Nhằm giảm áp lực cho Võ Duy Dương, Trương Định tấn công quân Pháp ở nhiều nơi. Điều này khiến quân Pháp điều thêm viện binh từ nước ngoài tới. Có lực lượng mạnh cùng vũ khí hiện đại, quân Pháp tấn công mạnh vào căn cứ Gò Công của Trương Định, nhưng nghĩa quân chiến đấu quyết liệt khiến quân Pháp không sao chiếm được căn cứ này, phải thêm viện binh từ Sài Gòn với nhiều tàu chiến hỏa lực mạnh. Trước hỏa lực mạnh của Pháp, Trương Định phải cho quân rút khỏi căn cứ Gò Công để tránh bị tiêu diệt.
Trước sức mạnh của quân Pháp khi được tiếp viện, Võ Duy Dương tìm nơi hiểm yếu để lập căn cứ. Ngày ấy, Đồng Tháp Mười là một vùng trũng, sình lầy, ngập nước, mênh mông đến 700.000 ha, um tùm lau sậy, nhung nhúc rắn rết, muỗi, đỉa vây quanh mấy khu gò giồng hoang cô độc, mang các tên: gò Bắc Chiêng, gò Giồng Dung, giồng Sa Rây và đặc biệt là gò Tháp – với dấu tích điêu tàn của một tòa tháp 10 tầng để lại từ thời vương quốc Phù Nam từ ngàn xưa. Nơi đây không có con đường ra vào nào khác ngoài con đường duy nhất là kênh Tranh Giang. Võ Duy Dương quyết định chọn nơi hiểm yếu này để lập căn cứ chống Pháp.
Được sự giúp đỡ của Đốc binh Kiều, nghĩa quân tập hợp đến nơi đây. Võ Duy Dương chọn Gò Tháp (thuộc xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) là nơi đặt tổng hành dinh, đồng thời mở một số con đường nhằm tiếp tế lương thực cho căn cứ, ở đầu mỗi con đường này đều cho đặt một đồn binh để canh giữ.
Có căn cứ mới, nghĩa quân được xây dựng ngày càng mạnh và đông đúc, trai tráng Đồng Tháp Mười nô nức tham gia nghĩa quân chống Pháp, quân số lên đến trên 10.000 người. Đây là số quân rất lớn vào lúc đó.
Lúc này chủ tướng Trương Định bị kẻ phản bội chỉ điểm cho quân Pháp đến bắt, Trương Định quyết chiến đến cùng chứ không đầu hàng và tất cả những người theo ông đều ra đi dưới làn đạn quân Pháp.
Thủ khoa Huân được cử đi mua sắm vũ khí, nhưng bị bắt ở Châu Đốc, tiền bạc mua sắm vũ khí đều bị tịch thu. Tuy nhiên các đoàn thuyền từ sông Tiền, sông Hậu mang theo vũ khí và lương thực vẫn bí mật tiếp tế cho nghĩa quân.
Võ Duy Dương xây dựng được lực lượng mạnh rồi đưa quân tấn công các nơi khiến quân Pháp thiệt hại nặng. Đặc biệt vào tháng 7/1865, nghĩa quân tấn công đồn lớn của Pháp ở Mỹ Trà, quân Pháp phải cho viện binh gấp từ Sài Gòn đến giải cứu. Tuy nhiên khi viện binh quân Pháp đến thì trận đánh đã xong rồi, toàn bộ quân Pháp trong đồn Mỹ Trà đều đã bị tiêu diệt, nghĩa quân sau khi đoạt được chiến lợi phẩm đã rút đi.
Quân Pháp yêu cầu Triều đình nhà Nguyễn buộc nghĩa quân phải ngừng hoạt động, cấm dân chúng tiếp tế cho nghĩa quân. Đến tháng 4/1866, Pháp tập hợp đại quân chia làm 3 mũi cùng nhiều tàu chiến có đại bác hiện đại tiến đánh căn cứ nghĩa quân ở Đồng Tháp Mười.
