(Tranh: Public Domain)
Mai, lan, trúc, cúc được xưng là “tứ quân tử”, xuất hiện thường xuyên trong các tác phẩm của thi nhân và họa sĩ thời xưa, trở thành chủ đề truyền thống của hội họa.
Hoa mai, hoa lan, cây trúc và hoa cúc đều là loài thực vật không ngừng vươn lên, bên ngoài tao nhã, bên trong thanh đạm. Mỗi loài cây này lại có những phẩm chất riêng như kiêu hãnh, tịch mịch, kiên định và thanh đạm. Hoa mai cao quý và kiêu hãnh, hoa lan thanh nhã và kỳ ảo, cây trúc khiêm nhường và thẳng thắn, hoa cúc mát mẻ và thanh khiết. Người xưa gửi gắm tình cảm thực sự của mình trong từng bông hoa, ngọn cỏ, hòn đá và cây cối, qua đó mở rộng ý nghĩa ban đầu của chúng, biến chúng thành biểu tượng và ẩn dụ về nhân cách. “Mai lan trúc cúc” vừa khéo tiếp diễn bốn mùa xuân hạ thu đông, văn nhân gọi chúng là “tứ quân tử”. Điều này cũng cho thấy cảm ngộ của họ về ý nghĩa của sinh mệnh và cuộc sống.
Người xưa nói: “Mai dĩ hình thế vi đệ nhất”, tức là đối với mai thì tư thế và hình thái là ở vị trí thứ nhất. Mai có nhiều hình thái khác nhau như: cúi xuống, ngẩng lên, nghiêng, nằm… và có các tư thế như đứng thẳng, cong gập và nghiêng lệch. Cây mai uốn lượn, thô ráp mang vẻ đẹp nam tính, đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, mạnh mẽ và kiên cường. Cành mai mảnh khảnh, màu sắc hài hòa, lúc cong như rồng đang bơi, lúc buông rủ xuống, thể hiện ra lực độ rất mạnh mẽ.
Trong hội họa truyền thống, vẽ cây mai sẽ lấy thân, cành và hoa làm ba bộ phận chính. Thân cây mai được chia thành thân già, thân thô và thân mảnh. Thân già sẽ có nhiều chỗ khúc chiết, cong queo cho thấy sự già cỗi. Cành cây mai là nơi hoa nở, vì vậy khi vẽ cành mai người ta sẽ vẽ có các cành dài, ngắn, cong và thẳng để trông đẹp mắt. Hoa mai có năm cánh, là năm vòng tròn nhỏ.
Hoa lan có màu nhạt và hương thơm trong trẻo. Chúng thường mọc ở những nơi vắng vẻ, u tối, tỏa ra mùi thơm thoang thoảng trong các thung lũng hoang vu và không chen lấn với thế giới bên ngoài. Chúng sống ở vùng núi và không ưa sự ồn ào và náo nhiệt của nơi phố thị đông đúc. Vì vậy, chúng thường được coi là biểu tượng của một người quân tử khiêm tốn. Cổ nhân thường dùng “lan chương” để miêu tả vẻ đẹp của thơ ca và “lan giao” để miêu tả tình bạn chân thành. Hoa lan còn được dùng để biểu đạt tình yêu thuần khiết, “Khí nhược lan hề trường bất cải, tâm nhược lan hề chung bất di”, khí giống hoa lan, luôn không đổi, tâm tựa hoa lan, mãi không dời.
Khi vẽ lan, trọng tâm chính là hoa và lá. Đối với lá lan, cần ít nhất ba nét để tạo thành một cụm. Đối với một cụm lớn có nhiều lá thì sẽ lấy một cụm làm cụm chính và các cụm nhỏ còn lại là cụm phụ và chúng được vẽ theo độ thưa, dày, đậm nhạt khác nhau.
Trúc cao thẳng, bên trong rỗng và có đốt, không bị tàn lụi khi gặp mùa đông băng tuyết nên được gọi là “đông sinh thảo”, nghĩa là loài sống được vào mùa đông. Sử học gia Tư Mã Quang từng cảm khái về sức sống mạnh mẽ của cây trúc: “Tuyết sương đồ tự bạch, kha diệp bất cải lục”, tuyết sương một màu trắng, cành lá cây vẫn xanh. Cây trúc dù ở trong hoàn cảnh nào vẫn mọc thẳng, khiêm tốn, cương trực, không kiêu ngạo cũng không siểm nịnh hèn mọn, cả đời phóng khoáng, được coi là biểu tượng của những người cao nhã khác biệt với thói tục.
Trúc có thân, cành, đốt và lá. Cành trúc là bộ phận phụ của thân, thế của thân lại dựa vào cành. Có thể vẽ các đốt cao, rắn chắc với mực dày đậm làm cho chúng trở nên sống động hơn. Lá trúc được coi là linh hồn của cây, mỗi chiếc lá đều sống động theo từng nét vẽ, không cứng nhắc, có thể nhảy múa khi gặp gió, rủ xuống khi gặp mưa và mạnh mẽ sau cơn mưa.
Hoa cúc đẹp lại không dễ tàn. Khi mọi loài hoa khác đều đang tàn thì hoa cúc lại nở rộ khoe vẻ đẹp tao nhã. Người xưa có phong tục thưởng thức hoa cúc và uống rượu hoa cúc vào dịp Tết Trùng Cửu. Thi nhân thời Đường, Mạnh Hạo Nhiên, viết: “Đãi đáo trọng dương nhật, hoàn lai tựu cúc hoa”, đợi đến ngày trùng dương, trở lại nơi đây dựa vào nhau ngắm hoa cúc nở. Trong các truyền thuyết thần thoại hay trong dân gian, hoa cúc còn được coi là biểu tượng của sự may mắn và trường thọ. Trong “tứ quân tử”, hoa cúc tượng trưng cho sự thoát tục, không khoe nở với các loài hoa khác nên thường được dùng để tượng trưng cho phẩm chất cao quý, kiên cường bất khuất, không tranh đua với thói tục.
Các bộ phận chính của hoa cúc gồm hoa, lá và thân. Thân cây là bộ phận nâng đỡ của hoa, làm cho hoa sống động và tự nhiên. Khi vẽ thân cây hoa cúc thì không nên vẽ thân thẳng tắp vì sẽ khiến hoa khô khan cứng nhắc, không có thế, mất đi vẻ quyến rũ, nên vẽ cây hoa hơi cong giống như đang nhảy múa trong gió.
“Tứ quân tử” mai, lan, trúc, cúc được các họa sĩ và văn nhân yêu thích trong hàng ngàn năm qua vì vẻ đẹp tao nhã, giản dị, và cũng đã trở thành một trong những biểu tượng của văn hóa truyền thống.
Theo Sound Of Hope
Tác giả: Tịnh Âm
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
CNN vừa công bố hình ảnh bức chân dung mà Tổng thống Nga Vladimir Putin…
Nghiên cứu cho thấy các chuyến tham quan thực tế có thể cải thiện điểm…
Anh Adam Kadyrov, con trai của ông Ramzan Kadyrov — lãnh tụ khu vực Chechnya…
Ông Sergei Shoigu cảnh báo, việc triển khai quân đội NATO đến Ukraine có thể…
Theo kênh ABC của Mỹ, Nhà Trắng hiện đang tích cực thúc đẩy một loạt…
Ông Volodymyr Zelensky là khó đàm phán hơn trong hai người đứng đầu hai bên…