Tứ linh là những con thần thú đặc biệt trong truyền thuyết phương Đông với năng lực thần thông bí ẩn. Có nhiều thuyết pháp về tứ linh, nhưng thuyết pháp phổ biến nhất xuất hiện trong Lễ Ký, nói về bốn loài Long, Lân, Quy, Phụng. Long là Rồng, đại diện cho sự biến hóa, biến dịch. Lân là Kỳ Lân, đại diện cho tín nghĩa. Quy là Rùa, có thể đem tới điều cát hung. Phụng là chim Phụng, có thể bình trị loạn lạc. Tứ linh được cho là những loài vật đại biểu cho điềm lành và sự bình an, tuy nhiên nếu chúng xuất hiện trong những hoàn cảnh trái nghịch thì cũng là điềm vong quốc.
Rồng được xưng là vạn thú chi vương, là biểu tượng của bậc Đế vương thời xưa tại phương Đông, và cũng là thần vật uy nghiêm, không cho phép người thường dùng bừa bãi.
Có nhiều miêu tả về Rồng khác nhau qua các triều đại khác nhau. Thân Rồng dài có vảy phủ kín giống như cá, có bờm giống bờm sư tử, sừng như sừng hươu, râu hùm, móng chim ưng, có thể sinh sống trong nước sông, hồ, biển, dâng lên từng trận từng trận sóng cả, vừa có thể đi lại tự nhiên trên mặt đất, lại có thể bay thẳng lên trời, nuốt gió phun mưa.
Rồng được xem là thần thú thực thi Thiên mệnh. Truyền thuyết kể rằng Rồng chiểu theo mệnh lệnh của Thiên Thượng, đem nước trong sông suối, hồ, biển cả lên trời, rồi làm mưa xuống nhân gian.
Lượng mưa nhiều hay ít là có quan hệ rất lớn đối với việc thu hoạch nông nghiệp thời cổ đại. Do đó con người không thể không sùng kính Rồng với tư cách là thần thú làm mưa, gọi Rồng là Long vương.
Nước có thể hỗ trợ nguồn sống cho con người, cũng có thể làm cho con người gặp phải khổ nạn sinh tử. Khi mưa to thành họa, người xưa đều lập đàn tế Trời, trong đó không thể thiếu hình tượng con Rồng. Trong những năm Khai Nguyên nhà Đường, từng có lần thiên hạ đại hạn, Đường Huyền Tông phải cho người lập đàn cầu mưa, không ngờ rằng mưa xuống lại vẫn thành họa sông tràn. Trong lúc lo lắng, Đường Huyền Tông được cao nhân chỉ điểm, cho làm 5, 6 con Rồng bằng bùn trong chùa, sai người vừa hắt nước lên thân Rồng bùn, vừa đọc chú ngữ. Chỉ một lát sau, quả nhiên cơn mưa dừng lại.
Bởi vì Rồng đại diện cho sự biến hóa, biến dịch, chính là một biểu hiện của Thiên đạo, nên Rồng kết tụ hai chủng đặc trưng là “nhân” và “uy”. “Nhân” ở đây là nuôi dưỡng vạn vật, mang lại cho con người ân huệ lớn lao. “Uy” ở đây là khi con người không thuận theo Thiên đạo, đạo đức xã hội suy giảm thì Rồng sẽ mang nạn đến để trừng trị con người như đại hạn, lũ lụt, v.v..
Thời cổ đại, Kỳ Lân được xem là loài thú cát tường và nhân đức. Linh vật này có đầu giống như đầu Rồng, thân giống như thân hươu, mắt giống như mắt sư tử, lưng như lưng hổ, vai phủ vây cá, đạp móng ngựa, uy phong bát diện. Truyền thuyết kể rằng chỉ có khi thái bình thịnh thế, thánh nhân tham gia chính sự thì Kỳ Lân mới xuất hiện.
Kỳ Lân tượng trưng cho tín nghĩa, nói cách khác là lòng dân cùng hướng, là “tín” của dân chúng đối với bậc Quân vương. Vậy nên Kỳ Lân xuất hiện được xem như dấu hiệu của bậc minh quân giáng sinh. Đế Vương các triều đại ngoài Rồng thì cũng chọn dùng trang sức, kiến trúc có hình Kỳ Lân. Đây được xem như một biểu tượng để thúc giục bản thân tiến bộ, trở thành minh quân.
Trong suy nghĩ của dân chúng, Kỳ Lân là hóa thân của thiện lương và mỹ đức, cũng có thể tượng trưng cho thánh nhân. Dân gian kể rằng, trước khi Khổng Tử giáng sinh từng có Kỳ Lân đến nhà ông, nằm phục ngay xuống trước mặt mẹ ông mà nhả ra một cái ngọc xích có chữ viết.