Các cuộc chiến diễn ra rất ác liệt, dù bị thiệt hại nhưng với vũ khí hiện đại, quân Pháp dần tiến được vào phía trong. Võ Duy Dương cùng nghĩa quân hết đạn dược, buộc phải rút khỏi căn cứ. Quân Pháp tiến vào đại bản doanh nhưng bị sụp hầm chông khiến chết và bị thương khá nhiều.
Khu vực đồn Tiền diễn ra cuộc chiến giằng co. Quân Pháp gặp chống cự quá quyết liệt, phải nhờ Việt gian trà trộn vào hàng ngũ nghĩa quân dò la nắm hết hệ thống bố phòng báo cho quân Pháp. Quân Pháp từ 3 mặt tiến đánh đồn Tiền. Khi nghe tin các đồn khác đã rút lui, nghĩa quân đồn Tiền quyết định rút theo. Đốc Binh Kiều đã hy sinh khi chặn quân Pháp để quân lính rút lui an toàn.
Tổng cộng cả trận đánh, quân Pháp bị chết và bị thương khoảng 100 người, trong khi chỉ bắt được 2, 3 người.
Cánh quân do Võ Duy Dương chỉ huy rút về phía đông thì bị quân Pháp chặn lại ở Cái Thia thuộc quận Cái Bè, hai bên đánh rất ác liệt khiến 2 sĩ quan Pháp cùng một số binh sĩ tử trận.
Nghĩa quân dù bị tổn thất rất ít, nhưng do rút ra ngoài theo nhiều cánh nên bị thất lạc. Cuối cùng do không tìm được nhau, có người về nhà lo làm ăn, có người chạy sang An Giang gia nhập vào hàng ngũ của thủ lĩnh người Khmer là Achaxoa…
Võ Duy Dương cho quân rút đến Cao Lãnh rồi đến biên giới với Campuchia, liên lạc với cuộc khởi nghĩa của Trương Quyền (con của Trương Định) và thủ lĩnh người Khmer là Achaxoa cùng chống Pháp.
Nghĩa quân Việt – Khmer có những trận đánh vang dội khiến quân Pháp thiệt hại lớn, đặc biệt là trận đánh ở đồn Tây Ninh vào tháng 6/1866, tiêu diệt toàn bộ quân Pháp ở đây.
Trung tá thủy quân lục chiến Pháp là Marchaise đưa 150 quân đến tiếp viện Tây Ninh. Nhưng khi đến rạch Dinh thì quân Pháp rơi vào trận địa mai phục của nghĩa quân. Vì vũ khí thô sơ nên nghĩa quân dùng lối đánh giáp lá cà cảm tử, trung tá Marchaise cùng nhiều quân Pháp tử trận, số còn lại bỏ chạy.
Trận Tây Ninh – Rạch Dinh gây tiếng vang lớn, sĩ quan Paulin Vial trong cuốn Histoire de la Cochinchine viết:
“Trong khi Pháp lo những cuộc hành binh khác, tin trận rạch Dinh và tin số quân bị thiệt hại của ta làm tràn ra ngoài dân chúng như một làn lửa thuốc súng. Các lãnh tụ khởi nghĩa phái người đi cổ vũ khắp nơi, đến cả trong hàng ngũ chúng ta, đến cả trong phố Sài Gòn và họ tìm cách tấn công ta tại thủ phủ của ta.”
Biết nghĩa quân Võ Duy Dương và Trương Quyền đóng ở tổng cầu An Hạ, ở giữa bưng Tầm Lạc và Vàm Cỏ Đông, Pháp huy động quân cùng pháo thuyền đến tấn công vào. Nghĩa quân vừa đánh vừa rút ra ngoài nhưng một số chỉ huy bị quân Pháp bắt.
Sau đó nghĩa quân tấn công quân Pháp nhiều trận khác nữa. Người Pháp nhận xét rằng:
“Trong thời kỳ chiến tranh này, điều đáng chú ý là ở những kẻ thù của chúng ta có một sự hoạt động, một sự cương quyết và một sự khéo léo vô cùng, dùng các loại súng mà đến nay chưa hề thấy trong người bản xứ. Mỗi một người du kích đến quấy phá những vị trí tiền tiêu của ta hay quấy rối xóm giềng làng xã, họ núp ở những đường nho nhỏ, mà chờ toán quân đi qua để nhắm bắn các vị lãnh đạo của các toán quân đó. Những lính đào ngũ có mặt trong hàng ngũ của kẻ địch và lòng tin tưởng của người Khmer đối với Poucombo, điều ấy tạo ra một tình thế rất nguy hiểm cho quyền thống trị của chúng ta.”
