Hàng năm, người Việt đều có nhiều dịp lễ tết khác nhau, trong đó Tết Nguyên Đán luôn được coi là ngày tết lớn nhất. Ngày này dù có đi xa đến đâu thì hấu hết người Việt cũng đều trở về đoàn tụ với gia đình. Ngoài ra, trong năm cũng còn một số ngày lễ tết truyền thống có thể kể tới như tết Hàn Thực, tết Thanh Minh, tết Đoan Ngọ, tết Trung Thu, tết Trùng Cửu, tết Hạ Nguyên… Những ngày lễ tết truyền thống này thì không phải ai cũng để ý, nhưng chúng đều mang ý nghĩa hay câu chuyện điển tích đằng sau.
Ngày đầu năm âm lịch là Tết, là ngày lễ tết truyền thống lớn nhất trong năm của dân tộc Việt từ cổ xưa truyền lại. Âm lịch mà người Việt quen gọi thực chất là âm dương lịch hay nông lịch, là lịch chuyên dành cho việc nhà nông từ xa xưa, gắn liền với nền văn minh lúa nước.
Người Hoa Hạ ở thời điểm khởi nguyên vốn không mạnh về văn minh lúa nước này vì họ ở dải đất phía Bắc sông Dương Tử, không thích hợp cho việc trồng lúa nước vì điều kiện thời tiết và địa hình. Trong khi đó, người Bách Việt ở vùng đất phía nam sông Dương Tử lại rất phát triển nông nghiệp. Ngày nay vùng đất phía nam vẫn là vựa lúa của Trung Quốc.
Ngày Tết là ngày đặc biệt của nền văn minh lúa nước, là dịp lập xuân, bắt đầu của một năm trồng trọt mới. Các dân tộc như Mường, Nùng, Thái, Tráng, Chàm… cho đến cả vùng đông bắc Ấn độ, Nepal, Mustang, Munda… đều có ngày này. Và điều đặc biệt là trong ngữ hệ của họ đều có cách phát âm “đại đồng tiểu dị” của từ “Tết”.
Tộc Bách Việt vẫn sống ở phía nam sông Dương Tử từ lâu đời, trong khi người Hoa Hạ sống ở phía bắc. Bấy giờ người Bách Việt phần nhiều sống ở vùng đất phía nam Trung Nguyên, có thể nói là vùng đất của nước Sở, nước Ngô, nước Việt thời Xuân Thu Chiến Quốc và kéo dài thêm xuống phía nam. Tư Mã Thiên cũng chép rằng nước Sở, nước Ngô, nước Việt trong một thời gian dài bị coi là man di, không được liệt vào hàng chư hầu của Trung Nguyên như Tề, Tấn, Lỗ, v.v…
Sau này người Bách Việt bị đẩy lui dần về phương nam, một bộ phận ở phương nam lập quốc (Đại Việt – Đại Nam – Việt Nam), còn những người còn sót lại thì đã trở thành các dân tộc thiểu số sống ở Trung Hoa. Đến ngày nay hậu bối của tộc Bách Việt chính là các dân tộc thiểu số còn sót lại ở phía nam sông Dương Tử.
Xét về huyền sử thì người Hoa Hạ xem Thần Nông là thủy tổ của mình thời Tam Hoàng, trong khi đó người Việt cũng xem Thần Nông là thủy tổ của mình. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” ngay từ phần lời tựa Ngô Sĩ Liên đã chép rằng: “Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam-Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương”. Huyền sử cho rằng vương quốc của Thần Nông rất rộng lớn, bao trùm cả sông Dương Tử, một phần sông Hoàng Hà. Thần Nông cai quản phương nam nên còn được gọi là Viêm Đế, chữ Viêm (炎) do 2 chữ hỏa chồng lên nhau, mà hỏa thuộc phương nam.
Người Trung Hoa có cách gọi đơn giản cho ngày Tết là “tân niên” (nông lịch tân niên hay năm mới nông lịch), họ cũng không gọi đây là Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên trong lịch sử Trung Hoa, ngày “tân niên” này đã thay đổi qua rất nhiều tháng trong năm, đến thời nhà Hán mới quy định trùng với tháng Giêng nông lịch.
Người Việt tới thời cận đại gọi ngày Tết là “tiết Nguyên Đán”, “Nguyên” (元) là bắt đầu, “Đán” (旦) là chỉ sáng sớm với hình tượng mặt trời vừa nhô lên khỏi đường chân trời. Do từ “Tết” vốn không có sẵn trong tiếng Hán (nhưng có sẵn trong rất nhiều ngữ hệ thuộc văn minh lúa nước), và ở một mức độ nào đó là tương đương với “tiết”, nên chúng ta dùng từ này trong Hán Nôm.
