Vấn nạn suy giảm nam tính của đàn ông Châu Á
- Hoài Anh
- •
Các gia đình Châu Á thường mong muốn sinh con trai để nối dõi tông đường nhưng các bé trai đang ngày càng có xu hướng “nữ tính” hơn và gây ra các hệ quả nghiêm trọng.
Tờ SCMP hôm 2/2 đưa tin, các lãnh đạo ngành giáo dục Trung Quốc vừa ban hành một số quyết sách yêu cầu tăng cường giáo viên nam và thời lượng các lớp học thể chất và cải thiện phương pháp dạy nhằm giúp các nam sinh “nam tính” hơn.
Đây là một động thái điển hình đáp lại thông điệp của cố vấn chính trị Si Zefu. Ông Si chỉ trích các phụ nữ trong gia đình như mẹ, bà và các nữ giáo viên nuông chiều trẻ trai, khiến chúng ngày càng nữ tính, yếu ớt, nhút nhát và thiếu bản lĩnh.
Trong một tài liệu, Si đánh giá đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng và kêu gọi chống lại vấn đề này đặc biệt là các giáo viên nam. Ông nhấn mạnh rằng các bé trai cần được rèn luyện để có thể đối mặt với khó khăn, thách thức, để lập nghiệp, gánh vác trọng trách với gia đình, xã hội và bảo vệ đất nước khi có biến cố.
Nỗ lực thúc đẩy sự nam tính ở các nam sinh cũng từng được nhắc đến trong quá khứ tại Trung Quốc. Năm ngoái, poster nhóm nhạc Trung Quốc S.K.Y. ở cuộc thi marathon tại Hàng Châu bị gỡ xuống sau khi các vận động viên nói rằng các chàng trai với mái tóc nhuộm và lớp trang điểm dày “không đủ nam tính” để đại diện cho sự kiện.
Năm 2018, một trường trung học cơ sở ở Hàng Châu đã mở các lớp học leo núi bởi hiệu trưởng tin rằng: “Trẻ trai quá yếu, chúng cần một môn thể thao nam tính”.
Một số ý kiến trên mạng cho rằng nam giới hiện đại cần giúp đỡ phụ nữ việc nhà nhưng sự nữ tính hóa quá mức là nguy cơ, nó không chỉ là vấn đề của riêng Trung Quốc mà có thể được xem là một vấn nạn toàn châu Á.
Khác với thế hệ trước, thay vì ngưỡng mộ những người đàn ông bản lĩnh, tháo vát, lịch lãm…, giới trẻ khắp Châu Á ngày nay có xu hướng bị thu hút với các mẫu hình kiểu các nam thần tượng K-Pop với đặc trưng phổ biến là khuôn mặt trắng, tóc nhuộm và thoạt nhìn dễ nhầm là nữ giới.
Một khảo sát của GlobalData cho thấy có đến 75% đàn ông ở Hàn Quốc đam mê làm đẹp với việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc hoặc da đều đặn hàng tuần, 30% trong số đó từng lui tới thẩm mỹ viện. Tại Thái Lan, ước tính hơn 30% dân số là người chuyển giới và con số này đang tiếp tục gia tăng.
Hệ quả đầu tiên của sự nữ tính hóa quá mức là việc lười lao động và ỷ lại của giới trẻ vào thế hệ trước. Theo số liệu từ viện nghiên cứu và đào tạo Thống kê Nhật Bản năm 2016, nước này có khoảng 4,5 triệu người trong độ tuổi từ 35 đến 54 vẫn sống cùng và phụ thuộc tài chính vào cha mẹ. Giờ đây, khi không có khoản lương hưu, trợ cấp xã hội hay tiền tiết kiệm, những người này sống quanh quẩn ở nhà đang trở thành một gánh nặng với phúc lợi xã hội, vốn đã chịu nhiều áp lực từ dân số già và lực lượng lao động giảm sút.
Việc nữ tính hóa ở các nam thanh niên cũng góp phần khiến tỷ lệ sinh giảm sút. Ngại dấn thân, lười lao động và quen được bao bọc khiến khoảng cách thu nhập giữa nam giới và nữ giới ngày càng thu hẹp, những người như vậy có xu hướng bị nữ giới xem thường, sự kém tự tin để chinh phục người nữ giảm đi và áp lực tài chính khi bước vào hôn nhân khiến nhiều nam giới chọn sống độc thân.
