Dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ do virus corona mới năm 2019 (COVID-19) đã khiến đời sống của người Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề, hiện đã thành dịch bệnh toàn cầu, đe dọa toàn thế giới. Cùng với nỗ lực phòng trị virus, giới chuyên gia cũng đang nghiên cứu loại virus này đến như thế nào? Nguồn gốc ở đâu? Dưới đây là bài viết của tác giả Tào Trường Thanh, được lược dịch từ Tạp chí “Nhìn” (Kan) Đài Loan số tháng 3/2020. Bài viết đại diện cho quan điểm và lập trường của cá nhân tác giả.
Người đàn ông đeo khẩu trang đẩy một người ngồi xe lăn băng qua đường phố ở Vũ Hán. Hình chụp ngày 4/3/2020 (Nguồn: STR/AFP/Getty Images).
Thị trường hải sản Vũ Hán (có động vật hoang dã truyền nhiễm virus) là địa bàn sớm nhất nằm trong nghi vấn, sau đó đến phòng thí nghiệm virus P4 tại Vũ Hán và phòng thí nghiệm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán – nơi có bối cảnh quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bị nhiều chuyên gia nước ngoài nghi ngờ có thể là nguồn gốc của virus. Điều này tương tự như dịch SARS năm 2003, ban đầu virus truyền nhiễm được cho là có nguồn gốc từ động vật hoang dã, sau đó Nhật báo Nhân Dân của ĐCSTQ có công bố bài viết thừa nhận virus SARS là do rò rỉ trong phòng thí nghiệm gây ra dịch bệnh.
Bất kể kết quả cuối cùng được xác định ra sao, trách nhiệm gây thảm họa vẫn chính là do tình trạng bất cập của thể chế gây ra: nếu là thị trường động vật hoang dã, đó là vấn đề về quản lý. Trung Quốc từ lâu đã ban hành các quy định quản lý động vật hoang dã, tại sao chính quyền Vũ Hán không kiểm tra, không ngăn chặn, không cấm “thị trường động vật hoang dã”? Nếu virus là do “rò rỉ” từ Viện Nghiên cứu Virus giống như trước đó dịch SARS đã “giết chết” hơn 700 người trên toàn cầu, vậy thì tại sao lại tái phạm “rò rỉ”? Lẽ nào đây không phải vấn đề quản lý của ĐCSTQ?
Nghiêm trọng hơn nữa là ngay từ ban đầu khi dịch bệnh được phát hiện (đầu tháng 12/2019), chính quyền ĐCSTQ đã luôn che giấu, thậm chí bắt giữ 8 bác sĩ đã đưa ra những cảnh báo sớm nhất với tội danh tung tin đồn nhảm. Cho đến ngày 23/1 khi Vũ Hán phải phong tỏa thành phố thì vụ việc đã bị trì hoãn gần hai tháng. Thị trưởng Vũ Hán cho biết, thời gian này khoảng 5 triệu người đã rời Vũ Hán, trở thành nguồn lây nhiễm, lan rộng ra tất cả các tỉnh thành ở Trung Quốc, sau đó đã ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới.
Ai ra lệnh che giấu? Hiện nay có thể xác định là Tập Cận Bình, lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ. Truyền thông của ĐCSTQ cho biết vào ngày 7/1 Tập Cận Bình đã tổ chức họp Ban Thường vụ Bộ Chính trị để thảo luận về dịch bệnh. Thị trưởng Vũ Hán cho biết ông ta đã báo cáo tình hình dịch bệnh cho trung ương nhưng không được sự chấp thuận của cấp trên nên không thể công khai. “Cấp trên” này rõ ràng là Tập Cận Bình. Bởi vì sau dịch SARS vào năm 2003, ĐCSTQ đã thiết lập cơ chế để báo cáo trực tiếp tình hình dịch bệnh cho chính quyền trung ương. Như vậy ngay từ đầu Tập Cận Bình đã biết dịch bệnh, nhưng cố tình che giấu. Thậm chí ngay cả khi phải phong tỏa toàn Vũ Hán nhưng Tập Cận Bình vẫn chỉ thị nhấn mạnh phải ổn định chính trị và ổn định xã hội, nghĩa là cân nhắc hàng đầu là giữ ổn định. Giữa lúc dịch bệnh bùng phát nguy cấp như vậy, nhưng điều ông ta quan tâm nhất không phải sinh mạng con người, mà là vấn đề ổn định quyền lực, ổn định vai trò thống trị của ĐCSTQ. Động thái cho thấy cốt lõi của chế độ cộng sản Trung Quốc: chế độ chuyên chế là trên hết, dưới chế độ này thì mạng người chẳng qua chỉ là những con số.
