Mấy ngày này ngoài công việc, có bao nhiêu thời gian rảnh thì Voi lại vào mạng và chăm chú hướng về Hồng Kông, nơi có các bạn trẻ đang tranh đấu đòi dân chủ cho quê hương mình.
Qua các bài báo, thông tin, hình ảnh và qua xem trực tiếp trên link youtube có thể thấy các bạn trẻ Hồng Kông rất có ý thức tổ chức và hành động rất nhịp nhàng. Mỗi một bạn trẻ là một thủ lĩnh tiềm năng và sẵn sàng đứng lên thay thế nên chiêu “bắt nhốt, cô lập những người đứng đầu” của chính quyền đã không thể dập tắt được các cuộc biểu tình diễn ra. Các bạn trẻ không đập phá, đốt xe cảnh sát, không chửi bới nhục mạ khiêu khích cảnh sát, không đập phá hôi của. Các bạn thu gom rác, giữ sạch sẽ nơi công cộng. Các bạn nhanh nhạy cập nhật thông tin lên internet và dùng nước mắt cùng lòng kiên định của mình để đối phó với dùi cui và hơi cay.
Và các bạn đã cho chính quyền, người dân và cả thế giới thấy việc các bạn đang làm là đúng đắn. Các bạn kêu gọi sự ủng hộ của mọi giới, mọi nước từ chính hành động của mình. Người dân Hồng Kông ủng hộ các bạn, cha mẹ các bạn ủng hộ các bạn và tất cả đã làm nên một sức mạnh to lớn. Vì sao các bạn làm được những điều ấy? Vì các bạn có một môi trường phát triển tốt, các bạn được nuôi dạy để trở thành những công dân xã hội đầy trách nhiệm và nhân bản.
Ngưỡng mộ cùng khâm phục các bạn trẻ Hồng Kông, nhìn lại đất nước mình, thế hệ trẻ ở đất nước mình mà không khỏi ngậm ngùi. Đất nước này không hề thiếu những thanh niên nhiệt huyết như Joshua Wong. Đã có những bạn trẻ phải vào tù vì hành động yêu nước, đòi dân chủ cho quê hương. Những cuộc biểu tình, xuống đường của các nhóm xã hội dân sự khởi xướng thường không thu hút được nhiều người tham gia.
Những người tham gia biểu tình dễ dàng bị đàn áp, bắt bớ, đánh đập và các cuộc biểu tình nhanh chóng bị phá vỡ. Lần hồi chìm ngấm. Khi có các cuộc biểu tình lớn nổ ra thì lại xảy ra tình trạng đập phá, hôi của, đốt phá quá tàn tệ. Người dân không tham gia hưởng ứng và không ủng hộ biểu tình dưới mọi hình thức. Và cũng chính người dân xuống đường biểu tình dưới hình thức xin-cho khi và chỉ khi quyền lợi chén cơm manh áo sát sườn bị đụng đến. Các nhà hoạt động xã hội dân sự cô đơn, chia rẽ và không tập hợp được lực lượng. Bên cạnh đó họ còn phải chịu đựng áp lực từ gia đình, người thân, bạn bè và có nguy cơ tù đày bất cứ lúc nào.
Voi tự hỏi, nếu Joshua Wong ở Việt nam, bạn làm được gì? Có thể bạn sẽ bị bắt, bị nhốt ngay khi bạn vừa có ý đồ thành lập nhóm. Hoặc giả ba mẹ bạn sẽ chửi mắng bạn và quyết liệt ngăn cản bạn bằng mọi biện pháp và họ biện minh đó là vì họ “yêu” bạn. Họ không cho bạn sống với ước mơ của mình, họ không để bạn tự do làm điều bạn muốn và khi bạn tham gia hoạt động xã hội… họ sẽ chửi bạn là thằng con ngu dại. Bạn bè của bạn sẽ xa lánh bạn, bạn không thể tập hợp được những bạn bè cùng chí hướng để lập kế hoạch cho bất cứ việc gì ngoại trừ chơi.
Nhà trường sẽ tạo áp lực buộc bạn phải đi theo lề và nếu bạn bất tuân họ sẽ ném bạn ra khỏi cổng trường ra ngoài xã hội – cái xã hội nơi chỉ biết có tiền và thân thế. Bạn sẽ thất nghiệp, vật vờ và ý chí bị bẻ gẫy. Gia đình bạn sẽ gào lên và cho rằng thật nhục nhã khi có một thằng con như bạn! Bạn sẽ cô đơn vô cùng vô tận trong một xã hội mà ở đó người ta chỉ biết nghĩ và sống cho mình, không có mấy người làm tròn trách nhiệm một công dân xã hội.