(P. Vial, “Histoire de la Cochinchine”).
Bị tổn thất nặng, người Pháp lại gây áp lực lên Triều đình nhà Nguyễn, khiến Triều đình ra chỉ dụ truy bắt các lãnh tụ nghĩa quân Võ Duy Dương và Trương Quyền. Nghĩa quân gặp khó khăn về vũ khí, lương thực, lại phải thường xuyên di chuyển để tránh bị cả quân Pháp lẫn quân Triều đình bắt.
Để làm vừa lòng người Pháp, Triều đình cử Nguyễn Hữu Cơ vào nam. Nguyễn Hữu Cơ gặp người Pháp đã tiết lộ rằng:
“Bọn Võ Duy Dương nên cho ra đầu thú, dồn đi khai khẩn. Sắc cho tuần phủ Bình Thuận, Khánh Hòa, hễ thấy tên Dương, tên Tuệ (tức Trương Quyền) thì đem đổi tên, cấp cho ngựa trạm về Kinh đô, phái đi nơi khác, cho hết điều tiếng (với người Pháp)”.
(Theo “Đại Nam thực lục chính biên”).
Sau này trong các tài liệu của Pháp thấy có 2 bản tấu nghị của Võ Duy Dương đồng ý với Triều đình sẽ đến Khánh Hòa, rồi đến Huế nhằm dâng kế sách đánh Pháp lấy lại Nam bộ. Trong bản tấu có ghi kế sách cụ thể như: “đề nghị nhà vua cho phép dùng mưu kế thu hồi lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ”, “nếu nhà vua cho lệnh, có thể tiêu diệt hết binh lính Pháp ở nơi kênh rạch nhỏ hẹp, nơi mà các đại bác mất tác dụng”…
Theo “Đại Nam thực lục” thì thuyền của Võ Duy Dương và thuộc hạ bị đắm và tất cả đều mất trên biển.
“Đại Nam quốc sử” có ghi chép rằng:
“Người ta nghe tin ông Võ Duy Dương mới chết chìm tại phía mũi Đinh (Padaran), là nơi ông đánh với ba chiếc ghe tàu ô của đảng ăn cướp, quân ấy hạ hết người trên hai ghe”
Trong báo cáo của một người tên là Nguyễn Đức Hạnh gửi mật thám Pháp có viết rằng:
“Người này tên là Dương đã bỏ trốn sau khi Tháp Mười bị chiếm. Ông ta lên chiếc ghe bầu để đi Bình Thuận. Trước khi đến xứ này, ông đã bị tên Lý Sen, cầm đầu một đám cướp biển tấn công. Lý Sen đi trên một chiếc thuyền mành mà người ta gọi là “Thiền du”, đã cho liệng xuống biển tất cả những người An Nam đi trên chiếc ghe cửa này. Lý Sen lục lọi trong một chiếc rương lớn lấy tất cả áo quần, các cấp bằng và mũ miện của Thiên Hộ Nguyên soái tên Võ Duy Dương”.
Còn người dân Đồng Tháp thì lưu truyền rằng Võ Duy Dương bị cướp biển giết khi ở cửa biển.
Tưởng nhớ đến ông, người dân Đồng Tháp Mười đã lập đền thờ ông ở Gò Tháp, ngay tại tổng hành dinh xưa kia của nghĩa quân. Nơi đây cũng được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Tại nơi sinh ra ông ở xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, dòng họ đã góp tiền dựng đền thờ ông vào năm 1997, hàng năm đều tổ chức lễ tế.
Tại đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Kiều ở Gò Tháp có đôi câu đối:
Sử sách sáng chói danh Thiên Hộ,
Bia miệng lưu truyền tiếng Đốc binh.
Ở đây còn lưu truyền câu ca dao:
Chiều chiều mây giục gió vần
Cảm thương Thiên Hộ xả thân cứu đời!
(Hết)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…