Categories: Xã luậnBlog

Truyện ngắn: Nhà thơ già

Ảnh minh họa (Nguồn: Tong_stocker/ Shutterstock)

Bà: Này này, từ hôm về nhà, ông không nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe, cứ lúi húi viết viết lách lách gì thế?

Ông: Không sao đâu, viết mấy vần thơ đó thôi. Mấy hôm nay không hiểu sao có hứng thú. Việc nhẹ nhàng, không sao mà. Ba hôm nữa nhóm tổ chức hội thơ Tao Đàn. Tôi cũng đi.

Bà: Trời ạ! Bác sĩ yêu cầu sao ông không nghe? Ông là F0 COVID, điều trị xong về là phải cách ly 7 ngày tại nhà. Không thơ thì chết à? Ông ở nhà cho tôi.

Ông: Ơ hay? Ba hôm nữa vừa vặn hết hạn 7 ngày.

Bà: Nhóm thơ các ông cũng lạ. Sao không làm hội online cho khỏe? Già rồi mà còn liều lĩnh.

Ông: Thơ mà. Thế này này. Gặp mặt, ngắm hoa, thưởng trà, ngâm thơ. Thế mới thú chứ. Còn có họa thơ tác đối. Còn có tức cảnh sinh tình v.v. Nàng Thơ mà. Chứ dí mặt vào máy tính họp online thì còn gì là hội thơ nữa.

Bà: Mấy ông đến đó, lúc ngâm thơ bỏ khẩu trang. COVID! Đây là COVID! Ông hiểu không?

Ông: Đời người là có nhiều mặt, là phong phú, là đa dạng. Suốt ngày COVID với vắc-xin? Bà biết không? Chúng ta là người đang “sống”, chứ không chỉ là đang “tồn tại”.

Bà: Thôi ông đừng Tao cái gì Đàn nữa. Nếu mắc bệnh trở lại thì ông ở luôn với nàng Thơ của ông đi, đừng có về đây làm khổ tôi.

Ông: Đây là kỳ thị…

“Chiếp chiếp, chiếp chiếp,…”

Ông: Hai con chim nhà nuôi dạo này hay kêu thế nhỉ?

Bà: Tôi cũng thấy thế. Cứ như đang tranh luận điều gì. Hay thử qua đó nghe chút.

“Chúng ta là chim. Chim là sẽ bay. Sẽ đến một ngày, tôi sẽ dậy sớm mỗi sáng, uống sương trên cánh hoa, và bắt sâu trong lá,…” (Nguồn: Africa Studio/ Shutterstock)

– Bạn cứ suốt ngày bay bay nhảy nhảy, tôi nhìn thôi cũng phát mệt.

– Chúng ta là chim. Chim là sẽ bay. Sẽ đến một ngày, tôi sẽ dậy sớm mỗi sáng, uống sương trên cánh hoa, và bắt sâu trong lá,…

– Và cất tiếng hót lảnh lót của một con chim tự do, chứ không phải ngày ngày quanh quẩn trong lồng như chúng ta bây giờ. Tôi biết bạn mà. Từ bé đến lớn chỉ có hai ta ở đây. Nhưng bạn vẫn không hiểu à? Cuộc sống của chúng ta là ở đây. Bạn hãy giống tôi. Có thời gian thì hãy chăm chút cái tổ của mình. Tập bay nữa làm gì?

“Tạch!”

– Ôi chao! Bạn ngã rồi. Rõ khổ. Trong lồng nhỏ thế này tập bay sao được. Tôi giúp bạn sao bây giờ? Chiếp chiếp! Ông chủ! Bà chủ! Bạn tôi sái cánh rồi!…

Ba hôm sau.

– Ô hay! Bà chủ mới tháo băng cho bạn, cánh mới lành, mà bạn lại tập bay nữa! Hãy nghe tôi. Nghỉ ngơi khôi phục sức khỏe đi.

– Chúng ta là chim. Chim là sẽ bay…

– Tôi xin bạn!

– Sẽ đến một ngày, bà chủ quên khóa cửa lồng, và tôi sẽ sải cánh vươn tới bầu trời của mình,…

– Dừng! Tôi xin bạn! Dù bạn có thể trốn khỏi chiếc lồng này, thì sao chứ?

– Ý bạn là còn con mèo phơi nắng bậu cửa sổ, còn con chó gật gù chỗ hàng rào, còn con rắn náu mình dưới gốc cây? Không sao. Chúng ta là chim. Chim là sẽ bay.

