(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)
Đỗ Tông Phát là tiến sĩ khoa bảng duy nhất của huyện Hải Hậu, Nam Định. Ông giúp dân khai phá vùng đất mới mà thành lập nên huyện Hải Hậu. Vì vậy, dù ông đã nghỉ hưu nhưng dân chúng vẫn muốn ông ra làm Tri huyện đầu tiên của Hải Hậu.
Vào đầu thế kỷ 19 thời nhà Nguyễn có ông Ngô Thế Vinh là danh sĩ nổi tiếng, sinh ra trong gia đình có truyền thống thi thư, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1829, được bổ nhiệm làm Lang trung bộ Lễ.
Sau đó khi làm giám khảo trường thi Hương ở Hà Nội, do duyệt quyển thi không kỹ lưỡng nên Ngô Thế Vinh bị cách chức. Ông quyết định về quê nhà ở làng Bái Dương, huyện Nam Chân (nay là thôn Bái Dương, Nam Dương, huyện Nam Trực, Nam Định) để phụng dưỡng cha mẹ đã già và dạy học.
Học trò của ông có nhiều người thành đạt, ông cũng sáng tác nhiều thơ văn. Vua Tự Đức thường cho người đến nhà ông lấy các bản trước tác để xem, đồng thời cũng muốn phục chức cho ông.
Lúc này làng Quần Anh (thuộc xã Hải Bắc, Hải Hậu, Nam Định ngày nay) chưa có một ai đỗ đại khoa. Chánh tổng của làng là Nguyễn Quang Chiêu khuyến học, muốn mở mang trường lớp, tìm thầy giỏi về, bèn chọn Ngô Thế Vinh mời về làng nhằm giúp đỡ dạy dỗ các học trò của làng.
Ngô Thế Vinh đến Quần Anh, thấy các học trò ở đây gia cảnh rất nghèo khó lại gầy còm nên ông thương lắm, dạy bảo tận tình. Trong các học trò ông để ý tới cậu bé Đỗ Tông Phát bởi gia cảnh rất nghèo nhưng lại rất siêng năng chịu khó.
Đỗ Tông Phát mồ côi cha khi còn nhỏ, người mẹ phải bôn ba chạy đi các nơi làm thuê cuốc mướn, làm các việc nặng nhọc để nuôi con.
Nhà quá nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhưng cậu bé Đỗ Tông Phát lại có nghị lực phi thường, hàng ngày chăm chỉ miệt mài.
Theo giai thoại kể lại từ làng thì vì không có tiền mua giấy nên Nguyễn Tông Phát phải ghép lá chuối khô làm vở; lấy gạch cua, hạt cây đốt làm ánh sáng học hành thâu đêm không mệt mỏi.
Làng định kỳ có tổ chức bình văn ở đình Tứ Giáp thuộc xã Quần Anh Trung, quyển thi của Đỗ Tông Phát nhiều lần được thầy Vinh khen ngợi.
Đến kỳ thi Hương khoa thi năm 1840, Đỗ Tông Phát đỗ đầu tức Giải nguyên. Khoa thi năm 1843, Đỗ Tông Phát vượt qua các trường thi vào đến kỳ thi cuối cùng là thi Đình và đỗ tiến sĩ khi 31 tuổi.
Thi đỗ, Đỗ Tông Phát vinh quy bái tổ trở về làng trong sự vui mừng của người dân Quần Anh. Đỗ Tông Phát là người đỗ khai khoa và cũng là người thi đỗ duy nhất cho cả huyện Hải Hậu của Nam Định ngày nay.
Sau lễ vinh quy bái tổ, Đỗ Tông Phát được bổ nhiệm làm Hàn lâm viện Biên tu ở Huế. Tại Huế, ông chứng kiến dân chúng các nơi bị điều đến đây để xây dựng lăng tẩm, các cuộc tuần du rất tốn kém. Thất vọng, ông lấy cớ mẹ già đau yếu để được về quê phụng dưỡng.
Năm 1847, vua Tự Đức lên ngôi. Năm 1848, Vua lại bổ nhiệm ông làm Tri phủ Ứng Hòa, sau đó đến Nghệ An làm Đốc học. Sau đó Triều đình triệu ông về kinh thăng hàm Quang lộc Thiếu khanh, Quốc sử Toản tu chủ trì trong cơ quan biên tu Quốc sử.
Năm 1866, vua Tự Đức cho đặt nha Doanh điền ở Nam Định để khai khẩn ruộng đất bỏ hoang, ngăn nước mặn. Đỗ Tông Phát được cử về Nam Định giữ chức Thương biện tỉnh vụ, kiêm Dinh điền Phó sứ.
