
La vie est belle
Belle toujours!
Mes amis les vie est belle…
….
Quand la voix du pauvre nous appelle
Tendons une main fraternelle
La vie est belle,
Belle toujours !
…….
Mes amis la vie est belle
Quand près du terme
Les yeux se ferment
Pour bagage
Du courage
Quand viendra pour nous l’instant suprême
Notre cœur dira tout de même
Les vie est belle
Ble elle, toujours! (1)
Gã thuyền trưởng hát rằng cuộc sống thật tươi đẹp, vượt lên trên những nỗi đau thường ngày, dù không có một xu dính túi nhưng chỉ cần một cử chỉ nhỏ cũng đủ giúp những người khốn khó. Ông còn cho biết, trong giờ phút định mệnh, khi đôi mắt vĩnh viễn khép lại, trái tim chúng ta vẫn sẽ nhắc rằng cuộc đời luôn đẹp.
Khi kết thúc bài hát, thuyền trưởng gật đầu chào mọi người để cảm ơn, rồi cầm lấy cuốn sách bỏ vào chiếc túi da, trong khi những người đứng nghe cũng dần dần thưa thớt.
Lúc đó cũng là lúc mà tôi đang về nhà sau một ngày làm việc.
Đôi khi tôi cũng đi về sớm vài phút để được nghe vài câu, để chiêm ngưỡng ông trong việc biểu diễn một cảnh phiêu lưu nào đó hay để được vỗ tay khi ông kết thúc màn nhảy múa. Khi nhìn thấy tôi, ông khẽ mỉm cười và đưa tay lên đầu, giống như một kiểu chào của quân đội, một cử chỉ tôn trọng hay lịch sự rất tự nhiên. Tôi đáp lại bằng một cái vẫy tay và một nụ cười để bày tỏ sự cảm thông và tình thân thiện với vị thuyền trưởng trước khi tiếp tục đạp xe hoặc đi bộ trở về nhà.
Sau vài tuần, người đàn ông đó đã trở thành cư dân của thị trấn, những luống hoa trong vườn với hai chiếc ghế dài là nhà của ông và qua những câu chuyện ông đã đi vào trái tim của nhiều đứa trẻ. Bây giờ ông ấy là một phần của cộng đồng và sự hiện diện của ông đã làm bừng sáng cảnh quan dù lúc trời có nhiều mây.
Thực vậy, ngay khi trời có dấu hiệu sắp đổ mưa, thuyền trưởng liền dừng công việc và bắt đầu tìm kiếm thứ gì đó trong chiếc túi da. Sau những cuốn sách đã ố vàng, ông ấy lôi ra một chiếc ô gấp có các khung vải nhiều màu. Ông bung dù ra và tiếp tục công việc trước đó. Nếu mưa to thì mọi người sẽ bỏ chạy tứ tán và chỉ còn mình ông ngồi thu hình, gần như cuộn tròn trên chiếc ghế dài.
Khi mùa thời tiết xấu bắt đầu, có người khuyên ông đến trú ẩn ở một nơi gần đó, dù sao cũng được ngủ dưới một mái che, nhưng ông tuyệt đối không muốn. Ông nói là không thể sống giữa bốn bức tường, ông thấy thiếu không khí, ông muốn ngửi mùi của ban đêm, mùi hoa ngậm hơi ẩm của những hạt sương.
Với sự giúp đỡ của một vài phụ huynh trong thị trấn, tôi đã thuyết phục được ông đến tạm trú gần lối vào thư viện của tôi, nơi có một mái vòm rộng và ở đó ông có thể ngủ ở một nơi khô ráo và chắc chắn ấm hơn là nằm trên băng ghế. Ông đồng ý và gần như xin lỗi vì đã làm chúng tôi phải lo lắng cho mình.
Sau đó, khi mùa xuân đến, vị thuyền trưởng đã xin về lại trên chiếc ghế dài thân yêu của mình.
Vài tháng trôi qua, vào một buổi sáng, bác bảo vệ ở thư viện gọi điện lên báo rằng người vô gia cư muốn gặp để nói chuyện với tôi.