Như vậy xét về lịch sử mà nói, ngày Tết của một dải văn minh lúa nước của người Bách Việt là có trước ngày “tân niên” của Trung Hoa.
Hàn Thực là ngày lễ tết truyền thống vào ngày mùng 3 tháng 3 nông lịch. “Hàn thực” nghĩa là ăn thức ăn nguội. Ý nghĩa của ngày này là nhằm nhắc nhở nhau không được quên ơn cũ.
Nguồn gốc tết Hàn Thực có từ Trung Hoa cổ xưa. Vào thời Xuân Thu, công tử Cơ Trùng Nhĩ của nước Tấn trong thời gian lưu lạc đã tụ hợp được nhiều nhân sĩ theo giúp, trong đó có Giới Tử Thôi. Một lần trên đường đi, vì hết lương thực lâu ngày, Giới Tử Thôi đã cắt thịt đùi của mình, nấu chín rồi dâng lên cho Cơ Trùng Nhĩ. Cơ Trùng Nhĩ ăn xong mới biết chuyện thì cảm kích vô cùng.
Sau 19 năm lưu lạc khắp nơi, nhiều phen gặp nguy hiểm, Cơ Trùng Nhĩ mới trở về lên ngôi vua, hiệu là Tấn Văn Công. Đây là một vị vua nổi tiếng, xưng bá thời Xuân Thu. Tấn Văn Công ban thưởng cho những người có công phò tá giúp đỡ mình suốt 19 năm lưu lạc, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không để ý chuyện này, lặng lẽ đưa mẹ đến ở núi Điền Sơn.
Có người biết chuyện đã bất bình, viết thư treo ở cửa cung. Tấn Văn Công nhớ ra liền cho người đi mời Giới Tử Thôi về để báo ân nhưng không được. Tấn Văn Công lại tìm đến núi Điền Sơn nhưng Giới Tử Thôi đã quyết chí ở ẩn phụng dưỡng mẹ nên cũng không tiếp. Tấn Văn Công phần vì ngượng, phần vì giận, liền cho người đốt khu rừng để Giới Tử Thôi phải chịu ra. Tuy nhiên hai mẹ con Giới Tử Thôi đã bị chết cháy trong rừng.
Tấn Văn Công thương xót cho lập miếu thờ trên núi và gọi núi này là Thôi Sơn, còn khu rừng và đất nơi ấy gọi là ruộng Tử Thôi. Hôm Tử Thôi mất là mùng 5 tháng 3 nông lịch. Người dân Trung Hoa thời xưa cứ đến ngày này thì không nhóm lửa 3 ngày liền, bắt đầu từ mùng 3 tháng 3 và chỉ ăn đồ ăn nguội. Đây chính là nguồn gốc tết Hàn Thực, nhắc nhở nhau không được quên ơn cũ.
Ở Việt Nam vào tết Hàn Thực thì mọi người làm bánh trôi bánh chay thay thế cho thức ăn nguội.
Tết Thanh Minh là một trong 24 tiết khí của nông lịch, cũng là một ngày lễ tết truyền thống. Tiết Thanh Minh là tiết khí đẹp nhất, với hàm nghĩa là trời trong xanh, không khí cũng rất trong lành.
Ở Việt Nam, người Việt dành thời gian đẹp nhất trong năm này để nhớ về người đã khuất, đi tảo mộ, sửa sang lại mộ phần, rồi làm cỗ cúng gia tiên, tưởng nhớ đến lời dạy của cha ông, sống có cội có nguồn.
Vào dịp này, ở Trung Hoa thì có “hội Đạp Thanh”, vì thời tiết rất đẹp nên người ta đi thưởng ngoạn, du xuân, chơi trò chơi.
Tế Đoan Ngọ diễn ra vào ngày 5 tháng 5 nông lịch, từ chữ “Đoan Ngọ” mà xét thì đây được coi là thời điểm khí dương lên thịnh nhất trong năm nông lịch.
Người Việt thường gọi ngày này là ngày “giết sâu bọ”, gắn liền với việc nhà nông. Theo truyền thuyết thì một năm nọ người dân được mùa, nhưng sau khi thu hoạch xong sâu bọ xuất hiện rất nhiều, gây hại cho số lương thực vừa thu hoạch. Dân chúng đang lo lắng không biết làm cách nào thì bỗng có ông lão từ nơi xa đến, chỉ cho dân cách lập đàn cúng đơn giản với bánh, trái cây. Sau khi cúng xong thì không còn thấy sâu bọ nữa. Từ đó ngày tết này được gọi là ngày “diệt sâu bọ”. Ngoài ra, nó cũng mang hàm ý loại bỏ đi những thứ âm, những điều không may mắn.