Trở về quê nhà, Đỗ Tông Phát chiêu mộ 117 hộ gia đình ở Nam Chân và Giao Thủy đến khai hoang khu bãi bồi Đông Quần Anh. Việc khai hoang vùng đất mới rất gian nam vất vả, mãi đến năm 1888 mới hình thành khu đất rộng rãi thành lập tổng Tân Khai. Cũng năm này tổng Tân Khai cùng các tổng Quần Phương, Kiên Trung, Ninh Nhất hình thành huyện Hải Hậu.
Đỗ Tông Phát cũng cho đào sông Cát Giả để đưa nước phù sa vào đồng ruộng của tổng Ninh Nhất, biến đồng ruộng khô cằn trở nên màu mỡ.
Sau đó ông cũng cho khai phá vùng đất ở bãi bồi ven biển, đất ruộng màu mỡ, người dân gieo cấy được các vụ mùa tươi tốt.
Việc khai khẩn đất đai vẫn tiếp tục, đến năm 1895 thì hình thành tổng Quế Hải với 5.700 ha đất bên bờ biển. Tổng này gồm ấp Hải Nhuận cùng 6 xã là Trùng Quang, Thanh Trà, Trung Phương, Doanh Châu, Quế Phương, Liên Phú, dân cư trù phú đông đúc.
Đỗ Tông Phát cùng dân chúng vất vả làm thủy lưới tưới tiêu cũng như ngăn mặn cho 2 tổng mới Tân Khai và Quế Hải. Ông đã mô tải những khó nhọc trong bài thơ “Đạo lũng xuân canh” (Đường cày mùa Xuân):
Biển mới nên nương đất chửa nhuần
Thau chua rửa mặn mấy gian truân
Đường cày xuân muộn sương mới tưới
Khoảnh ruộng bồi non cấy gặt dần
Bò sớm đi còn sao điểm tóc
Bừa chiều về đã khói chen chân
Những mong thời tiết sao cho thuận
Non thẳm đêm đêm ngắm bóng vần
Ông để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại như câu đối, bia ký, thơ, phú, nhạc, giáo khoa… Những tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như “Khuê phạm băng kinh” (giáo khoa cho nữ giới), “Hiếu thuận ước ngữ” (giáo khoa cho nam giới).
Người dân làng Quần Anh vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện và tấm lòng hiếu thảo của Nguyễn Tông Phát. Cha mất khi ông còn rất nhỏ nhưng ông vẫn để tang cha suốt 3 năm liền, không đến đâu vui chơi cả. Dù làm quan nơi xa nhưng khi nghe tin mẹ bị ốm là ông về nhà tận tay thuốc thang cho mẹ.
Đối với Hải Hậu, Nguyễn Tông Phát cũng có rất nhiều công lao, không chỉ là người khai phá lập huyện. Ví như năm 1865 vỡ đê khiến vùng quê ông mất mùa, ông tự bỏ tiền ra cho người nhà mua thóc cấp cho dân chúng. Ông còn mở mang trường học giúp làng quê được học chữ, dù Hải Hậu không có thêm ai đỗ đại khoa nhưng có nhiều người đỗ tú tài.
Khi tuổi cao Nguyễn Tông Phát xin nghỉ hưu, nhưng huyện mới Hải Hậu lại muốn xin ông làm Tri huyện đầu tiên. Ông nhận lời làm Tri huyện, xây dựng huyện đường, đặt cơ sở quản lý địa phương ổn định, sau 1 năm mới xin nghỉ hưu.
Năm 1893, Đỗ Tông Phát mất. người dân thương tiếc, dân chúng 2 tổng Tân Khai và Quế Hải đã suy tôn ông làm Thành Hoàng, xây dựng đền thờ phụng ông.
Trần Hưng tổng hợp
Xem thêm:
Mời xem video:
Một du khách có biểu hiện loạn thần đã làm gãy phần tựa tay ngai…
Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng COVID-19 mới, với nhiều bệnh nhân báo cáo…
Một tổ chức tin tặc bị nghi ngờ có liên hệ với Trung Quốc đã…
Hồng Kông điều tra “chống tham nhũng” đối với dự án của CK Asset Holdings…
Khi các bạn tắm mưa, bé gái 10 tuổi bị trượt chân, rơi xuống dòng…
Một đường dây kinh doanh theo mô hình đa cấp gần 200.000 thành viên, trong…