Tôi rời phòng và đi xuống cổng vào. Nhân dịp này, ông ta đã chải lại mái tóc rối bù vẫn còn ẩm ướt và chỉnh lại chiếc áo khoác đã hơi sờn ở cổ tay.
Tôi không biết tại sao nhưng hình như ông ấy có vẻ thấp bé hơn, như thể thời gian đã làm ông bị gù xuống, nhưng cũng có thể chỉ là ấn tượng của tôi.
“Xin lỗi, cô luôn tốt bụng.” ông nói với tôi bằng một giọng nhẹ nhàng, với âm X phát âm không rõ lắm. “Thế này, tôi muốn có một cuốn sách, một vài cuốn sách… những cuốn mà tôi mang theo đã quá cũ và chữ mờ theo thời gian, bạn có thể giúp tôi được không?”
Cách xưng hô chuyển từ “cô” sang “bạn” khiến tôi rất thích, nhưng trong mọi trường hợp, tôi sẽ tìm cách giúp ông.
Tôi thử hỏi ông có giấy tờ tùy thân gì không để cho tôi xem.
Ông suy nghĩ một lúc rồi rút từ trong túi áo khoác ra một thẻ chứng minh nhân dân cũ và đã hết hạn sử dụng.
“Jean-Pierre Roussillon”, tôi đọc cái tên và, ở phía dưới, có ghi là ông sinh ra ở Brest, miền Bắc nước Pháp.
Thế là tôi nói chuyện với ông bằng tiếng Pháp vì trước đây tôi đã học ở trường. Và tôi thấy ông mỉm cười với đôi môi mím lại trên khuôn mặt đầy nếp nhăn và khô nứt vì nắng gió, nhưng trong nụ cười đó tôi đọc thấy một thoáng u sầu đọng lại trong đôi mắt xanh long lanh vì cảm xúc.
Tất nhiên với vai trò là người điều hành thư viện đưa tặng ông một vài cuốn sách với tôi không phải là vấn đề, nhưng tôi muốn tôn trọng người đàn ông đang đứng trước mặt mình.
Tôi lấy một phiếu ghi danh và viết tên ông cùng một vài chi tiết rồi trả lại giấy tờ tùy thân.
Tôi mời ông ngồi xuống một trong những chiếc ghế bành và bảo ông chờ một lát rồi tôi sẽ quay lại.
Tôi biết phải tìm ở đâu và tìm cái gì: bên dưới cầu thang có một căn phòng lớn, nơi đặt những cuốn sách do các hiệp hội hoặc cá nhân gửi tặng và nếu có nhiều bản của cùng một cuốn sách thì một số được giữ trong kho này sau khi được phân loại theo tác giả và chủ đề.
Tôi quay trở lại cổng vào thư viện nơi thuyền trưởng của tôi đang đợi.
“Đây, tôi mang đến cho ông quyển “Moby Dick” của Melville, “Hoàng tử bé” của Saint-Exupery, “Hai vạn dặm dưới đáy biển” và “Vòng quanh thế giới trong 80 ngày” của Verne, “Sandokan và những con hổ của Mompracem” và “Il Corsaro Nero” của Salgari. Tôi đã làm hết các thủ tục. Từ giờ trở đi, ông có thể đến đây bất cứ khi nào ông muốn, trình thẻ thành viên và nhân viên của tôi sẽ lấy cho ông những sách mà ông cần.”
Thuyền trưởng gần như không tin ở mắt và tai mình, nét vui mừng lộ rõ khi ông nhìn những cuốn sách với ánh mắt đầy thỏa mãn.
Ông không biết phải làm gì để cảm ơn tôi, ông chỉ hơi cúi đầu và sau đó mang theo kho báu khá nặng của mình, miệng khẽ hát khi bước ra khỏi thư viện. Vài ngày sau, tôi còn mang đến cho ông cuốn “Don Quixote” của Cervantes và một cuốn “Tâm hồn cao thượng” của De Amicis.
Tôi đã làm cho ông thực sự hạnh phúc và thế là chiều hôm đó ông bắt đầu buổi diễn xuất của mình bằng việc đọc câu chuyện “Từ Apennines đến Andes” trích từ cuốn “Tâm hồn cao thượng”.