– Bằng trình độ bay của bạn ư?

– Ta là chim. Ta “sống” bằng sương sớm trên cánh hoa và sâu núp trong lá. Chứ không phải “tồn tại” bằng nước trong cốc và gạo trong khay.

– Chúng ta chính là đang sống bằng nước trong cốc và gạo trong khay! Khi bạn gặp nạn, thì chính là bà chủ đã chữa cánh cho bạn. Bạn không biết ơn thì thôi, suốt ngày cứ mơ tưởng sẽ đến một ngày bà chủ quên khóa cửa lồng.

– Không phải vấn đề biết ơn hay không biết ơn. Mà vì chúng ta là chim.

– Không phải tất cả con chim đều bay. Gà và đà điểu chính là không bay.

– Chúng ta không phải gà, cũng không phải đà điểu. Bạn biết, ví dụ này không khớp mà.

– Chúng ta chính là không cần bay. Sống ở đây rất rốt. Cũng không gò bó gì. Thỉnh thoảng ông bà chủ xách lồng ra phố, và chúng ta cũng được ngắm cảnh, mở mang tầm mắt. Bạn cứ mạo hiểm liều lĩnh làm gì? Rồi lại khổ sang tôi. Bạn có biết ba ngày qua tôi lo cho bạn thế nào không? Tôi gầy đi trông thấy rồi đây này. Chúng ta đã đang sống trong hạnh phúc rồi sao bạn không biết? Đạo lý đơn giản thế sao bạn không hiểu?

– Chúng ta là chim. Đạo lý đơn giản thế sao bạn không hiểu?

“Ta là chim. Ta “sống” bằng sương sớm trên cánh hoa và sâu núp trong lá. Chứ không phải “tồn tại” bằng nước trong cốc và gạo trong khay.” (Nguồn: Wild Carpathians/ Shutterstock)

Ông: Xem ra cặp uyên ương nhà ta tranh luận đi vào ngõ bí rồi.

Bà: Kỳ thực, chúng rất yêu nhau. Nhưng vẫn là có những lúc cãi nhau dùi sừng bò như thế.

Ông: Mà đây không phải cá biệt. Nếu đến một gia đình khác, mà ở đó nuôi một cặp chim khác, thì cũng sẽ nghe được tranh cãi giữa chúng kiểu như thế này. Rất có thể sẽ như vậy, đúng không?

Bà: Đúng. Có thể chủ đề cụ thể sẽ khác. Ví như chải vuốt lông thế nào thì đẹp, hoặc lựa giọng hót thế nào mới hay, v.v. Nhưng đại thể thì cũng là thế này thôi.

Ông: Chim cũng như người. Không thể nào tất cả đều chung một sở thích, chung một quan điểm, chung một chí hướng, chung một lợi ích. Vậy mà, bà biết không, hằng bao nhiêu con chim như thế, nhưng chúng đều giống nhau: Chúng đều là những con chim trong lồng.

Bà: Đúng. Chúng đều đáng thương giống nhau cả thôi. Những con chim trong lồng.

Ông: (thở dài)

Bà: Chúng nên nhận ra điều ấy. Từ đó hiểu rằng những thứ đấu tranh thế này kỳ thực rất không đáng. Hãy để tâm vào làm sao sống với nhau cho tử tế, đùm bọc nhau qua khó khăn. Chứ không phải để tâm vào những cái này.

Ông: Tôi từng đọc sách của một bậc Đại Hiền Giả. Trong đó có đạo lý thế này. Khi chúng ta đang ở trong cuộc, hay đang ở trong mâu thuẫn, mà có thể biết lùi lại một chút, thì sẽ phát hiện rằng nhiều việc sẽ không khó giải như chúng ta nghĩ. Chứ nếu cứ cứng đầu đấu tranh, thì cuối cùng sẽ đi vào ngõ bí. Còn nếu chúng ta có thể thăng hoa về tư tưởng, biết đặt bản thân hoàn toàn ra ngoài sự việc, thì chúng ta sẽ nhìn ra lời giải hợp lý cho vấn đề.

Bà: Chúng ta nhìn ra được điều mà con chim rất khó nhìn ra, vì chúng vẫn nằm trong cuộc. Kỳ thật chúng không cần phải thật sự từ bỏ chí hướng hay lợi ích của riêng mình, mà vẫn có thể chung sống hài hòa.