Các vấn đề về tâm lý cũng được ghi nhận gia tăng. “Những bông tuyết mỏng manh” là thuật ngữ được sử dụng phổ biến khi nhắc tới một bộ phận giới trẻ ngày nay. Sự bao bọc quá mức khiến nhiều người không thể đương đầu với áp lực công việc và dễ dàng suy sụp trước các vấn đề cuộc sống phải đối mặt. Ở Việt Nam, nghiên cứu của viện sức khỏe tâm thần cho thấy có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần và tại Singapore, cứ 7 người sẽ có 1 người mắc bệnh tâm lý.
Trong cuốn “Ma quỷ đang thống trị thế giới của chúng ta“, chương 7 về ‘Gia đình‘, có viết:
“Trong văn hóa truyền thống phương Đông và phương Tây, hôn nhân là do Thần định đoạt, do “Ông Trời tác hợp”, không thể hủy bỏ. Nam giới và nữ giới đều do Thần tạo ra dựa theo hình tượng của bản thân mình, đều là những chúng sinh bình đẳng trước Thần. Nhưng Thần đồng thời cũng tạo nên sự khác biệt về sinh lý giữa nam và nữ, quy định ra những vai trò khác nhau của nam và nữ.
Trong quan niệm truyền thống phương Tây, người phụ nữ được tạo ra từ xương của người đàn ông, từ thịt người đàn ông. Người chồng phải yêu thương, bảo vệ vợ mình giống như bảo vệ thân thể của mình vậy, thậm chí sẵn sàng “xả thân” để bảo vệ cho vợ. Còn người phụ nữ cũng phải phối hợp và trợ giúp chồng, để cho “hai vợ chồng như một”. Nam giới chịu trách nhiệm vất vả làm lụng nuôi gia đình; phụ nữ “mang nặng đẻ đau”, đều có nguyên nhân từ những tội lỗi khác nhau của con người.
Tương tự, trong văn hóa truyền thống phương Đông, nam giới là dương, tượng trưng cho trời và mặt trời, không ngừng vươn lên, gánh vác trách nhiệm, dầm mưa dãi nắng, bảo vệ gia đình vượt qua khó khăn. Nữ giới là âm, tượng trưng cho đất, lấy đức dày mà chở vạn vật, phải mềm mỏng, biết chăm lo cho mọi người, có nghĩa vụ trợ giúp chồng, dạy dỗ con cái. Nam nữ mỗi người làm tốt vai trò của mình mới có thể đạt được âm dương hòa hợp, con cái mới có thể trưởng thành một cách lành mạnh.
Gia đình truyền thống phát huy chức năng truyền thừa tín ngưỡng, đạo đức, và duy trì ổn định xã hội. Gia đình là cái nôi, là sợi dây gắn kết, truyền thừa các giá trị. Người thầy đầu tiên trong cuộc đời đứa trẻ chính là cha mẹ. Nếu đứa trẻ qua lời nói và cử chỉ mẫu mực của cha mẹ mà học được những đức tính truyền thống tốt đẹp như vô tư, khiêm tốn, biết ơn, kiên nhẫn, như vậy nó sẽ được lợi ích suốt đời.
Cuộc sống hôn nhân truyền thống cũng giúp nam giới và phụ nữ cùng phát triển lành mạnh về mặt đạo đức. Nó đòi hỏi người chồng và người vợ phải có thái độ hoàn toàn mới đối với tình cảm và dục vọng của bản thân, biết quan tâm, bao dung lẫn nhau. Điều này khác biệt rất lớn về bản chất so với việc sống chung, hai người vui vẻ thì ở với nhau, không vui vẻ thì chia tay, kiểu quan hệ này không khác gì quan hệ bạn bè thông thường, cũng không cần ràng buộc bởi hôn nhân.”
Hoài Anh
Xem thêm:
Từ khóa nữ tính hóa nam tính Đồng tính Suy giảm nam tính Đàn ông Châu Á Nữ quyền hôn nhân truyền thống