Đào Duy Từ là vị quân sư giúp Đàng Trong cường thịnh, quân đội hùng mạnh chặn đứng nhiều cuộc tấn công của Đàng Ngoài. Ông được tôn là đệ nhất khai quốc công thần của nhà Nguyễn và được thờ ở Thái miếu. Có rất nhiều giai thoại xoay quanh cuộc đời của ông.
Vào giữa thế kỷ 16 ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tỉnh Gia, trấn Thanh Hoa (nay là xã Hải Nhân, huyện Tỉnh Gia, tỉnh Thanh Hoá) có ông Đào Tá Hán làm cấm vệ quân ở kinh thành.
Vốn có tài thơ ca, một lần vui với đám quân sĩ ông liền làm mấy câu thơ, không ngờ lại phạm vào tên húy của Minh Khang Thái vương (tức chúa Trịnh Kiểm), ông bị đánh 20 roi và đuổi về quê.
Về quê ông theo một phường chèo học đàn hát. Vốn thông minh lại có phần đẹp trai, 2 năm sau ông trở thành một kép hát nổi tiếng trong vùng.
Một lần vào hội xuân, ông đi hát ở làng Ngọc Lâm, huyện Lục An, Thanh Hoa. Trong đêm hội xuân, tiếng hát của Đào Tá Hán đã làm rung động trái tim con gái ông Tiên chỉ làng Ngọc Lâm là Vũ Kim Chi. (Tiên chỉ là người có uy tín nhất trong làng, đứng đầu các lễ hội phong tục tín ngưỡng trong làng).
Thời bấy giờ, nghề ca hát được xem là “hát xướng”, có địa vị thấp kém và xã hội xem thường. Vũ Kim Chi là con của Tiên Chỉ một làng, có địa vị cao quý, năm ấy 19 tuổi đẹp nổi tiếng trong vùng, nhiều người có gia thế đến dạm hỏi nhưng chưa ưng ai. Việc bà có tình cảm và muốn lấy người hát xướng thì gặp phải nhiều phản đối nhưng bà bất chấp tất cả.
Cuối cùng gia đình chấp thuận, hai người cũng đến được với nhau. Họ về làng Hoa Trai dựng nhà cửa, cuộc sống hạnh phúc. Năm 1572, bà Kim Chi sinh hạ được một bé trai và đặt tên là Đào Duy Từ.
Hạnh phúc chẳng được bao lâu, năm 1576, ông Đào Tá Hán bị ốm nặng và qua đời. Bà Vũ Kim Chi lúc này vẫn còn rất xinh đẹp nên nhiều người khá giả muốn cưới làm vợ, nhưng bà đều từ chối quyết ở vậy nuôi con khôn lớn.
Đào Duy Từ lớn lên được cho học nơi phường hát. Nhưng phường hát chỉ học chữ cốt sao để ghi chép và hát cho đúng, mà Đào Duy Từ rất thông minh, đâu chỉ gói gọn vào việc học chữ để hát. Chẳng bao lâu thầy đồ trong làng không còn chữ để dạy nữa, vì thế mà cậu xin mẹ tìm thầy khác để học.
Thấy con thông minh lại ham học, Vũ Kim Chi cảm thấy ngậm ngùi, vì thời đó con nhà hát xướng không được phép đi thi. Nhưng tiếc tài học của con, Kim Chi quyết định tìm thầy cho con mình học tiếp.
Đến kỳ thi Hương, nhìn thấy con mình háo hức hăm hở muốn đăng ký đi thi, Vũ Kim Chi không đành lòng, liền đem tiền và nhiều lễ vật đến nhờ xã trưởng làng Hoa Trai là Lưu Minh Phương đổi tên cho con mình sang họ Vũ của mẹ là Vũ Duy Từ để được đi thi.
Xã trưởng từ lâu vốn đã mê nhan sắc của bà Kim Chi, nhưng không có cơ hội, nên đồng ý giúp đỡ nhưng xong việc thì phải đồng ý làm vợ lẽ của y.
Kỳ thi Hương năm 1593, Đào Duy Từ đỗ Á Nguyên, tức đỗ cao thứ nhì, bà Kim Chi vui mừng động viên con mình thi tiếp kỳ thi Hội.
Xã trưởng Lư Minh Phương thấy việc đổi tên thuận lợi nên gặp Kim Chi yêu cầu làm vợ lẽ y như đã thỏa thuận. Nhưng bà Kim Chi khất đến lần khác vì con mình đang đi thi, làm thế khó hợp với lễ. Xã trưởng tức tối thưa chuyện này với Tri huyện Ngọc Sơn vốn là chỗ thân quen, nhờ ông ta xét xử và bắt bà Kim Chi phải chịu làm vợ y.
Không ngờ Tri huyện đem chuyện này bẩm báo lên trên, Đào Duy Từ vừa thi Hội xong thì liền bị bắt và tống giam, bị xóa tên không được thi, đánh tuột luôn Á Nguyên. Ở quê nhà bà Kim Chi cũng nhận được trát bắt lên quan tra hỏi.
Bà Kim Chi vừa lo lắng cho con, vừa oán giận sự bất công của Triều đình, đã phẫn uất thắt cổ tự tử. Đào Duy Từ nghe tin mẹ mất nhưng cũng không được cho về chịu tang.
Lúc này ở phía nam, chúa Nguyễn di dân, mở mang bờ cõi, xây dựng được nhiều trung tâm thu hút thương gia trong ngoài nước đến buôn bán.
Trước sự hùng mạnh ở Đàng Trong, năm 1620, chúa Trịnh vô cớ gây chiến. Chúa Nguyễn quyết định hoàn toàn đoạn tuyệt với việc nộp cống thuế cho đàng ngoài.
Trong khi đó ở Đàng Ngoài, năm 1623, Trịnh Tùng chết, các con tranh nhau ngôi Chúa làm loạn Bắc hà. Các mưu sĩ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên hiến kế rằng nhân cơ hội này đem quân đánh chiếm Đàng Ngoài, vì 3 năm trước chúa Trịnh vô cớ đem quân đánh Đàng Trong.
Thế nhưng Chúa Nguyễn Phúc Nguyên nói rằng: “Ta muốn nhân cơ hội này nổi nghĩa binh để phò vua Lê, nhưng đánh lúc người có tang là bất nhân, thừa lúc người lâm nguy là bất vũ. Huống chi ta với Trịnh có nghĩa thông gia”.
Hào kiệt khắp nơi hiểu cái nghĩa khí của chúa Nguyễn thì theo về rất đông.
Tương truyền rằng Đào Duy Từ cũng vì thế mà đến. Ông nói với chúng bạn rằng: “Tôi nghe chúa Nguyễn hùng cứ đất Thuận Quảng, làm nhiều việc nhân đức, lại có lòng yêu kẻ sĩ, trọng người hiền… Nếu ta theo vào giúp thì chẳng khác gì Trương Lương về Hán, Ngũ Viên sang Ngô, có thể làm tỏ rạng thanh danh, ta không đến nỗi phải nát cùng cây cỏ, uổng phí một đời”.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…