Tết Đoan Ngọ còn gắn liền với một điển tích Trung Hoa. Theo đó vào thời Xuân Thu, nước Sở có trung thần là Khuất Nguyên. Vì can ngăn vua không được, Khuất Nguyên liền ôm đá gieo mình xuống sông Mịch Là mà chết. Hôm đấy đúng vào ngày mùng 5 tháng 5. Người dân thương tiếc chèo thuyền đi tìm nhưng không sao tìm được, nên dùng nếp và lá để gói thành bánh thả xuống sống, mong tôm cá sẽ ăn bánh chứ không rỉa xác của Khuất Nguyên. Bởi vì sự việc này cho thấy khí tiết “nghĩa vô phản cố”, dương khí, chính nghĩa lên cực thịnh, nên ứng với cách gọi Đoan Ngọ. Người Hoa ngày này tổ chức đua thuyền, làm bánh.
Rằm tháng 8 là tết Trung Thu, là ngày lễ truyền thống rất được xem trọng. Không rõ tết Trung Thu xuất phát từ người Hoa Hạ hay người Bách Việt. Tuy nhiên ở cả hai nền văn hóa này đều rất coi trọng tết Trung Thu.
Vào dịp Trung Thu thời xưa, ban ngày thì người ta cúng gia tiên, đến tối thì bày cỗ ngắm trăng linh đình. Cả người lớn và trẻ em đều có các trò chơi khác nhau. Ngoài ra còn có rước đèn, rước sư tử, đánh trống reo hò, hát trống quân, v.v..
Trung Thu đã xuất hiện trong văn hóa Hoa Hạ từ thời nhà Chu. Đến thời Đường thì được coi trọng. Đến thời Tống thì xuất hiện tục làm đèn, rước đèn. Những tục lệ này đều được hòa trộn vào dịp Tết Trung Thu của người Việt hiện nay.
Ngày mùng 9 tháng 9 nông lịch là tết Trùng Cửu. Trùng là lặp lại, Cửu là số 9. Nên Trùng Cửu là số 9 được lặp lại. Đây là ngày lễ tết cuối cùng sau mùa thu hoạch của người Hoa Hạ, rồi trời sẽ trở lạnh để vào đông.
Tết này thời xưa còn được gọi là “Kính Lão Tiết”. Sau khi mùa màng được thu hoạch vào mùa thu, con cháu có nhiều món ngon vật quý để dâng cho bậc trưởng bối.
Dịp lễ này được truyền vào nước ta từ thời Hán. Sau này ở Việt Nam cũng có ít người còn theo tục lệ này. Điều chủ yếu nhất là do thời điểm thu hoạch của hai nền văn minh là khác nhau. Ở nước ta thì có tết Hạ Nguyên.
Tết Hạ Nguyên là lễ hội rất quan trọng trong các lễ tết cổ truyền của người Việt. Ngày này đặc biệt quan trọng đối với người dân tộc thiểu số, những người vẫn còn lưu giữ phong tục truyền thống. Với họ, ngày lễ này quan trọng tương tự như ngày Tết Nguyên Đán vậy. Lễ Hạ Nguyên còn được gọi là Tết cơm mới hay lễ mừng lúa mới.
Ở nước ta, tết Hạ Nguyên được tổ chức vào mùng 10 tháng 10, hoặc ngày rằm tháng 10 nông lịch. Các gia đình sẽ tổ chức nghi lễ, làm bánh, nấu chè, v.v. dâng lên bàn thờ tổ tiên cảm tạ Trời đất và thần linh giúp cho được vụ mùa.
Ở Trung Quốc ngày nay thì vừa có ngày tết Hạ Nguyên, vừa có ngày tết Trùng Thập. Tết Trùng Thập là của nền văn minh Hoa Hạ, cho rằng ngày 10 tháng 10 nông lịch, cây thuốc mới tụ được khí âm dương, kết được sắc tứ thời nên thời điểm này lấy thuốc là tốt nhất. Các gia đình làm nghề thuốc đều làm cơm, cỗ linh đình mời bạn bè họ hàng đến dự. Do đó đây còn được coi là dịp lễ tết của người thầy thuốc.
Trong khi đó, người Hoa Hạ tràn xuống phương nam, hòa trộn với nền văn minh lúa nước của người Bách Việt, nên cũng kỷ niệm cả ngày tết Hạ Nguyên. Nhưng ngày tết Hạ Nguyên này thường được người Hoa tổ chức vào 15 tháng 10 nông lịch.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…