Dạy con kỹ năng sinh tồn
- Nguyễn Thị Bích Ngà
- •
Quá nhiều lần chúng ta phải đón nhận những tin tức trẻ em chết đuối, chết vì sự tắc trắch của người lớn hoặc chết vì không có kỹ năng sinh tồn. Giáo dục ở ta trong nhiều năm qua luôn chạy theo thành tích, học sinh học dở cũng bị đôn lên tiên tiến, khá… để báo cáo lấy điểm thi đua, để thầy cô và trường không bị đánh rớt điểm lớp chuyên trường chuẩn. Học sinh ở trường bị coi như những công cụ thí nghiệm, ở nhà bị áp lực từ ba mẹ bởi những kỳ vọng họ không đạt được cho bản thân. Càng ngày trẻ em càng bị lôi ra xa khỏi môi trường tự nhiên – là môi trường tìm hiểu và học hỏi kỹ năng sinh tồn một cách khoa học và hợp lý nhất.
Người ta dạy con phải biết tính nhẩm như thần đồng, phải đọc vanh vách một bài thơ, viết tiểu luận như một nhà văn và nói tiếng Anh như gió mà quên dạy con phải biết cách sống sót. Nếu một đứa trẻ không thể tự xoay xở để sống sót, không biết cách tìm trợ giúp khi gặp hiểm nguy thì liệu những điểm số 10 văn toán ngoại ngữ có nghĩa lý gì?
Những cái chết của trẻ con luôn là trách nhiệm của người lớn. Hãy hành động đi, ngay từ trong chính tư duy của mình, để hạn chế đến mức thấp nhất những điều đau lòng xảy ra. Con tôi, con bạn, con hàng xóm… không một đứa trẻ nào an toàn nếu ta không thay đổi tư duy trong cách nuôi dạy con cái và giao phó mọi sự cho nhà trường – mà ta đã biết mỗi ngày lại càng thêm nhiều kẻ vô trách nhiệm làm công việc giảng dạy hoặc quản lý giáo dục.
Trong những bài viết về nuôi dạy con trước đây, tôi thường xuyên lặp đi lặp lại việc dạy con tính tự lập và luôn nhắc bố mẹ hãy hướng dẫn cho con các kỹ năng. Một đứa trẻ có tính tự lập cao sẽ không bị quá hoảng sợ khi rơi vào tình huống đi lạc, bị bỏ quên hay gặp tai nạn. Đứa trẻ có tính tự lập sẽ biết tư duy để tìm mọi cách thoát khỏi tình trạng tồi tệ mà nó gặp phải. Muốn vậy, bố mẹ phải để con được phát triển tự nhiên, phải để con đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi, phải có thời gian cho con chơi, con khám phá, con học các kỹ năng và dạy cho con cách tư duy.
Khi đưa con đi du lịch sông nước, bạn có dạy con tập bơi trước đó không? Có giải thích cho con khi mặc áo pháo cho trẻ không? Hay bạn chỉ biết cấm con không được chồm người ra khỏi mạn thuyền hoặc cấm nó không được đến gần mép nước? Bạn có đang ngụy biện, đổ thừa là bạn quá bận cho việc dạy con tập bơi không?
Bạn đưa con ra công viên chơi hoặc về quê chơi, bạn có dạy trẻ trèo cây, có bỏ thời gian ra để làm các vật dụng cho con tập leo trèo không? Có dám đóng ván, tạo các mấu để con bám tập trèo trên tường nhà bạn không hay bạn sợ làm hỏng bức tường đẹp? Hay bạn sợ trẻ ngã gãy tay thì bạn lại phải vất vả chăm sóc nó? Bạn có đang ngụy biện, đổ thừa cho một hoàn cảnh nào đó không?
Bạn có dạy trẻ nhớ số điện thoại của người thân? Bạn có dạy trẻ nhớ đường về nhà? Bạn có dạy trẻ kêu cứu và nhờ sự giúp đỡ? Bạn có dạy trẻ cách nhúng khăn ướt bịt mũi và trùm người chạy ra khỏi đám cháy? Bạn có dạy trẻ tập hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh khi gặp tình huống làm trẻ hoảng sợ? Bạn có dạy trẻ biết cách tạo tiếng động gây chú ý, đập vỡ cửa kính xe, cửa kính nhà khi trẻ vô tình bị nhốt?
Xin đừng bảo rằng một đứa trẻ thì không cần phải học những thứ đó. Đấy là những cái mà chúng cần biết. Bởi chúng ta không thể nào lường hết được mọi rủi ro. Những đứa trẻ được học kỹ năng sinh tồn có nguy cơ chết không? Có. Bởi dù sao chúng chỉ là trẻ con, chúng sẽ khó có thể đập vỡ kính xe để thoát hiểm. Nhưng, ít ra, nếu phải chết, chúng chết trong nỗ lực tự cứu hơn là chết trong hoảng loạn. Và tôi chắc chắn khả năng chúng phải chết là rất thấp.
Sách, tài liệu, clip dạy kỹ năng sinh tồn không thiếu. Hà Nội, Sài Gòn đây đó cũng có những trung tâm dạy kỹ năng cho trẻ. Nhưng cái chính không nằm ở sách, ở tài liệu mà nằm ở tư duy của những người làm bố mẹ và ở cái đầu của những người làm trong ngành giáo dục.
Xin hãy thôi yêu thương con cái bằng tình yêu tử cung, bảo bọc quá đáng nhưng lại không hề dạy bảo những kỹ năng tối cần thiết để con sinh tồn.
Hãy thôi ảo tưởng rằng chúng ta an toàn trong xã hội này và hãy biết kết hợp để đòi hỏi nền giáo dục phải thay đổi. Khi các bạn vẫn còn đổ thừa, ngụy biện, chạy trốn thực tại, thì những cái chết thương tâm của con trẻ sẽ còn tiếp tục xảy ra. Hãy chấm dứt điều đó bằng cách thay đổi tư duy của chính mình.
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm cùng tác giả:
Từ khóa Dạy con Giáo dục con cái Nguyễn Thị Bích Ngà nền tảng giáo dục gia đình