Với việc ĐCSTQ chính thức thừa nhận số người nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc là hơn 80.000 người, hơn 2.000 người thiệt mạng (con số thực tế chắc chắn lớn hơn nhiều), trong tình trạng dịch bệnh hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát như vậy nhưng chính quyền Tập Cận Bình vẫn từ chối cho chuyên gia hàng đầu của Mỹ tham gia hỗ trợ. Có bao nhiêu sinh mạng đã bị mất cơ hội được cứu! Từ việc che giấu dịch bệnh trong gần hai tháng cho đến từ chối cho chuyên gia Mỹ cứu giúp, số nhân mạng chết vì Tập Cận Bình là vô số, ông ta đã phạm tội chống lại loài người, đáng bị đưa đến Nuremberg để xét xử! Tập Cận Bình đã thay đổi chế độ lãnh đạo tập thể của ĐCSTQ thời hậu Mao Trạch Đông, biến thành tập trung quyền lực độc tôn vào tay ông ta, hơn nữa còn không bao giờ nghỉ hưu, do đó chịu trách nhiệm lớn nhất trong đại dịch này là Tập Cận Bình.
Dịch bệnh một lần nữa chứng minh rõ tác hại nghiêm trọng của chế độ toàn trị. Từ nguồn virus (vấn đề của hệ thống quản lý) đến việc che giấu dịch bệnh (lợi ích của Đảng và Nhà nước đứng trên nhu cầu bảo vệ tính mạng của người dân), đã chứng minh rằng thể chế toàn trị không chỉ không có khả năng giúp con người tránh được thảm họa, mà thậm chí còn tạo ra thảm họa liên miên.
Ngoài những tệ hại ở cấp độ thể chế, dịch bệnh ở Vũ Hán cũng đã phơi bày những hành vi tệ hại của người dân Trung Quốc ở tất cả các giới. Trước tiên là cảnh sát, an ninh, ngoài ra là giới nhân viên phòng chống dịch bệnh được đeo phù hiệu đỏ (nhiều người trong đó chỉ là những nhân viên tạp vụ đường phố), khi buộc mọi người cách ly họ đã ứng xử thô lỗ, chửi rủa, thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay, cách ứng xử man dại không khác gì Gestapo của phát xít Đức thời trước.
Nhưng trong hành vi cách ly tự phát của người dân cũng cho thấy bản chất ích kỷ lộ rõ của đông đảo dân chúng, họ bất chấp đạo lý, thậm chí thiếu ý thức cơ bản về đạo làm người. Tại không ít thôn làng hoặc thị trấn, người dân tự phong tỏa chặn đường, xây tường rào, đào đường; những người Vũ Hán từ bên ngoài đến bị bao vây, bị phân biệt đối xử, thậm chí bị hành hung, xem họ là nguồn truyền virus. Nhân tính, nhân đạo, nhân tâm biến mất; lòng trắc ẩn, lòng cảm thông giữa người với người không còn. Dịch bệnh đã phơi bày thế nào gọi là “người Trung Quốc xấu xí”.
Nhân dân nào Chính phủ đó. Chế độ chuyên chế được duy trì nhờ vào ngu dân. Đằng sau tố chất kém của người Trung Quốc là văn hóa độc tài của ĐCSTQ, văn hóa tạo nên con người. Bộ máy chính trị độc tài khích lệ thứ văn hóa này. Đây là ba vòng luẩn quẩn ác ôn ở Trung Quốc: chế độ chuyên chế, văn hóa lạc hậu, tố chất làm người kém. Chế độ độc tài độc tôn văn hóa Đảng, loại văn hóa thấp kém này đã định hình nên dân của vua/dân của bạo chúa/dân của Tập Cận Bình (nghĩa là không có công dân), còn loại người tố chất thấp kém này chấp nhận và ủng hộ chế độ tà ác.
Dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ làm nổi bật lên ba vấn đề làm hủy hoại sự sống, hủy hoại loài người ở Trung Quốc là: thể chế, văn hóa, tính người. Làm thế nào để hóa giải vòng luẩn quẩn ác ôn này? Tất nhiên cái gốc nằm trong văn hóa, chỉ có văn hóa mới, văn hóa của tính người mới có thể định hình được con người mới coi trọng cuộc sống, nhân phẩm và tự do. Nhưng để có được văn hóa này, tiền đề là phải chấm dứt tình trạng Đảng bao trùm tất cả, vì chế độ toàn trị là chiếc ô của văn hóa Đảng. Không thay đổi thể chế, giữ mãi tình trạng độc quyền của văn hóa Đảng, thổ nhưỡng văn hóa không thay đổi sẽ không có con người mới. Do đó, thay đổi chế độ không chỉ là vấn đề cấp bách, mà còn là điều kiện tiên quyết cho mọi thay đổi.
Ngoài ra, về mặt thời gian và tốc độ, thay đổi văn hóa và định hình con người mới là một quá trình lâu dài. Sự thay đổi văn hóa không phải muốn là được trong thời gian ngắn, mà đó là quá trình tích lũy gạn lọc, trăm hoa đua nở, cạnh tranh lẫn nhau, cho đến kết quả cuối cùng là tiến bộ chiến thắng trước hủ bại, bao gồm bảo tồn những phần tốt đẹp của văn hóa truyền thống Trung Quốc, thay đổi thực trạng xóa nhòa con người cá nhân, kiểm soát đặc quyền đặc lợi một một nhóm cá nhân. Văn hóa không thể thực hiện kiểu như Cách mạng Pháp, hay như Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, dùng quyền lực chính trị (thậm chí vũ lực) để gây đảo lộn, mà đó là một quá trình dần dần, chọn lọc và tích hợp, cần có thời gian.
Còn khác biệt về thể chế, nền thống trị chuyên chế có thể bị lật đổ và kết thúc trong một khoảng thời gian ngắn. Như chế độ Cộng sản Liên Xô cũ có lịch sử hơn 70 năm, sau khi nhân dân Nga đứng lên chống lại thì chỉ ba ngày là sụp đổ. Các chế độ Cộng sản ở các nước Đông Âu cũ theo mô hình này cũng đồng loạt kết thúc. Chỉ khi xóa bỏ được thực trạng Đảng bao trùm tất cả mới có thể tạo điều kiện cho sự gia nhập của văn hóa và chế độ dân chủ phương Tây. Do đó, bất kể đó là vấn đề thời gian hay vấn đề tiền đề, việc kết thúc chế độ cộng sản Trung Quốc phải và phải là ưu tiên hàng đầu, là mục tiêu quan trọng nhất.
Dịch bệnh Trung Quốc một lần nữa cảnh báo cho người dân Trung Quốc và những người trên thế giới vẫn còn mơ mộng về chế độ độc tài Cộng sản Trung Quốc: nguồn gốc của virus không phải là thị trường hải sản hoang dã, và nguyên nhân chính không phải là phòng thí nghiệm virus, mà là Trung Nam Hải, là trái đắng của chế độ gây ra. Chỉ khi kết thúc tình trạng Đảng bao trùm ngự trị, thay đổi căn bản từ cấp độ thể chế, xây dựng nền dân chủ lập hiến, đảm bảo tự do báo chí và ngôn luận, khi đó mới hạn chế được tình trạng quản lý kém dẫn đến rò rỉ và lây lan virus SARS cũng như ‘viêm phổi Vũ Hán’, mới chấm dứt được tình trạng có những kẻ độc tài như Tập Cận Bình che giấu dịch bệnh, người Trung Quốc mới có thể sống có tự do, khỏe mạnh, giữ được tôn nghiêm phận người.
Cuối cùng, thảm họa dịch bệnh này có bao nhiêu khả năng thay đổi thực trạng cai trị độc tài của ĐCSTQ, trước hết phụ thuộc vào mức độ mà người Trung Quốc thực sự thức tỉnh. Không thể thức tỉnh thì không có can đảm để lật đổ chế độ chuyên chế. Chỉ khi thảm họa trở thành bước ngoặt, mang lại cơ hội, khi đó sự mất mát của bao nhiêu sinh mạng mới không uổng công vô nghĩa.
Tào Trường Thanh
Xem thêm:
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…