Chiều cao của con trở thành nỗi ám ảnh của không ít phụ huynh Trung Quốc khiến họ tìm đủ mọi cách từ thể thao, chế độ ăn uống hay chi hàng trăm nghìn Nhân dân tệ tiêm hormone tăng trưởng cho trẻ.
Từng chỉ có chiều cao khá khiêm tốn giống như hầu hết các quốc gia Châu Á, nhiều năm trở lại đây, số lượng thanh niên Trung Quốc chạm đến ngưỡng chiều cao trung bình của châu Âu không hề hiếm.
Tăng trưởng chiều cao có thể được coi là hiệu ứng tích cực xuất phát từ việc nền kinh tế nước này có bước nhảy vọt suốt 4 thập kỷ qua nhưng hình ảnh những cô gái cao lênh khênh trên phố đi bộ hay những cậu trai cao trên 1m80 trong các bộ phim học đường khiến không ít bậc phụ huynh cảm thấy ám ảnh, lo lắng vì chiều cao của con mình.
Những bài thể dục, chế độ ăn hay thực phẩm chức năng an toàn nhưng cho tác dụng chậm ngày càng khó thỏa mãn mục tiêu con cái có ‘chiều cao như Tây’ của không ít phụ huynh Trung Quốc.
Nhiều người bắt đầu chi không ít tiền tiêm hormone tăng trưởng cho con để điều trị chứng thấp lùn. Tuy nhiên, cơn sốt tăng chiều cao bằng tiêm hormone kéo theo cuộc tranh cãi về giá cả tăng nhanh và liệu chúng có đang bị lạm dụng?
Khi con gái lên 5 tuổi, cô Li sống tại Tô Châu nhận thấy con mình đứng lọt thỏm trong bức ảnh chụp với bạn bè cùng lớp. Mặc dù đã thay đổi thực đơn giàu dinh dưỡng và canxi hơn nhưng mọi thứ chẳng khác gì mấy khi con cô chỉ cao thêm 1 cm ở tuổi thứ 8. Cô bé thấp hơn mức trung bình của bạn bè khoảng 20 cm khiến nhiều người lầm tưởng bé đang học mẫu giáo.
Sau vài tháng tìm hiểu, cô Li quyết định cho con gái tiêm mũi hormone tăng chiều cao đầu tiên. Sau một năm, gia đình đã chi 100.000 Nhân dân tệ (hơn 355 triệu đồng) giúp cô bé cao thêm 12 cm. Mặc dù là một khoản tiền lớn so với mức thu nhập, nhưng cô Li cảm thấy xứng đáng với những gì con gái cô nhận được.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng nhận được kết quả như ý. Cô Zhang cũng quyết định thắt lưng buộc bụng dành tiền tiêm mũi hormone cho con sau khi chiều cao của bé chỉ là 120 cm khi vào lớp 3.
Ban đầu, mọi việc có vẻ khá thuận lợi khi sau 3 tháng, con cô đã cao thêm 2,8 cm và bác sĩ nói rằng các chỉ số thể chất đều bình thường. Nhưng cô Zhang chỉ vui mừng đến tháng thứ 5 khi cháu bé được phát hiện có dị tật phát triển và phải tiêm thuốc ức chế để kiểm soát sự phát triển bất thường này, khiến 130.000 tệ của cô coi như bị ném ra ngoài cửa sổ.
Bệnh viện Nhi của Trường Đại học Y khoa Chiết Giang cho biết hôm 4/8 đã tiếp nhận một trường hợp mẹ đưa con đến “phòng khám tăng chiều cao”. Lý do là trong một năm qua, người mẹ này đã chi tới 480.000 tệ phí điều trị nhưng con chỉ cao thêm 1 cm.
Trong khi ưu nhược điểm thực sự của hormone còn đang là vấn đề gây tranh cãi, nhu cầu cải thiện chiều cao đã thổi bùng sự phát triển của thị trường hormone tăng chiều cao ở Trung Quốc. Các loại hormone cũng đa dạng về chủng loại (có cả dạng nước và dạng bột) lẫn giá thành.
Hiện giá của một chai chất lỏng tăng chiều cao tác dụng kéo dài là khoảng 4.300 tệ và sẽ còn tiếp tục tăng. Lý do được cho là có 2 nguyên nhân chính, đầu tiên là việc nhiều phụ huynh đã quá đề cao tác dụng của hormone tăng chiều cao, đồng thời xem nhẹ tác dụng phụ và lạm dụng nó trong thời gian dài. Mặt khác, một số đơn vị y tế lợi dụng lợi ích kinh tế, thúc đẩy bác sĩ kê thêm hormone tăng chiều cao với mức chiết khấu cao, tạo ra hiện tượng thổi giá.
Hoài Anh
Xem thêm:
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…