Một thẩm phán Brazil đã đảm trách một trong những vụ kiện khó khăn nhất trong sự nghiệp của bà – một cậu thanh niên 18 tuổi đã kiện người cha xa cách của mình tội “ruồng bỏ cảm xúc” của con cái. Cậu không đòi hỏi cha bồi thường về tài chính, mà chỉ cần một lời phán quyết công bằng từ thẩm phán để cậu có thể tiếp tục sống tiếp mà không bị nỗi đau tinh thần đè nén.
Gabriela Jardon, một thẩm phán của Toà án Liên bang Brazil, gần đây đã kể lại chi tiết một trong những trải nghiệm xúc động nhất trong sự nghiệp của bà. Một cậu thanh niên 18 tuổi tên gọi Roberto đã cáo buộc người cha luôn công tác xa nhà của mình phải chịu trách nhiệm vì tội bỏ mặc cậu, không đếm xỉa gì tới tình cảm của con trai cũng như đáp lại tình cảm của cậu.
Lớn lên trong sự vắng bóng của người cha dường như đã gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng cho cậu thanh niên này. Ngay khi vừa đủ tuổi theo luật định, cậu đã kiện cha mình ra tòa, cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm cho những gì mà ông đã gây ra cho cậu.
Đăng trên mục pháp luật của trang web Tin tức Brazil Metropoles, Thẩm phán Jardon giải thích rằng bà đã bước vào phòng xử án với suy nghĩ đã được đóng khung trong đầu, rằng bạn không thể ép buộc ai đó phải yêu thương bạn, vậy nên không có cách nào để buộc nó phải xuôi theo hướng mà nguyên đơn mong muốn.
Người cha vô cảm này đã giải thích cho hành vi của mình, ông nói: “Thưa thẩm phán, tôi không thể bị buộc phải yêu thương một ai đó. Tôi luôn chu cấp đầy đủ tài chính cho con, còn những thứ khác tôi không lo toan được nhưng cũng không thể bị bắt ép phải làm.“
(Ảnh minh họa)
Khi đến lượt cậu bé trình bày trước tòa, vị thẩm phán đã nói với người cha rằng ông có thể rời khỏi phòng xét xử, nhưng cậu bé nhất quyết đòi cha cậu ở lại. Thẩm phán Jardon cho hay lúc đó cậu bé bật khóc, và mặc dù vốn nói năng rất trôi chảy, nhưng lúc này cậu bé không thể nói nổi một câu hoàn chỉnh bởi đang khóc nức nở không kiểm soát được.
Cậu bé bắt đầu liệt kê tất cả những thống khổ phải chịu đựng khi phải ở trong hoàn cảnh là một đứa trẻ “mồ côi” mặc dù cha mẹ cậu vẫn đang sống. Cha cậu luôn đồng ý sẽ đi họp phụ huynh ở trường học cho cậu nhưng ông không bao giờ xuất hiện, các cuộc điện thoại của cậu không có người bắt máy, những ngày Chủ Nhật trống trải luôn thấp thỏm chờ cha đến thăm,…
Cậu bé chia sẻ rằng quãng thời gian cha cậu vắng mặt trong cuộc đời cậu đã quá sức chịu đựng của cậu, cậu đã phải gọi cho cha đề nghị được gặp mặt, cậu đã cầu xin và gắng sức năn nỉ cha, nhưng không thành. Cha đã cúp máy và không trả lời các cuộc gọi của cậu, thậm chí còn không ghé thăm cậu khi cậu bị ốm nặng.
Thẩm phán cho hay bà đã vô cùng chấn động, không chỉ bởi sự can đảm của cậu bé khi dám đối mặt nói ra tất cả những điều chất chứa trong lòng trước mặt cha mình, và cậu bé còn liên tục khẳng định rằng ông cần phải nghe những lời đó, mà còn bởi chính trái tim vô cảm của người cha khi nghe những điều từ tận đấy lòng mà cậu con trai thổ lộ. Trong ánh mắt của người cha “không hề toát lên một tia yêu thương nào”, Jardon nhận xét.
Roberto nói rằng cuối cùng cậu đành phải tìm cách “giết chết” hình ảnh người cha trong tâm trí mình cốt để cậu có thể có một cuộc sống bình thường. Giờ cậu đang theo học đại học, đã có bạn gái, rất nhiều bạn bè, nhưng vẫn cảm thấy mình sẽ mắc nợ chính mình nếu không đưa cha ra tòa và buộc ông phải chịu trách nhiệm về việc đã quá vô tâm với con cái. Cậu đã đưa ra quyết định này mặc dù mẹ cậu không đồng ý, và cậu cũng không hề yêu cầu cha cậu bồi thường về tài chính, mà chỉ mong muốn tòa án có một phán quyết để chỉ ra lỗi lầm của người cha hoặc chí ít để cho cha cậu cảm thấy có lỗi vì đã quá vô tâm với con trai mình.
Gabriela Jardon đã không tiết lộ lời tuyên án của mình trong trường hợp này. Mặc dù về pháp luật, nếu cha mẹ hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với con cái thì họ không hề vi phạm pháp luật, tuy nhiên, bà viết rằng lời cầu xin tình cảm của Roberto đã làm cho bà phải suy nghĩ lại về sự công bằng của luật pháp, và điều gì thực sự là sợi dây gắn kết thực sự giữa cha và con.
“Pháp luật không quy định nghĩa vụ bắt buộc ai đó phải yêu thương ai, nhưng người làm cha làm mẹ phải có bổn phận của đấng sinh thành. Thậm chí dù không yêu thương, bạn vẫn phải chăm sóc con cái của mình, hãy ở bên chúng, và điều đó có ý nghĩa hơn nhiều việc trợ cấp tiền để nuôi con”, Jardon viết.
Vụ kiện hiếm hoi và có phần kỳ lạ này khiến những bậc làm cha mẹ cần phải thực sự suy xét xem trách nhiệm thực sự của mình với con cái là gì, liệu nó có chỉ đơn giản là chu cấp tài chính theo quy định của luật pháp hay không? Rõ ràng là không ai có thể ép bạn phải yêu thương con cái, nhưng cũng không ai cho bạn quyền được phép gây ra những vết sẹo trong tâm hồn chúng.
Theo Odditycentral
Minh Huyền
Xem thêm:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…