Ông: Mấy ngày trước hồi ở trung tâm cách ly, có không ít bệnh nhân hiểu ra điều này. Có những người giúp đỡ nhiệt tình bệnh nhân khác, có những bệnh nhân khi khỏi bệnh ra về thì tặng những thứ như ấm đun nước, chậu nhựa, v.v. cho người ở lại. Đành rằng cử chỉ có thể nhỏ, vật chất có thể bé, nhưng tôi cảm thấy, nếu vẫn ở ngoài đời chứ không phải ở trung tâm cách ly, thì có lẽ họ không hành xử như thế.

Bà: Ngoài đời gặp F0 COVID thì tránh xa như tránh hủi.

Ông: Trong đó ai cũng là F0 cả. Hiểu ra, bỏ qua cho nhau những va chạm, mà biết đùm bọc giúp đỡ nhau. Tôi không rõ trung tâm khác thế nào, nhưng ở chỗ tôi là thế.

(Ảnh minh họa: Grassmemo/Shutterstock, Royalty-free stock photo)

Bà: Ngoài xã hội giờ không thế đâu. Gần đây có cái tin gì nhỉ? Người ta vì chút lợi nhỏ tí xíu, mà tranh đấu ghê lắm ông ạ. Cả đám trẻ em 5 tuổi, 7 tuổi cũng không tha.

Ông: Hả?

Bà: Xì-căng-đan gì đó, làm ầm ỹ cả lên. Người lớn bêu riếu nhau thì thôi, thế cả 5 đứa trẻ cũng bị họ lôi ra, bảo các cháu đó là hậu quả của loạn luân gì đó. Cả báo chí cũng đăng đầy.

Ông: Ác như thế?

Bà: Mà lùm xùm cả nửa năm, cả năm qua, cũng chẳng có bằng chứng gì. Theo luật thì đó là vu khống. Thế mà cũng làm ra được. Mà xuất phát điểm thì có gì đâu. Có một cái Tịnh Thất nào đó ngoài quốc doanh, hoạt động thế nào mà thu được tiền ủng hộ. Thời buổi mà chùa chiền xây càng ngày càng nhiều, càng ngày càng to, chùa nghìn tỷ nguy nga như cung điện thế này,…

Ông: Xây chùa thì liên quan gì việc này? Mà họ lấy tiền đâu mà xây chùa to nguy nga như bà bảo? Chi phí vận hành làm sao có?

Bà: Ông chả theo dõi tình hình thời sự gì cả. Ông muốn biết chi tiết tiền nong gì đó thì nghiên cứu đi. Nói dài lắm. Trước COVID thì nhà chùa chắc là hoạt động tốt. Đùng một cái COVID thế này. Thôi chi tiết thì ông tự tìm hiểu. Tóm lại là lúc khó khăn thế này, cái mô hình Tịnh Thất nho nhỏ hoạt động ngoài quốc doanh ấy thế nào mà vẫn có nguồn thu. Nếu để tự phát, thì không khéo mấy bữa nữa sẽ mọc ra nào là Đạo Tràng ABC, nào là Thiền Am XYZ, v.v. Tóm lại là người lớn đấu đá với nhau. Nhưng mà chả hiểu sao lại lôi trẻ em vào. Chỗ Tịnh Thất đó có gần chục cháu bé. Các cháu sau này lớn lên thì sao? Tương lai thế nào?

Ông: Cùng là con người với nhau cả mà làm thế thì quá mức rồi. Nhưng tôi không hiểu mấy thứ kiểu này ngoài xã hội đâu.

Bà: Trong đầu của ông, ngoài nàng Thơ ra thì còn ai nữa không? À mà tí quên. Hôm nay là ngày hội thơ Tao Đàn, đúng không?

Ông: Ờ ờ, mấy hôm nay, tôi nghĩ lại rồi, thôi thì tôi cũng chiều bà…

Bà: Đến giờ rồi, ông đi đi kẻo muộn. Mấy giờ ông về?

Ông: Hả? Chín giờ tối về.

Bà: Ừ. Lúc đó tôi sẽ làm sẵn món cháo tim bầu dục mà ông thích rồi cùng ăn khuya nhé.

Ảnh minh họa (Nguồn: Imtmphoto/ Shutterstock)

Thiên Đức

Xem thêm:

Thiên Đức

Published by
Thiên Đức

Recent Posts

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

4 phút ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

30 phút ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

1 giờ ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

1 giờ ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

2 giờ ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

2 giờ ago