Giờ đây, thuyền trưởng đã thuộc lòng những cuốn sách mà ông đọc và việc lựa chọn những cuốn tiểu thuyết và truyện đó chính là để thu hút những đứa bé, những đứa lớn hơn và khiến chúng mơ ước.
Mỗi người ai cũng có một mục đích sống và người đàn ông vô gia cư đó, sau bao nhiêu phiêu lưu thăng trầm và thành bại cũng đã tìm ra con đường của riêng mình để cải thiện thế giới, bắt đầu dạy cho trẻ em hiểu thế nào là thiện và ác, giúp trí tưởng tượng của chúng bay bổng và làm cho chúng mơ mộng.
Vào cuối ngày, khi đi ngang qua khu vườn, tôi dừng lại để đưa cho ông ấy một vài quyển sách lịch sử hoặc triết học và trao đổi vài câu bằng tiếng Pháp. Đó là cơ hội để nghe ông kể cho tôi nghe đôi điều về quá khứ của ông: một cuộc hôn nhân không kéo dài, một thời kỳ trong Quân đoàn Pháp mà ông không còn muốn nhắc đến, và những chuyến đi biển dài ngày. Công ty vận chuyển biển mà ông làm việc bị phá sản và ông trở thành thất nghiệp, rồi vô gia cư và vì thế ông bắt đầu đi ở nơi này nơi kia mỗi nơi một ít và dừng lại ở nơi nào ông cảm thấy thoải mái, được mọi người thấu hiểu và trợ giúp.
Tôi hỏi ông vì sao lại dừng ở thị trấn nhỏ của chúng tôi thì ông trả lời:
“Vì nó yên tĩnh, có màu xanh của biển, mỗi sáng tôi ngửi thấy mùi của nó và biết là ngày hôm ấy sẽ như thế nào. Vì tôi thích nghe tiếng tàu chạy qua, nó như đưa tôi đi đến nơi thật xa. Nhưng trên tất cả là vì mỗi buổi sáng tôi đều thấy cô đạp xe và mỉm cười với cuộc sống.”
Tôi thật sự cảm động trước những lời của người vô gia cư đó, có tuổi bằng tuổi ông nội của tôi, nhưng trên hết là sự chân thành và tế nhị mà ông đã nói.
Bây giờ chúng tôi đã hiểu nhau hơn và tôi bắt đầu chào ông bằng một câu vui vẻ “Bonjour Monsieur Roussillon!” và ông cũng trả lời tôi bằng tiếng Pháp: “Bonjour Madame la Directrice”.
Bỗng dưng tôi thấy mình là một người quan trọng chứ không chỉ là cô giám đốc thư viện ở một thị trấn nhỏ. Ngay từ giây phút đầu tiên tôi đã hiểu rằng tôi sẽ bảo vệ ông và tôi nhớ là khi có một số cảnh sát hỏi thông tin về ông, tôi đã trả lời rằng sự hiện diện của ông và những gì ông làm là tốt cho bọn trẻ và cho mọi người. Những khu vườn gần nhà ga là nơi gặp gỡ của các gia đình, để có được những khoảnh khắc vui vẻ. Chúng ta may mắn hơn các người ở gần các nhà ga trong các thành phố lớn, họ sống trong nỗi sợ hãi về nạn giật đồ, bạo lực hay buôn ma túy.
Với sự xuất hiện của người vô gia cư này, một vài thanh niên côn đồ lang thang đã đi nơi khác. Có thể là nhờ cái uy của ông hoặc do những gì mà ông đã từng trải, nên không ai có thể hù dọa được, vài tên lưu manh chắc cũng hiểu là mình đang đối diện với ai nên không dám thách thức.
*
Rồi có gì đó thay đổi, có thể là giọng nói không còn vang và có thể là những cử động của ông đã chậm hơn. Đôi khi vào buổi chiều, ông nằm cuộn tròn trên chiếc ghế cột những chiếc bong bóng như thể ông bị lạnh trong khi không khí đang được sưởi ấm bởi nắng chiều. Bọn trẻ cố nài nỉ, chúng muốn nghe ông kể chuyện, nhưng mọi yêu cầu đều vô ích.