Thời xưa còn lưu truyền câu nói: “Thiên thượng Kỳ Lân nhi, địa thượng Trạng nguyên lang”. Người dân thường cho rằng Kỳ Lân sẽ mang tới những đứa trẻ tài đức, có thể trở thành Trạng nguyên. Do đó người xưa cũng chọn đồ trang sức hình Kỳ Lân làm lễ vật tặng cho những đứa trẻ, chúc phúc cho trẻ sớm ngày trở thành trụ cột của quốc gia.
Với tuổi thọ rất dài, Rùa là loài vật biểu tượng cho sự trường thọ, sinh lực và sức chịu đựng. Trong tứ linh thì Rùa là loài thần thú dễ hình dung nhất, tuy nhiên nếu nói về thần thú Rùa thì cũng có một số khác biệt. Một số kiến trúc mô tả thần thú Rùa có đầu rồng, chân sư tử, mai rùa.
Trong văn hóa phương Đông, Rùa được xem là linh vật chống đỡ thế giới. Mai Rùa hình tròn tượng trưng cho bầu trời, bụng Rùa bằng phẳng tượng trưng cho mặt đất, bốn chân Rùa theo truyền thuyết tượng trưng cho bốn cực của thế giới.
Vào thời cổ đại, Rùa được xem là linh vật có khả năng tiên tri. Bởi vậy bậc Quân vương thời cổ đại lưu giữ những loại mai rùa quý hiếm. Kinh điển Thượng Thư có viết: “Vua Ninh Vương di tặng cho ta con Rùa lớn rất quý báu dùng để xem mệnh Trời”. Triều đình cổ đại khi có chuyện quan trọng không thể quyết thì quan chuyên trách đem mai rùa hơ lửa, tạo ra vết nứt, xem vết nứt trên mai rùa để quyết định làm việc đó thì sẽ gặp cát hung thế nào. Do đó mà Rùa được coi là loài vật mang tới điềm cát hung.
Rùa còn có một địa vị quan trọng trong tín ngưỡng cổ đại. Tục truyền rằng, vào thời Đại Vũ có một con Rùa nổi lên ở trên sông Lạc Thủy, trên lưng có ghi chép gọi là Lạc Thư. Đại Vũ dựa vào đó mà trị thủy thành công, cũng dựa vào đó mà ngộ ra đạo trị quốc.
Trong dân gian mà nói, Rùa tượng trưng cho sự trường thọ, vì thế hình tượng Rùa thường được sử dụng để chúc thọ cho người già, mong rằng người già nhiều phúc, thân thể an khang.
Phụng được xưng là bách điểu chi vương, biểu tượng của điềm lành. Con trống được gọi là “Phụng”, con mái được gọi là “Hoàng”. Chim Phụng trong miêu tả của người xưa có vẻ bề ngoài vô cùng hoa mỹ, xinh đẹp. Trong “Nhĩ Nhã” miêu tả là: “Đầu gà, cằm yến, mai rùa, đuôi cá, ngũ sắc, cao hơn 6 xích”. Nếu như nói đặc điểm biểu hiện ra của Rồng là năng lực khiến người đời kính sợ thì Phụng lại biểu hiện ra sự mỹ hảo không gì sánh bằng. Trong tứ linh thì Phụng có lẽ là loài được yêu mến nhất.
Truyền thuyết kể rằng chim Phụng sinh ra ở “nước quân tử phương Đông”, đến sống ở tiên cảnh Côn Lôn. Dân gian cho rằng chim Phụng có sức mạnh thần kỳ “câu thông với thiên địa”. Hơn nữa chim Phụng lại là loài chim mỹ lệ thiện lương trong trời đất, là biểu tượng của điềm lành. Chỉ cần chim Phụng xuất hiện thì quốc gia đó sẽ chào đón việc trọng đại an bình.
Trong “Sơn Hải Kinh” viết rằng những vị trí trên thân chim Phụng đều đại biểu cho những mỹ đức khác nhau. “Hoa văn trên đầu là đức, hoa văn ở cánh là nghĩa, hoa văn ở lưng là lễ, hoa văn ở ngực là nhân, hoa văn ở bụng là tín, ăn uống tự nhiên, tự ca tự múa, gặp được thiên hạ tất sẽ an bình”. Có thể tưởng tượng ra chim Phụng bay đến đâu, mang theo những ý nghĩa “đức”, “nghĩa”, “lễ”, “nhân”, “tín” đến đó. Mà bất luận là chỗ nào đầy đủ những đức hạnh tốt đẹp đó, thì nhất định sẽ nghênh đón một thời đại tốt đẹp hòa bình cát tường.
Người xưa cho rằng hướng đến chim Phụng tức là hướng đến một cuộc sống hạnh phúc. Chim Phụng cũng trở thành biểu tượng của “cát tường như ý”, được người xưa sử dụng trong hôn lễ, trong những dịp chúc mừng điều tốt đẹp.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…