Những ngày này, Voi thấy rất nhiều sự so sánh giới trẻ Hồng Kông và giới trẻ Việt Nam. Càng ngưỡng mộ giới trẻ Hồng Kông bao nhiêu thì người ta lại càng ngậm ngùi và không ít trách mắng giới trẻ Việt Nam bấy nhiêu. Voi cũng không tránh được tâm trạng đó. Tuy nhiên, khi ngồi nhìn lại mọi sự, Voi thấy thông cảm hơn là trách giới trẻ Việt Nam. Người mà Voi muốn trách là các bậc làm cha làm mẹ ở Việt Nam. Các vị đã làm hỏng chính đất nước này khi đi theo một con đường mà chính các vị cũng tù mù không biết nó dắt dân tộc về đâu. Cứ coi như là lúc đó các vị không biết và tin tưởng vào lý tưởng của các vị đi nhưng trải qua mấy chục năm càng ngày càng thụt lùi, càng ngày càng xuống cấp về mọi mặt mà các vị vẫn im lặng và mặc nhiên chấp nhận thì trách nhiệm của các vị với xã hội nằm ở đâu?
Bên cạnh đó các vị lại góp sức cùng với hệ thống giáo dục tuyên truyền hoang đường bằng thói gia trưởng, áp đặt theo hủ tục hoặc bảo bọc quá đáng làm hỏng hết thế hệ trẻ này đến thế hệ trẻ khác.
Gia đình là tế bào của xã hội. Những bậc làm cha mẹ là tấm gương cho con cái nhưng các vị luôn sợ hãi và câm lặng, bàng quan trước bất công sai trái thì những đứa trẻ trong gia đình lớn lên cũng sẽ như thế. Chính quyền tuyên truyền và triệt tiêu tư duy, cho ra những sản phẩm cúi đầu tuân phục và các bậc cha mẹ luôn nhiệt tình hưởng ứng đầu độc, giết hại tâm hồn con trẻ từ khi nó mới sinh ra. Voi nói như thế có quá nặng nề không? Xin thưa không.
Hãy nhìn lại chính mình từ những điều nhỏ nhất. Đã có bao giờ các vị ngăn cản con mình tự do leo trèo, tự do chơi bẩn, tự do cắt dán, vẽ viết thay vì hướng dẫn chúng chơi đúng cách? Đã có bao giờ các vị cấm đoán hoặc tước bỏ quyền được thử nghiệm các trò chơi cảm giác mạnh của bọn trẻ mà các vị cho là nguy hiểm thay vì dạy cho chúng cách an toàn. Thấy hồ nước các vị cấm trẻ lại gần thay vì dạy chúng biết bơi. Thấy bạn của chúng “hư hỏng” (theo nhận định của các vị) thì các vị cấm con mình chơi cùng thay vì các vị dạy con mình nên tìm hiểu và giúp con mình quan tâm giúp đỡ bạn… Ví dụ nhiều vô cùng, kể sao cho xiết.
Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia với một cái khuôn quái gở ra đời, tồn tại, tiếp nối… Hy vọng gì? Các vị kêu gào Việt Nam thụt hậu, không sản xuất nổi cái đinh gỉ nhưng cũng chính các vị sẳn sàng đánh đập bầm dập một đứa trẻ nếu nó tháo cái radio của các vị ra “nghiên cứu”! Chờ mong gì? Chính các vị đã giết chết sự sáng tạo, tìm tòi học hỏi của con trẻ và nhồi cho nó những điều không tưởng hoặc thói yêu-thương-có-điều-kiện.
Một xã hội có thay đổi hay không, có phát triển hay không là nhờ vào những con người trong xã hội đó. Giới trẻ Việt Nam ngày nay là sản phẩm tất yếu của cái xã hội nơi mà mọi giá trị văn minh, văn hóa, đạo đức bị bào mòn và mất dần. Chúng không thể phát triển bình thường và trở thành công dân xã hội trong một môi trường bị đầu độc từ nhà cho đến trường và xã hội như thế. Chúng ta muốn thay đổi, chúng ta muốn được hưởng phồn vinh, tự do dân chủ, yên bình nhưng chúng ta không chấp nhận hy sinh, đánh đổi trả giá thì mãi mãi chúng ta chỉ là những con cừu trong một đất nước ngày càng lùi dần về mông muội.
Thay đổi thể chế, thay đổi giáo dục để xây dựng lại mọi thứ, đào tạo lại con người? Vâng, điều đó lại cũng cần đến sự chấp nhận hy sinh, thay da đổi thịt – một quá trình đau đớn – mà không phải ai cũng sẵn sàng. Khi nào có được đám đông ý thức được trách nhiệm của chính mình đối với xã hội thì lúc đó chúng ta mới có thể làm nên cuộc đổi thay. Hãy vứt bỏ những tự hào ảo tưởng và nhìn lại chính mình. Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, thay đổi tư duy chính mình và người khác từ gia đình ra xã hội.
Cùng nhau trao đổi vấn đề và tìm giải pháp là bạn đang thực hiện trách nhiệm công dân của mình. Tri thức không tự dưng mà có, dân chủ, tự do, văn minh và phát triển không từ trên trời rơi xuống nếu chúng ta không đứng lên giành lấy và thực hiện quyền cũng như trách nhiệm của mình.
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Bài đã đăng trên BBC tiếng Việt với tựa “Nếu Joshua Wong ở Việt Nam”
Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình”:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…