Tôi hỏi ông có cần gì không, tôi mang cho ông ấy một ít thuốc và chăn mền nhưng ông không muốn gì cả. Rồi ông bảo tôi ở lại với ông vài phút chỉ để mỉm cười với ông thôi.
Rồi hình như có một tia sáng, một tia sáng chiếu rọi vào đôi mắt ngày càng thâm quầng và trũng sâu trên khuôn mặt hốc hác của ông. Ông giục tôi phải mỉm cười vì như ông đã nói khi ông hát, là cuộc đời vẫn đẹp, luôn đẹp, ngoài những ưu tư, lo lắng có thể làm lay động hay thít chặt trái tim chúng ta.
Ông nói với tôi là nhà triết học vĩ đại Friedrich Hegel đã từng viết: “Đừng lo lắng về tương lai mà hãy cố gắng vững vàng và trong sáng về tinh thần, vì hạnh phúc không phụ thuộc vào số phận mà là cách bạn đối phó với nó”.
Bây giờ thì tôi luôn nghĩ về những lời nói đó và nét u sầu mà tôi đã đọc được trong đáy mắt của ông. Sáng hôm sau, mở cửa sổ tôi nhìn bầu trời quang đãng có vài đám mây trắng như báo trước là một ngày đẹp trời và vì thế, sau khi uống cà phê như thường lệ tôi thả bộ về phía khu vườn cạnh nhà ga để đi làm.
Vừa đặt chân đến khu vườn, tôi nhận ra ngay là có điều gì đó bất thường: một chiếc ghế dài trống không, còn chiếc kia chỉ thấy những quả bóng đủ màu. Không có gì còn lại về sự hiện diện của thuyền trưởng. Không thể được, đây là điều dường như không thể đối với tôi, tôi thường nghĩ ông ấy vui và bình an ở cái thị trấn nhỏ này. Tôi gọi ông, chạy đi tìm ông dưới mái vòm của thư viện và sau đó đi hỏi những người bạn cảnh sát của tôi về ông.
Mọi người đều lo lắng vì dường như không ai có thể chấp nhận việc ông bỏ đi quá đột ngột.
Ngày tháng cứ thế trôi đi, cũng như nỗi buồn và sự lo lắng về vị thuyền trưởng của tôi. Nếu không có những quả bóng lúc này đã xì hơi còn cột vào băng ghế trống thì mọi người sẽ nghĩ rằng người vô gia cư đó chưa bao giờ tồn tại.
Còn bọn trẻ thì rất nhớ giọng đọc ấm ấp của ông nhất là khi ông diễn vai cướp biển, phóng mình tấn công vào chiếc thuyền buồm hoặc ra lệnh cho cận vệ Sancho Panza tấn công những tên khổng lồ, cối xay gió. Nước mắt tôi trào ra khi nghe ai đó hát đoạn điệp khúc bài hát mà ông thường hát.
Thời gian làm nguôi ngoai nỗi nhớ và tôi cũng bắt đầu cam chịu. Có lẽ thuyền trưởng của tôi đã chọn cách ra đi để được chết một mình, xa cách mọi người, để không gây đau đớn cho những người thân yêu, như một con voi già bỏ đàn, tìm nơi chờ chết.
Một ngày nọ, một đứa trẻ tìm thấy trên bãi biển của một thành phố gần đó một cuốn sách bị thủy triều cuốn đi, ướt đẫm nước muối và đầy cát.
Một người bạn cảnh sát bỏ trong một chiếc túi nhựa rồi mang nó đến cho tôi.
“Con dấu của thư viện hơi mờ nhưng vẫn còn đọc được và tôi nghĩ đó là một thông điệp dành cho cô”.
Tôi chỉ đọc được cái tựa đề và vài dòng ghi chú bên trong. Đó là cuốn “Tâm hồn cao thượng” rồi đọc được một câu bằng nét chữ run run: “Gửi cô gái có nụ cười ngọt ngào. La vie est belle… belle toujours Jean-Pierre Roussillon”.
Elena Pucillo Truong
Sài Gòn, 6/2023
(1) Bài hát hướng đạo “Mes amis, la vie est belle” được in trong tuyển tập “Chanteclerc” xuất bản ở Thụy Sĩ năm 1934 và được C. Boller cải biên lại.
Xem thêm:
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…